Lòng dân đồng thuận, giải phóng mặt bằng ắt thành công
Nhiều địa phương gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng thì ở huyện Cư Jút (Đắk Nông) lại rất thuận lợi nhờ sự đồng thuận cao từ người dân.
Lấy sức dân phục vụ dân
“Đường lớn được mở rộng, tinh thần bà con vô cùng phấn khởi. Từ đây, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của địa phương sẽ được dễ dàng, thuận tiện hơn”, ông Lê Xuân Cường, Chủ tịch UBND xã Cư K’nia chia sẻ với đôi mắt lấp lánh những niềm vui khi dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xã để ngắm các tuyến đường đã và đang được nới rộng.
Tuyến đường liên vùng kết nối giữa xã Cư K’nia huyện Cư Jút và xã Đắk Gằn huyện Đắk Mil đang được địa phương đặt nhiều kỳ vọng.
Đây sẽ là tuyến giao thương, phát triển kinh tế chủ yếu của người dân 2 huyện. Tuyến đường có tổng chiều dài gần 13km; trong đó, đoạn tuyến thuộc địa phận của xã Cư K’nia là 6,4km, có 160 hộ dân bị ảnh hưởng.
Trước đây, tuyến đường này được thảm nhựa, có chiều rộng bề mặt là 3m. Khi nhu cầu giao thương phát triển, đường hẹp gây nhiều trở ngại trong đi lại, vận chuyển.
Vì vậy, sau khi có chủ trương hiến đất mở rộng, 100% người dân lân cận đều đồng tình ủng hộ. Chỉ sau 10 tháng tuyên truyền, vận động, tuyến đường đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Đường giờ đây thẳng tắp, bề mặt được mở rộng ra 20m, thênh thang nối dài trong niềm vui, sự phấn khởi của bà con.
Để phục vụ mở rộng tuyến đường liên vùng, gia đình ông Nguyễn Văn Hưởng, thôn 6 đã tiên phong tự nguyện hiến gần 2.000m2 đất ở nhiều vị trí khác nhau, cùng hàng trăm cây cao su, tiêu, cà phê đang cho thu hoạch chính.
Khi có chủ trương, gia đình ông đã đồng ý ngay, tự chặt bỏ cây cối và di dời hàng rào xây kiên cố thụt lùi vào sâu khoảng 7m so với mặt đường cũ.
Ông Hưởng hào hứng: “Nhà nước lấy bao nhiêu thì ủng hộ bấy nhiêu, đường nhỏ đi lại khó khăn giờ có đường to như thế này, người dân chúng tôi phấn khởi lắm. Cả xã không ai đòi đền bù một đồng nào. Những tuyến đường có tính kết nối cao, khi hoàn thiện thì tốc độ phát triển kinh tế của xã sẽ rất nhanh”.
Chủ tịch UBND xã Cư K'nia Lê Xuân Cường cho hay, trong giai đoạn 2021-2025, toàn xã có 7 dự án về đường giao thông được triển khai mở rộng, với tổng chiều dài là 16,3km, với tổng số tiền từ hiến đất, hoa màu, tài sản trên đất của người dân vào khoảng hơn 10 tỷ đồng.
Cụ thể như: tuyến đường mở rộng kẹp mương cánh đồng thôn 2, mở rộng đường thôn 12, mở rộng đường đi thôn 2, mở mới và mở rộng đường vào Dự án ADB 8 ở thôn 12…
Tương tự, gia đình ông Sái Văn Nước, thôn 14, xã Tâm Thắng sau khi được tuyên truyền, vận động đã tự nguyện hiến 152m2 đất phục vụ thi công Dự án đường vành đai của huyện.
Ông Nước bộc bạch: “Ngay sau khi được chính quyền tuyên truyền về việc mở mới tuyến đường, gia đình đã nhất trí cao về chủ trương và đồng tình hiến đất. Bởi lẽ làm đường giao thông suy cho cùng cũng là để cuộc sống của mình và bà con tốt đẹp hơn. Hiến đất làm đường giao thông, trước hết là đời mình được hưởng lợi, sau này đến đời con, đời cháu cũng được hưởng lợi”.
Dự án đường vanh đai nối liền 3 xã Tâm Thắng, Trúc Sơn và thị trấn Ea T’ling có tổng chiều dài là 5km, chiều rộng 21,5m. Trong đó, đoạn qua xã Tâm Thắng là 3,1km, với 65 hộ dân bị ảnh hưởng.
Đến nay, tiến độ giải phóng mặt bằng đã đạt trên 90%. Địa phương đang tiếp tục vận động, phấn đấu cuối năm 2024 sẽ thông toàn tuyến.
Sáng tạo trong cách làm
Để có được kết quả này, bên cạnh chủ trương đúng đắn của chính quyền các cấp thì công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng thuận trong việc giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án, công trình được huyện Cư Jút đẩy mạnh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Jút Ngô Quốc Phong cho hay, tất cả các công trình, dự án giao thông triển khai trên địa bàn huyện đều không đền bù, hỗ trợ, mà đều do Nhân dân tự nguyện hiến đất, tài sản, hoa màu để thi công.
Đến nay, các dự án cơ bản bảo đảm về tiến độ, đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Mỗi địa phương sẽ linh hoạt trong cách làm của mình trên cơ sở định hướng chung.
Từ đó giúp người dân thấu hiểu được vấn đề là dự án không chỉ giúp cho địa phương phát triển, mà còn tạo điều kiện cho người dân được hưởng lợi trực tiếp.
Ông Phong cho biết thêm, trong quá trình vận động người dân, cái khó nhất là giá trị và tài sản của người dân hiến rất lớn.
Tuy nhiên, thông qua công tác vận động, tuyên truyền, hợp lý, hợp tình, người dân sẽ đồng thuận, nhất trí rất cao và tạo sức lan tỏa lớn trên địa bàn các xã của huyện Cư Jút.
Cụ thể về cách làm của địa phương, ông Lê Xuân Cường, Chủ tịch UBND xã Cư K’nia chia sẻ: “Trước tiên, chính quyền phải sát sườn với người dân để hiểu được những khó khăn và mong muốn của bà con. Việc làm phải đi vào lòng dân, để dân thấy được những quyền lợi của mình ở nơi đó”.
Ông Cường thông tin thêm, xã bám sát các khu dân cư với phương pháp hộ nào dễ vận động hiến trước. Hiến đất đến đâu, đơn vị thi công làm đến đó.
Trong đó, lấy lực lượng đảng viên, hội viên làm nòng cốt, những người có uy tín với cộng đồng vận động hiến trước, trên cơ sở đó tạo hiệu ứng lan tỏa.
Điều quan trọng nhất trong giải phóng mặt bằng là không được áp đặt, mà phải làm sao để người dân hiểu được, việc hiến đất, hiến tài sản là họ trực tiếp hưởng lợi, người dân sẽ hiểu, sẽ đồng thuận ngay.
Cách làm sáng tạo cũng được xã Tâm Thắng áp dụng. “Khi làm công trình, xã đưa người dân trực tiếp tham gia giám sát, bảo đảm chất lượng phục vụ người dân được lâu dài.
Ngoài ra, trong quá trình vận động, các thôn huy động đóng góp của dân tùy thuộc vào khả năng, hoàn cảnh cụ thể, tuyệt đối không được quá sức dân”, ông Vũ Sinh Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã cho hay.
Giai đoạn 2015-2023, toàn huyện có 105 dự án, công trình đã được HĐND tỉnh thông qua. Số dự án đã và đang thực hiện là 74 dự án, đạt 70,4%. Trong đó, tổng diện tích đã thu hồi là 383,0051ha, đạt 44%.