Mỹ Latin và Caribe nỗ lực vượt khó

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 07:30, 13/05/2024

Diễn đàn khu vực về chính sách tài chính lần thứ 37 do Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe của Liên hợp quốc (CEPAL) tổ chức kêu gọi các quốc gia nâng cao chất lượng chi tiêu công và giảm bất bình đẳng xã hội. Mỹ Latin đối mặt khó khăn chồng chất, song với nỗ lực đổi mới, cải cách chính sách của các nước, bức tranh kinh tế khu vực được kỳ vọng khởi sắc trong thời gian tới.

Hạn chế trong vấn đề chi tiêu công tại Mỹ Latin và Caribe là trọng tâm thảo luận của Diễn đàn khu vực về chính sách tài chính, vừa diễn ra ở Santiago (Chile). Thư ký điều hành CEPAL Jose Manuel Salazar-Xirinachs cảnh báo, khi các quốc gia phải dành từ 3% đến 5% GDP để trả nợ nước ngoài, nguồn lực để giải quyết các vấn đề quan trọng như y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng buộc phải giảm sút. Gánh nặng nợ đang cản bước các nước trong khu vực trên hành trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Một loạt cú sốc từ bên ngoài như dịch Covid-19, xung đột tại Ukraine ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất nông nghiệp…, càng khiến tình trạng đói nghèo ở Mỹ Latin thêm trầm trọng. CEPAL mới đây nâng dự báo tăng trưởng GDP của khu vực trong năm 2024 lên 2,1%, từ mức 1,9% được đưa ra cuối năm 2023, song nhìn chung vẫn ảm đạm. Giải thích về xu hướng tăng trưởng thấp, CEPAL cho rằng, nguyên nhân là do tình hình thế giới phức tạp, các hoạt động kinh tế, thương mại toàn cầu ở mức dưới trung bình. Thêm vào đó, lãi suất cao ở các nước phát triển làm tăng chi phí tài chính ở các nước mới nổi, vốn đang chịu áp lực nợ nần.

Khu vực Mỹ Latin và Caribe còn chứng kiến tình trạng bất bình đẳng thu nhập ở mức độ nghiêm trọng nhất thế giới. Theo tổ chức Oxfam, giai đoạn 2000-2022, dù chỉ chiếm 1% số dân tại khu vực, song người giàu tích lũy số tài sản cao gấp 5,85 lần so với mức của dân nghèo, vốn chiếm 50% tổng số dân. Vòng xoáy đói nghèo, thảm họa thiên tai và bạo lực khiến ít nhất 22 triệu người tại châu Mỹ phải rời bỏ nhà cửa, gây nhiều khó khăn cho hoạt động cứu trợ nhân đạo quốc tế và khiến bài toán di cư của khu vực thêm nan giải.

Tuy vậy, trước sóng gió bủa vây, các nước Mỹ Latin và Caribe vẫn tìm cách vươn mình trong gian khó, thông qua thúc đẩy các chính sách cải cách kinh tế, tăng cường đoàn kết nội khối và hợp tác chặt chẽ với các đối tác bên ngoài. Với các chương trình nghị sự vượt ra ngoài ranh giới khu vực, các cơ chế hợp tác như Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribe (CELAC), Liên minh Bolivar cho châu Mỹ-Hiệp định Thương mại của các dân tộc (ALBA-TCP) không chỉ đề cao tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau và duy trì hòa bình ở châu Mỹ, mà còn thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế. Trong đó phải kể đến các động thái tăng cường hợp tác giữa CELAC với ASEAN, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc…

Năm 2023 chứng kiến một trang mới trong quan hệ giữa EU và CELAC. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Hội nghị cấp cao EU-CELAC diễn ra hồi tháng 7/2023 đánh dấu “khởi đầu mới giữa những người bạn cũ”, khi mối quan hệ hai bên được hồi sinh sau nhiều năm đình trệ do những khoảng cách về lập trường chính trị, sự mất cân bằng về kinh tế và thương mại, khác biệt văn hóa.

Ngoài EU, Mỹ Latin cũng tăng cường hợp tác với ASEAN, Nga, Ấn Độ, Iran... Những chuyến công du với lịch trình dày đặc tại khu vực Mỹ Latin của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi năm 2023 và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov trong hai năm 2023 và 2024 đã khẳng định sức hút đặc biệt của Mỹ Latin, trong bối cảnh Nga, Iran chịu ảnh hưởng nhất định từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Mỹ Latin đang thu hút mạnh mẽ FDI, với nguồn vốn vào khu vực này năm 2022 lên mức kỷ lục là hơn 224 tỷ USD, tăng 55,2% so với mức năm trước đó.

Những khó khăn của khu vực đang đặt ra thách thức với các nhà lãnh đạo Mỹ Latin và Caribe để cải thiện vị thế của khu vực trong xu hướng thế giới đa cực hiện nay. CEPAL khuyến nghị các quốc gia chú trọng tăng năng suất và đầu tư vào nguồn vốn, hạ tầng và con người, đồng thời xác định ít nhất 15 lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và bền vững, trong đó có cơ sở hạ tầng, viễn thông, số hóa, nghiên cứu và phát triển, y tế, giáo dục.

ĐỖ QUYÊN