Tìm lại vị thế cho cây điều Đắk Nông (kỳ 3): Giải pháp nào cho cây điều?
Trước thực tế cây điều sa sút vị thế, đòi hỏi ngành Nông nghiệp Đắk Nông có giải pháp khôi phục, phát triển loại cây này một cách ổn định, bền vững...
Thay đổi nhận thức về cây điều
Về những giải pháp để phát triển cây điều bền vững, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Đức, huyện Đắk R’lấp cho rằng: Trước hết, người dân cần thay đổi nhận thức về vai trò cây điều.
Điều có thể là cây trồng đem lại thu nhập cao nếu được chăm sóc tốt. Do đó, người dân cần thay đổi cách nhìn nhận và coi điều là cây trồng chính, đầu tư phân bón, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác.
Việc thu hái, bảo quản hạt điều phải có sự đổi mới. Đó là thu hái đúng thời điểm, bảo quản đúng cách để hạt điều đạt chất lượng tốt nhất tăng giá trị.
Bà con không nên có tâm lý để cho quả điều rụng từ ngày này qua ngày khác và thấy nhiều rồi mới đi nhặt. Khi nhặt hái điều không nên chọc luôn những quả còn lại trên cây. Việc này cũng sẽ làm cho chất lượng hạt điều bị giảm sút vì hạt điều không được thu hái, phơi sấy đúng cách.
"Hạt điều của bà con vài năm gần đây không đồng đều về kích cỡ, hạt sâu, lép nhiều, nên khó có được mức giá cạnh tranh", bà Nguyệt cho biết thêm.
Bà Nguyệt cũng nhấn mạnh, ngành Nông nghiệp tỉnh cần có sự đánh giá lại một cách tổng thể sự phát triển cây điều trên quy mô toàn tỉnh.
Từ đó, nhận định đúng thực tiễn, đánh giá sát những thách thức từ khách quan như thiên tai, thời tiết. Tỉnh có sự quy hoạch vùng sản xuất cụ thể, rõ ràng mỗi địa phương, phù hợp với mỗi giống điều riêng.
Ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư Jút cho rằng, ngoài các yếu tố khách quan thì nhận thức của người dân về cây điều là một hạn chế kìm hãm phát triển loại cây trồng này.
Vẫn còn nhiều người coi điều là cây trồng phụ, cây trồng xen, cây che bóng, chắn gió. Do đó, chưa có sự đầu tư đúng mức cho cây điều, nên không có được kết quả như kỳ vọng là đương nhiên.
Nâng cao chất lượng cây giống
Ông Nguyễn Thành Nam, bon Phi Lơ Te, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, có trên 20 năm gắn bó với cây điều. Ông Nam cho biết, một thời có thể nói là gia đình ông khấm khá nhờ cây điều.
Vườn điều trồng thuần 10ha của gia đình cho quả nhiều, chất lượng cao, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng. Nhưng hiện nay, diện tích điều của ông còn hơn 2ha. 5 năm qua thu nhập từ cây điều không đáng kể, sản lượng chỉ đạt khoảng 30-60% so với trước.
Ông cho rằng, để cây điều phát triển bền vững, cần những giống điều có khả năng thích ứng tốt hơn với thời tiết thay đổi. Người dân cần sự hướng dẫn kịp thời về phòng, chống sâu bệnh, dịch hại cho cây điều theo mùa.
Ông lấy ví dụ, cách đây 2 năm, nhiều vườn điều trên địa bàn xã bị sâu lạ tấn công từ gốc rồi ăn lên thân, lá, làm cây chết đứng. Gia đình ông chỉ bị chết hơn 1 sào điều.
Có những hộ trong bon điều chết với diện tích lớn. Dù có nhiều kinh nghiệm, nhưng ông không biết đó là sâu, bệnh gì, nên phải chặt bỏ những cây điều mắc bệnh.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Đức, Đắk Nông đang có hàng ngàn ha điều già cỗi, thoái hóa, năng suất kém và cần tái canh.
Tuy nhiên, việc tái canh điều cũng đang đối mặt với nhiều rủi ro, nhất là về nguồn giống bảo đảm chất lượng. Hiện y, nguồn giống cây điều trên thị trường còn rất phập phù. Do đó, người dân rất mạo hiểm nếu muốn tái canh vườn điều và cần ngành chức năng hỗ trợ.
Bà Nguyệt cho rằng, ngành chức năng, địa phương cần có giải pháp kiểm soát được chất lượng cây giống. Các giống điều mới, điều ghép trồng phát triển nhanh, cho quả nhiều, quả to, nhân đạt. Nhưng nếu giống không bảo đảm, bà con mua trôi nổi thì "tiền mất tật mang".
Những giống điều mới đã được ngành chức năng khảo nghiệm, đánh giá phù hợp tại các vùng trồng tập trung ở Đắk Nông như như PN1, BP18, BP27,BP43,BP68, BP 89, AB 29, A05-08.
Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng
Đắk Nông hiện có 16.800 ha điều, sản lượng khoảng 16.400 tấn/năm. Thế nhưng, tỉnh chỉ có 1 chuỗi liên kết sản xuất điều, với khoảng 100 hộ tham gia, quy mô khoảng 4.000ha, sản lượng 6.000 tấn/năm.
Đắk Nông có 9 doanh nghiệp hoạt động sơ chế, chế biến, sản phẩm chính là hạt điều rang; sản lượng chế biến tiêu thụ khoảng trên 2.000 tấn/năm, chiếm tỷ lệ 10% so với tổng sản lượng điều của tỉnh, còn lại tiêu thụ sản phẩm hạt điều qua chế biến thô.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên cho rằng: Điều là cây đã được trồng từ lâu tại một số địa bàn của Đắk Nông. Tỉnh coi điều là cây chủ lực, "cây xóa đói giảm nghèo".
Cây điều góp phần thực hiện đạt mục tiêu giảm từ 5% hộ nghèo dân tộc thiểu số tại chỗ/năm theo nghị quyết Đảng bộ tỉnh ra vào năm 2020.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên, ngành Nông nghiệp phải phối hợp tích cực hơn với các ngành, địa phương liên quan, các nhà khoa học để đánh giá đúng thực trạng phát triển cây điều hiện nay.
Trong đó, ngành Nông nghiệp cần phát triển cây điều theo chuỗi giá trị, phát huy vai trò của các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp ở địa phương để hình thành các chuỗi liên kết bền vững hơn cho cây điều.
Ngành Nông nghiệp và các địa phương cần thúc đẩy việc tái cơ cấu cây điều theo chuỗi ngành hàng giá trị. Trong đó, tập trung thực hiện, duy trì và phát triển ổn định mức 16.000ha điều. Vùng trồng điều được quy hoạch, xây dựng tập trung tại các huyện Cư Jút, Krông Nô, Đắk R’lấp, Tuy Đức.
Để khai thác dư địa của cây điều, ngành chức năng cần tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp chế biến, kinh doanh sản phẩm điều. Từ đó, đa dạng sản phẩm, chế biến sâu để tăng giá trị, thúc đẩy sản phẩm OCOP từ hạt điều.
Ngành Nông nghiệp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, xúc tiến, quảng bá và giúp ngành hạt điều Đắk Nông dễ dàng tiếp cận với thị trường thế giới.
Nỗ lực của ngành Nông nghiệp
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông, ngành Nông nghiệp đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ 7 giải pháp đối với cây điều.
Cụ thể, trước hết ngành Nông nghiệp đánh giá, dự báo nhu cầu của thị trường nông sản nói chung và điều nói riêng để định hướng cho người dân, tránh tình trạng chuyển đổi cây điều tự phát, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ngành Nông nghiệp hướng dẫn người dân rà soát, chuyển đổi những vườn điều kém hiệu quả, ở những vùng không phù hợp phát triển (như TP. Gia Nghĩa, Đắk Glong, Đắk Song, Đắk Mil) để chuyển sang trồng loại cây khác phù hợp với điều kiện của địa phương và hiệu quả cao hơn.
Ngành Nông nghiệp Đắk Nông tích cực hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tăng năng lực chế biến hạt và quả điều nhằm đa dạng hóa sản phẩm.
Việc rà soát, hướng dẫn người dân lựa chọn các giống điều có năng suất cao, chất lượng tốt, ổn định, phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng của tỉnh Đắk Nông là điều cần được quan tâm nhiều hơn.
Ngành Nông nghiệp khuyến cáo cho người dân nhằm thâm canh, cải tạo các diện tích điều già cỗi, sâu bệnh hại, năng suất thấp.
Những giống điều mới đã được ngành chức năng khảo nghiệm, đánh giá phù hợp tại các vùng trồng tập trung của Đắk Nông sẽ được phổ biến, triển khai để người dân chọn lựa phục vụ tái canh diện tích điều.
Sở NN-PTNT và các địa phương lồng ghép để tổ chức triển khai các nội dung liên quan về phát triển cây điều thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia như tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, chương trình nông thôn mới tại các xã trong vùng xây dựng phát triển điều…
Ngành Nông nghiệp triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện hành liên quan đến khuyến khích, thu hút đầu tư, chuyển giao và phát triển công nghệ; tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh mạnh dạn tham gia đầu tư công nghệ máy móc, trang thiết bị chế biến và bảo quản hạt điều, các sản phẩm chế biến sâu từ hạt điều.
Sở NN-PTNT đẩy mạnh hỗ trợ cấp giấy chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, GlobalGAP; Ogarnic; 4C; UTZ; HACCP, GMP, SSOP, ISO 22000, tiến đến xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu điều Đắk Nông cả trong nước và quốc tế.