Đời sống

Đắk Song phát huy tiềm năng du lịch văn hóa

Mỹ Hằng 29/05/2024 05:39

Huyện Đắk Song đã và đang nỗ lực giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc nhằm tạo đà cho du lịch văn hóa phát triển.

Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống

Nhằm giữ gìn, bảo tồn nét văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc M'nông nói riêng, huyện Đắk Song đã quan tâm, chỉ đạo phục dựng các lễ hội truyền thống, thành lập các đội cồng chiêng, duy trì hoạt động của đội văn nghệ quần chúng… Huyện ủy Đắk Song đã ban hành Kế hoạch số 59 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII về sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ thất truyền của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ, giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của nghị quyết vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa vừa tạo đà cho sự phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống người dân.

UBND huyện ban hành Kế hoạch số 149/KH-UBND ngày 16/6/2022 triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030”. Hàng năm, địa phương đều trích kinh phí tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện với nhiều hoạt động phong phú.

img_6107.jpg
Nhiều nét văn hóa truyền thống dân tộc M'nông trên địa bàn huyện Đắk Song được giữ gìn phát huy

Trong khuôn khổ Dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch" (Dự án 6) thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025, huyện Đắk Song đã tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ truyền dạy văn hóa phi vật thể. Địa phương đầu tư xây dựng mô hình văn hóa truyền thống các DTTS; hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống; hỗ trợ trang thiết bị cho hoạt động về thiết chế văn hóa, thể thao tại các thôn, bon đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 4 đội cồng chiêng thường xuyên hoạt động (2 đội của xã Trường Xuân và 2 đội của xã Đắk N’Drung); 21 gia đình có bộ cồng chiêng còn sử dụng tốt; 86 người biết đánh chiêng; 4 người biết sử dụng nhạc cụ m’boắt, r'let; 8 người biết làm cây nêu; 21 người biết đan lát và 42 người biết dệt thổ cẩm.

Nghệ nhân Thị Mai, bon N’Jang Lu, xã Đắk N'Drung cho biết: “Sinh ra và lớn lên trong gia đình có nhiều người am hiểu văn hóa truyền thống của người M’nông nên tôi cố gắng gìn giữ, truyền dạy cho con cháu cũng như các bạn trẻ trong bon làng”.

Gắn kết văn hóa truyền thống với du lịch cộng đồng

Cách trung tâm TP. Gia Nghĩa khoảng 40km về phía bắc, Đắk Song là địa phương có yếu tố tự nhiên, khí hậu thuận lợi cho phát triển du lịch. Không khí tại đây trong lành với nhiều rừng thông hàng chục năm tuổi nối dài. Độ cao 900m so với mực nước biển cũng giúp Đắk Song có được kiểu thời tiết se lạnh, dịu mát hơn so với các địa phương khác trong tỉnh.

jomj2(1).jpg
Hằng năm, huyện đều trích kinh phí tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Đắk Song với nhiều hoạt động phong phú

Huyện Đắk Song có nhiều điểm đến, khu du lịch mang sắc thái riêng như Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên, thác Lưu Ly, các khu điện gió. Đặc biệt, Đắk Song là 1 trong 6 huyện, thành phố nằm trong vùng Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông. Huyện hiện có 3 điểm di sản thuộc tuyến du lịch “Bản giao hưởng của sự đổi thay” gồm: Di tích lịch sử Đường Trường Sơn và Điểm khai thông liên lạc đường Bắc Nam; Trang trại nông nghiệp Organic Thu Thủy; Mỏ đá Saphia Trường Xuân.

Việc khai thác các tiềm năng du lịch gắn với những nét đẹp văn hóa của các dân tộc ở huyện Đắk Song đã tạo ra tiềm năng, thế mạnh, cơ hội để địa phương phát triển du lịch với nhiều loại hình như du lịch tâm linh, văn hóa, địa chất, sinh thái, trải nghiệm, cộng đồng...

Huyện đã và đang xúc tiến kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng tại các điểm du lịch, khu di tích và các vùng có tiềm năng khai thác du lịch… Đến nay trên địa bàn huyện Đắk Song đã hình thành các điểm, khu du lịch như Khu du lịch thác Lưu Ly, Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên; điểm du lịch thôn 4 xã Nâm N’Jang; điểm du lịch trải nghiệm thôn 6, xã Nam Bình... Huyện đang xây dựng Làng văn hóa truyền thống của người M'nông tại xã Đắk N'Drung. UBND huyện Đắk Song đã phối hợp với các đơn vị chức năng khảo sát và thống nhất chọn địa điểm đề xuất tỉnh đầu tư xây dựng Trung tâm thông tin Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông tại ngã 4 cầu 20 thuộc xã Nâm N’Jang.

khao-sat-2-1-.jpg
Đài quan sát thuộc công trình Trung tâm thông tin Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông tại xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song

Đến với huyện Đắk Song, du khách được thưởng thức các sản vật; tham gia và nghe những tiết mục văn nghệ múa hát mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; tìm hiểu và trải nghiệm đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân tộc nơi đây với nghề dệt thổ cẩm của người dân bản địa...

Bên cạnh đó, Đắk Song đã hoàn thiện Dự án Cổng du lịch văn hóa Đắk Song, trong đó có ứng dụng du lịch 3D của địa phương. Du khách chỉ cần 1 chiếc điện thoại thông minh là có thể tìm hiểu kỹ lưỡng các khu, điểm du lịch trước khi quyết định đặt chân đến.

Với việc quét mã QR bằng điện thoại thông minh, bất cứ ai cũng có thể quét hoặc nhập địa chỉ dulichdaksong.vnitour.vn để truy cập vào Cổng văn hóa du lịch Đắk Song.

Tại đây, các thông tin địa phương bao gồm: sự kiện, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, hệ thống cơ sở lưu trú, quán ăn, dịch vụ hỗ trợ đều được hiển thị chi tiết, đầy đủ. Đặc biệt, phần quan trọng nhất của cổng là du lịch 3D, cung cấp trải nghiệm 3D tour Đắk Song vô cùng thú vị.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thân, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song, nhằm tạo đòn bẩy cho du lịch văn hóa phát triển, ngoài việc xúc tiến, quảng bá, kêu gọi nhà đầu tư có năng lực tiếp tục triển khai thực hiện các dự án phát triển du lịch, huyện Đắk Song tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền người dân giữ gìn giá trị văn hóa dân tộc thông qua các buổi họp dân, bản. Thông qua các nguồn lực, dự án, chương trình huyện mở các lớp truyền dạy các giá trị văn hóa, để thế hệ mai sau nhân lên lòng tự hào về những nét đẹp văn hóa truyền thống quê hương mình… Qua đó, góp phần xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

khao-sat-8-1-1--ab5aa2da0c095e79c2c1a038612ce355.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh dẫn đầu đoàn khảo sát làm việc với huyện Đắk Song về công tác phát triển du lịch trên địa bàn

Phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Đắk Song về công tác phát triển du lịch trên địa bàn vào tháng 4/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh đề nghị huyện Đắk Song huy động các nguồn lực đẩy mạnh đầu tư về cơ sở vật chất văn hóa, hạ tầng du lịch, nhất là các khu, điểm du lịch, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng có chất lượng cao. Địa phương tăng cường bố trí kinh phí cho hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống, hướng tới phát triển du lịch sinh thái, văn hóa kết hợp du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng và các dịch vụ vui chơi giải trí để thu hút khách nội địa và quốc tế. Đắk Song đẩy mạnh quảng bá để thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm, tâm huyết đầu tư vào các điểm du lịch của huyện.

Mỹ Hằng