Thi tốt nghiệp THPT 2024: Cẩm nang ôn thi Địa lí đạt kết quả tốt nhất
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 18:33, 17/05/2024
Cấu trúc đề thi tốt nghiệp môn Địa lí "buộc" thí sinh phải thay đổi cách học
Số liệu phân tích phổ điểm thi sau kì thi năm 2023 cho thấy, số bài đạt điểm từ 8 trở lên chỉ đạt 6,6% tổng số, giảm so với tỉ lệ năm 2022 là 16,7%. Như vậy, trong kì thi năm 2024, để đạt điểm cao môn Địa lí, thí sinh cần phải thay đổi cách học.
Điểm thuận lợi là kì thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức theo định hướng giữ ổn định như các năm 2022, 2023. Bài thi tốt nghiệp THPT năm 2024 môn Địa lí có 40 câu trắc nghiệm khách quan, phân hoá từ mức độ nhận biết đến mức độ vận dụng cao, cụ thể gồm 50% số câu hỏi mức độ nhận biết, 25% số câu hỏi mức độ thông hiểu và 25% số câu ở mức độ vận dụng, vận dụng cao.
Phân tích đề minh hoạ được công bố cho thấy, theo nội dung kiến thức lí thuyết, cấu trúc có 4 câu về Địa lí tự nhiên; 7 câu Địa lí ngành kinh tế; 2 câu Địa lí dân cư; 8 câu Địa lí vùng kinh tế. Đối với các câu hỏi kĩ năng, nội dung bao gồm 15 câu hỏi liên quan khai thác Atlat; 2 câu kĩ năng biểu đồ, 2 câu bảng số liệu.
Đối với ngành kinh tế và vùng kinh tế chiếm khoảng 50 – 60% đề thi. Do đó, các thí sinh cần quan tâm đặc biệt đến nội dung kiến thức ở phần này. Hãy vận dụng kĩ năng phân tích để so sánh giữa các vùng kinh tế để tìm ra những điểm tiêu biểu, nổi trội. Từ đó, giúp các bạn ghi nhớ kiến thức được dễ dàng và lưu lại lâu nhất.
Chuyên đề | Mức độ nhận thức | Tổng | |||
Nhận biết | Thông hiểu | Vận dụng, Vận dụng cao | |||
Lí thuyết | Địa lí tự nhiên | 2 | 1 | 1 | 4 |
Địa lí dân cư | 2 | 2 | |||
Địa lí ngành kinh tế | 2 | 4 | 1 | 7 | |
Địa lí vùng kinh tế | 1 | 1 | 6 | 8 | |
Kĩ năng | Atlat | 15 | 15 | ||
Biểu đồ | 1 | 1 | 2 | ||
Bảng số liệu | 1 | 1 | 2 | ||
Tổng số câu | 20 | 10 | 10 | 40 | |
Tỉ lệ | 50% | 25% | 25% | 100% |
Nội dung chi tiết cấu trúc đề thi minh hoạ môn Địa lí THPT 2024
"Giật" điểm cao từ Atlat
Atlat địa lí Việt Nam là tài liệu duy nhất Atlat các thí sinh được mang vào phòng thi đối với môn thi Địa lí, tuy nhiên với điều kiện là tài liệu này không được đánh dấu hoặc viết thêm nội dung gì. Riêng phần xem Atlat đã chiếm gần 40% tổng điểm. Chính vì vậy, nếu không nắm lấy lợi thế này thì rất đáng tiếc.
Từ kì thi năm 2023, các câu hỏi Atlat đã lược số trang và thay bằng nội dung trang nên việc rèn luyện để biết cách xem Atlat, phân tích số liệu, biểu đồ là vô cùng cần thiết. Thí sinh phải đọc kĩ đề, đánh dấu các "key word" để phân tích và lựa chọn được đáp án chính xác trong số các phương án lựa chọn.
Tiến sĩ Phạm Hồng Bắc, chuyên gia giáo dục AES chia sẻ: "Để đạt điểm cao môn Địa lí tại kì thi THPT 2024, Atlat là một tài liệu mà các thí sinh rất cần phải chú trọng, được sử dụng để kiểm tra kĩ năng thực hành Địa lí. Cần nắm chắc các hệ thống kí hiệu trong Atlat vì ở mỗi trang bản đồ trong Atlat chỉ in chú thích riêng của bản đồ đó. Bên cạnh đó, cần rèn luyện kĩ năng nhận xét biểu đồ, bảng số liệu và nhận dạng biểu đồ".
Trong cấu trúc đề thi minh hoạ môn Địa lí 2024, phần nội dung câu hỏi Atlat chiếm 15 câu. Kiến thức phần Atlat địa lí Việt Nam rất rộng, bao gồm tất cả nội dung chương trình Địa lí lớp 12, tập trung vào 4 mảng kiến thức lớn là tự nhiên Việt Nam, dân cư, các ngành kinh tế và các vùng kinh tế. Song phần lớn các câu hỏi sử dụng Atlat chỉ nằm ở mức độ nhận biết và thông hiểu, nên đạt được 3,75 – 4 điểm từ Atlat là không khó.
Tuy nhiên, rất nhiều thí sinh lại đang bị "rớt" điểm phần này vì hay nhầm lẫn về nội dung câu hỏi dù cho câu hỏi không khó, do chưa hiểu rõ bản chất, nội dung câu hỏi đề cập đến vấn đề gì nên dễ chọn sai đáp án. Vì vậy, thí sinh tuyệt đối không được chủ quan để dẫn đến những lỗi sai đáng tiếc.
Đừng giới hạn tài liệu ôn thi
Trong giai đoạn ôn thi, các bạn cần tập trung cao vào học tập tích cực, chủ động đọc sách giáo khoa và tài liệu tham khảo để hiểu rõ về các khái niệm, quy luật và cơ sở lí thuyết trong môn Địa lí.
Địa lí là một môn khoa học hiện được xếp vào lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn, nhưng có mối liên hệ sâu sắc lĩnh vực khoa học tự nhiên thông qua phần Địa lí tự nhiên, Địa lí kinh tế. Vì thế, nếu chỉ học trong sách giáo khoa thực sự là một thiệt thòi vô cùng lớn.
Các bạn thí sinh không nên giới hạn mình trong sách giáo khoa, hãy tìm kiếm các nguồn tài liệu bổ sung như sách tham khảo, bài giảng trực tuyến, video giáo dục, và các bài báo liên quan để hiểu sâu hơn về các chủ đề, từ đó dễ dàng lưu lại và mở rộng thêm kiến thức mình được học.
Chuyên gia AES luôn khuyến khích các thí sinh nên bắt đầu học tập bằng khả năng quan sát, phân tích, lập luận, tự đặt các câu hỏi từ những vấn đề, hiện tượng xảy ra xung quanh, và nhận định, đánh giá.
Ngoài việc học để thi, việc này sẽ giúp thí sinh thỏa mãn sự tò mò trước các vấn đề, các hiện tượng tự nhiên và xã hội liên quan tới các lĩnh vực Địa lí phong phú, đa dạng đang xảy ra xung quanh.
Thông qua quá trình trả lời các chuỗi câu hỏi hay giải thích các hiện tượng địa lí đó, thí sinh sẽ từng bước tích lũy hiểu biết về địa lí, kĩ năng và năng lực giải quyết vấn đề địa lí trong thực tiễn, tích luỹ cho mình vốn "văn hoá" sâu sắc sẽ được sử dụng trong cuộc sống hằng ngày, nghề nghiệp tương lai và sở thích khác của bản thân.