Lập tổ công tác hỗ trợ người dân về lĩnh vực đất đai

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 04:55, 30/05/2024

Thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhiều địa phương ở tỉnh Ðắk Nông đã thành lập tổ công tác để hỗ trợ người dân. Nhờ vậy, người dân thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, diện tích được chuyển đổi đạt kết quả cao hơn, góp phần tăng thu nguồn ngân sách từ chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Huyện Tuy Ðức là một trong ba địa phương dẫn đầu tỉnh Ðắk Nông về thu ngân sách từ chuyển đổi mục đích sử dụng đất năm 2023. Ðể đạt được kết quả này, huyện đã thành lập các tổ công tác hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Kể từ khi được thành lập, các tổ công tác đã tiến hành rà soát, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân tiếp cận nhanh gọn hơn thủ tục hành chính về đất đai.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tuy Ðức Trần Vĩnh Phú cho biết, hiện nay nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất của người dân tăng cao, song nhiều người đang có tâm lý e ngại vì chưa nắm rõ quy trình, thủ tục. Xuất phát từ thực tế này, huyện Tuy Ðức đã thành lập các tổ công tác để hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tổ công tác đã tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện các quy trình, thủ tục chuyển mục đích theo quy định của Luật Ðất đai và các quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm của huyện Tuy Ðức. Trong quá trình làm việc tại cơ sở, thành viên tổ công tác trực tiếp giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn. Ðây là giải pháp hướng tới sự thân thiện, hài lòng của người dân đối với cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.

Năm 2024, để đạt mục tiêu thu ngân sách nhà nước đã đề ra, huyện Tuy Ðức tăng cường khai thác các nguồn thu phát sinh trên địa bàn như thuế xây dựng nhà tư nhân, tiền thuê mặt bằng, thuê nhà hộ kinh doanh mới phát sinh; tăng cường quy hoạch quỹ đất phục vụ cho nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất của người dân; đẩy mạnh công tác cấp đất tái định cư để kích cầu nguồn thu thuế. Ðồng thời, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn cập nhật, thông tin đầy đủ quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu chuyển đổi mục đích. Cùng với đó, các địa phương cũng thống kê, rà soát các khu đất công để tổ chức đấu giá, tránh gây lãng phí tài sản và tăng thu ngân sách.

Tháng 6/2023, tỉnh Ðắk Nông ban hành quyết định về việc phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất đối với thửa đất có diện tích hơn 2.400 m2 tại xã Quảng Tín, huyện Ðắk R’lấp. Ngay sau khi phương án được phê duyệt, các cơ quan liên quan của tỉnh Ðắk Nông và huyện Ðắk R’lấp đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, thông báo rộng rãi, chi tiết đến nhân dân qua các phương tiện thông tin đại chúng, sau đó khu đất được đưa ra đấu giá công khai và đấu giá thành công với số tiền hơn 8,5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Khả, người trúng đấu giá lô đất nêu trên cho biết, ông là người địa phương khác, biết được thông tin về lô đất đấu giá thông qua các phương tiện thông tin. Khi tham gia đấu giá, được chính quyền hướng dẫn các quy trình, thủ tục liên quan nhanh chóng, công khai, minh bạch cho nên ông rất yên tâm. Sau khi trúng đấu giá, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các phòng chuyên môn thực hiện nhanh chóng, kịp thời quy trình thủ tục và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình.

Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Ðắk R’lấp Trần Quốc Trung cho biết, huyện đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nhằm số hóa dữ liệu, mang lại tiện ích, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tính minh bạch của công tác quản lý đất đai tại địa bàn. Ðây là giải pháp kỹ thuật nhằm hỗ trợ địa phương xây dựng, quản lý, lưu trữ và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai, bao gồm cả giải pháp cung cấp dịch vụ công trực tuyến với nền tảng dữ liệu mở, được cập nhật liên tục.

Với hệ thống này, huyện Ðắk R’lấp đã vận hành các thủ tục hành chính, liên thông thuế điện tử với các loại hồ sơ chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế, cấp đổi, cấp lại, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, chuyển mục đích, đăng ký biến động thay đổi thông tin chủ sử dụng đất… rất thuận lợi cho người dân.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðắk Nông Lê Trọng Yên cho biết, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai tương đối phức tạp, phải qua nhiều khâu, nhiều bước. Ðối với người dân, việc cập nhật các thay đổi liên quan đến các quy định trong lĩnh vực đất đai còn nhiều khó khăn, nhất là đối với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, việc các địa phương như Tuy Ðức, Ðắk Song, Ðắk R’lấp… chủ động lập các tổ công tác để hỗ trợ người dân, trực tiếp hướng dẫn, xử lý những vướng mắc về thủ tục đất đai cho người dân là sự sáng tạo, là bước cải cách trong thủ tục hành chính nói chung, lĩnh vực đất đai nói riêng, mô hình này cần được đẩy mạnh và nhân rộng, hướng tới nền hành chính vì nhân dân phục vụ.

CHẤN HƯNG