Ưu tiên đầu tư cho nguồn lực quốc phòng
Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông góp ý sâu các điều khoản liên quan đến nguồn lực đầu tư cho quốc phòng.
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 30/5, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, hoạt động quản lý nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng, an ninh, dự thảo nên cân nhắc bổ sung quy định về việc cho phép chuyển nguồn ngân sách trong trường hợp ngân sách mua sắm, sản xuất sản phẩm vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt thực hiện theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu chưa thực hiện được hoặc chưa sử dụng hết.
Đây là nội dung đã được nhắc đến tại một số Nghị định của Chính phủ về quản lý ngân sách. Tuy nhiên, việc giao và cấp phát ngân sách thường được thực hiện vào thời điểm giữa năm, do vậy, rất khó cho các đơn vị được giao ngân sách thực hiện khảo sát, tìm kiếm nguồn hàng, tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng trước ngày 31/12 hàng năm để đủ điều kiện chuyển nguồn sang năm sau.
Bên cạnh đó, do tính đặc thù về nghiên cứu, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao nên mất nhiều thời gian. Vì vậy, khó khả thi và nếu chỉ được phép chuyển nguồn không quá 1 năm thì các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng sẽ không thể triển khai thực hiện kịp tiến độ.
Từ các lý do đã nêu trên, việc chấp hành các quy định về ngân sách Nhà nước có thể chưa đảm bảo, tác động đến việc không hoàn thành dự toán được giao trong năm ngân sách và sẽ làm chậm tiến độ thực hiện các dự án, ảnh hưởng tới nhiệm vụ quân sự quốc phòng. Vì vậy, tôi thấy dự thảo Luật cần bổ sung các quy định về cơ chế chuyển nguồn ngân sách cho đến khi được nghiệm thu và thanh lý hợp đồng tại Điều 21 của dự thảo là phù hợp và cần thiết, góp phần tạo thuận lợi cho Bộ Quốc phòng chấp hành dự toán ngân sách được cấp hàng năm.
Mặt khác, trong dự thảo Luật trình kỳ họp đã đề xuất bổ sung nhiều chính sách đặc thù, vượt trội về chế độ, chính sách trong công nghiệp quốc phòng. Đây là những chính sách vượt trội so với quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Điều 13); Luật Quản lý sử dụng tài sản công (Điều 61). Ngoài ra, được Nhà nước hỗ trợ mức đóng chênh lệch bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong trường hợp kết quả sản xuất kinh doanh không bảo đảm đủ lương và các khoản phụ cấp cho người lao động là Sĩ quan, Quân nhân chuyên nghiệp, Công nhân quốc phòng, Viên chức quốc phòng và sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an. Tuy nhiên, đề nghị cần có cơ chế kiểm soát để tránh lợi dụng chính sách.
Đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt không phải là doanh nghiệp được hưởng chính sách: Khi chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ, được giao toàn bộ quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách Nhà nước. Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Khoa học và Công nghệ, đối với các sản phẩm là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước, đại diện chủ sở hữu xem xét giao quyền sở hữu cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ, việc quy định cứng trong dự thảo được giao toàn bộ quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách Nhà nước cho tổ chức chủ trì thực hiện là hợp lý. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật dân sự, quyền sở hữu gồm: Quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt. Do đó, cần làm rõ quyền sở hữu có bao gồm toàn bộ các quyền này không? Do tính đặc thù của các sản phẩm quốc phòng, an ninh có liên quan nên chỉ giao cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ về quyền sử dụng và được hưởng lợi nhuận từ việc sử dụng kết quả nhiệm vụ khoa học, không giao quyền chiếm hữu và quyền định đoạt.
Đại biểu Dương Khắc Mai cũng đề nghị tiếp tục có sự nghiên cứu, rà soát danh mục dự án nhóm A tại Luật Đầu tư công, đối chiếu với các dự án thực tế triển khai để đề xuất điều chỉnh cho phù hợp. Hiện nay, có nhiều dự án về quốc phòng, an ninh có quy mô rất nhỏ (có thể chỉ khoảng vài chục tỷ đồng), nhưng theo quy định đều là dự án nhóm A, phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, điều này sẽ phải triển khai các thủ tục đầu tư lâu hơn.
Do đó, đối với những dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh hoặc do các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt đầu tư có thể xác định là chương trình, dự án đầu tư công được phân nhóm theo tổng mức đầu tư như các dự án thông thường khác; đối với những dự án có quy mô, tổng mức đầu tư không lớn có thể giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt chủ trương đầu tư nhằm đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với đặc thù của lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh. Vì vậy, đề nghị bổ sung một khoản của Điều 83 dự thảo Luật với nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công về dự án nhóm A không phân biệt tổng mức đầu tư để xử lý những vướng mắc nên trên.