Tiếp nối nhịp cầu những thế hệ trí thức Việt tại Pháp
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 10:35, 20/05/2024
Đây là dịp đặc biệt để cộng đồng người Việt, đặc biệt là những người Việt trẻ đang sinh sống, học tập và làm việc tại Pháp nói riêng và trên toàn cầu nói chung có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu với thế hệ trí thức đi trước là những giáo sư, nhà khoa học, nhà nghiên cứu.
Những “cây đa, cây đề” đã từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong các cơ quan, viện nghiên cứu tại Pháp và châu Âu. Các giáo sư đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và quan hệ Việt Nam-Pháp.
Sau hàng nghìn năm, lịch sử vẫn luôn chứng minh được tính đúng đắn của câu nói “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Vị thế ngày một lớn mạnh và vững vàng của Việt Nam trong tâm thế của một người bạn, thành viên trách nhiệm và đối tác chiến lược tiềm năng, không thể không kể đến quá trình cống hiến của các thế hệ tri thức người Việt tại nước ngoài, trong đó có Pháp.
Sự kiện là một cơ hội để các khách mời chia sẻ những hành trình đầy ý nghĩa, những trải nghiệm và bài học quý báu trong học tập, làm việc và cống hiến cho cộng đồng. Từ quá trình học hỏi và nghiên cứu, nhiều dự án khoa học có tính ứng dụng cao, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ xã hội và phát triển khoa học kỹ thuật nước nhà đã hình thành từ những ý tưởng đơn thuần nhất.
Những câu chuyện sống động về hành trình của những thế hệ tri thức đi trước đã được chia sẻ và truyền cảm hứng sâu sắc tới người Việt trẻ. Qua Pháp từ những năm 60 của thế kỷ trước, các giáo sư luôn cảm thấy tự hào khi là người Việt Nam được sang học tập tại nước ngoài.
Giáo sư Lê Văn Cường, giáo sư danh dự tại Trung tâm Kinh tế Sorbonne (CES), Trường Kinh tế Paris, Đại học Paris 1 chia sẻ, “cộng đồng trí thức Việt khi ấy rất được coi trọng tại Pháp bởi một thái độ học tập và nghiên cứu vô cùng nghiêm túc, quyết liệt, cũng như trong tâm thế đầy tự hào dân tộc”.
Giáo sư cũng cho rằng, đổi mới sáng tạo là tất yếu và đương nhiên để xã hội loài người có thể dần phát triển từ những bước sơ khai. Cùng với đó, đổi mới sáng tạo góp phần tạo ra thế mạnh của mỗi quốc gia.
Nhận thức được xu thế này, Việt Nam luôn chú trọng về đổi mới sáng tạo thông qua việc khuyến khích những mạng lưới trao đổi giữa các tri thức, nhằm nâng cao tiềm lực và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo Giáo sư Nguyễn Quý Đạo, nguyên Giám đốc cao cấp danh dự của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), người đã có những đóng góp quan trọng đối với sự ra đời của ba chương trình “Kỹ sư tài năng Việt-Pháp” tại các trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng và Đại học Đà Nẵng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao một cách có chiến lược nên được ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển của mỗi quốc gia.
Chủ đề “Liêm chính trong khoa học” cũng thu hút được sự thảo luận sôi nổi tại buổi gặp mặt. Giáo sư Đặng Văn Ký, nguyên Giám đốc nghiên cứu, Phòng thí nghiệm Cơ học Chất rắn, Trường Bách khoa Paris và Giáo sư Nguyễn Đức Nhuận, nguyên Giám đốc Trung tâm phát triển SEDET (Đại học Paris 7) đều đồng ý rằng trong nghiên cứu khoa học cần chú trọng chất lượng thay vì số lượng, tránh xu hướng viết báo khoa học chỉ để lấy thành tích hay đăng tải trên các tạp chí khoa học không uy tín.
Theo Giáo sư Vũ Ngọc Cẩn, Cố vấn cao cấp Đại học Paris 6, cộng đồng chuyên gia, trí thức, thương gia người Việt có vai trò quan trọng trong việc khẳng định vị thế người Việt Nam và “là một đại sứ cho cộng đồng và quốc gia” tại nước sở tại.
Được tổ chức song song bằng cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, buổi gặp mặt cũng là dịp để các thế hệ tri thức trẻ Việt bày tỏ những trăn trở và dự định trong tương lai, cũng như kiếm tìm sự giải đáp và hướng dẫn từ những chuyên gia gạo cội.