Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

ĐBQH Dương Khắc Mai: Dự thảo luật cần đáp ứng yêu cầu CCHC hiện nay

Đức Diệu 25/05/2024 06:49

Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Đắk Nông đề nghị ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu giảm thiểu các thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi cho cả doanh nghiệp, tổ chức và cơ quan hành chính Nhà nước; đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính hiện nay.

Chiều 24/5, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; dự thảo Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

mai-1-chieu-24-03be201720b408808e1b1073c9ea6c44.jpg
Đại biểu Dương Khắc Mai: Phương thức nộp hồ sơ còn quy định chung chung, chưa rõ ràng, lặp lại theo công thức chung (Ảnh: Lệ Quyên)

Thảo luận về dự thảo Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Đắk Nông nhấn mạnh: trong dự thảo luật có hơn 30 điều khoản có nội dung về thủ tục hành chính như cấp giấy phép, cấp giấy xác nhận… Đề nghị ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu giảm thiểu các thủ tục này để tạo điều kiện thuận lợi cho cả doanh nghiệp, tổ chức và cơ quan hành chính Nhà nước; đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính hiện nay.

Bên cạnh đó, phương thức nộp hồ sơ còn quy định chung chung, chưa rõ ràng, lặp lại theo công thức chung.

Trong khi đó, hiện nay, Chính phủ đang thực hiện chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, các thủ tục hành chính được khuyến khích thực hiện trên môi trường mạng Internet. Do đó, để đồng bộ, hiện đại hóa trong thực hiện các thủ tục hành chính, đề nghị xem xét, nghiên cứu bổ sung hình thức nộp hồ sơ trực tuyến để tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện thủ tục, tăng cường cung cấp dịch vụ cổng trực tuyến theo tinh thần chung.

Về sử dụng từ ngữ, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng tại điểm c khoản 1 Điều 30 (Vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao) và điểm c khoản 1 Điều 57 (Vận chuyển công cụ hỗ trợ) đều sử dụng cụm từ “số lượng lớn”. Việc sử dụng khái niệm “số lượng lớn” chưa cụ thể sẽ gây ảnh hưởng đến áp dụng luật và chưa phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, tại điểm c khoản 2 Điều 3 có nội dung: “Vũ khí quy định tại điểm a và b khoản 4 Điều này, trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác để thi hành công vụ hoặc không được trang bị cho các đối tượng theo quy định của luật này nhưng sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật”.

Khi tiến hành rà soát , đối chiếu nội dung quy định tại điểm c khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật với Điều 304 Bộ luật Hình sự và Điều 22 của chính dự thảo luật này thì phát sinh một số vấn đề có thể bị vướng mắc khi áp dụng vào thực tiễn. Cụ thể: Điều 304 (Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự) Bộ luật Hình sự chỉ quy định đối tượng phạm tội là “người chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng” và tại Điều 22 (Thủ tục cấp giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng) dự thảo luật này cũng nêu đối tượng được cấp phép là cơ quan, đơn vị.

giang-24-chieu.jpg
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH Đắk Nông băn khoăn dao có tính sát thương cao là khi vũ khí thô sơ nhưng khi sử dụng vào mục đích phạm tội thì lại trở thành vũ khí quân dụng (Ảnh: Lệ Quyên)

Như vậy, đối tượng thuộc vế thứ 2 của điểm c, khoản 2, Điều 3 “hoặc không được trang bị cho các đối tượng theo quy định của luật này nhưng sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật” là khó xác định. Nếu đưa nội dung này vào thì cần làm rõ hơn hoặc có những quy định áp dụng riêng để tăng tính khả thi, hiệu quả của luật.

Khoản 4, Điều 3 dự thảo Luật giải thích từ ngữ về “vũ khí thô sơ”, trong đó đưa những phương tiện, công cụ mà Điều 134 (Tội cố ý gây thương tích) của Bộ luật Hình sự gọi là “hung khí nguy hiểm” vào trong khái niệm “vũ khí thô sơ”. Việc này tác động rất lớn, có thể gây nhiều thay đổi trong việc áp dụng pháp luật, dẫn đến phải hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung một số Luật, Bộ luật, văn bản dưới luật.

Đức Diệu