Yêu cầu Israel chấm dứt chiến dịch quân sự tại Rafah

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 07:18, 30/05/2024

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 29/5 triệu tập cuộc họp kín để thảo luận về cuộc không kích của Israel hôm 26/5 nhằm vào khu lều trại người Palestine lánh nạn ở Rafah, miền nam Dải Gaza. Cuộc họp được triệu tập theo đề nghị của Algeria.
Cảnh tàn phá sau cuộc không kích của Israel xuống khu lều trại dành cho người tị nạn ở Rafah, Dải Gaza, ngày 27/5/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)
Cảnh tàn phá sau cuộc không kích của Israel xuống khu lều trại dành cho người tị nạn ở Rafah, Dải Gaza, ngày 27/5/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ðại sứ Algeria tại Liên hợp quốc thông báo đã gửi một bản dự thảo nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức và trả tự do cho tất cả con tin đang bị giam giữ ở Gaza. Dự thảo nghị quyết cũng yêu cầu Israel chấm dứt ngay lập tức hoạt động quân sự ở Rafah.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định, lối thoát cho cuộc khủng hoảng Israel-Palestine hiện nay là đàm phán chính trị và đạt được một lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Ông Macron nhấn mạnh, Pháp kiên trì ủng hộ và theo đuổi giải pháp hai nhà nước và Paris sẵn sàng công nhận Nhà nước Palestine vào thời điểm có lợi cho tất cả các bên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, nước này đã liên hệ với Israel bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về vụ không kích vào khu lều trại người Palestine tại Rafah, đồng thời kêu gọi Israel tiến hành điều tra toàn diện vụ việc.

Trong khi đó, ngày 28/5, nhiều xe tăng của Israel tiến vào trung tâm thành phố Rafah, cho dù cộng đồng quốc tế lên án vụ không kích hai ngày trước đó nhằm vào khu lều trại người Palestine ở Rafah, cũng như yêu cầu Israel tuân thủ phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) chấm dứt chiến dịch quân sự tại Rafah. Nguồn tin an ninh Palestine xác nhận, xe tăng của Israel đã hiện diện ở trung tâm Rafah. Trong khi đó, quân đội Israel cho biết sẽ tiếp tục các hoạt động tại Rafah, song không đề cập thông tin tiến vào trung tâm thành phố.

Cơ quan y tế tại Gaza cũng cáo buộc xe tăng Israel bắn pháo vào các lều trại ở khu vực Al-Mawasi. Ðây là khu vực được Israel chỉ định là vùng nhân đạo mở rộng và khuyến khích dân thường ở Rafah di chuyển đến khu vực này để bảo đảm an toàn. 21 người được cho là đã thiệt mạng trong vụ pháo kích. Tuy nhiên, quân đội Israel ngay lập tức phủ nhận cáo buộc và khẳng định không thực hiện vụ tấn công nêu trên.

Đàm phán ngừng bắn vẫn bế tắc

Xung đột leo thang nguy hiểm, song các cuộc đàm phán về ngừng bắn vẫn bế tắc. Truyền thông Ai Cập đưa tin, phái đoàn an ninh nước này đang nỗ lực phối hợp Qatar và Mỹ để khôi phục đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza, kèm theo việc trả tự do cho các con tin đang bị giam giữ. Ai Cập đã nhấn mạnh với tất cả các bên liên quan về lo ngại hoạt động quân sự của Israel ở Rafah có thể làm suy yếu các nỗ lực đàm phán, đồng thời gây ra hậu quả thảm khốc.

Phong trào Hồi giáo Hamas tuyên bố sẽ không trở lại tham gia tiến trình đàm phán ngừng bắn và trao đổi con tin với Israel, nếu Israel tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công vào Rafah. Lực lượng Hamas đã thông báo với các bên trung gian về quan điểm này.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, cầu tàu được sử dụng cho hoạt động chuyển hàng viện trợ đến Gaza đã phải tạm ngừng hoạt động sau khi bị gãy một đoạn. Cầu tàu sẽ được kéo tới cảng Ashdod ở Israel để sửa chữa. Thời gian sửa chữa mất khoảng hơn một tuần, sau đó cầu tàu sẽ được đưa về vị trí cũ ở ngoài khơi Gaza. Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc, kể từ khi đi vào hoạt động cách đây hai tuần, cầu tàu đã phục vụ 137 chuyến xe tải chở hàng viện trợ, tương đương 900 tấn, cho Gaza.

Hoạt động vận chuyển hàng viện trợ vào Gaza bằng đường bộ cũng gặp nhiều khó khăn. Cửa khẩu chính để đưa hàng hóa viện trợ từ Ai Cập vào Gaza đã bị đóng cửa kể từ khi lực lượng Israel nắm quyền kiểm soát khu vực cửa khẩu bên phía Gaza khoảng ba tuần trước. Trong khi đó, truyền thông Ai Cập dẫn một nguồn tin cấp cao cho biết, Cairo chỉ phối hợp Palestine hoặc các bên quốc tế và sẽ không phối hợp phía Israel về giải quyết vấn đề cửa khẩu Rafah.

Houthi tấn công tàu ngoài khơi Yemen

Quân đội Mỹ cho biết, ngày 29/5, Houthi đã phóng năm tên lửa từ các khu vực do lực lượng này kiểm soát tại Yemen nhằm vào các tàu di chuyển trên Biển Ðỏ. Trước đó, Cơ quan điều hành thương mại hàng hải Vương quốc Anh (UKMTO) thông báo, ngày 28/5, tàu chở hàng Laxx mang cờ của Cộng hòa Quần đảo Marshall đã bị trúng ba tên lửa ngoài khơi cảng Hodeidah của Yemen, khiến hầm chứa hàng bị hư hại nặng và nước tràn vào.

Trong khi đó, kênh truyền hình al-Masirah của lực lượng Houthi đưa tin ngày 27/5, một máy bay chiến đấu của liên quân Mỹ-Anh đã tiến hành hai vụ không kích nhằm vào các mục tiêu của Houthi tại thành phố cảng Hodeidah.

Hồi đầu tháng 5, thủ lĩnh lực lượng Houthi ở Yemen Abdul Malik al-Houthi tuyên bố tất cả các tàu hướng tới các cảng của Israel sẽ bị tấn công, chứ không chỉ những tàu di chuyển qua khu vực Biển Ðỏ mà lực lượng này đã nhằm vào trước đó. Houthi đã liên tục sử dụng thiết bị bay không người lái và tên lửa tấn công các tàu thương mại trên tuyến vận chuyển quan trọng qua các kênh thuộc Biển Ðỏ, eo biển Bab al-Mandab và Vịnh Aden kể từ tháng 11/2023 để thể hiện sự ủng hộ đối với người Palestine trong cuộc xung đột tại Gaza.

Ðáp trả các cuộc tấn công của Houthi, Mỹ và Anh đã tiến hành chiến dịch quân sự chung nhằm vào các mục tiêu Houthi ở Yemen. Tình hình này khiến một số hãng vận tải biển chủ chốt phải định tuyến lại lộ trình di chuyển, thực hiện những hải trình dài hơn hoặc những tuyến đường biển quanh mũi Hảo Vọng ở cực nam châu Phi, khiến chi phí vận tải tăng đáng kể.