Khởi sắc giáo dục vùng biên Ia H’Drai

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 22:56, 15/05/2024

Mặc dù chỉ mới thành lập được 9 năm nhưng nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, công tác giáo dục và đào tạo của huyện biên giới Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum đã không ngừng chuyển biến, ngày càng khởi sắc. Cơ sở vật chất được đầu tư rộng rãi khang trang, cùng với đó là đội ngũ giáo viên đang ngày càng được nâng cao cả về chất lượng cũng như số lượng.

Toàn ngành giáo dục và đào tạo huyện Ia H’Drai có 7 trường gồm 151 lớp với 3.425 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số là 2.333 em, chiếm tỷ lệ 68%. Các cơ sở giáo dục có 27 điểm trường lẻ, trong đó, bậc mầm non có 17 điểm và bậc tiểu học có 10 điểm trường lẻ.

Đầu tư cho giáo dục

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ia H’Drai Võ Anh Tuấn cho biết, thời gian đầu thành lập huyện, cơ sở vật chất giáo dục hầu như chưa có gì, do đó, cả hệ thống chính trị rất quan tâm đầu tư cho giáo dục về mọi mặt. Việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị được thực hiện đúng kế hoạch đề ra, gắn với thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương, các nguồn vốn được sử dụng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế.

Trong đó, đã ưu tiên việc đầu tư, trang bị xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, thực hiện chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông mới và củng cố hoàn thiện các công trình phục vụ việc chăm sóc, giáo dục học sinh (nhà vệ sinh, hệ thống nước sạch, cơ sở vật chất cho học sinh bán trú,...).

“Một điều thuận lợi cho huyện là được tỉnh Kon Tum rất quan tâm, tạo điều kiện, các đề xuất của huyện hầu như đều được tỉnh quan tâm, xem xét đầu tư. Các nguồn thu của huyện, ưu tiên hàng đầu dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng ngành giáo dục”, đồng chí Võ Anh Tuấn chia sẻ.

Huyện Ia H’Drai đã sử dụng hiệu quả, khéo léo lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, đề xuất các công trình cần thiết nhất trong nguồn vốn đưa về, trước hết phải quan tâm tới giáo dục. Căn cứ vào ba chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển vùng để dành cho đầu tư giáo dục, trong nhiệm kỳ 2020-2025, huyện đã đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất ở tất cả các trường công trên địa bàn và tới thời điểm hiện nay, tất cả các cơ sở đều khang trang, bảo đảm các điều kiện giảng dạy và học tập cho các em học sinh.

Đóng chân trên địa bàn huyện Ia H’Drai từ năm 2014, Chi nhánh 716, Binh đoàn 15 có nhiệm vụ chính là trồng, chăm sóc, khai thác chế biến hơn 3.100 ha cao su. Những năm qua, đơn vị luôn quan tâm đầu tư, bảo đảm trang thiết bị và tổ chức chăm sóc, nuôi dạy gần 3.000 lượt cháu tại các điểm trường mầm non; thường xuyên bố trí nhân viên y tế, cô nuôi quân tham gia quản lý, chăm sóc, bảo đảm việc ăn, nghỉ, sinh hoạt và học tập cho gần 2.000 lượt cháu học bán trú tại Trường tiểu học-trung học cơ sở Hùng Vương, xã Ia Đal, là con của người lao động và nhân dân trên địa bàn.

Thiếu tá Lã Hồng Công, Phó Giám đốc Chi nhánh 716, Binh đoàn 15 cho biết, công tác giáo dục mầm non, chăm sóc, nuôi dạy trẻ được Ban Giám đốc Chi nhánh 716 rất chú trọng và quan tâm. Năm học 2023-2024, Trường mầm non MB-716 được đầu tư xây dựng 1 trường trung tâm với tổng kinh phí 14 tỷ đồng, bao gồm đầy đủ các trang thiết bị, cơ sở vật chất, phòng học khang trang bảo đảm tốt công tác chăm sóc và nuôi dạy các cháu.

Các nhà trẻ được sửa chữa, nâng cấp và trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo đảm cho các cháu vui chơi, học tập. Trong năm học 2023-2024, được sự quan tâm, tạo điều kiện từ nguồn vốn Bộ Quốc phòng, Binh đoàn, Chi nhánh 716 đã đầu tư cấp đồ dùng đồ chơi, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy cho trường trung tâm và 10 điểm nhà trẻ với tổng kinh phí hơn 550 triệu đồng, bảo đảm công tác chăm sóc và nuôi dạy các cháu; Ban Phụ nữ quân đội tặng bộ đồ dùng, đồ chơi thông minh trị giá 50 triệu đồng; chi trả lương cho cán bộ, giáo viên trong toàn Chi nhánh với số tiền gần 4,5 tỷ đồng.

Vượt khó, nâng cao chất lượng dạy và học

Huyện Ia H’Drai vào những ngày trung tuần tháng 5, những đợt nắng hạn vẫn đang kéo dài, nhiệt độ có lúc lên đến 40oC. Cơn nóng như được dịu lại khi chúng tôi đến những ngôi trường được xây dựng khang trang, bề thế để cùng trò chuyện, chia sẻ khó khăn, vất vả trong quá trình dạy và học với các thầy cô giáo cùng các em học sinh nơi đây.

Cô Bùi Thị Ánh, giáo viên Trường mầm non MB-716 cho biết, các cô ở đây làm nhiệm vụ dạy dỗ, trông các cháu từ khi còn rất nhỏ để cha mẹ các cháu lao động, sản xuất. Do địa phương đa số cư dân là công nhân cao su nên trường thường mở cửa từ lúc 12 giờ đêm để đón các cháu là con công nhân đến gửi để đi cạo mủ cao su.

“Tôi có hai cháu nhỏ, một cháu học lớp 1, cháu còn lại mới học lớp mầm cho nên phải cố gắng sắp xếp hợp lý giữa gia đình và công việc. May mắn cho tôi là người thân và chồng thấu hiểu công việc của tôi, cho nên thường chia sẻ việc nhà và động viên tôi hoàn thành tốt công việc. Bên cạnh đó là sự quan tâm của Ban Giám đốc Chi nhánh 716, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tạo điều kiện cho tôi được tham gia các lớp tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn”, chị Ánh chia sẻ.

Để bảo đảm chất lượng dạy và học trên địa bàn, Ủy ban nhân dân huyện Ia H’Drai thường xuyên phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum đi thực tế cơ sở, kiểm tra về chất lượng đào tạo, về đội ngũ giáo viên và chất lượng của học sinh.

Ngay từ đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức đoàn công tác gồm các giáo viên giỏi, có kinh nghiệm ở các địa phương khác đi kiểm tra từng trường, từng cơ sở giáo dục, từng lớp để hướng dẫn giáo viên tại huyện theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; đồng thời Sở cũng quan tâm xem xét bổ sung giáo viên, người làm việc trong các cơ sở giáo dục vì trước đây không đủ so với nhu cầu, định mức được giao. Trong 2 năm

trở lại đây, tỉnh Kon Tum đã quan tâm, trên cơ sở đề nghị của huyện Ia H’Drai, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, bổ sung nhiều biên chế giáo viên về cho huyện, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ giảng dạy.

Tuy nhiên, do là huyện vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cho nên việc xây dựng kế hoạch tuyển dụng còn gặp nhiều khó khăn; nhu cầu tuyển dụng thì có nhưng số lượng giáo viên đăng ký dự tuyển ít, không thể tuyển dụng đủ theo nhu cầu.

“Quyết tâm vượt qua cái khó, trên cơ sở biên chế bổ sung, trong các năm gần đây, huyện thường xuyên tổ chức các đợt tuyển dụng giáo viên. Hiện nay huyện đang xây dựng kế hoạch để tiếp tục tuyển dụng 42 giáo viên, phấn đấu được giao chỉ tiêu tuyển bao nhiêu thì sẽ tuyển dụng hết. Đội ngũ giáo viên phải đủ thì mới có thể nâng cao chất lượng đào tạo” đồng chí Võ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Ghé thăm ngôi nhà kiểu Thái khang trang của gia đình anh Hà Văn Dần, ở thôn 6, xã Ia Đal, chúng tôi được anh Dần cho biết, anh cùng vợ rời quê hương vào vùng đất Ia H’Drai lập nghiệp từ năm 2012. Cả hai vợ chồng anh đều là công nhân cạo mủ cao su với thời gian làm việc từ 12 giờ đêm. Anh Dần chia sẻ, được sự quan tâm và đầu tư vào giáo dục của huyện, anh rất yên tâm khi gửi con vào điểm trường mầm non để vợ chồng anh lao động sản xuất.

Bài và ảnh: PHÚC THẮNG