Séc sẽ chấm dứt phụ thuộc vào dầu mỏ Nga chậm nhất vào giữa năm tới

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 07:15, 05/06/2024

Người đứng đầu Chính phủ Cộng hòa Séc muốn yêu cầu hủy bỏ quyền miễn trừ nhập khẩu dầu của Nga ngay sau khi hoàn thành dự án mở rộng đường ống TAL của Italy.
Nhà máy lọc dầu của Nga ở thị trấn Gubkinsky, Tây Siberia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhà máy lọc dầu của Nga ở thị trấn Gubkinsky, Tây Siberia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 4/6, Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala tuyên bố nước này sẽ chấm dứt phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga chậm nhất vào giữa năm tới.

Người đứng đầu Chính phủ Cộng hòa Séc muốn yêu cầu hủy bỏ quyền miễn trừ nhập khẩu dầu của Nga ngay sau khi hoàn thành dự án mở rộng đường ống TAL của Italy.

Phát biểu sau cuộc gặp ban quản lý công ty Mero thuộc sở hữu nhà nước tại kho dầu trung tâm Nelahozeves ở ngoại ô thủ đô Prague, Thủ tướng Fiala cho biết việc triển khai dự án này đang được tiến hành khẩn trương và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Việc hoàn thiện dự án và kiểm tra vận hành sẽ được thực hiện ngay sau đó. Thủ tướng Fiala nhấn mạnh Cộng hòa Séc sẽ không còn phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga từ đường ống dẫn dầu Druzhba sau 60 năm.

Năm 2023, Mero và công ty đường ống TAL (với Mero nắm giữ 5% cổ phần) đã ký thỏa thuận nhằm tăng công suất lên 4 triệu tấn mỗi năm để thay thế nguồn cung dầu từ Nga thông qua đường ống Druzhba.

Sau khi nâng cấp, TAL sẽ tăng gấp đôi công suất dành riêng cho Cộng hòa Séc lên 8 triệu tấn dầu thô mỗi năm. Thỏa thuận này cũng bao gồm việc tiêu thụ sản phẩm của hai nhà máy lọc dầu tại hai thị trấn Litvinov và Kralupy nad Vltavou ở Cộng hòa Séc đều thuộc sở hữu của công ty Orlen (Ba Lan).

Liên minh châu Âu (EU) đã cấm vận chuyển dầu từ Nga vào tháng 12/2022 nhưng miễn trừ cho việc cung cấp qua đường ống Druzhba để có thời gian chuyển đổi đối với các quốc gia phụ thuộc vào đường ống này, trong đó có Cộng hòa Séc.

Trong năm 2023, tổng cộng 7,4 triệu tấn dầu đã chảy vào các nhà máy lọc dầu của Séc, trong đó có khoảng 58% là dầu từ đường ống Druzhba dẫn từ Nga. Số dầu còn lại chủ yếu từ đường ống IKL của Đức có kết nối với đường ống TAL của Italy./.

Ngọc Long