An Giang: Tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải của Việt Nam và Campuchia
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 14:51, 05/06/2024
Sáng 5/6, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh An Giang Ngô Công Thức cho biết Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Lê Văn Phước vừa ký văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị sớm cho phép cặp cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương- Kaam Samnor được thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Campuchia.
Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải thương mại và phi thương mại liên vận của doanh nghiệp hai nước thông qua cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương-Kaam Samnor vào hoạt động chính thức.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh An Giang Ngô Công Thức, cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sông Vĩnh Xương có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh An Giang nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh phía Nam nói chung.
Cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sông Vĩnh Xương kết nối với các đô thị trong vùng Tây Nam Bộ, như Châu Đốc, Long Xuyên (tỉnh An Giang), thành phố Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời kết nối các nước trong khối ASEAN.
Ngày 23/02/2023, tỉnh An Giang (Việt Nam) đã phối hợp với tỉnh Kandal (Campuchia) tổ chức Lễ công bố khai trương cửa khẩu quốc tế đường bộ Vĩnh Xương và hợp nhất với cửa khẩu quốc tế đường sông Vĩnh Xương thành cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sông Vĩnh Xương, đồng thời chính thức đưa vào sử dụng cặp cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương-Kaam Samnor.
Sau khi được mở mới và hợp nhất với cửa khẩu quốc tế đường sông Vĩnh Xương thành cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sông Vĩnh Xương (theo Nghị quyết số 146/NQCP ngày 26/11/2021 của Chính phủ), thì cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sông Vĩnh Xương hội đủ căn cứ pháp lý để thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ Việt Nam-Campuchia.
Tuy nhiên đến nay, Thông tư số 37/2023/TT-BGTVT ngày 13/12/2023 của Bộ Giao thông Vận tải về quản lý hoạt động vận tải đường bộ qua biên giới (thay thế cho Thông tư số 47/2019/TT-BGTVT ngày 28/11/2019) không quy định cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương được thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ Việt Nam-Campuchia.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh An Giang Ngô Công Thức nhấn mạnh việc sớm xem xét, bổ sung cặp cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương-Kaam Samnor vào nội dung trao đổi, thống nhất giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Hoàng gia Campuchia cho phép cặp cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương-Kaam Samnor được thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Campuchia hoặc sửa đổi, bổ sung tại Phụ lục XVIII kèm theo Thông tư số 37/2023/TT-BGTVT ngày 13/12/2023 của Bộ Giao thông Vận tải, để đưa cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương-Kaom Samnor được thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ Việt Nam-Campuchia sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải thương mại và phi thương mại liên vận của doanh nghiệp hai nước thông qua cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương-Kaam Samnor.
Qua đó, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác theo hướng ngày càng chặt chẽ giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, trong đó có Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Lào, Trung Quốc.
Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương-Kaam Samnor, điểm kết nối giao thương giữa tỉnh An Giang-Kandal nói riêng và Việt Nam-Campuchia nói chung.
Từ cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, hàng hóa, phương tiện, con người đi đến thủ đô Phnom Penh (Vương quốc Campuchia) chỉ 100km; giao thông từ đường bộ đến đường thủy được kết nối rất thuận lợi với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh và các nước trong khối ASEAN.
Năm 1995, cửa khẩu Vĩnh Xương-Kaorm Samnor được phía Việt Nam công nhận là cửa khẩu quốc tế đường sông, đến năm 2001, được phía Campuchia công nhận là cửa khẩu quốc tế.
Năm 2010, kim ngạch xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu Vĩnh Xương-Kaorm Samnor đạt khoảng 500 triệu USD.
Đến năm 2023, kim ngạch xuất, nhập khẩu khẩu qua cửa khẩu Vĩnh Xương-Kaorm Samnor đạt trên 700 triệu USD.
Việc cho phép cặp cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương-Kaam Samnor được thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Campuchia là tiền đề quan trọng giúp An Giang nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống logistics khu vực biên giới.
Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu, thúc đẩy hợp tác, phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đầu tư, kinh tế biên mậu, giao thông vận tải liên vận, du lịch... đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp hai nước, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của hai tỉnh, đặc biệt là các địa phương ở khu vực biên giới theo chủ trương chung của lãnh đạo cấp cao hai nước.