Đổi mới tổ chức Tòa án nhân dân cần lộ trình và bước đi phù hợp
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH Đắk Nông cho rằng, đổi mới tổ chức Tòa án nhân dân theo thẩm quyền xét xử cần có lộ trình, bước đi phù hợp.
Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 28/5, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi)
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH Đắk Nông cho rằng, trên tinh thần cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc đổi mới tổ chức Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử là cần thiết.
Tuy nhiên, việc đổi mới tổ chức Tòa án nhân dân theo thẩm quyền xét xử cần phải được thực hiện đồng bộ với việc đổi mới tổ chức của các cơ quan tư pháp khác để tạo sự thống nhất trong hệ thống, thuận lợi trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời, việc đổi mới tổ chức Tòa án nhân dân cũng phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Tòa án các cấp theo quy định.
Do đó, việc đổi mới tổ chức Tòa án nhân dân theo thẩm quyền xét xử cần có lộ trình và bước đi phù hợp; cần đánh giá toàn diện và sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật liên quan cho đồng bộ, thống nhất và tránh làm phát sinh các chi phí, thủ tục không cần thiết. Vì vậy, ở giai đoạn trước mắt, tổ chức Tòa án nhân dân vẫn nên giữ nguyên như hiện nay là phù hợp.
Về ngạch Thẩm tra viên Tòa án theo Điều 114 và ngạch Thư ký Tòa án theo Điều 118 của dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Thu Hằng nêu quan điểm: Chúng ta nên kế thừa các quy định về Ngạch Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, tức là lựa chọn phương án 1 của dự thảo. Bởi, quy định về ngạch để phù hợp với pháp luật về cán bộ, công chức, tính tương đồng với một số chức danh tư pháp, đảm bảo cho việc thực hiện các chính sách về tiền lương, có sự phân hóa về trình độ, năng lực của mỗi chức danh và tránh làm xáo trộn tính ổn định đối với các chức danh này như hiện nay.
Ngoài ra, đại biểu Hằng đề nghị cân nhắc quy định việc Nhà nước có chính sách ưu tiên về tiền lương, phụ cấp đối với Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án theo khoản 1 Điều 142 cho phù hợp với thực tiễn so với các ngành, nghề khác và quá trình thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.