Kiểm toán nhà nước chuyển 19 vụ việc cho Cơ quan Cảnh sát điều tra
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 10:16, 02/06/2024
Kiểm toán nhà nước kiến nghị sửa đổi 1.069 văn bản; chuyển 19 vụ việc sang cơ quan điều tra
Thời gian qua, nhiều bất cập nổi cộm đã được Kiểm toán nhà nước phát hiện khi kiểm toán các doanh nghiệp, dự án đầu tư.
Tuy nhiên, có những sai phạm đã được Kiểm toán nhà nước chỉ ra từ những năm trước nhưng đơn vị vẫn tái phạm, hoặc tiếp tục xảy ra ở những đơn vị khác.
Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, ông Đặng Thế Vinh, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết: Trong 5 năm gần nhất (2019-2023), Kiểm toán nhà nước đã kiểm toán và phát hành 1.345 Báo cáo kiểm toán.
Qua đó, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị 331.367 tỷ đồng (gồm tăng thu ngân sách nhà nước 30.539 tỷ đồng; giảm chi ngân sách nhà nước 96.183 tỷ đồng; kiến nghị khác 204.644 tỷ đồng).
Bên cạnh đó Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung 1.069 văn bản gồm 14 văn bản Luật, 01 nghị quyết của Quốc hội; 16 Quyết định; 42 Nghị định; 124 Thông tư và 872 văn bản khác.
Đáng chú ý, 663 Báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Kiểm toán nhà nước cũng đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua kiểm toán cho Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp để xem xét xử lý.
Kiểm toán nhà nước chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực đầu tư
Riêng trong kiểm toán lĩnh vực đầu tư, Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, từ việc lập, phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư đến việc phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án; công tác thiết kế, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, quản lý tiến độ…
Đối với doanh nghiệp có trên 50% vốn nhà nước, những bất cập chủ yếu được phát hiện gồm thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước chưa đầy đủ do hạch toán sai doanh thu, chi phí; quản lý chi phí, giá thành sản phẩm chưa chặt chẽ, định mức sản xuất kinh doanh chưa phù hợp thực tế; quản lý nợ còn bất cập, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn; đầu tư tài chính hiệu quả chưa cao, hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ...
Nhìn lại kết quả kiểm toán thời gian qua có thể thấy những tồn tại trên đã xảy ra tại nhiều doanh nghiệp, thậm chí có doanh nghiệp đã được kiểm toán nhà nước chỉ ra và yêu cầu khắc phục nhưng vẫn tái phạm.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói rõ, theo quy định của pháp luật, kiểm toán nhà nước có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán trong đó có các doanh nghiệp (quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước).
Thông qua các kiến nghị kiểm toán, Kiểm toán nhà nước tư vấn hoàn thiện cơ chế chính sách; kiến nghị xử lý tài chính; kiến nghị chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các vi phạm, sai sót trong công tác quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước của các doanh nghiệp.
Trường hợp có dấu hiệu tội phạm, Kiểm toán nhà nước sẽ chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra./.
Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh: Kết quả kiểm toán đều được công khai hàng năm, trách nhiệm thực hiện kết luận, kiến nghị thuộc về các doanh nghiệp và các cá nhân, đơn vị có liên quan theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán nhà nước kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của đơn vị được kiểm toán.
Việc tiếp tục xảy ra các sai phạm tại các doanh nghiệp thuộc trách nhiệm của bản thân doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân có liên quan đến quá trình quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Qua kiểm toán, trường hợp doanh nghiệp tiếp tục sai phạm thì Kiểm toán nhà nước tiếp tục kiến nghị các biện pháp xử lý tương xứng.