Các nước thành viên ASEAN cần tăng cường đoàn kết nội khối

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 17:08, 05/06/2024

Tiến sỹ Yose Rizal Damuri nhận định ASEAN cần tăng cường đoàn kết nội khối, hội nhập kinh tế, vun đắp quan hệ chính trị sâu sắc hơn và thể hiện lập trường thống nhất trong nhiều vấn đề quan trọng.
Tiến sỹ Yose Rizal Damuri, Chủ tịch mạng lưới ASEAN-Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Malaysia (ISIS). (Nguồn: asean.org)
Tiến sỹ Yose Rizal Damuri, Chủ tịch mạng lưới ASEAN-Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Malaysia (ISIS). (Nguồn: asean.org)

Các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần tăng cường đoàn kết nội khối, tăng cường hội nhập kinh tế, vun đắp quan hệ chính trị sâu sắc hơn và thể hiện lập trường thống nhất trong nhiều vấn đề quan trọng.

Đây là nhận định của Tiến sỹ Yose Rizal Damuri, Chủ tịch mạng lưới ASEAN-Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Malaysia (ISIS) năm 2024, đưa ra ngày 5/6.

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, phát biểu khai mạc Hội nghị bàn tròn châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 37 (37 APR), Tiến sỹ Damuri nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là thông qua khuôn khổ ASEAN, trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu.

Ông Damuri cho rằng trong bối cảnh những thách thức địa chính trị và kinh tế leo thang hiện nay, ASEAN cần phải áp dụng những biện pháp cấp bách hơn. Ông đề xuất ASEAN duy trì vai trò và tính trung tâm của tổ chức; đồng thời bảo vệ sự ổn định, hòa bình, thịnh vượng và khả năng phục hồi của khu vực.

Đề cập vai trò của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ông Damuri cho rằng khu vực này có tiềm năng dẫn đầu trong việc hình thành trật tự thế giới mới, ủng hộ chủ nghĩa đa phương, tìm kiếm các giải pháp giải quyết xung đột một cách hòa bình và thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Theo ông, những mục tiêu này có thể được hiện thực hóa thông qua ASEAN.

Chuyên gia này cũng cho rằng Hội nghị Cấp cao Đông Á, quy tụ các nhà lãnh đạo từ Đông Á và các nước Thái Bình Dương, có thể là điểm khởi đầu để thảo luận về sự phát triển và cách tìm giải pháp trước những thách thức trong lĩnh vực kinh tế.

Bên cạnh đó, theo ông, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng có thể thúc đẩy khái niệm toàn diện về an ninh kinh tế và khả năng phục hồi.

Hội nghị bàn tròn châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 37 do ISIS tổ chức từ ngày 4-6/6 với chủ đề "Khủng hoảng trong thời kỳ giao thoa." Sự kiện thường niên này thu hút hơn 300 học giả tham dự.

Hằng Linh