Đức tuyên bố quyết tâm chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 07:08, 03/06/2024
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, một sỹ quan cảnh sát Đức ngày 2/6 đã thiệt mạng sau khi bị đâm liên tiếp trong vụ tấn công tại cuộc biểu tình chống Hồi giáo cực đoan ở Đức.
Cảnh sát cho biết trước đó, ngày 31/5, một người đàn ông có dao đã tấn công nhiều người tại quảng trường ở thành phố Mannheim, Tây Nam nước Đức.
Ngoài một cảnh sát 29 tuổi thiệt mạng, 5 người tham gia cuộc biểu tình do Pax Europa, một chiến dịch chống Hồi giáo cực đoan tổ chức, cũng bị thương trong vụ tấn công.
Trong một tuyên bố cùng ngày, cảnh sát địa phương cho biết đồng nghiệp trên của họ đã bị đâm nhiều nhát vào vùng đầu khi đang cố gắng can thiệp đám đông. Sau vụ tấn công, cảnh sát trên được đưa đi cấp cứu khẩn cấp nhưng đã tử vong do vết thương quá nặng.
Phát biểu với nhật báo Bild của Đức, Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner bày tỏ phẫn nộ về những gì đang xảy ra tại đất nước.
Ông Lindner nói: “Chúng ta phải quyết tâm bảo vệ mình trước chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan và chúng ta cũng sẽ tăng cường tài chính cho các cơ quan an ninh.”
Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser cũng kêu gọi điều tra kỹ lưỡng về hoàn cảnh của vụ tấn công trên. Trong một tuyên bố, bà nói: “Nếu các cuộc điều tra cho thấy động cơ Hồi giáo, đây sẽ là một sự xác nhận thêm về mối nguy hiểm lớn do các hành động bạo lực của người Hồi giáo gây ra.”
Kể từ khi bùng nổ cuộc xung đột Hamas-Israel, Đức luôn cảnh giác cao độ trước các cuộc tấn công Hồi giáo cực đoan có thể xảy ra. Giám đốc Cơ quan tình báo nội địa Đức cho biết nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công như vậy là có thật và cao hơn trước đây.
Từ vài tháng qua, Đức cũng đã chứng kiến một loạt vụ tấn công nhằm vào các chính trị gia tại nơi làm việc hoặc trong quá trình vận động tranh cử trước cuộc bầu cử nghị viện châu Âu diễn ra vào ngày 9/6 tới.
Tổng thống Frank-Walter Steinmeier tuần trước bày tỏ lo ngại trước xu hướng bạo lực ngày càng tăng, khẳng định rằng người Đức không bao giờ được sử dụng bạo lực trong cuộc xung đột về quan điểm chính trị./.