Những "đầu tàu" sản xuất cà phê chất lượng cao ở Đắk Nông
Các HTX ở Đắk Nông đang là “đầu tàu” trong sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn, chất lượng cao, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.
HTX Nông nghiệp thương mại Công Bằng Đắk Ka, ở xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) có hơn 40 thành viên tham gia sản xuất cà phê chất lượng cao.
HTX có vùng nguyên liệu 100ha cà phê áp dụng quy trình sản xuất, sơ chế, chế biến theo tiêu chuẩn cà phê chất lượng cao. HTX đang cung cấp cà phê chất lượng cao ra thị trường và xây dựng thành công sản phẩm cà phê bột Fine Robusta Dak Nong (FRD).
Ông Trần Văn Phú, Giám đốc HTX cho biết, ngoài liên kết với các thành viên để hình thành vùng nguyên liệu chất lượng, HTX đã liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cà phê bột, cà phê nhân xô.
Tương tự, trên diện tích hơn 250ha, các thành viên của HTX Nông nghiệp, Thương mại, Dịch vụ Tân Phú Nông, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) đang sản xuất cà phê theo hướng chất lượng cao.
HTX đã áp dụng quy trình sản xuất cà phê hữu cơ, chất lượng cao trên toàn bộ diện tích của các thành viên. Hiện nay, HTX đang gửi mẫu đánh giá nông sản theo tiêu chuẩn hữu cơ, xây dựng sản phẩm OCOP cho cà phê bột.
Theo đánh giá của ngành chức năng, các HTX trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang là “đầu tàu” xây dựng và sản xuất cà phê theo quy trình và đạt các tiêu chuẩn nông nghiệp an toàn, tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu. Ngoài việc xây dựng vùng nguyên liệu, đã có 12 HTX liên kết chuỗi giá trị cà phê để kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Toàn tỉnh có gần 23.500ha cà phê đạt các tiêu chuẩn 4C, RA, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ..., với sản lượng trên 82.000 tấn/năm.
Một số HTX và người dân đã chủ động sản xuất cà phê theo hướng đặc sản, chất lượng cao với khoảng 225ha, sản lượng cà phê nhân đặc sản đạt 251 tấn/năm.
Một số sản phẩm cà phê của tỉnh được công nhận tiêu chuẩn đặc sản và đã có kết quả cao tại các cuộc thi trong nước, quốc tế. Đây là nền tảng để phát triển các sản phẩm cà phê vối đặc sản, giá trị cao tại một số vùng của tỉnh Đắk Nông.
Đắk Nông có 17 sản phẩm cà phê của 12 chủ thể được chứng nhận OCOP. Trong đó, 1 sản phẩm đạt 4 sao và 16 sản phẩm đạt 3 sao; có 5 cơ sở chế biến cà phê được chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng theo quy trình HACCP, ISO 22000… Hiện tỉnh cũng đang thực hiện các bước để xây dựng Chỉ dẫn địa lý cà phê Đắk Nông.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sơ chế, chế biến cà phê, chủ yếu là chế biến cà phê xuất khẩu và chế biến thành cà phê bột phục vụ thị trường nội địa.
Các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực sơ chế, chế biến cà phê nhân xô xuất khẩu trên 99,9%. Các thị trường chủ yếu của cà phê Đắk Nông như: Singapore, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Australia, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Italia…
Trong đó, Singapore là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Đắk Nông, với kim ngạch trên 60% tổng giá trị xuất khẩu cà phê của tỉnh.
Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, để tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển các mặt hàng nông sản của địa phương, trong thời gian tới ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Tỉnh tập trung xây dựng các chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp lấy HTX, doanh nghiệp làm trung tâm sản xuất, chế biến cà phê chất lượng cao.
Tỉnh đẩy mạnh kết nối thị trường, kêu gọi thu hút một số doanh nghiệp đầu tư vào doanh nghiệp, chuyên nghiệp hóa khâu sản xuất...
Đắk Nông cần phát triển mạnh HTX, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Đắk Nông hiện có khoảng 142.059ha cà phê, sản lượng 360.027 tấn/vụ. Cà phê được trồng tập trung ở các địa bàn: Krông Nô, Đắk Song, Đắk Mil, Tuy Đức, Đắk R’lấp và Đắk Glong. Cà phê Đắk Nông chiếm khoảng 18% diện tích, sản lượng cà phê cả nước.