Kiểm tra công tác xử lý vi phạm hành chính về bảo hiểm xã hội
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 06:20, 15/05/2024
Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành Quyết định kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2024 tại bảo hiểm xã hội 7 tỉnh, thành phố. Đó là các địa phương: Cao Bằng, Thái Nguyên, Nam Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Tây Ninh và Vĩnh Long.
Đây là hoạt động thực hiện Quyết định số 284/QĐ-BHXH ngày 13/3/2024 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2024,
Phòng, chống, ngăn chặn các vi phạm, phát hiện các quy định còn bất cập, chưa thống nhất, đồng bộ
Theo đó, mục đích kiểm tra nhằm xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; phát hiện những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sai sót, vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh, xử lý, khắc phục.
Đồng thời, phòng, chống, ngăn chặn các vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tổ chức thực hiện, áp dụng pháp luật nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Phát hiện các quy định còn bất cập, chưa thống nhất, đồng bộ hoặc chưa phù hợp với thực tiễn để kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Nội dung kiểm tra
Về nội dung kiểm tra, trên cơ sở quy định tại Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/2/2020 của Chính phủ kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tập trung kiểm tra các nội dung sau.
Một là, việc triển khai thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Đó là: Việc bố trí nguồn lực và các điều kiện khác để bảo đảm cho việc thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính; tổng số người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh tại cơ quan, đơn vị; việc thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về xử lý vi phạm hành chính; việc thực hiện trách nhiệm của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh trong tổ chức thực hiện và áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật khác có liên quan đến xử lý vi phạm hành chính.
Hai là, việc áp dụng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Nội dung cụ thể là: Tổng số vụ vi phạm; tổng số vụ vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính; số vụ vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực; số vụ chuyển cơ quan tố tụng để truy cứu trách nhiệm hình sự; số vụ việc cơ quan tố tụng chuyển để xử phạt vi phạm hành chính; tình hình thực hiện công tác kiến nghị khởi tố đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trên cơ sở hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính của bảo hiểm xã hội tỉnh, tiến hành kiểm tra cụ thể đối với các hồ sơ được chọn về các nội dung: Việc thực hiện các quy định pháp luật về thẩm quyền, thủ tục lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tình hình, kết quả thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; việc thực hiện các quy định pháp luật về giải trình; lưu trữ hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.
Dự kiến, thời hiệu kiểm tra từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2023, thời gian thực hiện trong quý II và quý III năm 2024.