Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

HĐND tỉnh Đắk Nông giám sát đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại Đắk R'lấp

Hoàng Dương 14/05/2024 14:19

Ngày 14/5, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đắk Nông giám sát về kết quả thực hiện chính sách pháp luật về đào tạo nghề và giải quyết việc làm giai đoạn 2021-2023 tại huyện Đắk R'lấp.

Theo báo cáo, trong những năm qua, huyện Đắk R’lấp đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ chính sách đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động.

Người lao động nâng cao tay nghề, biết áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật, tăng năng suất lao động. Qua đó, góp phần đưa nhiều hộ gia đình thoát nghèo, ổn định đời sống.

dscf0073(1).jpg
Đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh làm việc với UBND huyện Đắk R’lấp

Hàng năm, các địa phương của huyện đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, lao động về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thông tin việc làm.

Huyện phối hợp tổ chức ngày hội việc làm, các phiên giao dịch việc làm, tư vấn, thông tin về việc làm. Địa phương triển khai đầy đủ các chính sách hỗ trợ tạo và tự tạo việc làm; hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng,...

Tổng số lao động được giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Đắk R'lấp giai đoạn 2021-2023 là hơn 12.000 người

dscf0058(1).jpg
Đoàn giám sát làm việc tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Đắk R’lấp

Tuy nhiên, năm 2022, 2023, sau khảo sát, nhu cầu đào tạo nghề ở địa phương chưa cao. Các cơ sở, đơn vị đào tạo nghề, cơ sở vật chất thiếu, cũ và lạc hậu. Đội ngũ giáo viên chưa có nên chưa đáp ứng được công tác dạy nghề theo danh mục nghề nghiệp đã cấp phép.

dscf0002(1).jpg
Đoàn giám sát làm việc tại Công ty TNHH Giáo dục nghề nghiệp Nam Tây Nguyên

Hoạt động liên doanh, liên kết trong đào tạo nghề tại địa phương chưa được thực hiện. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện đều có quy mô nhỏ, lao động chủ yếu theo thời vụ, người thân, họ hàng trong gia đình nên số lao động phổ thông, lao động chưa có tay nghề khó tìm được việc làm ổn định, thu nhập tốt tại địa phương.

dscf0109(1).jpg
Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho rằng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Đắk R’lấp chưa khai thác hết chức năng trong đào tạo và hỗ trợ việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện

Kết luận buổi làm việc, bà Kiều Châu Loan, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh đề nghị huyện Đắk R’lấp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đối tượng như phụ nữ, người dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ,… tiếp cận tới các chính sách việc làm.

Địa phương phối hợp làm rõ chức năng, nhiệm vụ, vai trò của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Đắk R’lấp nhằm phát huy hết khả năng của đơn vị trong đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm cho người lao động địa phương, tránh gây thất thoát lãng phí cơ sở vật chất, nguồn nhân lực. Huyện chủ động kết nối với các doanh nghiệp, địa phương khác để tạo đầu ra việc làm cho người dân địa phương.

Trước đó, Đoàn giám sát đã làm việc với Công ty TNHH Giáo dục nghề nghiệp Nam Tây Nguyên và Trung tâm Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Đắk R’lấp.

Tại đây, Đoàn giám sát đã lắng nghe các đơn vị báo cáo về tình hình đào tạo nghề và giải quyết việc làm, ghi nhận các kiến nghị của các đơn vị nhằm phát triển, mở rộng đối tượng học nghề, việc làm đầu ra cho học viên.

Hoàng Dương