Sản xuất cà phê ở Đắk Nông ngày càng an toàn, chất lượng
Sản xuất cà phê ở Đắk Nông đang chuyển biến theo hướng an toàn, chất lượng cao, trong đó nhà nông hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)
Gia đình ông Ngô Văn Thanh, xã Nam Bình, huyện Đắk Song có 2ha cà phê. Trước đây, ông thường xuyên sử dụng thuốc BVTV chăm sóc cây cà phê. Cứ thời điểm nào vườn cây xuất hiện sâu hại là ông xịt thuốc trừ sâu.
Ông Thanh cho biết: “Khi phun thuốc BVTV tôi hầu như không trang bị bảo hộ lao động. Phần lớn các loại chai, lọ, bao bì thuốc BVTV không được thu gom xử lý mà vứt bỏ bừa bãi ngoài rẫy”.
Từ khi tham gia vào HTX Nông nghiệp Đoàn Kết, ông Thanh đã ý thức hơn việc sử dụng thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ đối với cây trồng. Ông được tham dự các lớp tập huấn về sử dụng thuốc BVTV an toàn, sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ.
“Tôi sử dụng thuốc hóa học trong danh mục cho phép kết hợp thuốc BVTV sinh học phun đúng thời điểm sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc”, ông Thanh cho biết.
Theo ông Lưu Như Bính, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đoàn Kết, xã Nam Bình, huyện Đắk Song, để hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, giải pháp lâu dài của HTX là nâng cao nhận thức, hiểu biết và thay đổi tập quán của nông dân.
HTX đã đẩy mạnh chương trình khuyến nông, sản xuất cây trồng an toàn theo quy trình VietGAP, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học.
Ông Bính cho hay: “Việc hạn chế sử dụng thuốc BVTV, sản xuất theo hướng hữu cơ giúp môi trường sản xuất trong sạch, tốt cho sức khỏe con người, đất canh tác được phục hồi. Từ đó, tôi thấy cây trồng tốt hơn, giảm được chi phí sản xuất, cây kháng bệnh tốt”.
Thuốc BVTV là vật tư quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc BVTV có thể gây ra nhiều hậu quả, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường, chất lượng nông sản.
Thời gian qua, Sở NN – PTNT tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Tổ chức Diễn đàn Cà phê toàn cầu (GCP) tại Việt Nam thực hiện việc khảo sát, bản đồ hóa tình hình sử dụng thuốc BVTV tại các địa phương.
Ông Đỗ Thành Chung, đại diện GCP Việt Nam cho hay, trong niên vụ cà phê 2023-2024, đơn vị đã khảo sát về dư lượng 11 hoạt chất trong cà phê nhân xanh tại Đắk Nông và các tỉnh Tây Nguyên.
Trong đó, tại các vùng sản xuất cà phê trọng điểm của Đắk Nông như Đắk Song, Đắk Mil, Krông Nô… dư lượng hóa chất BVTV thuộc nhóm 1 trong cà phê nhân xanh giảm khá nhiều so với những năm trước.
Ông Chung cho hay: “Đây là những kết quả đã đạt được từ sự hợp tác giữa tỉnh Đắk Nông với WASI và GCP về mô hình thử nghiệm các biện pháp canh tác an toàn sinh học, quản lý thảm cỏ, áp dụng sổ tay quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp”.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Đắk Nông, ngành hàng cà phê Đắk Nông chiếm gần 50% giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê là định hướng chiến lược lâu dài của Đắk Nông.
Do đó, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông luôn chủ động cập nhật những yêu cầu mới của các thị trường xuất khẩu truyền thống nhằm triển khai các biện pháp kịp thời đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của đối tác.
Ông Phạm Tuấn Anh cho biết: “Hiện nay, giá thu mua sản phẩm hữu cơ chưa tương xứng với những công sức mà người trồng cà phê bỏ ra. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nông dân cần phải gắn trách nhiệm với nhau, không để nông dân đơn độc trong vấn đề lớn như sử dụng thuốc BVTV”.
Theo Sở NN-PTNT, Đắk Nông hiện có khoảng 137.683ha cà phê, sản lượng ước đạt trên 330.000 tấn/năm. Hàng năm, lượng thuốc bảo vệ thực vật phục vụ chăm sóc cà phê lên tới hàng ngàn tấn.