Chính trị

Ký ức hào hùng của người lính Trường Sơn

Hoàng Dương 19/05/2024 12:40

Theo tiếng gọi của Tổ quốc, những thanh niên tuổi đôi mươi tạm gác bút, rời xa mái trường, quê hương tham gia chiến trường Trường Sơn. Nơi đây lưu giữ về một thời thanh xuân gian khổ nhưng hào hùng.

Những đoàn xe “không mỏi”

Tháng 2/1972, ông Nguyễn Văn Chiến, tổ dân phố 3, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa, Đắk Nông từ quê nhà Phú Thọ tham gia nhập ngũ chiến đấu tại chiến trường Trường Sơn. Đơn vị ông Chiến thuộc Sư đoàn 471 với nhiệm vụ chính là thông tuyến, bảo vệ các đoàn xe hành quân, các tuyến đường, vận chuyển lương thực, thực phẩm… đáp ứng đầy đủ hậu cần, kỹ thuật cho quân đội ta trong các chiến dịch.

Ông Chiến kể, để vận chuyển hàng hóa từ Bắc vào Nam khó khăn vô cùng. Đường đi khi đó là đường đèo suối, dốc, quanh co khúc khuỷu. Mùa khô thì bụi bay mù trời, che hết tầm nhìn. Tới mùa mưa thì trơn trượt, vất vả vô cùng. Đoàn xe chủ yếu chạy vào ban đêm để tránh tai mắt của địch. Đi đêm nhưng xe cũng không được bật đèn pha để tránh ánh sáng, địch phát hiện.

dscf9947(1).jpg
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chiến, tổ dân phố 3, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa, Đắk Nông

“Với chiếc đèn gầm, chỉ đủ chiếu sáng trong khoảng 3-4m phía trước, cứ như vậy trong suốt những năm đó, không biết bao lượt xe chúng tôi đã chạy vào miền Nam rồi lại vòng ra Bắc để tiếp sức cho chiến trường miền Nam”, ông Chiến tâm sự.

Với khẩu hiệu “người-xe-hàng”, lần lượt thứ tự ưu tiên trước nhất là bảo toàn nhân lực, sau tới phương tiện, cuối cùng là hàng hóa. Nhưng những người lính vận tải đều cố gắng hết mình trong mỗi chuyến đi. Bởi đó là niềm tin, kỳ vọng của miền Bắc gửi gắm để hỗ trợ cho chiến trường miền Nam.

Ông Chiến xúc động kể: “Chiến đấu ở Trường Sơn, cái chết luôn thường trực. Có đồng đội hy sinh do bom đạn nhưng cũng có người không qua khỏi 1 đêm sốt rét, cũng có người bị lũ cuốn trôi hay cây đổ đè”.

dscf9956(1).jpg
Huy chương Chiến sĩ Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh

Đi nhập ngũ, ông Chiến mới chỉ là cậu sinh viên năm 2 của Trường đại học Nông nghiệp. Khi đó, trường có khoảng 131 sinh viên tham gia nhập ngũ cùng đợt với ông. Sau giải phóng, năm 1978, trường tổ chức gặp mặt cựu sinh viên đi nhập ngũ đợt đó. Cuối cùng chỉ còn 27 người tham dự được, 8 người vắng mặt do bị thương. Còn lại là các anh, chị ra đi mãi mãi không thể trở về.

Ý chí sắt đá tình yêu nước của tuổi trẻ

Bà Phan Thị Tam (SN 1948), tổ dân phố 3, thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô chia sẻ, sinh ra và lớn lên ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, khi đó nhà của bà nằm ở gần biển. Chứng kiến cảnh địch ngày đêm bắn pháo từ cửa biển vào đất liền, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, bà đã cùng mới các nữ thanh niên khác trong làng lên đường nhập ngũ. Năm 1966, từ quê nhà vào Quảng Bình để học tập, trở thành một người lính thông tin. Sau đó thì được phân công về công tác ở khu vực Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Bà Tam chia sẻ, nhiệm vụ của những người lính thông tin vô tuyến như bà bề ngoài có vẻ khá nhẹ nhàng và bình yên. Dưới căn hầm nơi làm việc, hàng ngày những tín hiệu âm thanh “tạch tè, tạch tè”, hay tiếng “tít tít” lúc gần lúc xa phát ra đều đặn. Tuy nhiên, mỗi giây, mỗi phút, người lính thông tin đều phải tập trung, không thể lơ là, luôn túc trực 24/24 giờ để sẵn sàng nhận và chuyển tiếp kịp thời các công điện.

ba-phan-thi-tam(1).jpg
Cựu chiến binh Phan Thị Tam, bộ đội thông tin từng tham gia trên chiến trường Trường Sơn

Công việc đòi hỏi sự cần mẫn, tác phong khẩn trương, cẩn trọng chuyển tiếp, kết nối thông tin liên lạc, tiếp nhận thư điện, bảo đảm không xảy ra tình trạng thất lạc thư tín. Tuy không vất vả và cũng không phải trực tiếp giáp mặt ngoài tuyến lửa như những chiến sĩ đường dây ngoài chiến trường nhưng nguy hiểm luôn rình rập. Bởi với trang thiết bị tối tân và hiện đại lúc bấy giờ của địch, chỉ một chút thiếu cẩn trọng cũng có thể đẩy cả đơn vị rơi vào tầm pháo hạm từ xa của địch thông qua thiết bị dò sóng.

Những năm tháng đó, bom đạn kẻ thù đã không thể thắng được ý chí sắt đá của tình yêu nước, của nhiệt huyết tuổi trẻ. Những chàng trai cô gái tuổi 20 lúc bấy giờ như ông Chiến hay bà Tam, họ đã tạm rời xa mái trường, đồng ruộng, nhà máy, đi theo tiếng gọi của Tổ quốc để đến với tuyến lửa Trường Sơn. Nơi đây, các anh các chị đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước trong màu xuân 1975.

65 năm qua, đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Đây là con đường của khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, là biểu tượng của ý chí quyết chiến, quyết thắng, của lòng dũng cảm và khí phách anh hùng và sức sáng tạo độc đáo của chiến tranh Nhân dân Việt Nam.

Hoàng Dương