Kinh tế Israel phục hồi mạnh trong quý I/2024

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 06:50, 17/05/2024

Việc nối lại hoạt động mua sắm và đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực xây dựng trong 3 tháng đầu năm 2024 đã kéo theo sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Israel, sau khi tốc độ tăng trưởng bị ảnh hưởng hồi cuối năm ngoái khi nổ ra xung đột ở Dải Gaza.

Cục Thống kê Trung ương Israel ngày 16/5 cho biết, ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng trưởng 14,1% trong quý đầu tiên năm 2024 so với 3 tháng trước đó, nhờ tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực mua sắm và xây dựng.

Xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel ở Gaza nổ ra ngày 7/10 năm ngoái đã có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Israel, dẫn đến GDP quý IV giảm 21,7%.

Tuy nhiên, sự gia tăng lớn trong chi tiêu và đầu tư tư nhân, vốn đều giảm trong quý IV/2023 đã trở thành động lực chính dẫn dắt phục hồi kinh tế trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay.

Dù vậy, Văn phòng Cục Thống kê Trung ương Israel cũng cho biết, dữ liệu tiêu dùng cá nhân và đầu tư vào tài sản cố định vẫn bị ảnh hưởng bởi tình hình an ninh và chưa trở lại mức trước khi xung đột nổ ra.

Trước đó, dữ liệu công bố ngày 15/5 cho thấy, tỷ lệ lạm phát của Israel đã tăng từ mức 2,7% trong tháng 3/2024 lên 2,8% trong tháng 4. Trong khi lạm phát vẫn nằm trong mục tiêu 1-3% của chính phủ, tỷ lệ này đã cao hơn mức kỳ vọng 2,5%, và cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, chỉ số này có thể khiến Ngân hàng Trung ương Israel trì hoãn việc cắt giảm lãi suất.

Ngân hàng này dự báo tăng trưởng kinh tế của Israel trong năm 2024 sẽ vào khoảng 2%, với điều kiện xung đột được kiềm chế và kết thúc trong năm nay mà không lan sang các mặt trận khác. Đợt điều chỉnh lãi suất tiếp theo sẽ được quyết định vào ngày 27/5 tới.

Chi tiêu cá nhân, vốn chiếm hơn một nửa hoạt động kinh tế của Israel, đã tăng 26,3% trong quý đầu tiên năm nay sau khi giảm tương ứng trong quý IV năm ngoái, ảnh hưởng bởi tâm lý u ám do xung đột và người dân hạn chế mua sắm ngoài đồ thiết yếu.

Đầu tư vào tài sản cố định tăng 49,2% trong quý đầu năm, dẫn đầu là lĩnh vực xây dựng với mức tăng tới 290%, sau khi giảm 69% trong 3 tháng cuối năm 2023.

Xuất khẩu vẫn yếu khi giảm 11%, trong khi nhập khẩu tăng khoảng 33% và chi tiêu nhà nước tăng 7,1%.

TRUNG HƯNG