Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, tư vấn chính sách Việt Nam-Thụy Sĩ

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 21:28, 28/05/2024

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh mong muốn hợp tác với các cơ sở giáo dục, nhất là các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo, quản lý; các viện nghiên cứu, tư vấn chính sách của Thụy Sĩ.
GS-TS Nguyễn Xuân Thắng tiếp Ngài Thomas Gass, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sỹ tại Việt Nam. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
GS-TS Nguyễn Xuân Thắng tiếp Ngài Thomas Gass, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sỹ tại Việt Nam. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
GS-TS Nguyễn Xuân Thắng tiếp Ngài Thomas Gass, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sỹ tại Việt Nam. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
GS-TS Nguyễn Xuân Thắng tiếp Ngài Thomas Gass, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sỹ tại Việt Nam. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Chiều 28/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đã tiếp, làm việc với ông Thomas Gass, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Thụy Sĩ tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng bày tỏ vui mừng được đón tiếp Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass đến thăm, làm việc tại Học viện.

Ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định những thành quả của hợp tác trong 50 năm qua là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa hai nước; là cơ sở để hai bên tiếp tục nâng tầm quan hệ trong thời gian tới.

Nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với Thụy Sĩ, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng mong muốn thời gian tới, hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác, trao đổi đoàn trên tất cả kênh; tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Thụy Sỹ tiếp tục thúc đẩy nhanh chóng tiến độ đàm phán, ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA).

Về hợp tác giữa Học viện với Đại sứ quán và các đối tác khác của Thụy Sĩ, ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết Học viện mong muốn hợp tác với các cơ sở giáo dục, nhất là các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo, quản lý; các viện nghiên cứu, tư vấn chính sách của Thụy Sĩ.

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác Thụy Sĩ trong các lĩnh vực, đặc biệt là các vấn đề chuyển đổi năng lượng công bằng, chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua các hình thức hợp tác như nghiên cứu, tổ chức hội thảo, tọa đàm, chia sẻ thông tin và các đoàn đi nghiên cứu, khảo sát, trao đổi kinh nghiệm…

gs_ts_nguyen_xuan_thang_tiep_dai_su_thuy_sy_tai_viet_nam3.jpg
GS-TS Nguyễn Xuân Thắng và Ngài Thomas Gass, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sỹ tại Việt Nam với các đại biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Cảm ơn Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng dành thời gian tiếp, làm việc, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass khẳng định Thụy Sĩ luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác với Việt Nam.

Chia sẻ với các ý kiến, đề xuất hợp tác của ông Nguyễn Xuân Thắng, Đại sứ khẳng định sẽ nỗ lực để triển khai thành công các chương trình hợp tác với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Dịp này, Đại sứ cũng bày tỏ mong muốn được phối hợp với Học viện tổ chức buổi tọa đàm nhân kỷ niệm 70 năm Ngày ký hiệp định Geneva (21/7/1954-21/7/2024).

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho biết Học viện ủng hộ đề xuất này của Đại sứ và sẽ phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Thụy Sĩ tổ chức thành công buổi tọa đàm ý nghĩa này./.

Việt Đức