Pháp luật

17 hộ dân Gia Nghĩa thấp thỏm bên đường Hồ Chí Minh

Lê Phước 28/05/2024 05:08

17 hộ dân ở TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) thấp thỏm lo âu trong những căn nhà nứt toác ngay dưới đoạn đường Hồ Chí Minh bị sụt lún gần 1 năm qua.

Nhà của mình nhưng khô ở, mưa đi

Đắk Nông đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Những cơn mưa lớn, kéo dài thường xuyên xuất hiện. Và cứ hễ trời mưa, 17 hộ dân ở tổ dân phố 9, phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa sống trong cảnh nơm nớp lo sợ.

Ông Nguyễn Sửu đến tổ dân phố 9 mua mảnh đất hơn 300m2 và làm nhà, sinh sống hơn 20 năm nay. Gia đình có 2 con, 2 cháu ngoại. Khi những cơn mưa đầu mùa đến, cả gia đình không dám ở trong nhà, phải đến nhà người quen để ngủ.

a-img_4751.jpg
Một góc nhà của gia đình ông Nguyễn Sửu, ở phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa bị nứt toác

Phía sau nhà ông Sửu, một lượng đất lớn từ quả đồi phía trên xô vào tường nhà. Dãy tường rào phía sau đã bị đổ sập. Tường phía trong nứt toác, xiêu vẹo, có nguy cơ đổ rất cao.

Theo ông Sửu, tháng 8/2023, đoạn Km1900+350 - Km1900+650 đường Hồ Chí Minh xuất hiện các vệt nứt. Việc sụt lún diễn biến nhanh chóng và chỉ ít ngày sau, đường Hồ Chí Minh đã bị sụt sâu 5m.

Phía ta luy âm đoạn đường Hồ Chí Minh sụt lún có 17 hộ dân sinh sống bên dưới. Trước nguy cơ sụt lún có thể đe dọa tính mạng của người dân, TP. Gia Nghĩa đã khẩn trương di dời toàn bộ các hộ dân ra khỏi khu vực an toàn. Chính quyền đã đưa lực lượng đến hỗ trợ người dân di dời tài sản và hỗ trợ tiền thuê nhà cho họ.

Tuy nhiên, việc hỗ trợ chỉ diễn ra được ít tháng. Sau khi trời ngớt mưa và các vệt nứt có xu hướng ổn định, hầu hết các hộ dân đã quay về lại căn nhà cũ để sinh sống.

a-img_4753.jpg
Gia đình ông Nguyễn Sửu, ở phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa sống thấp thỏm trong căn nhà nhiều vết nứt

“Thấy khô ráo thì chúng tôi bàn nhau về lại nhà để ở. Giờ cứ trời mưa lớn thì cả nhà lại đưa nhau đến nhà người quen, không dám ngủ vì sợ nhà sập. Chẳng có nơi ở khác mà nhà đông người, ở trọ thì bức bí, tốn kém lắm”, ông Sửu cho hay.

Cách đó không xa là nhà ông Trương Văn Hiệp, một trong những căn nhà xây sớm và kiên cố bậc nhất dãy nhà này. Phía sau nhà, tường công trình phụ đã bị nứt toác, đất tràn vào bên trong. Các vệt nứt đã tiến sâu vào gian nhà bếp.

Ông Hiệp chia sẻ: Lúc đường sạt, chính quyền xuống yêu cầu di dời toàn bộ thì chúng tôi chấp hành. Ai cũng lo lắng cho tính mạng của mình nên đến nhà trọ, nhà người quen để ở. Nhưng cả năm nay không thấy họ khắc phục gì cả. Về nhà ở cũng lo lắng mùa mưa nguy hiểm nhưng người dân chúng tôi không còn cách nào khác cả.

a-ong-hiep.jpg
Bếp và bức tường phía sau nhà ông Trương Văn Hiệp, ở phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa đã và đang tiếp tục nứt

Một số trường hợp thì không dám quay về nhà cũ sống vì lo lắng cho tính mạng. Bà Nguyễn Thị Phát, tâm sự: Chúng tôi được Nhà nước cấp sổ đỏ, có đất ở và xây nhà ổn định. Bây giờ chúng tôi không dám ở liều vì mùa mưa tới rồi, không an toàn. Rất mong Nhà nước có hướng khắc phục, xử lý dứt điểm sụt lún đường để chúng tôi được quay về nơi ở cũ yên tâm sinh sống.

Chưa tìm được nguyên nhân sụt lún

Từ thời điểm đường Hồ Chí Minh sụt lún, 17 hộ dân đã kiến nghị chính quyền có hướng giải quyết. Bên cạnh việc hỗ trợ ổn định cuộc sống, người dân cùng ký đơn đề nghị ngành chức năng làm rõ nguyên nhân đường bị sụp lún.

a-flycam-2.jpg
17 hộ dân ở khu vực sụt lún dưới chân đường Hồ Chí Minh đã viết đơn kêu cứu gửi cơ quan chức năng

Chủ tịch UBND phường Nghĩa Thành Vũ Hữu Nghị, cho hay: Người dân kiến nghị chính quyền địa phương có giải pháp khắc phục sụt đường Hồ Chí Minh và nứt nhà cửa cua họ. Phường đã nhiều lần báo cáo thành phố để ngành chức năng hỗ trợ họ ổn định cuộc sống nhưng tới nay vẫn chưa được giải quyết.

Theo UBND TP. Gia Nghĩa, sau khi xảy ra sụt lún đường Hồ Chí Minh, các ngành chức năng đã khẩn trương di dời người dân ra khỏi khu vực an toàn. UBND tỉnh Đắk Nông đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai tại khu vực này.

Thành phố đã có hỗ trợ người dân 3 tháng tiền thuê nhà và một số nhu yếu phẩm khác. Tiếp đó, thành phố đã chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm kê hiện trạng tài sản trên đất của các hộ dân, phục vụ công tác thu hồi đất sau này.

Nhưng ít tháng sau, thời tiết khô ráo và khu vực sụt lún đã ổn định trở lại. Các hộ dân thấy vậy đã quay về nhà cũ để sinh sống. Chính quyền địa phương xác định nguy cơ mất an toàn nhưng chỉ có thể tuyên truyền, vận động chứ không thể cấm người dân.

a-img_4765.jpg
Nhiều người dân Gia Nghĩa vẫn quay về căn nhà nứt toác để sống vì không còn nơi ở nào khác

Vướng mắc hiện tại của thành phố là chưa có căn cứ để thực hiện các bước kế tiếp trong quy trình đền bù, hỗ trợ. Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa Thạch Cảnh Tịnh, pháp luật chưa có quy định thu hồi đất, giải phóng mặt bằng do thiên tai.

Những trường hợp người dân phải di dời nhà ở khẩn cấp do thiên tai thì được hỗ trợ theo Điều 15, Nghị định 20 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Với mức hỗ trợ tối thiểu 30 triệu đồng/hộ thì người dân phải di dời không chấp nhận.

Ông Tịnh cho hay: Thành phố đã kiến nghị cơ quan chức năng giám định, làm rõ vấn đề liên quan giữa việc nứt nhà dân và sụt đường. Đây là căn cứ để thành phố giải quyết các kiến nghị của người dân. Nhưng tới nay, cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được nguyên nhân và hướng khắc phục.

Liên quan đến việc sụp lún đường Hồ Chí Minh, Bộ GT-VT đã khẳng định, việc khắc phục thuộc về chủ đầu tư dự án và có sự quản lý của Nhà nước.

Có nghĩa là nhà đầu tư (Công ty Cổ phần BOT và BT Đức Long Đắk Nông) có trách nhiệm khắc phục, sửa chữa đoạn tuyến trên dưới sự quản lý của UBND tỉnh Đắk Nông.

Theo Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Sỹ Sơn, UBND tỉnh Đắk Nông đã thành lập tổ tư vấn do Sở GT-VT chủ trì thực hiện giám định nguyên nhân sự cố sụt lún đường Hồ Chí Minh.

Hiện nay, Sở GT-VT đang phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các bước giám định, tìm nguyên nhân sụt lún để đề xuất UBND tỉnh Đắk Nông các phương án khắc phục, sửa chữa.

a-flycam.jpg
Việc giám định nguyên nhân và khắc phục sụt lún đường Hồ Chí Minh hiện khá chậm và gặp khó khăn

Ông Sơn cho hay: Muốn thi công khắc phục thì phải tiến hành giám định, xác định nguyên nhân sự cố sụt lún công trình và đề xuất giải pháp. Nhưng việc giám định nguyên nhân sụt lún là công tác khó, không được nhiều đơn vị tư vấn mặn mà.

Việc tổ chức khắc phục ở khu vực này sẽ được triển khai theo quy trình đầu tư xây dựng thông thường. Nghĩa là tất cả các bước tư vấn, khảo sát, thi công… đều phải tiến hành đấu thầu theo đúng quy định.

Theo dự tính của Sở GT-VT, nếu quy trình thuận lợi thì đến cuối năm 2024, đầu năm 2025 mới tiến hành khắc phục được sụp lún trên đường Hồ Chí Minh.

Lê Phước