Đại biểu Quốc hội: Không nên chuyển hộ kinh doanh sang nhóm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Chính sách - Ngày đăng : 10:43, 27/05/2024

Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến cho rằng, không nên chuyển hộ kinh doanh sang nhóm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bởi họ hoàn toàn có thể tự chủ về thu nhập thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh và chủ động trong việc tìm kiếm các giải pháp về tài chính để đảm bảo cho cuộc sống gia đình.
Đại biểu Quốc hội: Không nên chuyển hộ kinh doanh sang nhóm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc- Ảnh 1.
Đại biểu Trần Kim Yến - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh phát biểu tham luận tại cuộc họp

Phát biểu thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Kim Yến, - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh quan tâm đến quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đã bổ sung trường hợp được xác định là người lao động nhưng hai bên không giao kết hợp đồng lao động nhưng có nội dung thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện bằng việc làm có trả công, tiền lương và có sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên, quy định tại a khoản 1 của Điều 3 của dự thảo luật.

Theo đại biểu, nếu đánh giá về bản chất là phù hợp với quy định về hợp đồng lao động được quy định tại Bộ Luật Lao động (Điều 13) tuy nhiên xét về hình thức, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản đối với loại hợp đồng có thời hạn từ 1 tháng trở lên và đảm bảo các nội dung cơ bản theo quy định của Bộ Luật Lao động. 

Vì vậy, nếu đã xác định là tồn tại quan hệ lao động và hai bên chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật lao động, phải có sự điều chỉnh kịp thời. Việc thực hiện các nghĩa vụ về bảo hiểm cần phải được xác định và căn cứ trên hợp đồng lao động hợp pháp. Có như vậy, công tác kiểm tra, giám sát mới có thể thực hiện tốt.

Đại biểu Quốc hội: Không nên chuyển hộ kinh doanh sang nhóm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc- Ảnh 2.
Đại biểu tham dự cuộc họp

Nhiều ý kiến đánh giá, quy định này sẽ mở đường và gián tiếp thừa nhận các loại hình hợp đồng có tên gọi khác này, tuy nhiên trên thực tế cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp đã sử dụng cách này để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật lao động. 

Vì vậy, nếu phát hiện ra loại hình hợp đồng lao động này cần thiết phải điều chỉnh về hình thức và nội dung, từ đó sẽ xác định rõ nghĩa vụ của các bên tham gia bảo hiểm.

Ban soạn thảo cũng cần nghiên cứu đánh giá bổ sung một đối tượng cần được mở rộng trong quy định của Luật Bảo hiểm xã hội đó là lao động không chọn thời gian, ví dụ như là lao động xe công nghệ. Nếu chiếu theo điều 13 của Bộ Luật Lao động, đối tượng này về bản chất là quan hệ lao động, nên cần bổ sung đây là đối tượng cần tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo tinh thần của Nghị quyết 28.

Đại biểu Quốc hội: Không nên chuyển hộ kinh doanh sang nhóm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc- Ảnh 3.
Đại biểu tham dự cuộc họp

Dự thảo luật cũng bổ sung tại điểm m khoản 1 của Điều 3 là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh. Đại biểu cho rằng, bản chất nhóm đối tượng này khác với người lao động làm công ăn lương. Đây là nhóm đối tượng hoàn toàn có thể tự chủ về thu nhập thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh và chủ động trong việc tìm kiếm các giải pháp về tài chính để đảm bảo cho cuộc sống gia đình. 

Vì vậy, không nên chuyển nhóm đối tượng này sang bảo hiểm xã hội bắt buộc mà vẫn giữ nhóm đối tượng này thuộc đối tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Đại biểu cũng đề xuất là bổ sung vào Điều 16 về quyền khởi kiện của cơ quan bảo hiểm xã hội, bởi trên thực tế cho thấy rằng là trong thời gian vừa qua khi tổ chức Công đoàn thực hiện nhiệm vụ khởi kiện người sử dụng lao động vi phạm về pháp luật bảo hiểm xã hội, việc tiếp cận thu thập chứng cứ, tiếp cận tài liệu dữ liệu liên quan đến bảo hiểm xã hội rất khó khăn.

Đại biểu đề xuất bổ sung các chính sách khuyến khích những người muốn sinh con, bởi Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số nhanh; đồng thời bổ sung chính sách khuyến khích những người muốn sinh con, tức là bổ sung vào nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đi khám và điều trị hiếm muộn…