Động lực mới cho học sinh Việt Nam nghiên cứu tiếng Nga
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 09:32, 23/05/2024
Đoàn học sinh Việt Nam đến sân bay quốc tế Domodedovo, bắt đầu hành trình khám phá nước Nga. |
Ngày 4/5, 20 học sinh thuộc Trường trung học phổ thông Chuyên Thái Nguyên và trung học phổ thông Chuyên Ngoại ngữ thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội đã đến Nga để tham gia chương trình giáo dục ngắn hạn.
Tại Nga, các em sống và học tập tại Trung tâm Giáo dục quốc tế “Interdom” mang tên E.D. Stasova. Các em có 1 tháng học tập và trải nghiệm, khám phá nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, tìm hiểu về đất nước, lịch sử, phong tục truyền thống của Nga, làm quen với các trường đại học tại thành phố Ivanovo và thủ đô Moskva.
Tại Đại học Tổng hợp Công nghệ hóa học Quốc gia Ivanovo, cùng sự đồng hành của giáo viên Ekaterina Kazulina thuộc dự án “Giáo viên Nga ở nước ngoài”, học sinh Việt Nam đã được tham quan các khoa và phòng thí nghiệm của trường, đồng thời quan sát cách sinh viên Nga làm thí nghiệm thực tế và cùng tham gia làm thí nghiệm với sinh viên Nga.
Học sinh Việt Nam cùng tham gia làm thí nghiệm với sinh viên Nga. |
Thăm Đại học Tổng hợp Quốc gia Ivanovo, học sinh hai trường trung học phổ thông Chuyên Thái Nguyên và trung học phổ thông Chuyên Ngoại ngữ đã có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với các anh chị sinh viên Việt Nam đang học tập tại ngôi trường này.
Sinh viên Việt Nam đã chia sẻ với các bạn trẻ về môi trường học tập và sinh sống ở Nga, gợi mở và giúp các em có những định hướng phù hợp trong việc chọn chuyên ngành, trường đại học. Bên cạnh việc được trải nghiệm thực tế tại các trường đại học, các bạn còn được tham gia các lớp làm đồ thủ công truyền thống, trong đó có búp bê Nga.
Sau khi đến thăm các trường đại học, các em học sinh đã chia sẻ ấn tượng của mình về những buổi gặp gỡ hướng nghiệp cho tương lai.
Bạn Phạm Như Bảo và Nguyễn An Thảo, học sinh Trường trung học phổ thông Chuyên Ngoại ngữ mong muốn sau khi tốt nghiệp phổ thông sẽ thi đỗ vào Đại học Tổng hợp Quốc gia Ivanovo bởi theo các em, đây là môi trường học tập tốt và có nhiều anh chị sinh viên Việt Nam sẵn sàng giúp đỡ các tân sinh viên thích nghi với cuộc sống và môi trường học tập mới.
Trải nghiệm các lớp học làm đồ thủ công truyền thống. |
Trong khi đó, bạn Đinh Mai Anh rất thích Đại học Công nghệ Hóa học Quốc gia Ivanovo với lý do tại đây nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ hiện đại vào thực tiễn. Cô gái đặc biệt ấn tượng với khả năng in 3D.
Trong thời gian học tập tại Ivanovo, các em đã có cơ hội đến thăm Kostroma và Plyos - hai thành phố cổ nằm trong Vành đai Vàng của Nga. Tại Kostroma, các bạn có cơ hội trải nghiệm tại trang trại nai sừng tấm, đi dạo bên bờ sông Volga, chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của các nhà thờ nơi đây. Chuyến đi tới Plyos đưa các em đến với những cảnh trí thơ mộng, nơi danh họa Levitan đã vẽ bức tranh “Mùa thu vàng” nổi tiếng.
Trước khi trở về Việt Nam, các em sẽ có cơ hội đến Moskva và tham quan các địa điểm nổi tiếng của thủ đô như Quảng trường Đỏ, Trung tâm Triển lãm toàn Nga (VDNKh). Ngoài ra, các em còn đến thăm các trường đại học danh tiếng như Trường Kinh tế Cao cấp HSE, Đại học Kinh tế Quốc dân Plekhanov.
Đây thật sự là trải nghiệm tuyệt vời đối với các bạn trẻ. |
Đại diện Trung tâm Giáo dục quốc tế “Interdom” mang tên E.D. Stasova chia sẻ, mặc dù đây là chương trình ngắn hạn, nhưng học sinh Việt Nam được tham gia nhiều hoạt động như học tiếng Nga, làm quen với lịch sử, văn hóa và truyền thống phong phú của Nga.
“Chúng tôi hy vọng, chuyến đi không chỉ là một trải nghiệm giáo dục quý báu cho các em mà còn mang đến cho các em nhiều ấn tượng tốt, những khám phá mới và tình hữu nghị bền chặt giữa hai nước chúng ta”, Đại diện Trung tâm Giáo dục quốc tế “Interdom” nhấn mạnh.
Phấn khởi khi đồng hành cùng các em học sinh đến Nga, cô giáo Phạm Thị Huyền cho biết, được học tiếng Nga tại đất nước mình đã là một điều rất thú vị.
Chương trình này sẽ tiếp thêm động lực cho học sinh Việt Nam nghiên cứu tiếng Nga. |
Nhưng sẽ tuyệt vời hơn nữa nếu các em học sinh được hòa mình trong môi trường ngôn ngữ ở tại đất nước Nga xinh đẹp.
Tại đây, các em có cơ hội thực hành tiếng với người bản xứ, tham gia các ngày lễ và các hoạt động văn hóa.
“Tôi hy vọng chuyến đi này sẽ truyền cảm hứng cho các em học sinh của mình học tiếng Nga say mê hơn nữa và thấm nhuần tình yêu với đất nước Nga vĩ đại”, cô Phạm Thị Huyền xúc động chia sẻ.