Chính sách

Đắk Song thúc đẩy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số

Mẫn Doanh 21/10/2024 20:59

“Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” là nội dung của Dự án 8 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 đang được huyện Đắk Song (Đắk Nông) tích cực triển khai.

Phát huy hiệu quả của tổ truyền thông cộng đồng

Tranh thủ ngày cuối tuần, chị H’Hiệp cùng các thành viên trong Tổ truyền thông cộng đồng bon N’Jang Bơ, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song đến thăm hỏi, động viên chị H’Trang. Đây là một trong những phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong bon. Gia đình ít đất sản xuất, thu nhập thấp nhưng phải chăm lo cho 3 con nhỏ đang tuổi ăn học.

Sự động viên cùng những hướng dẫn, chia sẻ cách chăm sóc con cái, làm ăn kinh tế của Tổ truyền thông cộng đồng đã phần nào giúp gia đình chị H’Trang thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Chị nỗ lực đa dạng hóa mô hình kinh tế, nhận thức được việc cần kế hoạch hóa gia đình, vươn lên xây dựng cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Bon N’Jang Bơ, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song có 375 hộ, hơn 1.750 khẩu. Trong đó, dân tộc M’nông và các DTTS khác chiếm 60% dân số. Trước kia, do trình độ dân trí thấp nên trong bon thường xảy ra các vấn đề như: tảo hôn, bạo lực gia đình, sinh đẻ không có kế hoạch, tỷ lệ hộ nghèo cao... Do đó, bon N’Jang Bơ được huyện chọn triển khai Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Trong đó, Tổ truyền thông cộng đồng của bon được xác định có vai trò, nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện dự án.

Sau khi ra mắt, Tổ truyền thông cộng đồng của bon xây dựng kế hoạch tuyên truyền hàng tháng với từng chuyên đề cụ thể. Chị H’Hiệp, Trưởng bon kiêm Chi hội trưởng phụ nữ bon N’Jang Bơ được các cấp hội phụ nữ tín nhiệm làm tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng. Với những vụ việc đột xuất, chị H’Hiệp cùng các thành viên trong tổ sẽ đến từng gia đình để tuyên truyền theo hình thức truyền thông nhóm.

img_6601.jpg
Tổ truyền thông cộng đồng bon N’Jang Bơ, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song động viên những phụ nữ DTTS có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực lao động sản xuất, vươn lên trong cuộc sống

Chị H’Hiệp chia sẻ: “Khi được giao nhiệm vụ làm tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng, tôi thường xuyên nắm bắt tình hình, nhất là những vấn đề cấp thiết về phụ nữ và trẻ em. Các thông tin được tổng hợp, đưa ra thảo luận cùng các thành viên trong tổ. Sau đó, tìm hướng giải quyết, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em”.

Là người con dân tộc M’nông nơi đây nên hơn ai hết, chị H’ Hiệp gắn bó, hiểu biết, nắm bắt được tường tận những khó khăn, vướng mắc của phụ nữ và trẻ em trong bon. Với vai trò, trách nhiệm được giao, chị truyền đạt đến người dân một cách dễ hiểu các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, phát luật của Nhà nước; giúp bà con "giảm nghèo thông tin". Qua đó thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

du-an-8.png

Chị H’Buốt, Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Xuân, huyện Đắk Song cho biết, thông qua Tổ truyền thông cộng đồng, phụ nữ DTTS có thêm sự hiểu biết, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, dần xóa tự ti, xóa bỏ những hủ tục, văn hóa lạc hậu. Việc thay đổi những quan niệm lạc hậu, xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng giúp phụ nữ DTTS phát huy được vai trò và tự tin tham gia trực tiếp vào các hoạt động chính trị - xã hội tại địa phương.

Huyện Đắk Song có 4 xã thuộc xã vùng đồng bào DTTS và miền núi là Trường Xuân, Đắk N’Drung, Đắk Môl và Thuận Hà. Toàn huyện có 13 bon đồng bào DTTS tại chỗ; trong đó, có 5 bon đặc biệt khó khăn gồm: N’Jang Bơ, Bu Păh, Ding Plei của xã Trường Xuân; bon Bu N’Drung, N’Jang Lu của xã Đắk N’Drung; 3 bản đồng bào DTTS phía bắc. Đồng bào DTTS có hơn 3.430 hộ với hơn 14.960 khẩu, chiếm 17,8% dân số toàn huyện.

Năm 2023, Hội LHPN huyện Đắk Song khảo sát, thành lập 15 tổ truyền thông cộng đồng tại 15 bon/bản đặc biệt khó khăn thuộc 4 xã Thuận Hà, Đắk N’Drung, Đắk Môl, Trường Xuân. Mỗi tổ truyền thông có từ 7 - 10 thành viên tham gia. Tổ truyền thông cộng đồng là mô hình triển khai thực hiện tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em thuộc Dự án. Đến nay, 15 tổ truyền thông cộng đồng vẫn đang được duy trì hoạt động hiệu quả.

Cùng với hệ thống chính trị cơ sở, tổ truyền thông cộng đồng nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em; thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em tại các bon, bản đặc biệt khó khăn. Đồng thời tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc. Qua đó góp phần tạo niềm tin của đồng bào các DTTS vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng nhau đoàn kết, khắc phục khó khăn, tích cực lao động sản xuất phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo xây dựng nông thôn mới.

Duy trì các mô hình bảo vệ phụ nữ, trẻ em vùng DTTS

Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hành động về bình đẳng giới, Hội LHPN huyện Đắk Song còn ra mắt nhiều mô hình để bảo vệ phụ nữ, trẻ em vùng DTTS. Cụ thể như mô hình "Thôn an toàn cho phụ nữ và trẻ em" tại thôn 8, xã Nam Bình nhằm thúc đẩy chăm sóc, bảo vệ phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi.

Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại Trường THCS Lê Quý Đôn, xã Trường Xuân và Trường THCS Lý Thường Kiệt, xã Đắk N’Drung với 85 thành viên. Câu lạc bộ tập trung tổ chức các diễn đàn giao lưu; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh phù hợp với từng lứa tuổi... Trong đó, tập trung chia sẻ thông tin kiến thức bổ sung về tâm lý lứa tuổi, giới tính, giới; thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới; bồi dưỡng các kỹ năng sống về tự khám phá nhận thức; kỹ năng giao tiếp ứng xử trong gia đình, nhà trường, cộng đồng...

img_6551.jpg
Tổ truyền thông cộng đồng bon N’Jang Bơ, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song trao đổi thông tin về các vụ việc đột xuất xảy ra tại bon liên quan đến phụ nữ và trẻ em

Các mô hình trên tăng cường sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, cơ quan chức năng phòng chống bạo lực gia đình; phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... Thông qua hoạt động của mô hình, các cấp, ngành sẽ đề xuất, kiến nghị hướng giải quyết các vấn đề liên quan để bảo đảm bình đẳng giới; đặc biệt là sự an toàn cho phụ nữ, trẻ em trước mối lo bị xâm hại và trở thành nạn nhân của buôn bán người.

Trong thời gian qua, các cấp hội phụ nữ huyện đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động liên quan đến bình đẳng giới. Các lớp tập huấn tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình cũng thu hút hàng ngàn phụ nữ tham gia. Từ đó nâng cao nhận thức về vai trò của người phụ nữ và cách ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi bạo lực .

Để duy trì hoạt động của các mô hình bảo vệ phụ nữ, trẻ em vùng DTTS, các đơn vị, địa phương cần theo sát văn bản triển khai dự án để thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời chủ động phát hiện các vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn để có giải pháp kịp thời tháo gỡ, bảo đảm Dự án 8 vận hành hiệu quả và thực chất

Bà Đỗ Thị Minh Hải, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đắk Song

Riêng năm 2023, Hội LHPN huyện Đắk Song tổ chức được 3 lớp tập huấn về dự án. Hội tổ chức hội nghị triển khai hướng dẫn thành lập, vận hành mô hình Địa chỉ tin cậy cho 20 thành viên. Thông qua các lớp tập huấn giúp cho cán bộ hội tổ chức các nội dung thuộc Dự án 8. Đồng thời, nâng cao năng lực cho thành viên các tổ truyền thông cộng đồng, Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, “Địa chỉ tin cậy”… Bên cạnh đó, Hội tổ chức chiến dịch truyền thông về phòng chống đuối nước và xâm hại trẻ em tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu, xã Trường Xuân. Tại Hội thi tìm kiếm sáng kiến, giải pháp, mô hình truyền thông hiệu quả thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” năm 2024 do Hội LHPN tỉnh Đắk Nông tổ chức, Đắk Song đã đoạt giải nhất toàn đoàn.

Bà Đỗ Thị Minh Hải, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đắk Song cho biết: “Tuy nhiều nội dung thuộc Dự án 8 là vấn đề không mới, nhưng lại đòi hỏi cách tiếp cận và giải pháp thực hiện mới. Vì vậy rất cần sự vào cuộc quyết liệt, khoa học, hiệu quả của các cấp, ngành để thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS, miền núi. Các mô hình, câu lạc bộ như: Tổ truyền thông cộng đồng, Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi, Địa chỉ tin cậy… góp phần thực hiện thành công các mục tiêu đề ra”.

4-1-.png

Mẫn Doanh