Kinh tế

Đắk Nông dồn lực để thu 850 tỷ đồng từ đất

Nguyễn Lương 24/05/2024 05:45

5 tháng đầu năm, số thu từ sử dụng đất tại Đắk Nông rất thấp, đặt ra cho tỉnh những thách thức lớn để hoàn thành mục tiêu thu 850 tỷ đồng tiền đất.

Chật vật đầu năm

Thông tin từ Sở TN-MT tỉnh Đắk Nông, đến ngày 7/5, toàn tỉnh thu được 156 tỷ đồng tiền sử dụng đất trong tổng số 850 tỷ đồng kế hoạch 2024, đạt tỷ lệ 18,3%. Trong đó, cấp tỉnh thực hiện 50/500 tỷ đồng, đạt 10,05%; cấp huyện thu 106/350 tỷ đồng, đạt 30,36%.

img_4475-2(1).jpg
Số thu từ lĩnh vực sử dụng đất những tháng đầu năm 2024 tại Đắk Nông đạt thấp, bằng 18,3% kế hoạch đề ra

Theo Phó Giám đốc Sở TN-MT Vũ Xuân Quỳnh, nguồn thu sử dụng đất trên địa bàn chủ yếu phụ thuộc vào đấu giá sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhưng những tháng đầu năm chưa đạt kỳ vọng đề ra.

“Nguồn thu sử dụng đất đạt thấp đã ảnh hưởng đến dự toán chi cho đầu tư phát triển. Ngân sách đạt thấp, chi cho đầu tư phát triển vì thế cũng ảnh hưởng”, ông Quỳnh nhấn mạnh.

Ông Quỳnh lý giải, nguyên nhân trước hết là do một số thửa đất công dự kiến bán đấu giá có giá trị cao đang có sự chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch chung đô thị, nên chưa có cơ sở triển khai bán đấu giá. Nhiều khu đất Nhà nước thu hồi do sắp xếp lại hiện vẫn chưa giải quyết xong tài sản gắn liền với đất.

Về chuyển đổi mục đích sử dụng, hiện nay, thị trường bất động sản trầm lắng nên nhu cầu chuyển đổi của người dân hạn chế. Một số địa phương có số diện tích đất vướng mỏ bô xít nên chưa thể chuyển đổi mục đích sử dụng.

Nhiều tuyến đường, đoạn đường được điều chỉnh tăng giá đất, số hồ sơ đăng ký xin chuyển đổi mục đích đất của các cá nhân đạt thấp. Chưa kể, một số địa bàn quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thuộc mỏ bô xít nên không được chuyển đổi.

tien-do-thu.jpg
Đồ họa: Việt Dũng

Ngoài ra, một số hộ gia đình, cá nhân ghi nợ tiền sử dụng đất đã hết thời hạn nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính. Trong khi, nhiều trường hợp khác đến thời hạn nộp tiền nhưng chưa nộp vào ngân sách.

Chưa kể, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư vẫn còn chậm do vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Điều này kéo dài tiến độ giao đất, cho thuê đất, ảnh hưởng đến việc thu hiền sử dụng đất.

Tắc nghẽn tại nhiều địa bàn

Năm 2024, TP. Gia Nghĩa được giao thu tiền sử dụng đất 400 tỷ đồng. Trong đó, nguồn thu do tỉnh quản lý 300 tỷ đồng, thành quản lý 100 tỷ đồng. Đây là địa bàn có dự toán cao nhất tỉnh về thu tiền sử dụng đất trong những năm qua.

Đến tháng 5/2024, Gia Nghĩa mới thực hiện được gần 35 tỷ đồng tiền sử dụng đất, đạt 8,75%. Với kết quả này, TP. Gia Nghĩa là địa bàn có số tiền thu sử dụng đất thấp thứ 2 trong toàn tỉnh (sau Đắk Mil).

Khu tái định cư phía đông hồ Trung tâm, phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa có 44 lô biệt thự được đấu giá. Hiện đã thực hiện được 12 lô, còn 31 lô đang được cơ quan chức năng trình UBND tỉnh phê duyệt, 1 lô chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng để đấu giá
Khu tái định cư phía Đông hồ Trung tâm, phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa có 44 lô biệt thự được đấu giá để tăng thu tiền sử dụng đất. Ảnh: Đức Hùng

Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa Đỗ Tấn Sương cho biết, hầu hết các dự án kêu gọi đầu tư tập trung ở thành phố, nhưng chưa bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng. Điều này dẫn đến không thu được tiền sử dụng đất.

Việc chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, hợp thửa tại TP. Gia Nghĩa còn nhiều bất cập. "Thành phố có rất nhiều hộ gia đình, cá nhân nhận tái định cư đã hết thời gian ghi nợ tiền sử dụng đất, nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính", ông Sương thông tin.

Ông Sương cho biết thêm, dù đang gặp nhiều khó khăn, nhưng TP. Gia Nghĩa sẽ tập trung tháo gỡ, dốc toàn lực để phấn đầu hoàn thành mục tiêu dự toán về thu tiền sử dụng đất trong năm nay.

Thực tế, trong quá trình thu tiền sử dụng đất, ngoài đấu giá, nguồn thu liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất được xem là dư địa lớn.

Số diện tích đất người dân đang có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng trên địa bàn tỉnh không nhỏ. Tuy nhiên, do thiếu đồng bộ về các quy hoạch, nên chưa thể triển khai cho người dân khi họ có nhu cầu.

Đơn cử như tại Đắk Mil, một số thửa đất, khu đất dự kiến bán đấu giá quyền sử dụng đất có giá trị cao chủ yếu thuộc khu vực đô thị. Trong khi, hiện tại, địa phương đang có sự chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch chung đô thị nên chưa đủ cơ sở để triển khai công tác bán đấu giá.

Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil Lê Văn Hoàng nêu, tại thị trấn Đắk Mil, có những khu dân cư thành lập rất lâu đời. Trong uy hoạch chung của huyện được lập năm 2012 quy định toàn bộ diện tích này đang thuộc quy hoạch cây xanh. Trong khi, tại quy hoạch sử dụng đất giai đoạn này lại xác định quy hoạch đất ở.

Vì quy hoạch đất ở, người dân có thể chuyển đổi mục đích sử dụng. Tuy nhiên, do quy hoạch sử dụng đất chưa đồng bộ với quy hoạch chung, nên không được cấp phép xây dựng.

img_3030(1).jpg
Huyện Đắk R'lấp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đất đai cho người dân

"Biết là có nhiều khó khăn, nhưng Đắk Mil vẫn sẽ cố gắng bằng mọi cách để hoàn thành kế hoạch thu tiền sử dụng đất trong năm nay, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội địa phương", ông Hoàng cho biết.

Theo Sở TN-MT, hiện nay, nhiều địa bàn đang vướng khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Vì lý do này, số thu tiền sử dụng đất gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện nay, ngoài việc hướng dẫn các huyện, thành phố những thủ tục liên quan để từng bước tháo gỡ vướng mắc trong thu tiền sử dụng đất. Sở TN-MT đề nghị các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ giao đất tái định cư cho các hộ dân có đất thu hồi đủ điều kiện tái định cư.

Đồ họa: Việt Dũng
Đồ họa: Việt Dũng

Các huyện, thành phố khẩn trương thực hiện các thủ tục bán đấu giá với các khu đất đã có chủ trương bán đấu giá. Các địa phương rà soát quỹ đất công dôi dư trên địa bàn, xây dựng phương án giao đất, cho thuê đất và tổ chức thực hiện theo thẩm quyền để tăng thu sử dụng đất.

Nguyễn Lương