Đắk Nông quyết tâm, quyết liệt tới cùng để thu ngân sách
Nhiều giải pháp về thu ngân sách được đề xuất tại phiên họp thành viên UBND tỉnh Đắk Nông diễn ra vào ngày 29/5.
“Thu thuế, phí có khả quan đạt được. Riêng nguồn thu từ sử dụng đất rất căng. Ngân sách thấp, số thu sử dụng đất không đạt sẽ vỡ trận nhiều kế hoạch. Do vậy, các địa phương phải quyết tâm, quyết liệt tới cùng”, đây là chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười tại phiên họp thành viên UBND tỉnh diễn ra ngày 29/5.
Tại phiên họp, các sở, ngành, địa phương tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng. Thu ngân sách Nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công là những lĩnh vực được tập trung mổ xẻ.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, Đắk Nông mới thực hiện được 1.353 tỷ đồng ngân sách Nhà nước, đạt 41% dự toán HĐND tỉnh giao, thấp hơn gần 30% so với cùng kỳ năm 2023.
Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Trần Nam Thuần thông tin, đến hết tháng 5, địa phương mới thực hiện được 80/200 tỷ đồng ngân sách Nhà nước, đạt 44% kế hoạch. Trong đó, riêng nguồn thu sử dụng đất mới chỉ thực hiện 4,5 tỷ đồng, đạt 26,5% kế hoạch.
“Về thu ngân sách, chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn. Vướng mắc lớn vẫn là quy hoạch và nguồn thu từ lĩnh vực thuỷ điện giảm sút. Trong tuần này, chúng tôi có cuộc họp chuyên đề về thu ngân sách để tập trung vào giải pháp thu”, ông Thuần cho biết.
Giải trình về nguồn ngân sách đạt thấp, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đắk Nông Trần Văn Long nhận định, nguyên nhân đạt thấp là do nguồn thu từ thuỷ điện giảm vì tình hình hạn hán. Nguồn thu sử dụng đất đang vướng bán đấu giá quyền sử dụng đất.
“Hiện nay, tỷ lệ bán đấu giá tại các địa phương rất thấp. Chưa kể, nguồn thu từ tái định cư cũng không mấy khả quan. Nếu như không có giải pháp mạnh thì sẽ rất khó hoàn thành”, ông Long khẳng định.
Liên quan đến nguồn thu ngân sách, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến chỉ đạo, đến 30/6/2024, đề nghị các đơn vị, địa phương điều chỉnh theo hướng giữ lại ít nhất 5% nguồn của đơn vị mình nhằm phòng tình huống xấu số thu không đạt. Năm nay, ngân sách của tỉnh kiên quyết sẽ không thực hiện hỗ trợ cho các huyện, thành phố như năm 2023.
“Đề nghị các địa phương tự thân vận động trước để tìm giải pháp tăng thu. Riêng nguồn thu sử dụng đất phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến nhấn mạnh.
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh có nhiều ý kiến liên quan đến các lĩnh vực trọng tâm khác như: giải phóng mặt bằng, thu tiền sử dụng đất, nguyên vật liệu đất đắp các dự án, cơ cở vật chất các trường học ….
Kết luận phiên họp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười nhấn mạnh, về thu ngân sách, các địa phương phải quyết tâm, quyết liệt đến cùng. Về giải ngân vốn đầu tư công phải nêu cao vai trò, trách nhiệm của các chủ đầu tư.
“Các chủ đầu tư không nên ỷ lại việc đó của ai chứ không phải của mình. Mình là chủ đầu tư, mình không thể đổ thừa được. Ngược lại, cần chủ động đẩy nhanh các bước, tránh tình trạng đẩy qua đẩy lại, gây chậm trễ trong quá trình thực hiện các công trình, dự án”, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn mười chỉ đạo.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, các đơn vị phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động. Địa phương nào làm được chia sẻ, cũng như học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Về nguồn vật liệu đất đắp, Sở TN-MT phải xem đây là chuyên đề để làm đến nơi đến chốn.
“Vấn đề nằm ở đây vẫn là cơ chế phối hợp giữa các đơn vị, địa phương. Chúng ta cùng bắt tay nhau, trách nhiệm thêm một tý với nhau. Mục đích cuối cùng là đẩy nhanh hiệu quả các công việc”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh.
Trong 5 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư tại Đắk Nông thực hiện hơn 530 tỷ đồng, đạt 16,6%, thấp hơn cùng kỳ so với năm 2023 (19,9%). Tổng thu ngân sách Nhà nước trong 5 tháng đầu năm thực hiện 1.353 tỷ đồng, đạt 41% dự toán HĐND tỉnh giao, thấp hơn gần 30% so với cùng kỳ năm 2023.