Giải trí

Những bài thơ hay viết về Bác Hồ kính yêu

Hùng Cường13/05/2024 15:53

Nhiều năm qua, đã có rất nhiều nhà thơ trong và ngoài nước bắt nguồn cảm hứng sáng tạo từ hình tượng của Người và hầu hết các tác phẩm viết về Bác đều có sức sống lâu bền cùng năm tháng. Sau đây là những bài thơ hay viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh của các tác giả nổi tiếng trong nước và quốc tế.

Mục lục

1. Bài thơ “Ảnh Bác” của Trần Đăng Khoa

Nhà em treo ảnh Bác Hồ

Bên trên là một lá cờ đỏ tươi

Ngày ngày Bác mỉm miệng cười

Bác nhìn chúng cháu vui chơi trong nhà

Ngoài sân có mấy con gà

Ngoài vườn có mấy quả na chín rồi

Em nghe như Bác dạy lời

Cháu ơi đừng có chơi bời đâu xa

Trồng rau, quét bếp, đuổi gà

Thấy tàu bay Mỹ nhớ ra hầm ngồi.

2. Bài thơ “Bác đến” của Trần Ninh Hồ (1970)

Trong sổ vàng Trung đoàn chúng con

Năm một chín năm mươi ghi một lần Bác đến.

Sao chỉ ghi ngày giờ, không ghi gì nữa cả?

Con bồn chồn hỏi chính ủy của con.

Chính ủy mỉm cười: Thật, có thế thôi

Bác đến giữa đêm, chiến sĩ mình đang ngủ

Bác bảo: "Đừng làm ồn!", Bác lặng nhìn suốt lượt

Và ngay đêm, Bác lại lên đường.

Từ buổi Bác lên đường bao nhiêu nhớ thương

Bao người đã như con lặng nhìn trong sổ?

Bao năm tháng giữa bồi hồi thức, ngủ

Đến suốt đời con thấy Bác nhìn con!

3. Bài thơ “Bác Hồ - Người cho em tất cả” của Hoàng Long, Hoàng Lân

Cho ánh nắng ban mai,

Là những sớm binh minh

Cho những đêm trăng đẹp,

Là chị Hằng tươi xinh

Cây cho trái và cho hoa

Sông cho tôm và cho cá

Đồng ruộng cho bông lúa

Chim tặng lời reo ca

Anh bộ đội đến nhà,

Cho em lòng dũng cảm.

Cô giáo cho bài giảng,

Yêu xóm làng thiết tha.

Cùng em vượt đường xa xôi,

Là chiếc khăn quàng thắm tươi.

Cho em tất cả

Người mang cho em cuộc đời mới...

Tươi sáng đầy ước mơ.

Người cho em tất cả :

Là Bác Hồ Chí Minh.

4. Bài thơ “Bác ơi” của Tố Hữu (6-9-1969)

Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa

Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa...

Chiều nay con chạy về thǎm Bác

Ướt lạnh vườn cau, mấy gốc dừa!

Con lại lần theo lối sỏi quen

Đến bên thang gác, đứng nhìn lên

Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa?

Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!

Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!

Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời

Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội

Rước Bác vào thǎm, thấy Bác cười!

Trái bưởi kia vàng ngọt với ai

Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài!

Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm

Quanh mặt hồ in mây trắng bay...

Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi

Nǎm canh bớt nặng nỗi thương đời

Bác ơi, tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông, mọi kiếp người.

Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau

Nỗi đau dân nước, nỗi nǎm châu

Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ

Cho hôm nay và cho mai sau...

Bác sống như trời đất của ta

Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa

Tự do cho mỗi đời nô lệ

Sữa để em thơ, lụa tặng già

Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà

Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha

Bác nghe từng bước trên tiền tuyến

Lắng mỗi tin mừng tiếng súng xa.

Bác vui như ánh buổi bình minh

Vui mỗi mầm non, trái chín cành

Vui tiếng ca chung hòa bốn biển

Nâng niu tất cả chỉ quên mình.

Bác để tình thương cho chúng con

Một đời thanh bạch, chẳng vàng son

Mong manh áo vải hồn muôn trượng

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.

Ôi Bác Hồ ơi, những xế chiều

Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu?

Ra đi, Bác dặn: "Còn non nước..."

Nghĩa nặng, lòng không dám khóc nhiều

Bác đã lên đường theo tổ tiên

Mác - Lênin, thế giới Người hiền

A'nh hào quang đỏ thêm sông núi

Dắt chúng con cùng nhau tiến lên!

Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn

Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn

Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi

Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn.

5. Bài thơ “Cây vú sữa trong vườn Bác” của Quốc Tấn

Đầu vườn nghe động cánh ong

Kìa cây vú sữa Bác trồng năm nao !

Cành cây lá nắng xôn xao

Chim reo như đón Bác vào đâu đây.

Tay nghiêng thùng tưới bên cây

Rưng rưng... hoa tím uống đầy nắng tươi !

Ung dung Bác đứng ngắm cười

Cả trời xuân ấm tình Người thương yêu...

Mười lăm năm... mỗi sáng chiều

Bác Hồ chăm chút, nâng niu từng cành.

Cây càng khoẻ, lá càng xanh

Như miền Nam đó trưởng thành nở hoa.

Cành cao che mát sân nhà

Từng ôm bóng dáng Cha già sớm trưa.

Dạn dày sương gió nắng mưa

Trái ngon vẫn đậu đợi mùa chín thơm.

Mặc cho lửa đạn mưa bom

Ong xây bọng mật trong vòm lá xanh.

Đã nghe thơm nắng Ba Đình

Ngọt mùa vú sữa bờ kênh Tháp Mười.

Cây ơi ! Ơn Bác đời đời

Bác đi - Con cháu thay Người chăm cây !

6. Bài thơ “Cháu nhớ Bác Hồ” của Thanh Hải (8/1956)

Đêm nay bên bến Ô Lâu

Cháu ngồi cháu nhớ chòm râu Bác Hồ

Nhớ hình Bác giữa bóng cờ

Hồng hào đôi má, bạc phơ mái đầu

Mắt hiền sáng rực như sao

Bác nhìn tận đến Cà Mau sáng ngời

Nhớ khi trǎng sáng đầy trời

Trung thu bác gởi những lời vào thǎm

Nhớ ngày quê cháu tan hoang

Lụt trôi, Bác gởi lúa vàng vào cho

Nhớ khi nhà cháu ra tro

Bác đưa bộ đội về lo che giùm

Bác ơi nhớ mấy cho cùng

Ngoài xa Bác có thấu lòng cháu không.

Đêm đêm cháu những bâng khuâng

Giở xem ảnh Bác cất thầm bấy lâu

Nhìn mắt sáng, nhìn chòm râu

Nhìn vầng trán rộng, nhìn đầu bạc phơ

Càng nhìn càng lại ngẩn ngơ

Ôm hôn ảnh Bác mà ngờ Bác hôn

Bác ơi dù cách núi non

Mà hình Bác vẫn trong lòng không xa

Giặc kia muốn cắt sơn hà

Mà miền Nam vẫn hướng ra Bác Hồ,

Hướng về sắc đỏ ngọn cờ

Về ngày Nam Bắc cõi bờ liền nhau.

Đêm nằm cháu những chiêm bao

Ngày vui thống nhất Bác vào miền Nam.

Cổng chào dựng chật đường quan

Bác đến đình làng Bác đứng trên cao

Bác cười thân mật biết bao

Bác dặn đồng bào cặn kẽ từng câu

Ung dung Bác vuốt chòm râu

Bác xoa đầu cháu, Bác âu yếm cười.

Đêm nay trǎng lại sáng rồi

Trung thu nhớ bác cháu ngồi cháu trông

Ngoài xa nghe tiếng trống rung

Nghe những nhi đồng nhảy múa hò reo

Bác chắc cũng nhớ cháu nghèo

Miền Nam đau khổ sớm chiều trông ra.

7. Bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ (1951)

Anh đội viên thức dậy

Thấy trời khuya lắm rồi

Mà sao Bác vẫn ngồi

Đêm nay Bác không ngủ.

Lặng yên bên bếp lửa

Vẻ mặt Bác trầm ngâm

Ngoài trời mưa lâm thâm

Mái lều tranh xơ xác.

Anh đội viên nhìn Bác

Càng nhìn lại càng thương

Người Cha mái tóc bạc

Đốt lửa cho anh nằm.

Rồi Bác đi dém chăn

Từng người từng người một

Sợ cháu mình dật thột

Bác nhón chân nhẹ nhàng.

Anh đội viên mơ màng

Như nằm trong giấc mộng

Bóng Bác cao lồng lộng

Ấm hơn ngọn lửa hồng.

Thổn thức cả nỗi lòng

Thầm thì anh hỏi nhỏ :

- Bác ơi ! Bác chưa ngủ ?

Bác có lạnh lắm không ?

- Chú cứ việc ngủ ngo

Ngày mai đi đánh giặc

Vâng lời anh nhắm mắt

Nhưng bụng vẫn bồn chồn.

Không biết nói gì hơn

Anh nằm lo Bác ốm

Lòng anh cứ bề bộn

Vì Bác vẫn thức hoài.

Chiến dịch hãy còn dài

Rừng lám dốc lắm ụ

Đêm nay Bác không ngủ

Lấy sức đâu mà đi.

... Lần thứ ba thức dậy

Anh hoảng hốt giật mình

Bác vẫn ngồi đinh ninh

Chòm râu im phăng phắc.

Anh vội vàng nằng nặc :

- Mời Bác ngủ Bác ơi !

Trời sắp sáng mất rồi

Bác ơi ! Mời Bác ngủ !

- Chú cứ việc ngủ ngon

Ngày mai đi đánh giặc

Bác thức thì mặc Bác

Bác ngủ không an lòng.

Bác thương đoàn dân công

Đêm nay ngủ ngoài rừng

Rải lá cây làm chiếu

Manh áo phủ làm chăn.

Trời thì mưa lâm thâm

Làm sao cho khỏi ướt !

Càng thương càng nóng ruột

Mong trời sáng mau mau.

Anh đội viên nhìn Bác

Bác nhìn ngọn lửa hồng

Lòng vui sướng mênh mông

Anh thức luôn cùng Bác.

Đêm nay Bác ngồi đó

Đêm nay Bác không ngủ

Vì một lẽ thường tình

Bác là Hồ Chí Minh.

8. Bài thơ “Em gặp Bác Hồ” của Trần Đăng Khoa (9.9.1969)

Có ai se sẽ ngồi xuống đầu giường

Đưa bàn tay mát như kem sữa

Xoa lên trán em đang dịu lửa

Vuốt lên mắt em đang bớt mờ

A, Bác Hồ!

Bác Hồ ta đó!

Bác mặc tấm áo ka ki

Bàng bạc sương rừng Pắc Bó

Trán Bác có ngôi sao

Thảo nào Bác đi đêm không lạc Bác ơi, Bác!

Bác cười rung rung chòm râu

Mắt Bác sao mà thương thế

Tóc Bác thơm lừng gió bể

Thơm nắng đường xa

Bác cho em nhiều quà

Và khen dạo này em béo khỏe

Hơn ngày xưa nhiều

Cúc áo em bị đứt từ chiều

Đêm phanh ra, hở ngực

Bác đắp vào cho em

Rồi Bác ra rất êm

Bác đi! Bác đi rồi!

Em bỗng oà lên khóc

Tỉnh dậy thấy ướt đầm mái tóc

Nhìn xem Bác có đâu đây,

Chỉ thấy đầy trời đèn sáng, mưa bay

Người người lặng im đi viếng Bác

Bóng đèn rưng rưng nước mắt...

Đúng rồi

Bệnh viện em vừa truy điệu Bác chiều nay

Nhưng Bác chỉ yên nghỉ ban ngày

Chứ ban đêm là Bác rời linh cữu

Bác chào chú đứng gác

Rồi đi vòng quanh khắp trên thế giới

Để chăm sóc trẻ con

Nhất là đứa nào phải nằm trong bệnh viện..

9. Bài thơ “Người đi tìm hình của nước” của Chế Lan Viên

Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi

Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác

Khi bờ bãi dần lui, làng xóm khuất

Bốn phía nhìn không bóng một hàng tre

Đêm xa nước đầu tiên ai nỡ ngủ

Sóng vô dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương

Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở

Xa nước rồi càng hiểu nước đau thương

Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp

Giấc mơ con đè nát cuộc đời con

Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp

Một mái nhà yên rũ bóng xuống tâm hồn

Trăm cơn mơ không nổi một đêm dầy

Ta lại mặc cho mưa tuôn gió thổi.

Lòng ta thành con rối cho cuộc đời giật dây

Quanh Hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê

Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ

Hiểu sao hết những tấm lòng lãnh tụ

Tìm đường đi cho dân tộc theo đi.

Sông Hồng chảy về đâu và lịch sử

Bao giờ dãy Trường Sơn bừng giấc ngủ

Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây

Rồi cờ sẽ ra sao, tiếng hát sẽ ra sao

Nụ cười sẽ ra sao ơi ngày độc lập

Xanh biết mấy là trời xanh tổ quốc

Khi tự do về chói ở trên đầu

Khi mặt trời nghe bừng chói ở phương Đông

Cây cay đắng đã ra mùa trái ngọt

Người cay đắng đã chia phần hạnh phúc

Sao vàng bay theo búa liềm công nông

Luận cương đến Bác Hồ và người đã khóc

Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê Nin

Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp

Tưởng bên ngoài đất nước đợi mong tin

Bác reo lên một mình như nói cùng đất nước

“Cơm áo là đấy, hạnh phúc đây rồi”

Hình của Đảng lồng trong hình của nước

Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười

Bác thấy:

Hiểu sao hết “Người đi tìm hình của nước”

Không phải hình một bài thơ đá tạc nên người

Một góc quê hương nửa đời quen thuộc

Hay một đấng vô hình sương khói xa xôi

Mà hình đất nước hoặc còn hoặc mất

Sắc vàng nghìn xưa sắc đỏ tương lai

Thế đi đứng của toàn dân tộc

Một cách vinh hoa cho hai lăm triệu con người

Có nhớ chăng hỡi gío rét thành Ba Lê

Một viên gạch hồng Bác chống lại cả mùa đông băng gía

Và sương mù thành Luân Đôn có nhớ

Giọt mồ hôi người nhỏ giữa đêm khuya.

Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể

Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi

Những đất tự do những trời nô lệ

Những con đường cách mạnh đang tìm đi

Đêm mơ nước ngày thấy hình của Nước

Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà

Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc

Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa

Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây

Dân ta bưng bát cơm mồ hôi nước mắt

Ruộng theo trâu về lại với người cày

Mỏ thiếc, hầm than, rừng vàng, bể bạc

Không còn người bỏ xác trên đường ray

Giặc nước đuổi xong rồi trời xanh tiếng hát

Điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân

Những kẻ quê mùa đã thành trí thức

Tăm tối cần lao nay hóa những anh hùng

Nước Việt Nam nghìn năm Đinh, Lý, Trần, Lê

Thành nước Việt Nam nhân dân mát suối

Mái rạ nghìn năm hồng thay sắc mới

Những đời thường cũng có bóng hoa che

Ôi đường đến với Lê-nin là đường về tổ quốc

Tuyết Mát cơ va sáng ấy lạnh trăm lần

Trông tuyết trắng như đọng nghìn nước mắt

Lê-nin mất rồi nhưng Bác chẳng dừng chân

Luận cương của Lê-nin theo người về quê Việt

Biên giới còn xa nhưng Bác đã đến rồi

Kìa bóng Bác đang hôn lên hòn đá

Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai.

10. Bài thơ “Hồ Chí Minh” của Tố Hữu ( 26/8/1945)

Hồ Chí Minh

Người lính già

Đã quyết chiến hy sinh

Cho Việt Nam độc lập

Cho thế giới hoà bình!

Người đã sống nǎm mươi nǎm vũ bão

Vì nhân loại

Người quyết dâng xương máu

Vì giang sơn

Người quyết dứt gia đình!

Hồ Chí Minh

Người đã quyết

Mặc phong ba giá tuyết

Mặc gươm súng xiềng gông

Làm tên quân cảm tử đi tiên phong

Đánh trǎm trận, thề trǎm phen quyết thắng!

Bao thất bại dẫu xát lòng cay đắng

Hồn vẫn tươi vui, thơm ngát tình đời

Bước trường chinh dầu mỏi gối khan hơi

Tim gang thép vẫn bừng bừng lửa chiến

Cờ đã phất, phải gương cao quyết tiến! Người xông lên

Và cả đoàn quân, thừa huyết khí thanh niên

Rập bước tiến bên người Cha anh dũng.

Tiếng Người thét

Mau lên gươm lắp súng!

Và cả đoàn quân

Đã bao nhiêu nǎm tháng trải phong trần

Mắt sáng quắc tay xanh loè mã tấu

Vụt ào lên quyết hy sinh chiến đấu

Diệt cường quyền!

Ôi sức mạnh vô biên!

Hồ Chí Minh

Hỡi ngọn đuốc thiêng liêng

Trên đầu ta, ngọn cờ dân tộc

Trǎm thế kỷ trong tên Người: A'i Quốc

Bạn muôn đời của thế giới đau thương!

Chúng tôi đây

Lớp con cháu trên đường

Gươm tuốt vỏ, súng cầm tay, xốc tới

Ngọn cờ đỏ sao vàng bay phấp phới

Nước non Hồng vang dội Tiến quân ca

Hồ Chí Minh

Người trẻ mãi không già!

11. Bài thơ “Hồ Chí Minh” của Prékimala Mak - Dân tộc Châu Ro

Kính dâng Bác với tất cả tấm lòng

biết ơn của người Thượng

Khi viết tới Hồ Chí Minh

Người Ê-Đê, người Xê-đǎng, người Châu-Ro, người Gia-rai, người Ba-na...

Không dùng bút, dùng giấy, dùng mực

Mà rủ nhau vô rừng đào cây xachk-lang

Về mài thay bút, thay mực

Đời trước, đời sau chuyền nhau viết mãi

Viết về Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh, Người là con sông lớn

Người là mặt trời

Người là mặt trǎng.

Mùa lạnh nhắc tới Hồ Chí Minh

cái bụng ấm

Mùa nắng nhắc tới Hồ Chí Minh

mây thêu mặt trời hồng

Mùa thu nhắc tới Hồ Chí Minh

mây lắng, trời trong.

Mùa xuân nhắc tới Hồ Chí Minh

cây cỏ đơm nhựa trổ bông.

Nói tới Hồ Chí Minh

Người Chàm, người H'rê, người Mơ-nông...

Không có lời nói nổi với lòng mình

Chỉ biết gói trong cái bụng.

Khi hát ca ngợi Hồ Chí Minh

Người Thượng mình chưa có bài ca để hát.

Chưa có đàn để đệm

Phải mượn:

Gió thổi lá cây to, cây nhỏ

Chim đrao, chim kơ-tia, chim nhông.

Nhờ sông bé, sông to

Nhờ rẫy lúa, nhờ thác cao

Nhờ sóng vỗ mạn đò...

Đất nước mình

Nhiều cây cao, cây thấp

Nhiều cây to, cây nhỏ

Nhiều sông dài, biển rộng...

Chẳng có sông núi, cây nào lớn bằng Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh

Ôi! Người đó thiệt tình lớn quá!

Người là đất nước dạt dào bất diệt,

Người là gang, là thép

Đôi mắt Người hào quang rất đẹp

Người,hải đǎng của con tàu mặt biển

Người,niềm tin hy vọng

và sự sang giàu của đồng bào

Thượng chúng tôi...

12. Bài thơ “Bác Hồ” của Mađơlen Riphô (nữ thi sĩ Pháp)/Tế Hanh dịch

Người vào, cửa vẫn lặng im,

Hỏi han thân mật giống in những hình

Giấu thầm khi chửa hòa bình

Đêm đêm soi ảnh thấy mình ở trong

Người cầm hai đóa hoa hồng

Tựa như những đóa ta trồng vườn hoa

Hỏi thǎm tin tức chúng ta

Hiểu dân tộc Pháp hơn là bạn, tôi

Tôi như chim trắng trước Người

Chim lành thợ mỏ chǎn nuôi mái hè

Bay cùng xứ của Tôrê (1)

Tôi yêu tôi khổ vì quê hương mình

Toàn dân đã chặn chiến tranh

Với ta, người tặng tấm hình. Và hoa.

------------

(1) Đồng chí Tôrê (Maurice Thorez), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp, xuất thân thợ mỏ quê ở vùng mỏ miền Bắc nước Pháp.

13. Bài thơ “Bộ đội Ông Cụ” của Nông Quốc Chấn(7-1948)

Đồ ǎn đã sắm đủ rồi -

Mǎng vầu, phiắc pàn(1) nõn chuối,

Lợn bò, gạo nếp, gạo nương...

Các bản người người đưa tới,

Làng như sắp đám cưới!

Lần này nhộn nhịp hơn mọi khi.

Tại sao? Ta sẽ đón người gì?

Ai cũng mong để được xem bộ đội.

Cơm trưa xong, nắng lui về ngọn núi

Anh giao thông đến đưa gói thư

Tin bay đi bản trên xóm dưới

Già già trẻ trẻ đợi hoan hô,

Lớp học tan, tiếng ríu rít của học trò,

Tiếng của đồng bào gọi nhau tập hợp.

Bộ đội đã đến kia!

A lúi! Những người là người (2)!

Đeo súng ngắn, súng dài, súng dóp...

Hoan hô! Hoan hô!

Nhìn không chớp mắt.

Có cả người mũi lõ tóc quǎn,

Hai con mắt màu gio như lính Pháp(3)

Lại có Cụ Già chân đi đất,

Mặc bộ quần áo Nùng,

Tay cầm cái gậy mây rừng,

Miệng ngậm một điếu can không khói,

Bộ râu dài vừa trắng vừa đen,

Chân tay nhanh nhẹn như thanh niên...

Cụ Già cười, vẫy chào người đứng đón

Dân chúng rỉ tai nhau:

Bộ đội gì toàn những người lạ lạ?

Có lẽ đây là người "Gốc trỏ" (4).

Khi ǎn cơm chiều,

Bộ đội đếm: một, hai... ngồi trật tự.

Cụ đi từng bàn xem bát đũa.

Cho thổi còi, rồi Cụ ǎn sau.

Mọi người rủ nhau

Đốt đuốc đến xem quân Ông Cụ.

Người già đến, Cụ mời ngồi niềm nở,

Trẻ con lại, Cụ bế xoa đầu.

Cụ nói, dân nghe rõ từng câu -

"Muốn cách mệnh thành công mau!

Ta phải đoàn kết như bó đũa...!"

Gà đã gáy lượt đầu,

Nhưng tiếng vỗ tay còn như nứa nổ.

Còn vang vang tiếng hát của thiếu nhi.

Hôm sau, Cụ rời bản lên đường,

Cho bộ đội xếp hàng,

Cụ cảm ơn, Cụ trả tiền - dù chủ nhà không nhận;

Cụ bắt tay từng người.

Cụ đi khỏi rồi,

Ai cũng thương nhớ,

Người hỏi người không ai biết rõ:

"Tên Cụ Già là chi?

Tóc bạc vẫn còn đi,

"Nhất định đây là người "Pỏ cốc(5)"!

"Dân ta sắp tới ngày Độc lập".

Bước sang rằm tháng bảy,

Nhận được một tin mừng:

"Giải phóng quân đã vào Hà Nội"

"Khắp nơi mở hội tưng bừng...!

Có nhiều ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh!

Nhìn đôi mắt, bộ râu, ta nhớ nhớ

Giống Cụ Già trước đến bản ta!

Đúng! Đích đúng!

Đây là Ông Cụ!

Sung sướng thay! Bản ta toàn nam nữ

Lần đầu tiên đã được đón Bác Hồ

Chúng ta xin gửi một bức thư

Rằng: "Cả bản Mường vẫn nhớ lời Người nói".

----------------------------

(1) Tên một loại rau trong rừng, thường ǎn độn với nõn chuối.

(2) "A lúi" là tiếng trầm trồ khi thấy cái gì lạ.

(3) Mấy người Mỹ (danh nghĩa đồng minh) cùng đánh Nhật.

(4) "Gốc trỏ" nghĩa là ông tổ.

14. Bài thơ “Cây Bác Hồ” Tế Hanh (6-1970)

Mười nǎm về trước chưa sinh con

Khắp cả vùng đây đất xói mòn

Đá sỏi đồi hoang cây chẳng mọc

Xuân về không hé chút mầm non

Vâng theo lời Bác, Tết trồng cây

Từ đấy cành xanh, nhánh biếc đầy

Dương liễu đằng xa, dǎng lưới lục

Bạch đàn loang loáng trắng quanh đây

Theo đội con trai cha trồng vải

Hàng vải sum suê gió thổi lùa

Mẹ theo đội con gái đi trồng nhãn

Khóm nhãn ra hoa đã mấy mùa

Các chị em con có bóng xanh

Có chim ríu rít rộn trên cành

Có hoa thơm ngát bay theo gió

Khiến bầy ong kiếm mật vây quanh

Tháng nǎm ǎn vải, tháng sáu ǎn nhãn

Nhặt lá vun cành, lượm củi khô

Trưa chơi bóng mát, đêm trǎng sáng

Tất cả là ơn của Bác Hồ

Bác mênh mông quá, phải không con?

Như cả đất trời, cả núi non

Như lá hoa bốn mùa tươi tốt

Như rễ sâu tận đáy tâm hồn

Yêu Bác các con chǎm đi học

Giữ gìn nụ biếc lá non xanh

Lớn lên góp sức cùng anh chị

Bảo vệ quê hương đất nước mình

Và mỗi lần các con nhớ Bác

Các con im lặng ngẩng đầu lên:

Một vùng ánh sáng soi trên ngọn

Lộng gió từng cao - Bác ở trên...

15. Bài thơ “Đêm Tháng Nǎm” của Vǎn Thảo Nguyên (Đêm 19/5/1950)

Cơm gạo mốc, mà tưởng cơm nếp mới

Rau "tàu bay" không muối cũng thành canh

Trà không có, vội đun nồi nước suối

Lá "cơm xôi" ta thay lá chè xanh.

Vui mở tiệc giữa đồi cao núi đỏ

Mừng Bác Hồ tuổi thọ sáu mươi

Đêm tháng Nǎm, trời rung rinh ngọn gió

Như lòng con rung tiếng hát yêu đời.

Con cứ ngỡ như được ngồi bên Bác

Giữa thủ đô yêu quý của nước non

Con cứ ngỡ như đang cầm tay Bác

Nhảy kết đoàn trong buổi tối liên hoan.

Giờ xuất kích giữa tiếng gà rừng gáy

Lưỡi lê soi lấp lánh vạn vì sao

Quà dâng Bác là đồn Tây bốc cháy

Đêm tháng Nǎm, ôi! Vĩ đại biết bao!

16. Bài thơ “Giếng nước Bác Hồ” của Phan Thị Thanh Nhàn/Quảng An, (9-1969)

Làng con nghèo, ở ngoại ô

Một chiều vui được Bác Hồ tới thǎm

Bác xem chỗ ở chỗ ǎn

Đến bên giếng đất, ân cần Bác khuyên:

Làng ta rồi phải sạch hơn

Giữ cho đôi mắt như gương trong ngần

Bác về, gửi gạch tặng dân

Giếng đầu tiên ấy ở sân đình làng

Tròn xoe dưới một tán bàng

Ôi gàu nước mát đầy tràn thương yêu

Lòng Cha chia khắp xóm nghèo

Thẳm sâu mạch nước trong veo giếng này...

Cả làng đau mắt xưa nay

Bác về, như có bàn tay diệu kỳ

Tình thương lòng Bác chở che

Giếng sâu trong vắt bốn bề khơi lên

Bác cho con gái mắt huyền

Cụ già mắt sáng trẻ em mắt tròn

Tin đâu sét đánh làng con

Bác không còn? Bác không còn! Bác ơi!

Cả làng không hẹn không mời

Bước chân tụ lại một nơi - giếng đình

Cúi đầu, tay nắm vòng quanh

Đỏ hoe bờ giếng ân tình, Bác ơi!

Giếng đầy còn có khi vơi

Lòng dân nhớ Bác chẳng nguôi bao giờ.

17. Bài thơ “Hồ Chí Minh - tên Người là cả một niềm thơ” FÊLIX PITA RÔĐ'RIGHET – Cuba/Hoàng Hiệp dịch

Bởi vì người, Hồ Chí Minh

Nhà thơ Hồ Chí Minh,

Người nông dân Việt Nam trong sáng: Hồ Chí Minh,

bảy mươi tám nǎm gần trọn cả đời mình tranh đấu,

Và người đã hy sinh từ bỏ mọi tên,

để chỉ còn là một giọng nói, một hơi thở, một cái nhìn

để chỉ còn là... có gì đâu khác...

là đất nước, là máu xương Tổ quốc;

Bởi vì Người đau nỗi đau của những vết thương

trên mình mỗi em bé Việt nam bị quỷ "Yanki" giết chết,

Khi giặc lái của Lầu Nǎm goởc phá đổ mỗi ngôi nhà,

Thì lòng Người bỗng nhiên như sụp mái.

Bởi vì trong mỗi xóm nhỏ tan hoang vì bom napan Mỹ,

Một mảnh tim Người tự cháy xót xa!

Hồ Chí Minh, tên Người là cả đói ngày xưa

Vì Người đã chết hai triệu lần nǎm đói bốn nhǎm khủng khiếp

Bởi vì người đã mặc lên mọi tấm áo xác xơ

đã đi chân đất với mỗi đôi chân trần của người dân đất nước,

Bởi vì Người đã chứa chất nỗi tủi nhục của mọi người cùng cực,

Bởi vì Người đã từng chịu đau nỗi roi vọt đánh vào dân tộc,

Thuở bọn thực dân Pháp

hòa trộn than Hồng Gai với máu người thợ mỏ,

cao su miền Nam với máu người phu đất đỏ,

lúa gạo đồng bằng với máu nông dân,

để biến thành vàng bạc gấp trǎm;

Bởi vì lòng Người héo hon khi nắng hạn

Với ruộng đồng chết khát nǎm lại qua nǎm,

Và người mang cấy lại trên lòng mình

mỗi cây lúa chết ngạt vì lụt nước trắng bờ!

Hồ Chí Minh, tên Người là cả một niềm thơ.

Bởi vì Người đã sống cùng phu Quảng Châu, Thượng Hải.

Và đo được mức tận cùng đói rách,

và ở Nam Phi, Người cũng đo được đói rách tận cùng

của những người Âận cùng đinh sang đó

tìm miếng cơm nuôi sống qua ngày

Bởi vì Người đã đến với dân lao động

từ đào huyệt chôn mình khi vét dòng kênh Panama

Và như thế, Người đã nhận ra rằng:

Bất cứ ở đâu, con người cũng chỉ là một và đói khổ cũng chỉ là một,

và Người cũng biết: ở đâu cũng một lòng cǎm uất,

và đường đi chỉ có một mà thôi.

Bởi tất cả những điều đó và nhiều điều khác nữa

mà lời nói khó lòng chứa đựng:

Bởi vì đối với Người thì phẩm giá con người

còn cao hơn miếng cơm, danh vọng

Cao hơn cả trường tồn cuộc sống,

Hồ Chí Minh, tên Người là cả một niềm thơ.

Có thể ca ngợi Người như ca ngợi biển cả, núi cao,

như ngợi ca sông Cửu Long, sóng Hồng Hà.

Nói tới Người là nói vịnh Hạ Long, Điện Biên Phủ,

Chùa Một Cột, là nói những ruộng đồng đỏ ánh phù sa.

Có thể nói tới Người bằng hết thảy những lời tương tự

khi nói tới cây nhãn và cây tre xứ sở.

Bởi vì ca ngợi Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh,

Nhà thơ Hồ Chí Minh

Người nông dân Việt Nam trong sáng: Hồ Chí Minh,

là ca ngợi đất nước Việt Nam tươi đẹp và đau thương.

Ca ngợi nước Việt Nam mà dáng dấp

không còn là một chiếc đòn tre gánh mỗi đầu mỗi thúng.

Mà là một hình dáng quang vinh của cửa ngõ có một không hai

để đi vào thế giới tương lai.

18. Bài thơ “Quê Bác” của Nguyễn Trọng Oánh (1959)

Thuyền xuôi xuôi mãi dòng sông

Dòng sông quê Bác nước trong đôi bờ

Xôn xao sóng đục con đò

Đã nghe âm ấm câu hò Nghệ An:

"Quê ta ngọt mía Nam Đàn

"Ngon khoai chợ Rộ, thơm cam Xã Đoài..."

Đường sang quê Bác đây rồi

Con nông giang nhỏ chạy dài đầu thôn

Nhà xưa Bác ở vẫn còn

Mái tranh nho nhỏ, nếp vườn thân yêu

Bác ơi, nhà Bác cũng nghèo

Quê hương Bác cũng như nhiều quê hương

Chỉ vì Bác rộng tình thương

Cho nên nắng đẹp mười phương tràn về.

Để người cuộn chỉ ngừng xe

Khǎn vuông yếm trắng lên đê giữ làng

Để người tắm nước quê hương

Thấy sông thêm rộng thấy đường thêm xinh

Tôi như chim nhỏ giữa rừng

Bác như nắng đẹp sưởi hồng ban mai

Lời đâu mà nói hết lời

Mái tranh còn mãi dấu Người thân yêu

Ra về bãi mía nhìn theo

Thuyền ai lên Rộ nước triều dâng dâng

Đất vui đất có anh hùng

Ta vui ta sống giữa lòng quê hương.

19. Bài thơ “Thǎm Pác Bó” của Xuân Diệu (10-1964)

Nước từ gốc đá chảy tuôn

Suối xanh ngǎn ngắt một nguồn vô biên.

Xuôi xa rồi lại trào lên

Cây thài lài tía mọc bên đá ghềnh.

Một vùng thuần khiết non xanh

Như mang ánh mắt tinh anh Bác Hồ.

Hãy còn bàn đá nhấp nhô

Bác ngồi dịch sử, nghĩ cho muôn đời (1).

Rau mǎng cháo bẹ dâng Người,

Ngày ra bờ suối, tối thời vào hang.

Nơi đây Bác vạch đường quang

Mở ra sông núi, gồm sang biển trời.

Cải soong dưới suối đâm tươi

Xuống làng mái ngói điểm vui các nhà.

Thǎm hang trước, nhớ ngày xa

Bác trồng khóm trúc nay đà xanh um (2)

------------------

(1) Hồi ở Pác Bó, Hồ chủ tịch đã dịch cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô (B) ra Tiếng Việt, làm tài liệu học tập cho cán bộ cách mạng.

(2) Dưới núi, nước phía bên Tuyên Quang chảy sang bên này (Cao Bằng) như từ trong đá chảy ra. Tháng Mười, đồng bào trồng cải soong. Ngày 20/2/1961, sau hai mươi nǎm, Bác về thǎm lại Pác Bó, có trồng một khóm trúc làm kỷ niệm.

20. Bài thơ “Trăm năm nhớ một chuyến đò” của Thanh Tịnh (9/1969)

Nhớ một tối giữa rừng Việt Bắc

Được xuống đò theo Bác sang ngang

Núi xe viền ánh trǎng vàng

Có đôi mắt sáng điểm màn trời sao.

Đó là Bác mà nào biết trước

Tưởng cụ già miền ngược sang sông

Dao rừng cài gọn bên hông

Gậy song cắp nách, túi vòng qua vai.

21. Bài thơ “Đọc thơ Bác” của Hoàng Trung Thông (5-1960)

Ngục tối, trái tim càng cháy lửa

Xích xiềng không khóa nổi lời ca

Trǎm sông nghìn núi chân không ngã

Yêu nước yêu người yêu cỏ hoa.

Đọc lời thơ Bác tâm hồn Bác

Một tấm gương trong chẳng bụi mờ

Bóng cây đại thụ trùm xanh mát

Cánh rộng chim bằng bay tự do.

Tự do! Gươm súng nào ngǎn được

Biển rộng sông dài ý chí cao

Thân ở trong tù, lòng ở Nước

Bay quanh hồn mộng ánh vàng sao.

Khi chim rừng ca rộn núi

Khi nhìn khóm chuối ánh trǎng soi

Lao lung vẫn giữ lòng thư thái

Nắm chắc trong tay cả cuộc đời.

Tôi đọc trǎm bài trǎm ý đẹp

A'nh đèn tỏa rạng mái đầu xanh

Vần thơ của Bác, vần thơ thép

Mà vẫn mênh mông bát ngát tình.

22. Bài thơ “Người đã thấy Mặt trời Tháng Mười” của Sergei Aphonin

Những hàng tre hiện về trong giấc ngủ

Và bến cảng Sài Gòn, và hình bóng mẹ cha

Tim nhức nhối nỗi đớn đau ly biệt

Người nén lòng vượt lên mọi buồn đau

Trong ngục tối người làm thơ Nhật ký

Ánh Thái dương xuyên vượt cả màn đêm

Và rọi soi tận sâu thẳm tâm hồn

Gió quê hương vỗ về Người, an ủi

Trước Lăng Người bao vòng hoa tươi thắm

Của bạn bè khắp năm châu bốn biển

Trong tim ta Hình ảnh của Bác Hồ

Và Di huấn của Người còn sống mãi

Ba Đình - Ngày tuyên ngôn độc lập

Lời Bác Hồ còn mãi ngân vang

Cả dân tộc Việt Nam như một

Cùng nguyện thề gìn giữ núi sông.

23. Bài thơ “Thấm trong Di chúc” củaVũ Quần Phương(12-1969)

Suốt một đời Bác đã nghĩ về ta

Đến phút cuối tim Bác trào lên bút

Chữ xô dòng, lòng Bác buốt thương dân.

Ôi miền Nam không kịp nữa về thǎm

Nỗi nhớ tỏa trên mọi nhà mọi ngõ,

Phút chia biệt Bác nói lời đoàn tụ

Câu dặn dò nghe ấm vị hàn huyên.

Bác đi rồi còn trao lại niềm tin

Con không khóc, nhưng cứ trào nước mắt

"... đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc" (1)

Bác Hồ ơi! Ngày đó chẳng còn xa

Ai ngờ đâu, tháng 9 mồng 3...

Quá thương đời và lo nỗi dân đau,

Bác cố tránh nói những lời ly biệt

Mượn câu thơ để khuây lòng thương tiếc.

Ôi lòng Người đo sao hết mông mênh

Nghĩ việc gì Bác cũng nghĩ từ dân

Nói về Đảng cũng vì dân mà nói,

Nước còn giặc, dân còn khi lạnh đói

Bác đắng lòng trong mỗi miếng cơm ǎn,

Thắng quân thù dẫu phải mấy mươi nǎm

Nhưng hạt thóc rụng giữa đồng Bác tiếc.

Nguồn biển lớn uống muôn đời không hết

Vẫn kính nhường từng hạt nước trong sông.

Bác Hồ ơi! Vị muối mặn con ǎn

Đã kết đậm bao tình thương của Bác,

Manh áo ấm con mặc khi trở rét

Đã dệt vào trǎm mối Bác lo toan.

Phút giã từ trong ánh mắt đǎm đǎm

Nỗi ưu ái lại trào lên lần chót:

Hãy giữ đức cho trong, giữ lòng cho khiết

Sống kiệm cần, tương kết tương thân...

Ôi giọng Người hiền như giọng cha ông

Cứ mộc mạc mà thấm vào mãi mãi,

Con nghe Bác hiểu thêm tầm thời đại

Sáng thêm lòng nhân ái Việt Nam ta.

Trọn một đời Bác chung thủy gần xa

Trǎm ơn nghĩa luôn nặng đằm bên dạ.

Lời vĩnh biệt đã thành lời cảm tạ

Giọng khiêm nhường ôm bốn bể anh em.

Thế kỷ này đâu phải đã bình yên

Trái tim lớn nặng niềm đau mặt đất.

Tình bè bạn, phút ra đi, còn nhắc

Dao cắt lòng nhưng vẫn ngập yêu tin.

Lần đầu tiên Bác nói đến niềm riêng,

Cả nước khóc nghe những lời dặn cuối.

Ôi trời rộng và núi cao vời vợi

Sông biển nào sánh được Bác thương ta!

Bữa cơm ǎn vẫn quen nhút quen cà,

Lúc nhắm mắt xin dâng đừng tang chế.

Ôi tim Bác sao mà mênh mông thế!

Gương trong ngần cho muôn thuở cùng soi.

Triệu lòng người cùng cất gọi: Bác ơi!

"Muôn vàn tình thương yêu" Bác gửi lại trong lời

Chúng con đọc nghẹn ngào thấm thía

Tay Bác yếu không còn đều nét chữ

Tim Bác đập vẫn đồng bào đồng chí

Giây cuối cùng Bác vẫn gánh lo toan.

Bác Hồ ơi xin Bác cứ yên tâm!

Lời Bác dặn chúng con xin nguyện ước.

Mỗi giọt lệ thấm xuống dòng Di chúc.

Một lời nguyền vang đến suốt mai sau.

-------------------

(1) Trích trong Di chúc

24. Bài thơ “Viếng Lǎng Bác” của Viễn Phương (4/1976)

Con ở miền Nam ra thǎm lǎng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lǎng

Thấy một mặt trời trong lǎng đất đỏ

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trǎng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim!

Mai về miền Nam, thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lǎng Bác

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

Muốn là cây tre trung hiếu chốn này.

25. Bài thơ “Nổi trống đồng non nước Việt Nam ơi!” của Trích Lữ Huy Nguyên (1976)

Hành quân

"Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào"

Tiếng xe xích rùng rùng sức bão

Cờ Mặt trận bay trên tháp pháo

Thơ Bác dồn thêm sức chiến xa.

Những tháng, nǎm, heo hút giữa rừng già

Con đường nhỏ, chân người xen dấu hổ

Vệt khắc cây mở lối mòn bữa đó

Giờ thênh thang đại lộ Hồ Chí Minh

Mới nǎm nào mắc võng giữa rừng xanh

Tiếng nai gộ còn làm ta ngơ ngác

Đang cơn sốt mở dài nghe thơ Bác:

"Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua".

Bác Hồ ơi! Toàn thắng đã về ta

Kính dâng Bác một mùa sen lịch sử

Các mũi tiến công như cánh hoa tung nở

Hương Tháng Nǎm thơm mát dạ Người.

Đã về ta toàn vẹn đất trời

Từ con sông nǎm nào đưa tiễn Bác

Các cỗ pháo gầm lên tấu nhạc

Nổi trống đồng!

Non nước Việt Nam ơi!

Trở về

Sau bao nǎm khắc nghiệt sống trên rừng

Vị môn thục còn đằm trong kỷ niệm

Đáy ba lô vẫn giữ gìn nếp võng

Sợi dây dù cuốn gọn giắt ngang lưng

Sải bước chân đi giữa phố phường đông

Dòng đại lộ gợi nhớ màu con thác

Dưới chân ta đôi dép mòn vẹt gót

Niềm tự hào bao nǎm tháng gian lao

Xe vút nhanh như từng trận mưa rào

Hanh hao nắng nhớ rừng trưa bóng rợp

Rừng sǎng leó, rừng lim, rừng khộp...

Những cánh rừng trên một neóo Trường Sơn.

Trước quân thù lòng chất chứa hờn cǎm

Để bùng nổ niềm vui này trọn vẹn

Đi dép cao su, làm nên nghiệp lớn

Đôi dép này xưa Bác vẫn từng đi

Thành phố mang tên Người, sau dằng dặc phân ly

Giờ đoàn tụ cuộc đời như treó lại

Sài Gòn ơi! lòng vui khẽ gọi

Ta đã về sau những tháng, nǎm xa

Ta đã về trong nhịp Tiến quân ca

Nơi Bác Hồ ra đi cho hôm nay ta đến

"Hòn ngọc Viễn Đông" sáng ngời bốn biển

Nổi trống đồng!

Non nước Việt Nam ơi!

26. Bài thơ “Nén hương nhớ Bác” của Huy Cận (1973)

I. Hai chị em

Bà Thanh(1)ra thǎm Bác Hồ tại Bắc Bộ Phủ.

Chị đến thǎm em là Chủ Tịch

Cho em thân thiết một bu gà.

Chị em bǎm bốn nǎm xa cách

Chuyện nước, tình quê: "Chị đó a?"

II. Bàn việc nước

Bác Hồ dặn cụ Huỳnh Thúc Kháng đêm trước hôm Bác đi Paris hồi tháng 5-1946

"Tôi đi, cụ chớ lo chi cả.

Quyền nước, lòng dân: cụ ở nhà"

Hai chén trà khuya sương nhẹ tỏa

Một câu "bất biến"(2)dặn phòng xa.

----------------------

(1)Bà Thanh: chị ruột của Bác Hồ, đã từng hoạt động cách mạng trong hàng chục nǎm; có ra thǎm Bác Hồ sau khi Bác ở chiến khu về Hà Nội. Hai chị em trong phút đầu gặp nhau chỉ thốt ra: "Em đó à!" "Chị đó à!"

(2)Đêm đó (25-5-1946), cụ Huỳnh có hỏi Bác Hồ về việc nước nên thế nào trong lúc gặp khó khǎn thì Bác Hồ trả lời: "Dĩ bất biến ứng vạn biến".

27. Bài thơ “Thấy từ lúc ấy” của Chế Lan Viên

Địa trung hải xanh ngời

Bác lên boong lặng ngắm

Uy nghi trước bể trời

Bỗng mắt Người rực sàng

Hàng trăm chiến hạm Pháp

Chìm ngổn ngang bể khơi

Cái suy tàn đế quốc

Người vừa chợt thấy rồi.

Cảnh ấy theo Bác mãi

Trên hàng vạn dặm đường

Khi tàu qua Hồng hải

Lúc vào Ấn độ dương

Về Hạ Long lặng sóng

Bác ước nhìn bể ta

Đo trước mồ chôn giặc

Vào một ngày không xa

Trước bể trời lộng lẫy

Dim đôi mắt Bác cười

Nhìn trăm tàu giặc cháy

Trong trận thắng ngày mai.

28. Bài thơ “Nếu quên thanh gươm ta chẳng hiểu Người” của Chế Lan Viên

Nếu quên khẩu súng thanh gươm, ta chẳng hiểu Người

Tình yêu lớn hoá thành bão táp

Khi La Văn Cầu đưa cánh tay ra chặt

Nhát dao kia là bởi dất yêu đời.

Tình yêu lớn là tình yêu nóng bỏng

Như bà mẹ yêu con cầm lấy súng

Kẻ bị dìm xuống hiểu Người – nhưng ai vùng dậy hiểu nhiều hơn

Khi anh Trỗi hô tên Người trước giặc

Danh hiệu yêu thương làm giặc kinh hồn

Bác là suối trong - lại là chất thép

Là lửa ấm sinh thành... và huỷ diệt

Nếu sinh ra, không có lũ côn đồ

Chắc Bác đã yên lòng viết sử, làm thơ,

Người tình nhân của các mặt trời trên bể

Tri kỉ với hoa mộc trong vườn, trong phòng, hoa huệ

Yêu mùi hương ngay cả khi đôi chân "treo tựa giảo hình"

Trái tim vô biên đâu phải vô tình

Nhưng chỉ yêu thương ư ? Lúc này đâu phải lúc

Phải đốt cháy Trường Sơn – giành độc lập

Hiu hiu gió nhẹ mùa thu! Chẳng thể được nào

"Ào, ào, ào

"Ào,ào,ào...

"Ai có súng dùng súng, ai có dao dùng dao"...

Tình yêu lớn làm Bác thành chiến sĩ

Thành Tư lệnh tối cao đương trận thế rối bời

"Miễn được cây chông trừ giặc Mỹ"

Vần ' Thắng" vút lên cao, là thơ của một thời.

Người xuất quân giữa lúc bình minh không chịu bừn lên mà chực hoá hoàng hôn

Khi sông Mã, sông Hồng thành nước mắt sông Thương

Thành Tô Lịch cạn dòng. Khi Trường Sơn, Hồng Lĩnh,

Thôi chả dám vươn cao, chừng thấy lạnh

Tháp Chàm rơi viên gạch lúc sa cơ,

Nai mùa vàng ngơ ngác giữa vườn thơ,

Con ngựa Gióng rủ đầu đi bước một

Con hổ ngậm căm hờn trong cũi sắt

Tiếng đau thương thay cho tiếng thét gào.

Phật trăm tay mà chả có tay nào

Cầm lấy nổi một thanh gươm độ thế

"Vùng lên! Hỡi những người nô lệ"

Bác đến giữa trời mây như sét xé

Sạch quang mây. Nhân dân vùng lên theo chủ soái của mình.

Ngôi sao sáng đưa ta qua đêm trường thế kỉ.

Đã thành mặt trời chói rọi bình minh.

Có những kẻ vào sinh ra tử phi thường

Những khi cần định đoạt số phận một nước, một thời họ chùn bước lại.

Họ chỉ mang số phận mình thôi. Ngọn cờ, họ không mang nổi

Xoay chuyển núi sông, Bác là kẻ sang trang, là kẻ mở đường.

Mác - Lênin cùng với Hùng Vương

Người hội tụ của những nguồn ánh sáng

Cánh phượng hoàng bão dông của những trời cách mạng

Không cam tâm bay theo những lối bay thường.

Quân của Người ư ? Hôm qua thân còn bón gốc cao su

Xác đói lả vứt theo xe bò hốt rác

Chưa có súng gươm, còn cầm rổ rá ở bên đường hành khất

Là con "tốt" trong ván cờ - chưa biết thời cơ

Người đã đến dựng lên thành chủ lực

Ôi huy hoàng triều đại công nông

Paria đạp đổ một triều vua ba triều đế quốc

Con cắt con đánh ngã ông Đùng.

Vị tướng nhìn ta, vuốt chòm râu bạc

Khi ra quân cả nước còn mê, chưa tỉnh thức

Nay đến nơi, hoa cỏ thảy anh hùng.

29. Bài thơ “Ném thừng” của Chế Lan Viên

Bác ra thăm Ngọc Vừng

Mặc áo quần thủy thủ

Đầu đội mũ hải quân

Giải dài bay trong gió

Bể vỗ sóng muôn trùng

Chào người quen biết cũ

Đàn hải âu lượn vòng

Quanh chòm râu trắng xóa

Chủ tịch của một nước

Xa lâu về thăm "nhà"

Ra đi khá đột ngột

Biết lấy chi làm quà...

Dạy lũ cháu ném thừng

Chút nghề xưa của Bác

Liệu thử có quên chăng

Tự ngày xa sông nước

Thừng Bác ném ra xa

Lượn đường dây đẹp mắt

Và khi cuộn thừng về

Ôi vòng tay bao quát

Trời xanh xanh bao la

Bể bể ngời sóng bạc

Ngỡ cánh tay Bác vừa

Tóm gọn bầy đế quốc

30. Bài thơ “Lộc của đời” của Chế Lan Viên

Bạc phơ râu tóc của Người như một tiên ông

Người sinh ra là để ở một khu rừng

Cái xứ thiên nhiên không tên, thời gian không tuổi

Câu cá bên khe, làm thơ bên suối

Làm những bài thơ mở đầu bằng sắc núi

Xanh xanh.

Chính vì ta mà Bác phải lao vào giữa cuộc đấu tranh

Tám mươi năm chẳng nghĩ

Đi giữa xích xiềng đạn bom ầm ĩ

Giữa lý sự chua ngoa, cãi vã tục tằn

Lễ lạt, tiệc tùng và những diễn văn.

Bác đâu thích huân chương. Chỉ thích ngực trần

Áo mở cúc cho gió hè thổi mát

Mặc màu vải, màu mây đạm bạc

Để thoát cái, có thể lẫn vào thiên nhiên một cách bất thần

Nhớ kháng chiến trên ngàn cao Việt Bắc

Thấy cái yên tĩnh trầm tư, ta hiểu Bác

Tâm hồn Người ư, là yên tĩnh những ku rừng.

Ôi, những ngày chủ tịch phủ xanh um

Lộc non về, như trận thắng mùa xuân

Lộc chớm nở làm ta rưng nước mắt

Ta hiểu ra rồi. Người trồng cây cho Tổ quốc

Là muốn lộc của đời chia đến mỗi người dân.

31. Bài thơ “Giờ phút chót” của Chế Lan Viên (1971)

Gửi con gái Chấn Thanh

Không, không bao giờ ta quên ngày hôm ấy

Cả gia đình lắng bên đài nghe thông cáo Trung Ương

Bác mệt nặng. Lòng ta quây lấy Đảng

Cơn đau lớn rồi đây sao? Cả đất nước kinh hoàng

Ta dại dột từng nghĩ thầm đôi lúc

Bác sống cùng ta một số ngày trên trái đất

Rồi sẽ qua như tất cả mọi thiên tài

Sự thật đến rồi sao đây! Sự thật

Đài chưa báo xong câu... Lòng đã khóc rồi!

Không! Không! không! ta muốn thét nên lời

Nước da Bác đang hồng hào sinh lực

Trắng chòm râu như tuổi thọ muôn đời

Ta quen với Bác như với gì trường cửu nhất

Không thể có đất nước non sông mà lại thiếu người.

Bác nằm đấy ngoài kia là Bách thảo

Gió mang đến tiếng đùa reo các cháu

Bản đồ binh lực định miền Nam treo ở trong phòng

Người lắng tin cuối cùng về những trận tấn công

Và xa xa trong vườn cây sẽ hát

Thế mà rồi tất cả đã vời xa, sẽ khuất...

Ôi Bác đang sống trong căn phòng này và ta ở nơi kia

Tất cả y nguyên. Sao bỗng chia lìa?

Hoa ta thấy chính Bác đang nhìn thấy

Ta nghe những tiếng của mai này Bác cũng đang nghe

Bác đang sống ở trong dòng lịch sử

Và ta đang được cùng Người cùng nhịp thở

Ánh nắng soi ta là ánh nắng soi Người

Hạnh phúc thiêng liêng, hạnh phúc tuyệt vời

Hạnh phúc mất bây giờ ta mới hiểu!

Ôi ta sợ mỗi hàng cây xê xích bóng mặt trời

Mỗi tia nắng đi như cướp theo sự sống của người

Nắng hỡi nắng hãy ngừng im tại chỗ

Thời gian chảy chẳng gì ngăn nổi nó

Tôi không dám tranh chấp thời gian từng năm tháng nữa rồi

Một đêm này thôi, một sáng sau thôi,

Một phút một ngày Người ở với đời

Một tích tắc còn nghe hơi Bác thở

Một chớp mắt vẫn có người đâu đó

Và ta yên tâm đi trên trái đất này

Có Bác bên mình, có Bác đâu đây.

32. Bài thơ “Đọc văn Người” của Chế Lan Viên

Bác chẳng để cho ta nghìn quyển sách

Hồn thơ ấy ít ham thơ. Ham độc lập

Thay vì nghìn trang giấy bao la, Bác để tấm lòng

Một màu lộc, màu cây xanh mát mắt

Một Điện Biên. Một thành đồng Tổ quốc

Giữa đục của đời, một ngọn suối trong.

Những trang văn lỗi lạc tung hoành Bác viết ở Châu Âu,

Khi cầm đến nắm đất của quê hương, Người xếp lại

Với dân tộc ít lời. Người ít nói

Thấy nhiều trời bể non sông, giờ phải nói chi nhiều!

Giàu từ ngữ văn chương mà chi, khi Tổ quốc nghèo

Bác viết cho người mù chữ nghe và hiểu được

Không gì quý hơn Tự do, Độc lập

Bác muốn nhân dân cầm trên tay không nặng lắm tuổi tên Người.

Người ký X. Y. Z., C. B. như dân ký Lúa, Xoài

Người không muốn trang sách hóa thần, nhân dân quỳ để đọc

Dẫu tuyệt bút thi, thư cũng con đẻ của đời.

Người dẹp đi các ngọn đèn dư, các ánh sáng thừa

Những phản quang hồi quang làm đời lóa mắt

Bác không thích các mùi hương lõa lồ gay gắt

Người tắt đi các tiếng ồn và lí sự chua ngoa

Bác dạy ta "lai vô ảnh, khứ vô hình"

Đến rất nhẹ và ra đi rất nhẹ

Ta lẫn Bác với bầu trời và giọt lệ

Với hương mộc trong đêm và lộc nõn trên nhành

Ngọn suối reo! Nghe như tiếng Bác cười

Và ta đi giữa NON SÔNG và TRANG VIẾT của Người.

33. Bài thơ “Bác vẫn còn đây” của Chế Lan Vien

Chớ để quân thù nghe ta khóc, ơi em

Vết thương phải thành sẹo ngay đi mà đánh giặc

Đã đau rồi đừng khóc để đau thêm

Ta còn cả đời ta mà khóc Bác

Bom Mỹ nguỵ tranh thủ phút này để tấn công ta

Pháo đài máu với những bom bảy tấn

Nguyện thương đau không thành tiếng khóc oà

Ta đau đấy nhưng giết thù, ta vẫn sẵn

Ta có nước mắt thương đau nhưng ta còn có lửa thương đau

Giặc nếm cái chết lúc ta cười, cho chúng nếm thêm ngày ta khóc

Hễ đau nhiều thì dao chém lại càng sâu

Xuất kích lớn là giữa ngày tang tóc

Hai mươi năm trôi phút giây nào Bác không nghĩ đến miền Nam ?

Miền Nam "máu trong máu" và "thịt trong thịt" Bác.

38. Bài thơ “Theo chân Bác” của Tố Hữu (1-1970)

(Nhớ lời Di chúc, theo chân Bác)

Tháng Năm ơi, có thể nào quên

Hàng bóng cờ tang thắt dải đen

Rủ giữa lòng đau. Ta nhớ mãi

Cuộc đời như ngọn lửa đầu tiên.

Tôi viết bài thơ mừng thọ Bác

Năm nay vừa tuổi tám mươi tròn

Chắc như thường lệ. Người đi vắng

Để mọi lời ca tặng nước non.

Tôi viết bài thơ cho các con

Mai sau được thấy Bác như còn

Phơ phơ tóc bạc, chòm râu mát

Đôi dép mòn đi, in dấu son.

Xin nhớ từ đây, nhớ lại ngày

Bác Hồ từ giã cõi Hôm nay

Bảy mươi chín tuổi xuân trong sáng

Vào cuộc trường sinh, nhẹ cánh bay...

Lạ thay, sức mạnh của tâm hồn

Mắt vẫn tươi như suối tận nguồn

Tay nhịp cho đời cao tiếng hát

Trời thu xanh ngát sáng Tuyên ngôn.

Như thế, Người đi... Phút cuối cùng

Nhẹ nhàng, thanh tịnh, rất ung dung

Lời Di chúc gửi, êm bên gối

Quên nỗi mình đau, để nhớ chung.

Bác ơi!

Thôi đập rồi chăng? Một trái tim

Đỏ như sao Hoả, sáng sao Kim!

Muốn oà nức nở bên em nhỏ

Nước mắt ta đành nuốt, lặng im.

Cứ nghĩ: Hồn thơm đang tái sinh

Ngôi sao ấy lặn, hoá bình minh

Cơn mưa vừa tạnh. Ba Đình nắng

Bác đứng trên kia, vẫy gọi mình.

Súng hãy gầm lên, nén xót đau

Hãy lau ráo lệ, ngẩng cao đầu!

Chỉ xin nhớ để lời đêm trước:

Đốt pháo hoa mừng, đến lễ sau.

Bác đi... Di chúc giục lòng ta

Cho cả muôn đời một khúc ca

Lẽ sống, niềm tin, mong ước lớn

Và tình thương, ơn nghĩa bao la.

*

Tôi trở về quê Bác, làng Sen

Ơi hoa sen đẹp của bùn đen!

Làng quen như thể quê chung vậy

Mấy dãy ao chua, mảnh đất phèn.

Thăm lại vườn xưa, mái cỏ tranh

Thương hàng râm bụt, luống rau xanh

Ba gian nhà trống, nồm đưa võng

Một chiếc giường tre, chiếu mỏng manh.

Ôi sáng hè vui, Bác trở về

Vẫn không quên lối cũ, tình quê

Bạn xưa, còn nhớ khi câu cá

Nhớ quả cà ngon, nhớ gốc chè....

Nhớ những năm nao... Máu Cửa Rào

Thân yêu hai tiếng gọi "đồng bào"

Phận nghèo, nước mấtt, dân nô lệ

Đêm tối, trời mây, chẳng ánh sao.

Đã tắt lâu rồi, lửa nghĩa quân

Phan Đình Phùng đó, Tống Duy Tân

Nguyễn Trung Trực lại Hoàng Hoa Thám

Đầu dám thay đầu, chân nối chân!

Muôn dặm đường xa, biết đến đâu?

Phan Chu Trinh lạc lối trời Âu

Phan Bội Châu, câu thơ dậy sóng

Bạn cùng ai, đất khách dãi dầu?

Cha đã đi đày, đau nỗi riêng

Còn nghe tiếng gót nặng dây xiềng...

Mẹ nằm dưới đất, hay chăng hỡi

Xin sáng lòng con ngọn lửa thiêng!

Từ đó, Người đi... những bước đầu

Lênh đênh bốn biển, một con tàu

Cuộc đời sóng gió. Trong than bụi

Tay đốt lò, lau chảo, thái rau.

Mở mắt trông quanh, màu sắc mới

Những bờ bến lạ, nước nông sâu

A', Âu đâu cũng lòng trong đục

Vàng máu chia hai cảnh khổ giàu.

Muôn nỗi đời như ảnh trắng đen

Bâng khuâng đêm lạnh, thức bên đèn

Một hòn gạch nóng nung tâm huyết

Mẩu bánh mì con nuôi chí bền.

Bao nẻo người đi, bước trước sau

Một câu hỏi lớn: Hướng về đâu?

Năm châu thăm thẳm, trời im tiếng

Sách thánh hiền lâu đã nhạt màu.

Găng-đi, quay lại chiếc xa xưa

Dệt tấm lòng nhân đựng gió mưa!

Nghiệp lớn, Tôn Văn vừa dựng đó

Trăm năm tay lái vững vàng chưa?

Ôi nhân loại! Địa cầu cháy bỏng

Lò sát sinh ngập máu xương rơi

Lũ đế quốc như bầy quỉ sống

Nướng người ăn, nhảy nhót, reo cười.

Bỗng sấm nổ, Rạng Đông chớp giật

Hoan hô Cách mạng tháng Mười Nga!

Tủ sắt ngai vàng quăng xuống đất

Công nông ta làm chủ đời ta,

Xóm thợ Pa-ri nghèo cuối ngõ

Tưng bừng gác trọ đón bình minh

Mác - Lê-nin đến... Từng trang đỏ

Chân lý đây rồi, lẽ tử sinh!

Đứng dậy! ơi Người cùng khổ ơi!

Tiếng chuông ta đánh, giục liên hồi

Hãy bay đi, hãy bay qua sóng

Về nước non xa, thức tỉnh đời...

*

Tháng Giêng, Mạc-tư-khoa tuyết trắng

Một người đi, quên rét buốt xương

Từ xa đến... Lòng đau trĩu nặng

Giữa dòng người im lặng trên đường.

Anh tìm ai? Lê-nin vĩ đại

Tinh hoa trái đất, chất kim cương

Con người đẹp nhất trong nhân loại

Trí tuệ, tình yêu của bốn phương.

Lê-nin ơi, Người Thầy, Người Cha

Niềm tin trong sáng mãi lòng ta

Đêm nay nằm đó, mà thanh thản

Vầng trán mênh mông toả chói loà.

Tưởng nghe tiếng Người vang giục bước

Hãy trở về Châu Á trẻ trung

Hỡi người trai Việt Nam yêu nước

Thổi bùng lên ngọn lửa anh hùng!

Về phương Đông, ta về phương Đông

Cùng phương Tây, giương ngọn cờ hồng

Đi ta đi, anh em đồng chí

Chặt xiềng gông, chặt hết xiềng gông!

Chào Trung Quốc trào sôi sức sống

Chào Quảng Châu công xã chính quyền

Đất tươi tốt. Đây mùa gieo giống

Hỡi Thanh niên cách mạng, vùng lên!

Hồn Nước gọi. Tiếng bom Sa Diện

Trái tim Hồng Thái nổ vang trời

Máu thơm tưới mầm non xuân đến

Vui lại rồi, Tổ quốc ta ơi!

Bác về kia! Đảng đã ra đời!

Trải mấy phong trần tuổi bốn mươi

Tay Bác cầm tay đồng chí trẻ

Tiến lên! Thời đại giục chân người.

*

Ôi sức trẻ! Xưa trai Phù Đổng

Vươn vai, lớn bổng dậy nghìn cân

Cưỡi lưng ngựa sắt bay phun lửa

Nhổ bụi tre làng, đuổi giặc Ân!

Như thế, buổi xuất quân hùng vĩ

Chúng ta đi, quyết chí, tự hào

Đường Kách mệnh sáng ngời chân lý

Đảng cầm cương lịch sử lên cao.

Hãy nghe khúc nhạc đầu hùng tráng

Bản trường ca chiến đấu Việt Nam

Trống Xô-Viết rung trời Cách mạng

Cờ búa liềm đỏ đất Hồng Lam!

Khủng bố trắng. Máu dầm mặt đất

Chật Côn Lôn, Lao Bảo, Sơn La

Muôn chiến sĩ, một lòng bất khuất

Chỉ thương người sương tuyết bôn ba.

Nguyễn Ái Quốc. Ôi tên tha thiết

Của đời ta. Người ở phương nào?

Gió ơi gió, ơi chim có biết

Một người tù cất cánh bay cao?

Ta lại dấn chân vào trận mới

Sóng người dâng ngập lối, biểu tình

Rầm rộ cuộc diễu binh vĩ đại

Vì tự do, cơm áo, hoà bình.

Và những ngày qua, những tháng qua

Thư về từng lá, ấm lòng ta

Đường dài nẻo ngắn, lời khuyên dặn

Trăm nỗi buồn vui, việc nước nhà...

Chiến tranh nổ. Gần xa hùm sói

Cắn cổ nhau. Pháp bại, Nhật vào.

Thân một cổ hai tròng buộc trói

Phải vùng lên, này súng này dao!

Bắc Sơn gọi, Nam Kỳ nổi dậy

Sống một ngày hơn mấy mươi năm

Lửa căm giận sôi dòng máu chảy

Sức mỗi người bỗng hoá thành trăm!

*

Chiều mùa Thu ấy... Đến Diên An

Có một Hồng quân, tay nóng ran

Đẩy chiếc xe bò lên với bạn

Rồi đi.... Lần bước xuống phương Nam...

Ôi sáng Xuân nay, Xuân 41

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

Bác về... Im lặng. Con chim hót

Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ...

Bác đã về đây, Tổ quốc ơi!

Nhớ thương, hòn đất ấm hơi Người

Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ

Mà đến bây giờ mới tới nơi!

Ai đã đến, ai chưa đến đó

Có hòn núi Mác, suối Lê-nin

Hãy về thăm quê ta Pác Bó

Nơi Bác về, nguồn nước mới sinh.

Hỏi dòng khe ấy, hỏi tre lau

Những tháng ngày xưa.... Bác ở đâu?

Núi vẫn nghiêng đầu nghe vách đá

Hát cùng cây lá gió ngàn sâu...

Hát rằng:

Sáng ra bờ suối, tối vào hang

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh, dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang!

Hang lạnh nhớ tay Người đốt củi

Bập bùng lửa cháy suốt đêm thâu

Ai hay ngọn lửa trong hang núi

Mà sáng muôn lòng, vạn kiếp sau!

Ngày hội lớn. Trung ương quanh Bác

Lán tre vừa lợp, ấm tình thương

Lịch sử hôm nay, đầu ngọn thác

Gọi toàn dân cứu nước, lên đường.

Việt Minh, hai tiếng dậy chiến khu

Truyền khắp dân gian, đuổi giặc thù

Cây đá mừng reo theo mỗi bước

Sớm hôm xóm núi bóng Già Thu....

*

Lam Sơn dậy một vùng Núi đỏ

Du kích quân rộn rã thao trường

Cao-Bắc-Lạng khơi dòng thác đổ

Chảy về xuôi, mở lối đại dương.

Lại thương nỗi: Đoạ đày thân Bác

Mười bốn trăng tê tái gông cùm

Ôi chân yếu, mắt mờ, tóc bạc

Mà thơ bay... cánh hạc ung dung!

Xta-lin-grát. Đất trời vang động

E'n thu sang. Mừng Bác lại về!

Hoan hô Đội Tuyên truyền giải phóng

Buổi ra quân, gươm nóng lời thề!

Già nào

Trẻ nào

Đàn ông nào

Đàn bà nào

Kẻ có súng dùng súng

Kẻ có dao dùng dao.

Thấy Tây, cứ chém phứa

Thấy Nhật, cứ chặt nhào!

Ào ào ào... ào ào ào

Đường tiến công, sông núi xôn xao

Bác đã về xuôi. Chào Đại hội

Tiến quân ca sôi nổi Tân Trào!

Tổng khởi nghĩa! Lệnh truyền đêm trước

Sáng quân ra giải phóng Thái Nguyên

Hà Nội, Huế, Sài Gòn, cả nước

Đứng lên ta giành hết chính quyền!

*

Việt Nam, ta lại gọi tên mình

Hạnh phúc nào hơn được tái sinh

Mát dạ ông cha nghìn thuở trước

Cho đời, hai tiếng mới quang vinh!

Hôm nay sáng mồng hai tháng chín

Thủ đô hoa, vàng nắng Ba Đình

Muôn triệu tim chờ... chim cũng nín

Bỗng vang lên tiếng hát ân tình

Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh!

Người đứng trên đài, lặng phút giây

Trông đàn con đó, vẫy hai tay

Cao cao vầng trán... Ngời đôi mắt

Độc lập bây giờ mới thấy đây!

Người đọc tuyên ngôn.... Rồi chợt hỏi:

"Đồng bào nghe tôi nói rõ không?"

Ôi câu hỏi, hơn một lời kêu gọi

Rất đơn sơ mà ấm bao lòng!

Cả muôn triệu một lời đáp: "Có!"

Như Trường Sơn say gió biển Đông

Vâng, Bác nói, chúng con nghe rõ

Mỗi tiếng Người mang nặng núi sông.

Trời bỗng xanh hơn, nắng chói loà

Ta nhìn lên Bác, Bác nhìn ta

Bốn phương chắc cũng nhìn ta đó

Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà!

Ta đứng đây, lẫm liệt đường hoàng

Như Thạch Sanh, khí phách hiên ngang

Lưng đàn, tay búa, tay giương nỏ

Chém Mãng xà vương, giết đại bàng.

Chúng đến đó. Cả bầy hùm sói

Pháp theo Anh, một giống thực dân

Máu đã chảy. Miền Nam đã gọi

Những chuyến tàu hối hả ra quân...

Ghê thay lũ ô binh thổ phỉ

Kéo vào ăn, miền Bắc xác xơ

Nguy vận nước mong manh đầu chỉ

Sức toàn dân quyết giữ cơ đồ!

Bác Hồ thức. Năm canh không ngủ

Nghe phong ba gào thét đá ghềnh

Vững tay lái. Ôi người thuỷ thủ

Đã từng quen bốn biển lênh đênh!

Người trông gió bỏ buồm, chọn lúc

Nước cờ hay, xoay vạn kiêu binh

Lòng nhẫn nhục quyết không khuất phục

Yêu hoà bình, đâu sợ chiến chinh!

Giặc đã đánh. Thì ta quyết đánh!

Thà hy sinh tất cả, không nao

Lời Bác gọi, nửa đêm vang lệnh:

"Hãy xông lên, chiến sĩ đồng bào!"

Cả nước đáp một lời: Quyết thắng!

Phố phường giăng chiến luỹ, vươn cao

Xóm thôn dựng pháo đài, đứng thẳng

Tre thành chông, người hoá anh hào!

Trải chín năm trường, đi kháng chiến

Gót chân trơn càng luyện tinh thần

Con suối nhỏ cũng mang hồn biển

Mỗi đời riêng lớn giữa lòng dân.

Ta có Bác dẫn đường lên trước

Bác cùng ta, mỗi bước gian lao

Vui sao buổi hành quân nắng lửa

Bỗng gặp Người, lưng ngựa đèo cao...

Thương sao, sáng lên đường ra trận

Người đến thăm ta, vượt lũ nguồn

Nhớ sao giữa chiến trường lửa đạn

Người đứng trông ta đánh diệt đồn!

Chống gậy lên non xem trận địa

Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây

Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu

Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy

Ôi những chiều mưa đầm lá cọ

Bác vào, tươi mỗi lán lều con...

Bữa cơm muối, măng non bí đỏ

Tháng ngày vui có Bác mà ngon!

Nơi Bác ở: Sàn mây vách gió

Sáng nghe chim rừng gáy bên nhà

Đêm trắng một ngọn đèn khêu nhỏ

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Tiếng hát xa đưa... Muôn tiếng hát

Điện Biên! Trời đất dậy tin mừng

Bác Hồ khẽ vuốt chòm râu mát

Gió sớm đưa hương ngát cả rừng...

Điện Biên! Lừng lẫy Việt Nam ta

Vang tiếng kèn vui gọi mọi nhà

Mời bạn gần xa ra tuyến lửa

Mở đường giải phóng A'-Phi-La!

*

Chưa vẹn tròn vui, đã sáng tươi

Đường lên hạnh phúc đỏ chân trời

Bốn nghìn năm cũ, bao mơ ước

Đã dược hôm nay, rạng mặt người!

Chung sức lại, ơi anh ơi chị

Ruộng đồng ta, nhà máy ta đây

Chỉ hai tiếng thân yêu: Đồng chí

Đã thương rồi, ấm những bàn tay.

Đơn giản vậy, cơm ăn áo mặc

Của ta nay, nặng biết bao tình

Cả không khí, trời xanh miền Bắc

Cũng trong như lòng Bác thương mình!

Muôn dặm ta đi, mới bước đầu

Nhớ lời Bác dạy, dễ quên đâu!

Nước non còn nỗi đau chia cắt

Nam Bắc hai miền, ta có nhau

Giặc Mỹ ngông cuồng đã đến đây

Hắn thường đem súng doạ Đông Tây

Lương tâm quen thói vàng mua bán

Có chúng ta đây, diệt chúng mày!

Máu đọng chưa khô, máu lại đầy

Hỡi Miền Nam trăm đắng nghìn cay

Hăm lăm năm chẳng rời tay súng

Đi trước về sau, đã dạn dày!

Hỡi Miền Bắc đó, nặng đôi vai

Gánh cả non sông, vượt dặm dài

Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước

Mà lòng phơi phới dậy tương lai!

Ôi! đất anh hùng dễ mấy mươi

Chìm trong khói lửa, vẫn xanh tươi

Mưa bom, bão đạn, lòng than thản

Nhạt muối, vơi cơm, miệng vẫn cười.

Thời đại lớn cho ta đôi cánh

Không có gì hơn Độc lập Tự do!

Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận

Có Đảng ta đây, có Bác Hồ.

Ta hiểu. Miền Nam thương nhớ Bác

Nóng lòng mong đợi Bác vào thăm

Ta hiểu. Đêm nằm nghe gió gác

Bác thường trăn trở, nhớ Miền Nam!

Ai nói giùm ta hết tấm lòng

Bác Hồ thương nhớ mỗi dòng sông

Mỗi hòn núi ở Miền Nam đó

Như thịt da ta rỏ máu hồng!

Bản đồ bên vách treo, không nói

In mãi bàn tay Bác chỉ đường

Tấm lịch ngày ngày nghe Bác hỏi:

Hôm nay, đâu thắng ở tiền phương?

Ơi anh Giải phóng chân không mỏi

Mỗi bước hành quân, mỗi chiến công

Có thấy ấm lòng nghe Bác gọi

Sáng đường, đôi mắt Bác hằng trông!

Các anh, các chị ở trong ra

Những đứa con yêu trở lại nhà

Có phải mỗi lần ta gặp Bác

Bác vui như trẻ lại cùng ta?

Ôi! nụ cười vui của Bác Hồ

"Miền Nam đánh giỏi, Mỹ thua to!"

Bác ơi! Con biết con chưa giỏi

Quét sạch đường đi, để Bác vô!

*

Còn những ai chưa được một lần

Trong đời, gặp Bác? Hãy nhanh chân

Tiến lên phía trước! Trên cao ấy

Bác vẫn đưa tay đón lại gần....

Bác vẫn đi kia... giữa cánh đồng

Thăm từng ruộng lúa, hỏi từng bông

Ghé từng hợp tác, qua thôn xóm

Xem mấy trường tươi, mấy giếng trong....

Bác vẫn về kia... Những sớm trưa

Hỏi lò than, xưởng máy, giàn tơ

Hỏi anh hỏi chị công nhân ấy

Vàng ngọc thi đua được mấy giờ?

Ơi anh bộ đội trên mâm pháo

Mắt lượn trời cao, dõi bóng mây

Có thấy, bốn mùa, quên nắng bão

Bên ta, Bác vẫn thức đêm ngày?

Biết chăng, hỡi mẹ rất anh hùng

Con mấy lần đi lập chiến công

Hỡi chị hằng trông ngày thắng trận

Bác khuyên thương nhớ vững bền lòng.

Và các em, có hiểu vì sao

Lòng Bác mênh mông vẫn dạt dào

Yêu nụ mầm non, yêu tuổi trẻ?

Biển thường yêu vậy sóng xôn xao...

Vì sao? Trái đất nặng ân tình

Nhắc mãi tên Người: Hồ Chí Minh

Như một niềm tin, như dũng khí

Như lòng nhân nghĩa, đức hy sinh.

Đâu chẳng vang lời Bác thiết tha?

Đời vui tiếng Bác ấm muôn nhà

Bác đi... Đâu cũng nghe chân bước

Như gió xuân về, đất nở hoa....

Nếu có hôm nào ta vắng Bác

Chắc là Người bận chuyến đi xa...

Ơi đàn em nhỏ quên ca hát

Hãy lớn ngoan như Bác có nhà!

*

Anh dắt em vào cõi Bác xưa

Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa

Có hồ nước lặng sôi tăm cá

Có bưởi cam thơm, mát bóng dừa.

Có rào râm bụt đỏ hoa quê

Như cổng nhà xưa Bác trở về

Có bốn mùa rau tươi tốt lá

Như những ngày cháo bẹ măng tre....

Nhà gác đơn sơ, một góc vườn

Gỗ thường mộc mạc, chẳng mùi sơn

Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối

Tủ nhỏ, vừa treo mấy áo sờn.

Máy chữ thôi reo, nhớ ngón đàn

Thong dong chiếc gậy gác bên bàn

Còn đôi dép cũ, mòn quai gót

Bác vẫn thường đi giữa thế gian...

Bụt mọc dầm chân đứng đợi ai

Quanh hồ thấp thoáng bóng hôm mai

Ngọn đèn kia thức bên ai đó

Mà dạ hương còn phảng phất bay!

Ô vẫn còn đây, của các em

Chồng thư mới mở, Bác đang xem

Chắc Người thương lắm lòng con trẻ

Nên để bâng khuâng gió động rèm...

Con cá rô ơi, chớ có buồn

Chiều chiều Bác vẫn gọi rô luôn

Dừa ơi, cứ nở hoa đơm trái

Bác vẫn chăm tay tưới ướt bồn

Ôi lòng Bác vậy, cứ thương ta

Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa

Chỉ biết quên mình, cho hết thảy

Như dòng sông chảy, nặng phù sa.

Như đỉnh non cao tự giấu hình

Trong rừng xanh lá, ghét hư vinh

Bác mong con cháu mau khôn lớn

Nối gót ông cha, bước kịp mình.

Ta vào thăm Bác, gặp Lê-nin

Trán rộng yêu thương, dõi mắt nhìn

Người đến cùng ta, ngồi với Bác

Như hình với bóng, một anh linh.

*

Bác ơi!

Xin để Người yên giấc mộng say

Còn trời đất đó, nước non đây

Còn ba mươi triệu con Nam Bắc

Quyết thắng, bền gan, tay nắm tay.

Còn triệu anh em đồng chí đó

Bốn mươi năm Đảng, óc tim này.

Nhớ lời Di chúc, theo chân Bác

Lên những tầng cao, thẳng cánh bay!

Ngày mai, thống nhất lại non sông

Mẹ được gần con, vợ gần chồng

Ôi đến ngày ta vui sướng nhất

Thoả lòng Bác lại trở về trông!

Đời sẽ tươi hơn, xây dựng mới

Đàng hoàng to đẹp, sáng trời Đông

Tuổi xanh vững bước lên phơi phới

Đi tới, như lòng Bác ước mong.

Đem ngày gần lại, đổi năm xa

Nghĩa lớn tình chung, vẫn ruột rà

Bốn biển anh em hoà hợp lại

Trăm đường một hướng, nở muôn hoa

*

Bác ơi!

Tết đến. Giao thừa đó

Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần

Ríu rít đàn em vui pháo nổ

Tưởng nghìn tay Bác vỗ sang Xuân...

39. Bài thơ “Suối Lê-nin” của Trần Văn Loa

Ơi con suối xanh xanh

Dáng mềm mại thanh thanh

Xưa Bác ngồi câu cá

Vầng trán rộng mênh mông

Bác làm thơ cho suối

Đặt tên gọi Lê-nin

Bác uống nước dòng suối

Để thành máu nuôi tim.

Nước của rừng, của núi

Bác rửa mặt hằng ngày

Bước Bác đi sớm tối

Mang xuân về đó đây...

Ơi con suối Lê-nin

Cho em in mái tóc

Cả trời xanh dịu hiền

Thành tiếng ca em hát

Đẹp như là đôi mắt

Của người yêu gọi ta

Suối Lê-nin trong vắt

Những tâm hồn bao la

Khi nước nhà có giặc

Anh khoác súng lên đường

Chia tay em bờ suối

Anh chào dòng Lê-nin

Là thượng nguồn nơi sinh

Của nghìn dòng sông cả

Đây con suối Lê-nin

Xưa Bác ngồi câu cá?

Bên núi cao Các Mác

Vạch con đường đấu tranh...

Ta đã đến nơi đây

Xanh xanh ngời con suối

Chú chim nhỏ trên cây

Đang gọi hè mở hội.

Rừng với chim nao nức

Ngồi cắt nắng làm hoa

Những bông hồng, bông cúc

Nở quanh ảnh Bác Hồ.

40. Bài thơ “Cánh chim không mỏi” của Tố Hữu (12-1960)

Chiều nay gió lặng, nắng hanh

Mây hồng trắng nõn, trời xanh, Bác về

Sông hồng nắng rực bờ đê

Nắng thơm rơm mới, đồng quê gặt mùa

Bác đi, muôn dặm đường xa

Hôm nay tuyết lạnh, nay vừa nắng lên

Bác về, tóc có bạc thêm?

Năm canh, bốn biển, có đêm nghĩ nhiều?

Hỡi Người, tim những thwong yêu

Cánh chim không mỏi sơm chiều vẫn bay

Chim kêu tung cánh chim bay

Ba mươi sáu triệu chim bầy gọi nhau

Chim kêu ríu rít trên đầu

Mùa cam đương ngọt địa cầu của ta

Giá sương đương hẹn mùa hoa

Nắng xuân từ Mạc-tư-khoa đã về.

Sông hồng nắng rực bờ đê

Nắng thơm rơm mới, đồng quê gặt mùa

Hoa ơi, con gái của cha

Cha nâng con nhé, làm hoa mừng Người.

Bác về, vui đó, con ơi!

Bác hôn các cháu, bác cười với dân

Ngày vui vui những hai lần:

Bác về, mang cả mùa xuân lại nhà.

41. Bài thơ “Toàn thắng về ta” của Tố Hữu (1-5-1975)

Ôi, nỗi mừng dâng mọi nỗi mừng

Trào vui nước mắt cứ rưng rưng

Cả Việt Nam tiến công, cả miền Nam nổi dậy

Dồn dập tim ta, trăm trận thắng bừng bừng.

*

Không, không phải thiên thần

Bước chân hài bảy dặm

Vẫn là Anh, anh Giải phóng quân

Vẫn đôi dép cao su, đánh giặc suốt ba mươi năm, lội khắp sông sâu rừng thẳm.

Thuở Anh đi, sắc nhọn ngọn tầm vông

Giản dị như chàng trai làng Gióng

Vũ khí, chính là Anh, lòng yêu thương mênh mông.

Vũ khí, chính là Anh, lửa căm hờn nóng bỏng.

Tổ quốc cho Anh dòng sữa tự hào

Thời đại cho Anh ánh sao trí tuệ

Không có gì quý hơn Độc lập tự do.

Khí phách Anh là Trường Sơn thanh cao.

Rất mãnh liệt và cũng rất dịu dàng,

tâm hồn Anh là muôn trùng sóng bể.

Giặc Mỹ kiêu căng, tưởng có thể ngủ yên trên giường vàng, đầu gối lên bom.

Nghe chúng ngáy đủ run - đã có dã man làm luật

Bông choàng dậy, bàng hoàng… Sắp tắt hoàng hôn

Người chôn chúng là Anh, anh Giải phóng quân Việt Nam, mũ tai bèo, chân đất

Xử phạt chúng là anh nhân danh tình thương và lẽ phải.

Có lẽ nào cuộc sống hết tuổi xanh ?

Hãy cứu những em thơ đang quằn quại ngày đêm trong sợ hãi.

Hãy cứu tiếng chim ca và trái chín trên cành.

*

Lịch sử sang xuân. Anh vào trận cuối cùng

Đại lộ Hồ Chí Minh, thác réo, quân đi cuồn cuộn.

Anh đánh như sét nổ, trời rung

Anh chuyển như lũ dông, bão cuốn.

Chặt Buôn Mê Thuật, rụng cả Tây Nguyên

Quét Huế - Thùa Thiên, đổ nhào Đà Nẵng.

Và Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên

Và Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt, Nha Trang, lũ ngụy cuống cuồng, rũ rượi một màu tang cờ trắng.

Đường tiến quân ào ào chiến thắng.

Phía trước chờ Anh, người mẹ mong con.

Pháo hãy gầm lên, đỏ nòng bắn thẳng

Rộn rực xe tăng chồm tới Sài Gòn!

Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp

Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta

Chúng con đến, xanh ngời ánh thép

Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa

Cho chúng con giữa vui này được khóc

Hôn mỗi đứa em, ôm mỗi mẹ già

Như lòng Bác, mỗi khi Bác đọc

Đồng bào miền Nam, mắt kính bỗng nhoà.

*

Chúng con sẽ gấp trăm lần mạnh

Đứng gác biển trời tươi mát màu lam.

Bởi có Bác, từ nơi đây ra đi tìm đường kách mệnh.

Cho chúng con nay được trở về, vĩnh viễn Việt Nam!

Hùng Cường