Chống khai thác IUU: Từ nhận thức tới hành động đánh bắt bền vững
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 12:40, 05/06/2024
Tại vùng Sừng châu Phi, một trong những ngư trường giàu có và sinh lợi nhất thế giới, dọc theo bờ biển dài 3.300km, ước tính ngư dân Somalia có thể đánh bắt được khoảng 200.000 tấn cá mỗi năm nếu đạt được tiềm năng bền vững.
Thế nhưng, năm 2022, họ chỉ đánh bắt được khoảng 6.000 tấn cá, bằng một nửa so với 13.000 tấn mà các tàu nước ngoài đánh bắt, thậm chí con số được báo cáo này có thể còn thấp hơn thực tế đáng kể.
Sở hữu bờ biển dài nhất lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng tới 838.058km2, Somalia vốn có tiềm năng lớn trong đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy nền kinh tế, song vùng biển với hệ sinh thái đại dương màu mỡ của nước này cũng là nơi các đội tàu đánh cá nước ngoài bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định kéo đến, gây thiệt hại ước tính khoảng 450 triệu USD mỗi năm.
Các sự cố, xung đột giữa ngư dân địa phương và ngư dân nước ngoài cũng xảy ra ngày càng thường xuyên hơn.
Khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) không chỉ là vấn đề riêng của Somalia mà còn là mối đe dọa toàn cầu.
Đánh bắt IUU xảy ra ở khắp nơi, từ Biển Đông cho đến ngoài khơi bờ biển phía Tây châu Phi, ở phía Đông Ấn Độ Dương, khắp châu Đại Dương và xung quanh Nam cực.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), cứ 5 con cá đánh bắt trên thế giới thì có 1 con từ đánh bắt IUU.
Hoạt động này gây thất thoát từ 11-26 triệu tấn cá mỗi năm, gây thiệt hại kinh tế từ 10-23 tỷ USD.
Khai thác IUU không chỉ làm suy yếu các nỗ lực cấp quốc gia và khu vực nhằm bảo tồn và quản lý trữ lượng cá, cản trở tiến trình đạt được các mục tiêu bền vững dài hạn, mà còn gây tổn hại cho những ngư dân có trách nhiệm, trung thực và hoạt động phù hợp với các điều khoản trong giấy phép đánh cá.
Hoạt động này còn đe dọa đa dạng sinh học biển, khi 30% trữ lượng cá toàn cầu hiện đang bị đánh bắt vượt quá mức bền vững về mặt sinh học (theo số liệu của Liên hợp quốc), từ đó sẽ đe dọa sinh kế trong tương lai của ngư dân.
Nhằm nâng cao nhận thức về những tác động tiêu cực của khai thác IUU với việc sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thủy sản, cũng như tập trung các nỗ lực nhằm chống lại hoạt động này, từ năm 2018, Liên hợp quốc đã chọn ngày 5/6 hằng năm là Ngày Quốc tế chống khai thác IUU.
Đúng 2 năm trước đó, vào ngày 5/6/2016, Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác thủy, hải sản IUU, do FAO thông qua, đã chính thức có hiệu lực.
Đây là hiệp định mang tính ràng buộc, là công cụ pháp lý đầu tiên dành riêng cho cuộc chiến chống đánh bắt cá IUU, quy định các biện pháp tối thiểu của các quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn và loại bỏ đánh bắt cá IUU.
Trên thế giới, rất nhiều quốc gia đã thành công trong việc ngăn chặn khai thác IUU.
Là quốc gia dẫn đầu thế giới về thủy sản bền vững, Mỹ đã sớm tham gia vào các nỗ lực quốc tế chống khai thác IUU thông qua hệ thống pháp lý, các chương trình hoạt động, các biện pháp giảm thiểu hoạt động khai thác, hay kinh doanh sản phẩm khai thác IUU gây tổn hại đến môi trường biển và nguồn lợi thủy sản.
Đạo luật Magnuson-Stevens về Bảo tồn và Quản lý Ngư nghiệp (MSA), đạo luật chống khai thác IUU năm 2015, hay đạo luật bảo vệ động vật biển có vú, Chương trình kiểm soát thủy sản nhập khẩu… là những đạo luật nghiêm ngặt mà Mỹ sử dụng để chống đánh bắt IUU.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng hợp tác chặt chẽ với các quốc gia khác, cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các nước đang phát triển để tăng cường quản lý nghề cá.
Na Uy được xem là quốc gia châu Âu chống đánh bắt IUU tích cực nhất, với lập trường cứng rắn về loại bỏ sản lượng không mong muốn.
Quốc gia Bắc Âu thường xuyên triển khai các chiến dịch truyền thông rộng rãi để nâng cao nhận thức về tác hại của hoạt động khai thác IUU, khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn hải sản khai thác bền vững.
Còn tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia từng là một trong những quốc gia có tỷ lệ đánh bắt IUU cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Indonesia đã thực hiện nhiều cải cách và đạt được tiến bộ đáng kể trong việc chống IUU và được FAO nhận định là đi đúng hướng, khi triển khai giám sát 24/7 các hoạt động trên vùng biển nước này, đầu tư áp dụng công nghệ, như hệ thống nhận diện tự động (AIS) hay hệ thống giám sát tàu cá (VMS), cũng như hành động kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, cải thiện quản lý nghề cá và tăng cường hợp tác quốc tế.
Với khẩu hiệu “Thái Lan không IUU,” các nhà chức trách đặt mục tiêu có thể truy xuất nguồn gốc thủy sản “từ biển tới bàn ăn” thông qua một hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử nâng cao mới.
Theo Cục Thủy sản Thái Lan, có 8 yếu tố dẫn đến thành công của nước này trong việc đấu tranh với đánh bắt IUU, bao gồm ban hành các luật mới về thủy sản và biển, tạo khuôn khổ chính sách chiến lược, cải tổ hệ thống quản lý hải sản, thiết lập hệ thống theo dõi, kiểm soát, giám sát nghề cá mạnh mẽ, thực thi pháp luật nghiêm khắc hơn cùng các biện pháp trừng phạt mang tính răn đe, thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc nâng cao mới, ngăn chặn tình trạng bóc lột lao động và chủ động hợp tác quốc tế.
Xác định phát triển nghề cá bền vững là căn cốt để giải quyết vấn đề khai thác IUU, thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ các chiến lược, các đề án phát triển trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững, có trách nhiệm.
Xây dựng khung pháp lý toàn diện về quản lý nghề cá có trách nhiệm và chống khai thác IUU theo chuẩn mực quốc tế; xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về tàu cá, về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản từ Trung ương đến địa phương, kết nối với các lực lượng thực thi pháp luật; trên 97,65% tàu cá hoạt động ngoài khơi (chiều dài từ 15m trở lên) được lắp thiết bị giám sát hành trình; công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản được thực hiện và kiểm soát theo chuỗi... là những kết quả nổi bật.
Nhìn chung, việc nâng cao nhận thức thông qua giáo dục và tuyên truyền, ban hành các quy định và đạo luật nghiêm minh xử lý các hành vi vi phạm, tham gia hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau, cũng như hỗ trợ ngư dân chuyển đổi sang các biện pháp khai thác bền vững… là những biện pháp hiệu quả để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành nghề khai thác hải sản.
Đặc biệt, các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI) đang đóng góp vai trò quan trọng trong chống đánh bắt cá IUU.
Tổ chức Global Fishing Watch hiện đang sử dụng hình ảnh vệ tinh và AI để lập bản đồ toàn cầu về chuyển động của hơn 65.000 tàu đánh cá thương mại, cả những tàu có và không có AIS.
Ngoài ra, thiết bị không người lái hoặc tàu mặt nước không người lái có thể được triển khai từ tàu… cũng hỗ trợ cho nhiệm vụ giám sát tầm xa.
Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng là khai thác bền vững và chấm dứt đánh bắt IUU, đòi hỏi phải có những nỗ lực mạnh mẽ để nâng cao nhận thức của người dân, cũng như những hành động phối hợp toàn cầu.
Thế giới cần tiếp tục cùng nhau chống lại khai thác IUU để bảo vệ môi trường biển nhạy cảm và sự bền vững về lương thực, bảo tồn sinh vật biển có nguy cơ tuyệt chủng, cũng như ngăn chặn thiệt hại không thể khắc phục đối với các nền kinh tế ven biển, góp phần tạo dựng nên một tương lai bền vững.