Pháp luật

Mòn mỏi chờ dữ liệu đất ở Đắk Nông

Lê Phước 22/05/2024 05:30

Kỳ 3: Tháo gỡ từ đâu?

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai là rất cần thiết và cần tháo gỡ một cách đồng bộ, nhịp nhàng từ địa phương tới Trung ương.

Nỗ lực từ địa phương

Theo Sở TN-MT Đắk Nông, các hồ sơ, tài liệu về đất đai có tính chất phức tạp, được hình thành qua nhiều giai đoạn khác nhau, thông tin không thống nhất. Dữ liệu lớn và phức tạp nên gây ra không ít khó khăn khi xây dựng CSDL đất đai.

Từ khi tái lập tỉnh Đắk Nông (1/1/2004) tới nay, tỉnh đã triển khai rất nhiều dự án. Quá trình thu thập, tổng hợp hồ sơ, tài liệu liên quan đến giải phóng mặt bằng, đất tổ chức còn thiếu, chưa đầy đủ tính pháp lý, không đủ điều kiện phục vụ công tác chuyển vẽ… Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho đơn vị thi công thực hiện CSDL địa chính.

bai-3-a1.jpg
Tỉnh Đắk Nông triển khai nhiều dự án nhưng hồ sơ, pháp lý đất đai chưa đầy đủ

Đây là vướng mắc lớn và phải được tháo gỡ ngay từ nội tại. Cùng với ngành TN-MT, các cơ quan trong tỉnh cần tích cực hơn nữa trong việc cung cấp các hồ sơ, tài liệu pháp lý liên quan đến dự án. Có như vậy, khó khăn trên mới được giải quyết.

Tại Đắk Nông, hiện chỉ có duy nhất huyện Đắk R’lấp đã đưa vào vận hành thử CSDL địa chính từ năm 2020. Đến nay, đã có 3/11 xã đã hoàn thành việc nhập dữ liệu và hệ thống phần mềm VBDLIS của Viettel. Huyện Đắk R’lấp đang chuẩn hoá dữ liệu để tiếp tục cập nhật hoàn thiện dữ liệu toàn huyện.

Từ tháng 6/2023, phần mềm vận hành CSDL ở Đắk R’lấp đã được kết nối với hệ thống Thuế điện tử. Điều này góp phần giảm thiểu thời gian đi lại cho người dân. Hơn nữa, việc truy xuất hồ sơ về đất đai được thực hiện nhanh hơn nhiều so với trước đây. Thay vì phải vào kho để tìm hồ sơ thì những hồ sơ đất đai đã được nhập trong máy sẽ hiển thị đầy đủ tất cả CSDL.

bai-3-a2.jpg
Cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Đắk R'lấp nhập CSDL đất đai trên hệ thống phần mềm

Tuy nhiên, hệ thống CSDL ở Đắk R’lấp chưa thực sự liên thông, bảo đảm dữ liệu cho công tác triển khai đồng bộ. Hệ thống CSDL chưa đồng bộ với hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh để khép kín quy trình bộ thủ tục hành chính. Điều này dẫn đến việc luân chuyển hồ sơ điện tử phải sử dụng một lúc nhiều phần mềm.

Lãnh đạo Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Đắk R’lấp cho rằng: Mặc dù tốn thêm thao tác nhưng việc sử dụng phần mềm tích hợp CSDL đã góp phần thay đổi về mặt tư duy những người làm chuyên môn. Khi thao tác trên môi trường điện tử, việc giải quyết hồ sơ sẽ bảo đảm được tính chính xác, thống nhất và lưu trữ cao.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp Trần Công Dũng, trong quá trình vận hành hệ thống CSDL, các đơn vị chuyên môn đã báo cáo về những vướng mắc phát sinh. Huyện đã thẳng thắn đánh giá nguyên nhân khách quan về phía phần mềm, hệ thống, thiết bị… và cả nguyên nhân chủ quan từ phía con người.

UBND huyện Đắk R’lấp đã đề xuất Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện bổ sung, tăng cường thêm nhân lực để phục vụ công tác vận hành hệ thống CSDL. Huyện cũng đề xuất Sở TN-MT, đơn vị thiết kế cấu hình hệ thống tăng cường tập huấn, truyền tải trực tiếp kiến thức cho đội ngũ công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ. Việc “cầm tay chỉ việc” sẽ giúp cho địa phương phát hiện, xử lý các vướng mắc phát sinh trước khi triển khai tổng thể trên toàn địa bàn.

bai-3-a3.jpg
Nhân viên Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Đắk R'lấp rà soát lại hồ sơ đất đai trong kho

Tại Đắk R’lấp, hiện thiết bị, cơ sở hạ tầng đáp ứng vận hành hệ thống chưa đồng bộ giữa các phòng, ban, các xã. UBND huyện Đắk R’lấp đã kiến nghị Sở TN-MT xem xét, hỗ trợ đầu tư nâng cấp, bổ sung đủ các trang thiết bị còn thiếu (máy in, máy scan tốc độ cao, máy tính cấu hình mạnh…) để hệ thống CSDL địa chính vận hành hiệu quả, ổn định.

Ông Dũng cho hay: Đắk R’lấp đang thử nghiệm vận hành hệ thống CSDL đất đai mới nên không tránh khỏi những vấn đề phát sinh. Chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với Sở TN-MT và các đơn vị liên quan để triển khai vận hành hệ thống quản lý đất đai trên địa bàn huyện hướng đến kết quả tốt nhất.

“Trợ lực” từ Trung ương

Những năm qua, cùng với sự hỗ trợ kinh phí từ Trung ương, tỉnh Đắk Nông đã cân đối, bố trí vượt 10% tổng nguồn thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án CSDL đất đai. Đến nay, công tác đo đạc, kê khai bản đồ địa chính đã cơ bản hoàn thành. Địa phương đang tiếp tục thực hiện công tác xây dựng CSDL quản lý đất đai.

Hiện tại, tổng kinh phí đã đầu tư xây dựng CSDL đất đai tại Đắk Nông là hơn 400 tỷ đồng. So với nhu cầu thực hiện nhiệm vụ vận hành CSDL đất đai thì còn thiếu khoảng hơn 350 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở Tài chính Đắk Nông Nguyễn Văn Phò cho rằng, tổng nguồn thu tiền sử dụng đất tại địa phương khoảng 300 - 400 tỷ đồng mỗi năm, 10% tương ứng 30 - 40 tỷ đồng. Nếu không có hỗ trợ từ Trung ương, Đắk Nông cần ít nhất 10 năm nữa mới đủ tiền thực hiện dự án xây dựng CSDL.

bai-3-a4.jpg
Việc xây dựng CSDL đất đai ở Đắk Nông cần kinh phí lớn

Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã có nhiều cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ vấn đề kinh phí xây dựng CSDL đất đai. Ngoài việc tiếp tục kêu gọi Trung ương hỗ trợ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên yêu cầu các sở, ngành, địa phương nghiên cứu các nguồn thu, ưu tiên cho việc đầu tư dự án xây dựng CSDL.

Căn cứ vào tình hình thực tế, UBND tỉnh khuyến khích các đơn vị có thể bố trí từ 10 - 30% tiền sử dụng đất để thực hiện dự án. Mục tiêu tỉnh Đắk Nông nỗ lực là xây dựng CSDL đất đai càng sớm càng tốt để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2023, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Đắk Nông là 3.067 tỷ đồng, đạt 98% dự toán Trung ương, 84% dự toán địa phương, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước (khoảng 402 tỷ đồng). Đắk Nông là địa phương thu ngân sách thấp nhất khu vực Tây Nguyên và nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có thu ngân sách thấp nhất.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến cho rằng, việc quản lý đất đai rất quan trọng để nắm bắt tình hình, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tây Nguyên có tính đặc thù, không phải là khu vực trọng điểm về phát triển kinh tế mà có ý nghĩa về môi trường, an ninh quốc phòng.

“Nếu để cho các tỉnh khó khăn tự bố trí kinh phí thì CSDL địa chính sẽ rất lâu nữa mới hoàn thành. Do đó, chúng tôi tha thiết đề xuất Trung ương ưu tiên hỗ trợ kinh phí, chính sách, đầu tư để các tỉnh Tây Nguyên sớm có CSDL, phục vụ công tác quản lý Nhà nước”, ông Chiến chia sẻ.

bai-3-a5.jpg
Có CSDL sẽ giúp cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai tại Đắk Nông nói riêng, nhiều tỉnh nói chung ngày càng tốt hơn

Tại buổi làm việc với tỉnh Đắk Nông tháng 3/2024, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh cho biết, việc xây dựng, hoàn thiện CSDL trên cả nước đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn còn chậm. Ở một số địa phương, nguồn lực đầu tư xây dựng, hoàn thiện CSDL đất đai còn hạn chế.

Kiến nghị của Đắk Nông cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác. Bộ TN-MT sẽ nghiên cứu, tham mưu Chính phủ có hỗ trợ phù hợp để CSDL được “sống” và vận hành. Khi CSDL đất đai quốc gia hoàn thiện, vận hành sẽ giúp các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng khai thác hiệu quả, bền vững nguồn lực đất đai.

a-ong-khanh-bai-3.jpg

Lê Phước