Các quốc đảo nhỏ thắng kiện liên quan đến hiện tượng mực nước biển dâng cao
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 07:59, 22/05/2024
Ngày 21/5, Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) ở Hamburg (Đức) cho biết lượng khí thải nhà kính do đại dương hấp thụ được coi là ô nhiễm biển, và các quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển bằng cách làm nhiều hơn các yêu cầu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Tòa khẳng định các quốc gia có nghĩa vụ pháp lý phải thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đạt được mục tiêu duy trì sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Tuyên bố trên của tòa đồng nghĩa với chiến thắng pháp lý của nhóm 9 quốc đảo nhỏ về vấn đề biến đổi khí hậu khi họ tìm cách chống lại mực nước biển dâng cao.
Tuy ý kiến của tòa không mang tính ràng buộc pháp lý nhưng sẽ có thể giúp hướng dẫn các quốc gia trong chính sách khí hậu và có thể được sử dụng trong các trường hợp khác làm tiền lệ pháp lý.
Ông Gaston Browne, Thủ tướng của Barbuda & Bahamas (một quốc đảo ở Bắc Mỹ), cho biết: “Ý kiến pháp lý của ITLOS sẽ cung cấp thông tin cho công việc ngoại giao và pháp lý trong tương lai của chúng tôi nhằm chấm dứt tình trạng không hành động, từng đưa chúng tôi đến bờ vực của một thảm họa không thể khắc phục.”
Ngoài Barbuda & Bahamas, các quốc gia khác trong nhóm khởi kiện là Tuvalu, Palau, Niue, Vanuatu, St.Lucia, St. Vincent & Grenadines, và St. Kitts & Nevis.
Các nhà hoạt động khí hậu và giới luật sư cho biết ý kiến trên của tòa ITLOS cũng có thể ảnh hưởng đến hai ý kiến pháp lý sắp tới của Tòa án Nhân quyền Liên Mỹ và Tòa án Công lý quốc tế (IJC), những cơ quan cũng đang xem xét nghĩa vụ khí hậu của các quốc gia.
Tháng trước, Tòa án Nhân quyền châu Âu đã ra phán quyết lịch sử, có lợi cho các nguyên đơn, cho rằng Thụy Sĩ đang vi phạm nhân quyền khi không hành động đủ để chống lại hiện tượng nóng lên của khí hậu./.