Kinh tế

Giải phóng mặt bằng - Khó hay chưa quyết liệt?

Hồ Đức Diệu 10/05/2024 05:58

Mặt bằng là điều kiện hàng đầu để triển khai các công trình, dự án có thu hồi đất, nhưng đây đang là điểm nghẽn lớn ở Đắk Nông.

Điệp khúc… vướng

Sau 20 năm tái lập, trên lộ trình xây dựng, Đắk Nông đã và đang triển khai rất nhiều công trình, dự án, phục vụ mục tiêu phát triển, trong đó các dự án hạ tầng đa phần đều phải thu hồi đất.

Dù những dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng hay những dự án đang triển khai, thậm chí bị hủy bỏ, đưa ra khỏi danh mục dự án đầu tư có thu hồi đất đều liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.

z4686455167308_97edd3e19640252de13bad9cbf638184-1-.jpg
Dự án Đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê đang vướng mặt bằng. Ảnh: Lê Phước

Trong số các công trình, dự án chậm tiến độ hoặc không thể triển khai, nguyên nhân phần lớn xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng phục vụ dự án.

Cụm từ chậm tiến độ giải ngân; dự án bị ngưng trệ do vướng khâu giải phóng mặt bằng đã trở thành điệp khúc từ báo cáo hàng quý, hàng năm của các chủ đầu tư.

Có điều kiện tiếp cận với những người trong cuộc mới thấy, công tác giải phóng mặt bằng quả thực khó khăn. Ngoài sự thay đổi cơ chế, chính sách về giá; biến động đất đai, đa phần mặt bằng phải thu hồi đều liên quan trực tiếp đến quyền lợi, sinh kế và đời sống người dân.

Có những công trình, dự án chỉ vướng mặt bằng một vài hộ dân hoặc thậm chí một vài trụ điện, công trình, kéo theo cả dự án chậm.

Gia Nghĩa là trung tâm kinh tế, chính trị của một tỉnh trẻ, nhu cầu mặt bằng phục vụ các dự án, nhất là hạ tầng đô thị trong những năm qua rất lớn.

Quá trình triển khai, nhiều dự án chậm tiến độ hoặc phải hủy bỏ vì vướng công tác giải phóng mặt bằng. Chỉ đơn cử, giai đoạn 2015 – 2023, TP. Gia Nghĩa có 118 dự án được HĐND tỉnh thông qua danh mục thu hồi đất.

Trong đó, 88 dự án thực hiện bằng vốn ngân sách. Đến nay, thành phố đã triển khai được 59 dự án, thu hồi hơn 300ha đất; đang triển khai 3 dự án và có 26 dự án hủy bỏ.

Dự án Quảng trường Trung tâm TP. Gia Nghĩa bị điều chuyển khoảng 19 tỷ đồng
Dự án Quảng trường Trung tâm TP. Gia Nghĩa giai đoạn 1 đã hoàn tất giải phóng mặt bằng từ khá sớm. Ảnh: Lê Phước

Đối với 30 dự án thực hiện bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, thành phố đã triển khai 15 dự án, thu hồi 290ha; có 3 dự án chưa triển khai thu hồi đất; có 12 dự án hủy bỏ.

Ngoài các dự án bị hủy bỏ do nhiều nguyên nhân, trong đó phần đa liên quan đến thu hồi đất, trong số các dự án đã hoàn thành, nhiều dự án chậm tiến độ, phải kéo dài thời gian đầu tư, phát sinh các vấn đề về vốn, mục tiêu sử dụng… do tiến độ giải phóng mặt bằng không bảo đảm.

Giai đoạn 2023-2024, Đắk Nông có 210 dự án nằm trong danh mục thu hồi đất. Hiện tỉnh đang triển khai 184 dự án với tiến độ giải phóng mặt bằng chưa đến 20%.

Nguyên nhân dẫn đến việc giải phóng mặt bằng chậm được các chủ đầu tư, địa phương đưa ra một phần là do đang vướng về quy hoạch, cơ chế, chính sách trong triển khai hoặc người dân chưa thống nhất với mức giá đền bù; khó khăn trong xác định nguồn gốc đất, vật kiến trúc…

Điều đáng nói, những nguyên nhân nêu trên không phải là các vấn đề mới phát sinh, đây là những vướng mắc được nhắc đến nhiều năm nay.

Đã thực sự đồng bộ, quyết liệt?

Đồng ý rằng, giải phóng mặt bằng là hạng mục quan trọng, không kém phần khó khăn, phức tạp trong triển khai các dự án có thu hồi đất.

Tuy nhiên, đây không hẳn là khó khăn mang tính “trầm kha” như một số người từng khẳng định. Bởi trên thực tế, có những dự án không vướng về cơ chế, không thiếu kinh phí đền bù nhưng khâu giải phóng mặt bằng vẫn chậm.

Trong khi, nhiều dự án, hạng mục giải phóng mặt bằng vẫn bảo đảm tiến độ. Từ đây đặt ra câu hỏi, ngoài những khó khăn mang tính khách quan, có chăng kết quả trong giải phóng mặt bằng phụ thuộc nhiều vào cách thức, quyết tâm triển khai của từng dự án.

Khu vực thi công bờ Tây hồ Gia Nghĩa đang vướng mặt bằng của 2 hộ dân
Khu vực thi công bờ Tây hồ Gia Nghĩa đang vướng mặt bằng của 2 hộ dân. Ảnh Lê Phước

Trước đây, có lần tham dự một cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng cho chủ đầu tư, lãnh đạo một địa phương thẳng thắn phát biểu, là dự án triển khai trên địa bàn chúng tôi quản lý, vậy mà quá trình triển khai, giải phóng mặt bằng, chúng tôi không được tham gia. Đến khi gặp sự cố, mới mời chúng tôi vào cuộc cùng tháo gỡ…

Đây là một thực tế xảy ra tại nhiều dự án khi mà vai trò của chủ đầu tư, chính quyền địa phương, cơ sở chưa có sự phối hợp đồng bộ ngay từ giai đoạn quy hoạch, chủ trương đầu tư đến khi triển khai dự án dẫn đến phát sinh nhiều bất cập trong quá trình giải phóng mặt bằng.

Chưa kể, thực tế cho thấy, một số dự án, mặc dù nguồn vốn, cơ chế giải phóng mặt bằng đều “thông” nhưng quá trình thực hiện lại vướng vì quyền lợi của một bộ phận người dân thuộc vùng ảnh hưởng không bảo đảm.

Nhiều dự án chỉ vì việc xác định điều kiện đền bù, hỗ trợ hay giải phóng vật kiến trúc, cây trồng chênh lệch khá xa so với đa phần đối tượng cùng điều kiện dẫn đến người dân khiếu kiện, chống đối.

Cũng có trường hợp, bản thân đối tượng nằm trong diện giải phóng mặt bằng chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm và quyền lợi nên không thống nhất với phương án…

Tuy nhiên, cũng có những dự án hàng tỷ đồng nhưng Nhà nước không mất kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng. Một số công trình lớn vướng mắc về hạng mục này kéo dài nhưng đến thời điểm quyết tâm cao lại “đầu xuôi, đuôi lọt”…

Bờ kè phía Tây hồ Gia Nghĩa đang dừng thi công vì có 2 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng. Hiện máy móc, vật liệu đã tập kết tại công trình nhưng chưa thể thực hiện thi công
Bờ kè phía Tây hồ Gia Nghĩa đang dừng thi công vì có 2 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng. Hiện máy móc, vật liệu đã tập kết tại công trình nhưng chưa thể thực hiện thi công. Ảnh: Lê Phước

Không nói đâu xa, thời gian qua, hàng loạt công trình, dự án liên quan đến xây dựng nông thôn mới, hạ tầng giao thông đô thị đã được triển khai thuận lợi ngay từ khâu giải phóng mặt bằng.

Điển hình như trên địa bàn TP. Gia nghĩa, một số tuyến đường như Chu Văn An, Nguyễn Văn Trỗi… bị vướng khâu giải phóng mặt bằng nhưng khi có sự quyết tâm vào cuộc của lãnh đạo thành phố, cả hệ thống chính trị, các tuyến đường này đã hoàn thiện chỉ trong thời gian ngắn.

Dự án Quảng trường trung tâm thuộc vùng lõi dân cư đô thị Gia Nghĩa trước đây tưởng chừng bế tắc trong giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư nhưng khi có sự vào cuộc lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, quyết tâm của thành phố, đa phần người dân thuộc vùng dự án đã đồng thuận với phương án đền bù, giải phóng mặt bằng…

Mở rộng hơn, cũng cùng cơ chế, chính sách, điều kiện tương đồng nhưng công tác giải phóng mặt bằng một số địa phương được thực hiện kịp thời, bảo đảm tiến độ, ít phát sinh khiếu kiện.

Ngược lại, có một số địa phương, hạng mục này đang là nguyên nhân chính khiến hàng loạt dự án chậm tiến độ, phát sinh khiếu kiện.

Từ đây cho thấy, giải phóng mặt bằng là hạng mục quan trọng và không ít khó khăn vì liên quan đến cơ chế, chính sách từ trung ương đến địa phương, thậm chí cơ chế của từng dự án; an sinh, quyền lợi của tổ chức, cá nhân và hàng loạt quy định pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa không phải dự án nào cũng gặp khó. Phải chăng còn là do sự linh hoạt, quyết tâm trong cách thức triển khai của mỗi đơn vị, địa phương?

Quyết tâm gỡ khó trong giải phóng mặt bằng đang là hành động rõ nhất của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông trong thời gian gần đây.

Thực hiện sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thể hiện quyết tâm này bằng việc thành lập các tổ công tác chuyên tiếp nhận những khó khăn vướng mắc, tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ cho các dự án, trong đó có giải phóng mặt bằng.

Định kỳ hàng tuần vào chiều thứ 6, UBND tỉnh đều họp để nghe các đơn vị trực tiếp báo cáo, kiến nghị đề xuất liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng…

Từ đây, một số dự án lớn đã được tháo gỡ khó khăn về hạng mục giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ.

Tinh thần quyết tâm, quyết liệt, linh động và đồng bộ trong vấn đề giải phóng mặt bằng kỳ vọng tiếp tục được lan tỏa, trở thành hành động chung, nhất quán từ tỉnh xuống cơ sở, từ chủ đầu tư đến đối tượng thụ hưởng liên quan.

Hồ Đức Diệu