Con đường đem lại hòa bình cho Trung Đông
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 07:52, 29/05/2024
Khói bốc lên tại phía nam Dải Gaza, ngày 28/5/2024. (Ảnh: Reuters) |
Động thái này được cộng đồng quốc tế hoan nghênh là tiếp thêm động lực để người Palestine tiếp tục sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa giành các quyền dân tộc hợp pháp, đồng thời tạo thuận lợi để thúc đẩy giải pháp toàn diện, công bằng và lâu dài cho vấn đề Palestine.
Quyết định quan trọng
Trước khi ba nước châu Âu công nhận Nhà nước Palestine, 8 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), gồm Slovakia, Bulgaria, Cyprus, Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Romania và Thụy Điển, đã công nhận Nhà nước Palestine.
Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Jose Manuel Albares nhấn mạnh, việc làm này là phù hợp với luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Liên hợp quốc. Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine. Tây Ban Nha và Ireland, những nước đấu tranh lâu dài cho quyền của người Palestine, cùng với Malta và Slovenia đã tuyên bố rằng họ sẽ nỗ lực hướng tới việc công nhận Nhà nước Palestine.
Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store nêu rõ, việc hai nhà nước cùng tồn tại trong hòa bình là giải pháp chính trị duy nhất cho cả người Israel và người Palestine.
Thủ tướng Ireland Simon Harris cũng xác nhận kế hoạch nước này công nhận Nhà nước Palestine và nhấn mạnh tin tưởng rằng các nước khác sẽ có động thái tương tự. Ông nêu rõ, giải pháp hai nhà nước là con đường duy nhất hướng tới hòa bình và an ninh lâu dài cho Israel và Palestine.
Quyết định của một số quốc gia châu Âu về việc dành sự ủng hộ mạnh mẽ hơn cho Palestine nhận được sự hoan nghênh từ Chính quyền Palestine (PA), phong trào Hồi giáo Hamas và một số quốc gia Arab như Jordan, Saudi Arabia, cũng như được nhiều nước đánh giá cao.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva ca ngợi quyết định của Tây Ban Nha, Na Uy và Ireland công nhận Nhà nước Palestine - biện pháp mà ông cho rằng sẽ có tác động tích cực đến hòa bình và ổn định trong khu vực.
Tổng thống Lula da Silva khẳng định, đây là quyết định mang tính lịch sử vì hai lý do: Thứ nhất, quyết định này thực hiện công bằng đối với yêu sách của cả một quốc gia, được hơn 140 quốc gia công nhận, về quyền tự quyết. Thứ hai, quyết định này sẽ có tác động tích cực trong việc hỗ trợ các nỗ lực hướng tới hòa bình và ổn định trong khu vực. Ông nhấn mạnh, hòa bình và ổn định sẽ chỉ đến khi sự tồn tại của Nhà nước Palestine độc lập được bảo đảm.
Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radoslaw Sikorski tuyên bố, Vacsava ủng hộ những nỗ lực của Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại cùng các quốc gia khác, đó là cần có giải pháp ổn định, lâu dài và sự tồn tại của hai nhà nước. Quốc gia Đông Âu này đã công nhận tuyên ngôn về Nhà nước Palestine độc lập hồi năm 1988.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Jordan Ayman Safadi tuyên bố: “Chúng tôi đánh giá cao quyết định này và coi đây là một bước quan trọng và thiết yếu hướng tới giải pháp hai nhà nước, thể hiện qua việc thành lập một Nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền với các đường biên giới đã xác định hồi tháng 7/1967”.
Con đường duy nhất tới hòa bình
Châu Âu từ lâu vốn ủng hộ việc thành lập một Nhà nước Palestine, điều mà Israel kiên quyết phản đối, đồng thời thúc đẩy giải pháp hai nhà nước. Mặc dù nhiều nước châu Âu là đồng minh và đối tác quan trọng của Israel trong các lĩnh vực tài chính, thương mại và khoa học, song đã bày tỏ sự thất vọng với cách Israel xử lý căng thẳng với Palestine, làm leo thang cuộc xung đột ở Dải Gaza và Bờ Tây. Những quan điểm cảm thông, thể hiện ủng hộ của châu Âu dành cho Israel sau vụ tấn công ngày 7/10/2023 đang suy yếu khi chiến sự tiếp diễn, tình hình nhân đạo ở Gaza trở nên tồi tệ hơn.
Việc Ireland và Tây Ban Nha - hai thành viên EU, cùng Na Uy, một quốc gia liên kết chặt chẽ với khối, công nhận tư cách nhà nước của Palestine giống như sự phản đối gay gắt đối với Israel. Ba quốc gia châu Âu này đã lên tiếng chỉ trích Israel và ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của người Palestine, dù họ cũng đã lên án Hamas và cuộc tấn công tàn bạo mà nhóm này gây ra nhằm vào Israel vào ngày 7/10/2023. Điều này làm gia tăng rạn nứt trong quan hệ giữa châu Âu và Israel.
Nếu nhiều nước châu Âu theo xu hướng của ba nước trên, EU có thể trở thành một đối trọng lớn đối với lập trường của Mỹ cho rằng tư cách nhà nước của Palestine chỉ có thể là kết quả của một thỏa thuận thương lượng với Israel.
Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Jake Sullivan nói: Chúng tôi đã chứng kiến những tiếng nói ngày càng gia tăng, gồm cả những tiếng nói trước đây ủng hộ Israel giờ chuyển sang hướng khác. Điều đó gây lo ngại, vì chúng tôi không tin rằng điều đó góp phần vào an ninh hoặc sự tồn tại lâu dài của Israel.
Tuy nhiên, EU với tư cách là một khối vẫn duy trì thương mại và các thỏa thuận khác với Israel. Dù ngày càng có nhiều lời kêu gọi cắt đứt hoặc hạn chế đáng kể những thỏa thuận đó, song nhiều thành viên trong khối vẫn chưa có những hành động dứt khoát trong việc bày tỏ phản đối Israel trong cuộc xung đột ở Gaza. Trước sự chưa thống nhất trong quan điểm giữa các quốc gia trong khối, Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đã hối thúc các quốc gia thành viên trong khối tìm kiếm lập trường chung dựa trên giải pháp hai nhà nước.
Những nỗ lực nói trên được thúc đẩy trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas ở Gaza tiếp tục leo thang và cộng đồng quốc tế thúc giục một lệnh ngừng bắn khẩn cấp và giải pháp lâu dài cho hòa bình trong khu vực. EU đã soạn thảo và đưa ra một kế hoạch 10 điểm về một giải pháp toàn diện, đáng tin cậy cho cuộc xung đột Hamas-Israel. Kế hoạch của EU vạch ra một loạt bước đi mà cuối cùng có thể mang lại hòa bình cho Dải Gaza, thành lập Nhà nước Palestine độc lập, bình thường hóa quan hệ giữa Israel và cộng đồng các nước Arab, đồng thời bảo đảm an ninh lâu dài trong khu vực.
Một yếu tố quan trọng trong lộ trình hòa bình của EU là hội nghị hòa bình trù bị có sự tham gia của các đại diện EU, Mỹ, Ai Cập, Jordan, Saudi Arabia, Liên đoàn Arab và Liên hợp quốc. Những bên tham gia sẽ liên lạc thường xuyên với các quan chức Israel và Palestine trong mọi bước và bất kỳ lúc nào, nhưng ban đầu hai bên sẽ không bắt buộc phải ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp. Dải Gaza và Bờ Tây sẽ có đại diện là Chính quyền Palestine (PA) và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), thay vì Hamas.
Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng đã thông qua nghị quyết kêu gọi Hội đồng Bảo an xem xét ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc. Các nỗ lực quốc tế đều bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với giải pháp hai nhà nước, coi đây là con đường duy nhất có thể đem lại một nền hòa bình toàn diện và lâu dài cho Trung Đông.