Bắt buộc xuất hóa đơn điện tử xăng dầu theo từng lần bán
Ngày 19/12/2023, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành Công điện số 10/CĐ-TCT yêu cầu các bộ ngành, địa phương quyết liệt, khẩn trương triển khai việc lập hoá đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu.
- 1. Bối cảnh: Bắt buộc xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán tại các cây xăng
- 2. Những rào cản, thách thức trong công tác áp dụng xuất HĐĐT xăng dầu theo từng lần bán hàng
- 2.1 Đối với người dân
- 2.2 Đối với các doanh nghiệp/đơn vị kinh doanh lĩnh vực xăng dầu
- 3. Ý kiến của Bộ Tài chính
- 3.1 Bộ Tài Chính: “Việc xuất HĐĐT tại các cây xăng theo từng lần bán là bắt buộc kể cả với người không lấy hóa đơn và không làm mất thời gian của người mua”
- 3.2 Tổng chi phí đầu tư để triển khai HDDT xăng dầu không đến mức 400 – 600 triệu đồng hay 1 tỷ đồng như đồn đoán
- 3.3 Yêu cầu và khuyến nghị của Tổng cục thuế tới các cửa hàng xăng dầu
- 3.4 Trách nhiệm của cơ quan thuế và các cơ quan chức năng
- 4. Nếu DN chưa thể lắp đặt trụ bơm kết nối với HĐĐT thì có phải lập hóa đơn theo từng lần bán không?
1. Bối cảnh: Bắt buộc xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán tại các cây xăng
– Theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ có hiệu lực từ ngày 1/7/2022, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu phải xuất HĐĐT theo từng lần bán. Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ HĐĐT khi bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân, đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
– Ngày 13/11/2023, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 5080/TCT-DNL yêu cầu thúc đẩy việc triển khai phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu.
– Ngày 18/11/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1123/CĐ-TTg yêu cầu tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. Trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng và cấp bách của việc sử dụng hóa đơn điện tử theo từng lần bán đối với ngành xăng dầu. Từ đó góp phần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi và bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng; chống tiêu cực, tham nhũng, chống gian lận hóa đơn điện tử, trốn thuế.
– Ngày 01/12/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 1284/CĐ-TTg: Về tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Sẽ tăng cường giám sát và xử lý nghiêm đối với các cây xăng không xuất hóa đơn điện tử từng lần bán trong tháng 12/2023.
– Ngày 05/12/2023, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 5468/TCT-DNL về việc thực hiện quy định hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
2. Những rào cản, thách thức trong công tác áp dụng xuất HĐĐT xăng dầu theo từng lần bán hàng
2.1 Đối với người dân
Không có nhu cầu lấy hóa đơn, lo ngại mất thời gian chờ đợi, ách tắc trong quá trình đổ xăng dầu
Khảo sát ý kiến của người dân, nhận thấy rằng ở thời điểm hiện tại hầu hết các khách hàng lẻ khi đi mua xăng dầu đều không có nhu cầu lấy hóa đơn, vì lấy cũng không dùng để làm gì.
Người dân lo ngại rằng nếu bắt buộc phải lấy hóa đơn cho mỗi lần đổ xăng thì sẽ tốn thời gian chờ đợi cây xăng xuất hóa đơn, chờ đợi lấy hóa đơn, còn có thể gây ra tình trạng ách tắc tại cây xăng.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người dân ủng hộ quy định cần lấy hóa đơn cho mỗi lần đổ xăng nhưng cần có thời gian tuyên truyền để người dân nắm bắt được thông tin, thay đổi thói quen dần.
2.2 Đối với các doanh nghiệp/đơn vị kinh doanh lĩnh vực xăng dầu
Lo ngại gây tốn kém, lãng phí
Lo ngại lớn nhất của các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực xăng dầu là chi phí đầu tư và chi phí mỗi lần xuất hóa đơn điện tử bán hàng.
Một số khoản chi phí cần đầu tư và chuẩn bị có thể kể đến như:
- Chi phí đầu tư thiết bị: Nâng cấp trụ bơm xăng dầu, máy tính, máy pos, máy in hóa đơn, chữ ký số…
- Chi phí kết nối: Đường truyền kết nối từ doanh nghiệp đến các điểm bán lẻ xăng dầu, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế
- Chi phí phần mềm: Phần mềm phát hành hóa đơn điện tử (Chi phí khoảng 60 – 100đ/hóa đơn); Phần mềm bán hàng, quản lý xăng dầu
- Chi phí thanh toán: Nếu người tiêu dùng sử dụng thẻ thanh toán (quốc tế, nội địa), các đơn vị/doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải chi trả một khoản phí cho đơn vị phát hành thẻ.
Trong khi đó nếu khách hàng không có nhu cầu lấy hóa đơn thì khoản chi phí đầu tư lớn như trên sẽ rất lãng phí, trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
3. Ý kiến của Bộ Tài chính
3.1 Bộ Tài Chính: “Việc xuất HĐĐT tại các cây xăng theo từng lần bán là bắt buộc kể cả với người không lấy hóa đơn và không làm mất thời gian của người mua”
- Đối với khách hàng có nhu cầu lấy hóa đơn khi đổ xăng
– Cửa hàng xăng dầu bắt buộc phải lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng
– Khách hàng có nhu cầu lấy hóa đơn sẽ nhận được HĐĐT về hộp thư điện tử (email), hoặc zalo, SMS moblie của mình để có thể tra soát, đối chiếu.
- Đối với khách hàng là cá nhân không kinh doanh và không có nhu cầu lấy hóa đơn khi đổ xăng
– Cửa hàng xăng dầu vẫn phải lập hóa đơn điện tử cho từng lần bán
– Trường hợp này, khách hàng là cá nhân không kinh doanh nên hóa đơn điện tử xăng dầu không nhất thiết phải có đầy đủ các chỉ tiêu (không cần thông tin người mua).
Việc lập và xuất hóa đơn điện tử là theo phần mềm thực hiện tự động, số lượng hóa đơn đã xuất sẽ được lưu trữ bằng hình thức điện tử một cách đầy đủ mà không phải in ra tại các cửa hàng xăng dầu và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Bộ Tài Chính đánh giá: Việc xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng không làm mất thời gian của người mua không có nhu cầu lấy hóa đơn. Trong khi đó vẫn đảm bảo các đơn vị kinh doanh xăng dầu tuân thủ đúng quy định về hóa đơn điện tử và tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Cũng theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội xăng dầu Việt Nam và báo cáo khảo sát của Bộ Tài Chính, đã có Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM thực hiện việc xuất HĐĐT sau từng lần bán hàng từ Tháng 7/2023 với khoảng trên 2.700 cửa hàng, và không xảy ra tình trạng ách tắc tại các cửa hàng xăng dầu.
- Cần tạo thói quen “lấy hóa đơn” cho người dân
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh: “Quan trọng là tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu, nắm rõ về ý nghĩa của HĐĐT khi mua xăng dầu, để việc yêu cầu bên bán xuất hóa đơn trở thành thói quen khi mua hàng“.
3.2 Tổng chi phí đầu tư để triển khai HDDT xăng dầu không đến mức 400 – 600 triệu đồng hay 1 tỷ đồng như đồn đoán
Ông Mai Xuân Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, qua khảo sát và rà soát từ các doanh nghiệp xăng dầu đã triển khai thành công xuất HĐĐT theo từng lần bán, cũng như qua báo giá của một số đơn vị cung cấp giải pháp tổng thể hóa đơn xăng dầu, thì mức chi phí đầu tư không phải cao tới mức 400-600 triệu đồng hay 1 tỉ đồng như thông tin xuất hiện thời gian qua.
3.3 Yêu cầu và khuyến nghị của Tổng cục thuế tới các cửa hàng xăng dầu
Để thực hiện tốt việc xuất hóa đơn điện tử xăng dầu cho từng lần bán hàng theo quy định, cơ quan thuế đã có những văn bản thông báo, vận động đến từng đơn vị kinh doanh xăng dầu trên các địa bàn, địa phương nghiêm túc thực hiện một số nội dung sau:
- Phải xem việc phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng, có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế là bắt buộc và đúng quy định;
- Chuẩn bị trang thiết bị như: trụ bơm, cột bơm tại các cửa hàng có tính năng điện tử, có khả năng kết nối dữ liệu trên trụ bơm với máy tính để lập hóa đơn theo quy định;
- Chủ động liên hệ với các đơn vị cung cấp giải pháp, cấu hình và thiết lập hệ thống phát hành hóa đơn theo từng lần bán hàng đáp ứng nhu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch với khách hàng.
“Đây là một trong các nhiệm vụ bắt buộc, quan trọng phải thực hiện tại địa phương” – Văn bản của Bộ Tài chính nhấn mạnh.
3.4 Trách nhiệm của cơ quan thuế và các cơ quan chức năng
– Tiếp tục đẩy mạnh, tuyên truyền đến các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện quy định về phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Phối hợp và quyết liệt triển khai lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại các cây xăng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo quy định; hoàn thành trong tháng 12/2023.
– Tuyên truyền, tổ chức đến người dân, doanh nghiệp để hiểu rõ về lợi ích và trách nhiệm, hiệu quả của việc sử dụng hóa đơn điện tử.
– Tăng cường phối hợp giữa cơ quan ban, ngành địa phương trong việc rà soát, kiểm tra việc phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu tại địa phương đảm bảo đúng quy định; xử lý nghiêm theo pháp luật nếu không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện.
– Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu, công tác thanh tra, giám sát việc sử dụng hóa đơn điện tử xăng dầu… nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý thuế, ngăn ngừa các hành vi gian lận, trốn thuế, chống thất thu thuế.
– Nắm bắt kịp thời các hình thức gian lận mới về HĐĐT nói chung và HĐĐT đối với kinh doanh xăng dầu nói riêng, nhằm mục đích thu lợi bất chính, hoặc chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước; từ đó có giải pháp ngăn chặn kịp thời, xử lý theo quy định.
– Ghi nhận các vướng mắc, nắm bắt thực trạng triển khai và khả năng đáp ứng xuất hóa đơn điện tử xăng dầu theo từng lần bán hàng tại mỗi địa phương. Từ đó kịp thời có những đề xuất, chia sẻ tới các DN bán lẻ xăng dầu lựa chọn được phương án tối ưu, phù hợp nhất.
4. Nếu DN chưa thể lắp đặt trụ bơm kết nối với HĐĐT thì có phải lập hóa đơn theo từng lần bán không?
Ngày 10/01/2024 Cục thuế tỉnh Tiền Giang ban hành Văn bản số 100/CTTGI-TTHT trả lời công ty TNHH Xăng dầu Hồng Đức về việc triển khai Hóa đơn điện tử từng lần đối với Doanh nghiệp xăng dầu.
Theo đó, Khi doanh nghiệp chưa thực hiện lắp đặt trụ bơm kết nối được với Hóa đơn điện tử thì Doanh nghiệp vẫn phải lập hóa đơn theo từng lần bán hàng theo quy định (Nghị định 123/2020/NĐ-CP). Còn vấn đề kết nối dữ liệu thì sẽ giúp Doanh nghiệp tiết tiệm thời gian và chi phí nhân công và kiểm soát số liệu chặt chẽ hơn.
Kết luận: Doanh nghiệp chưa sẵn sàng đầu tư tích hợp cột bơm tích hợp với hóa đơn điện tử thì có thể lựa chọn giải pháp nào phù hợp với mức đầu tư và đặc thù kinh doanh của doanh nghiệp, miễn là đáp ứng việc xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng quy định tại nghị định 123.
*Thông tin bài viết được tham khảo và tổng hợp từ các nguồn:
https://dangcongsan.vn/kinh-te/bat-buoc-xuat-hoa-don-dien-tu-tai-cac-cay-xang-654420.html
https://congthuong.vn/xuat-hoa-don-dien-tu-ban-le-xang-dau-chi-phi-rat-thap-va-khong-gay-ach-tac-292576.html
https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/56730/bat-buoc-lap-hoa-don-dien-tu-tai-cac-cay-xang
https://www.meinvoice.vn/tin-tuc/21105/bat-buoc-xuat-hoa-don-dien-tu-xang-dau-theo-tung-lan-ban/