Đắk Nông vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Đắk Nông đã và đang tập trung các giải pháp để tăng diện bao phủ BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh.
Còn nhiều thách thức
BHXH tự nguyện được xem là một trong những chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn sâu sắc. Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng và được hưởng nhiều quyền lợi khi về già. Trong đó, lợi ích rõ nhất là cơ hội tiếp cận chính sách hưu trí - lương hưu, bảo hiểm y tế... khi về già.
Thời gian qua, bằng nhiều giải pháp, ngành BHXH tỉnh Đắk Nông tiếp tục duy trì, mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện. Cụ thể, năm 2023, số người tham gia BHXH tự nguyện là 15.764 người, tăng 25,91% so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 3.244 người); giúp tỷ lệ bao phủ BHXH trên toàn tỉnh đạt 15%.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, việc duy trì và phát triển người tham gia BHXH tự nguyện đã và đang là “bài toán” khó đối với toàn ngành BHXH. Nguyên nhân là do điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập hạn chế, không ổn định nên người dân không thể tiếp tục tham gia hoặc không tham gia mới.
Chị Trạnh Mùi Phấy, dân tộc Dao, xã Đắk N’Drót, huyện Đắk Mil và chồng đều không có công việc ổn định, thu nhập bấp bênh nên không thể tham gia BHYT và BHXH tự nguyện. Chị Phấy cho biết, dù biết tham gia BHXH tự nguyện mang lại nhiều lợi ích, nhất là khi về già, không thể lao động tạo thu nhập nhưng vì điều kiện hoàn cảnh gia đình không cho phép nên vợ chồng chị không thể tham gia.
Đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động
Để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, BHXH tỉnh đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHXH tự nguyện. BHXH tỉnh chủ động đổi mới phương thức, lựa chọn hình thức truyền thông phù hợp, bảo đảm hiệu quả. Trong đó, ngành phối hợp với các tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT tuyên truyền, vận động, thông báo đến những người đã đăng ký tham gia BHXH tự nguyện liên tục, không bị gián đoạn.
Ngoài ra, ngành tổ chức duy trì mô hình “truyền thông nhóm nhỏ”, từ 3-4 người, đều đặn duy trì vào cuối tuần “đi từng nhà, gặp từng người” để tuyên truyền, tư vấn chính sách BHXH tự nguyện cho người dân. Cùng với đó, phát huy vai trò “Mỗi cán bộ ngành BHXH là một tuyên truyền viên về BHXH, BHYT”, BHXH tỉnh khuyến khích mỗi cán bộ BHXH tích cực truyền thông về chính sách BHXH tự nguyện thông qua mạng xã hội để vận động người dân đăng ký tham gia.
Anh Trần Văn Hoàng, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa cho biết, vì đang làm công việc kinh doanh tự do, không thuộc cơ quan Nhà nước hay doanh nghiệp nên sau này anh sẽ không có lương hưu khi về già. Thông qua tuyên truyền của cán bộ BHXH, tìm hiểu trên sách báo, anh đã tham gia BHXH tự nguyện trong vòng 3 năm liên tục. Đây là khoản tiền tiết kiệm, bảo đảm cho cuộc sống của anh Hoàng sau này khi hết tuổi lao động.
Ông Hồ Hữu Tuấn, Giám đốc BHXH tỉnh thông tin, trong thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố thực hiện các giải pháp hiệu quả để đạt mục tiêu bao phủ đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ngành tập trung đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân. Ngoài ra BHXH tỉnh kêu gọi sự đóng góp, chung tay của các mạnh thường quân trong việc tặng sổ BHXH tự nguyện cho người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn,... Từ đó dần mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh.