An sinh - Cuộc sống
1(2).jpg
Gia đình chị Hạnh ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong phấn khởi sản xuất cà phê đạt hiệu quả kinh tế nhờ đất được nhà nước cấp

Từng bước triển khai

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông, trong những năm qua với tốc độ phát triển dân số ngày một đông cộng với áp lực từ số dân di cư tự do từ phía Bắc vào quá lớn đã tạo nên nhiều áp lực cho việc phân bố, tổ chức sắp xếp đất ở, đất sản xuất cho bà con dân tộc thiểu số ở một địa phương như huyện Tuy Đức và Đắk Glong. Tuy nhiên, với mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” nên những năm qua tỉnh đã nỗ lực, quyết liệt xây dựng kế hoạch để từng bước triển khai thực hiện phù hợp với các quy định pháp luật.

Cụ thể, Ngày 14/6/2023, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 366/KH-UBND, đề ra mục tiêu cụ thể để thực hiện: Giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi là 5%. Giải quyết nhu cầu cấp thiết của hộ DTTS; Trong đó, giải quyết đất ở 154 hộ; Giải quyết nhà ở 163 hộ; Hỗ trợ đất sản xuất và chuyển đổi nghề 391 hộ; Triển khai thực hiện 9 dự án Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư, khi hoàn thành bố trí, sắp xếp ổn định tại chỗ cho 7.831 hộ…

Cũng như hằng trăm hộ dân khác, gia đình chị Nông Thị Hạnh, trú ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong di dân tự do từ tỉnh Cao Bằng vào Đắk Nông từ năm 2010 đến năm 2015 đã được UBND huyện bố trí 400m2 đất ở và cấp thêm hơn 1hecta đất sản xuất nông nghiệp để phát triển kinh tế. Theo chị Hạnh, gia đình hơn bốn miệng ăn từ lúc mới vào phải ở tạm nhà bà con và đi làm thuê cuốc mướn để qua ngày. Tuy nhiên, sau khi có đơn xin và được chính quyền huyện tạo điều kiện cấp đất thì gia đình đã làm được căn nhà nhỏ để ở và trồng hơn 600 cây cà phê cộng với một số cây ăn trái. “Được sự quan tâm của nhà nước, gia đình tôi mỗi năm sau khi trừ chi phí cũng thu về được hơn 150 triệu đồng. Năm trước gia đình đã mua thêm được 5 sào rẫy(5.000m2 đất) để tiếp tục phát triển kinh tế”. Chị Hạnh vui mừng chia sẻ.

anh-2.jpg
Nhiều diện tích cây trồng sau khi giao đất bà con đã triển khai trồng và phát triển kinh tế khá tốt

Vẫn còn đó những khó khăn

Mặc dù, trong những năm qua công tác cấp đất để giúp người đồng bào thiểu số thoát khỏi nghèo đói từng bước vươn lên ổn định kinh tế luôn được lãnh đạo tỉnh và các địa phương quan tâm chú trọng thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS tại Đắk Nông còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Điển hình như: Quỹ đất thực hiện hỗ trợ của các địa phương ngày càng hạn chế; Định mức kinh phí hỗ trợ đất ở, đất sản xuất còn thấp; Tình trạng dân di cư tự do vào địa bàn tỉnh còn nhiều; Công tác quy hoạch, quản lý đất đai nói chung còn bất cập…

Theo ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong chia sẻ: Khó khăn lớn nhất của huyện là hiện nay quỹ đất để hỗ trợ giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất không còn. Nếu không giải quyết được đất ở thì cũng khó hỗ trợ được nhà ở cho người dân. Để giải quyết đất ở cho người dân, huyện làm việc với các xã, tích cực vận động người thân (bố, mẹ, anh chị em ruột) cho tặng đất. Sau đó, huyện sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện, xem xét cấp Giấy CNQSDĐ theo đúng quy định của pháp luật, rồi hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở.

“Chúng tôi luôn quan tâm, chú trọng việc tạo “cần câu” cho bà con là nhanh chóng triển khai thực hiện việc cấp đất ở, đất sản xuất để bà con có tư liệu sản xuất vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, hiện tại quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề quy hoạch bị vướng bô xít. Hiện tại, khu vực nào không bị vướng và phù hợp thì chúng tôi triển khai ngày và nhanh chóng giao đất cho bà con”. Ông Thuần chia sẻ.

3(2).jpg
Nhiều khu vực tại huyện vùng sâu, vùng xa như Đắk Glong, Tuy Đức...điều kiện đời sống của người dân đã thay đổi rất lớn

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: Tỉnh đã đề nghị các địa phương tiến hành rà soát các loại đất để cấp, hỗ trợ cho các đối tượng trong dự án. Có thể tính đến phương án thu hồi những diện tích đất bị lấn chiếm, đất giao cho doanh nghiệp nhưng hoạt động không hiệu quả hoặc xảy ra sai phạm để chuyển đổi cấp cho người dân. Quá trình triển khai thực hiện, các địa phương và sở, ngành liên quan nên linh động, không cứng nhắc, tích cực giải quyết tháo gỡ vướng mắc để làm cho được, tạo điều kiện để người dân hưởng lợi cao nhất...

“Để tiếp tục giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS, UBND tỉnh Đắk Nông đã triển khai các giải pháp như: Tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch bố trí dân cư, quy hoạch nông thôn mới... làm cơ sở cho việc cấp đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững được chú trọng thực hiện; nâng cao tỉ lệ che phủ rừng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Ông Chiến nói thêm.

PV