Giải trí

Vào đại học liệu có phải là con đường lập nghiệp duy nhất của thanh niên? - Văn mẫu nghị luận lớp 12

Kiên Trung09/05/2024 10:50

Văn mẫu nghị luận lớp 12 - Vào đại học liệu có phải là con đường lập nghiệp duy nhất của thanh niên? Đây là một vấn đề thời sự khá lí thú.

Đề bài: Vào đại học liệu có phải là con đường lập nghiệp duy nhất của thanh niên?

Đại học có thể là mơ ước của nhiều thế hệ trẻ, thế nhưng đối với một bộ phận với trẻ thì vẫn còn những nỗi băn khoăn. Liệu Đại học có phải con đường duy nhất để bạn lập nghiệp thành công hay không? Hãy cùng tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây.

van-mau-nghi-luan.png

Văn mẫu số 1: Đại học có phải con đường lập nghiệp duy nhất của thanh niên?

Hiện nay, đa số các phụ huynh và học sinh đều cho rằng, để có thể đảm bảo tốt nhất cho tương lai của con em mình sau này, thì con đường duy nhất là cần phải học đại học. Chính vì thế, trong nhiều gia đình, bố mẹ đã áp đặt con em mình vào những cái khuôn mẫu mà họ mong muốn bằng những kỳ vọng. Điều này đã vô tình tạo nên áp lực lớn đối với chính bản thân mỗi học sinh.

Tuy nhiên, suy nghĩ đó cũng không phải hoàn toàn sai lầm. Trong điều kiện xã hội hiện nay, cũng như trong xu thế phát triển của đất nước, dù vào Đại học không phải là con đường duy nhất nhưng có lẽ đó là con đường tốt nhất và nhanh nhất để thành công dành cho thế hệ trẻ. Có rất nhiều người dù đã có nghề nghiệp ổn định nhưng vẫn theo đuổi niềm đam mê và ước mơ, khát vọng có được tấm bằng đại học, bằng cách tham gia học tại chức, hay học liên thông. Nhiều người lựa chọn học Đại học vì rất nhiều lý do khác nhau chứ đôi khi không phải vì bản thân mình muốn như vậy.

Khi tốt nghiệp Đại học, những cơ hội nghề nghiệp sẽ nhiều hơn, cuộc sống sẽ tốt và đầy đủ hơn từ đó họ sẽ có cơ hội được khẳng định năng lực và bản lĩnh của chính mình. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển không ngừng như hiện nay, việc nâng cao trình độ nguồn nhân lực là một việc làm rất cần thiết và là một xu thế tất yếu của xã hội. Do vậy có được tấm bằng Đại học vẫn là mong muốn của nhiều bậc phụ huynh cũng như một bộ phận giới trẻ.

Liệu Đại học có phải con đường lập nghiệp duy nhất của thanh niên?

Trong một vài năm gần đây, tình trạng thất nghiệp của các cử nhân cho thấy, mặc dù có tấm bằng Đại học nhưng cũng chưa chắc đã có việc làm như mong muốn. Bởi vậy Đại học có phải con đường lập nghiệp duy nhất không? Câu trả lời là không, vì bên ngoài cuộc sống còn có rất nhiều con đường khác có thể lập nghiệp mà không nhất thiết phải học Đại học.

Bên cạnh đó, nhiều sinh viên cầm tấm bằng Đại học ra trường nhưng lại chẳng thể tìm được cho mình một con đường phù hợp để đi tiếp. Tại sao lại có tìn trạng này? Bởi vì có lẽ họ chọn sai ngay từ đầu, khi mà học Đại học chỉ để đáp ứng yêu cầu với bố mẹ, để không bị xấu mặt trước bạn bè nhưng tương lai lại trở nên mù mịt. Nhiều sinh viên ra trường hầu như đều làm việc trái chuyên ngành sau 4 – 5 năm miệt mài thi cử nơi giảng đường Đại học.

Trong thời buổi ngày nay, giới trẻ ngày càng có xu hướng tự tìm hướng đi và khẳng định mình. Có thể thấy rõ thông qua các công ty khởi nghiệp hay các shop kinh doanh online xuất hiện ngày càng nhiều trong nền kinh tế nước ta. Nhất là khi công nghệ thông tin phát triển không ngừng, thì những hình thức lập nghiệp cũng trở nên phong phú và hài hòa hơn.

Theo báo cáo từ Sở LĐTBXH công bố vào năm 2017, tỉ lệ học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp trình độ Cao đẳng, trung cấp có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp trung bình đạt trên 80%. Đây là một con số rất lớn mà tỉ lệ người học Đại học cũng chưa đạt được không muốn nói rằng số người thất nghiệp sau học Đại học cũng rất nhiều.

Về vấn đề thu nhập của học sinh sinh viên qua đào tạo CĐ sau khi tốt nghiệp đạt 5,2 triệu đồng/tháng, học sinh trung cấp sau khi tốt nghiệp là 4,6 triệu đồng/tháng. Cũng có một số những nghề ở một số trường, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường có mức lương lên đến 9-10 triệu đồng/tháng.

Ngay cả đến những tỷ phú thế giới tự làm nên tên tuổi của mình bằng năng lực, sự kiên trì và lòng dũng cảm của mình chứ không phải nhờ vào một tấm bằng đại học. Chẳng hạn như Bill Gates, Lawrence Ellision, Sheldon Adelson,…

Và hiện tại xã hội còn rất nhiều người ngoài kia đang thành công bằng nỗ lực của chính họ mỗi ngày. Bởi vậy Đại học không phải con đường lập nghiệp duy nhất, bạn có thể chọn bất cứ con đường nào mình yêu thích. Hãy can đảm bước đi rồi thành công sẽ đến với bạn.

Bài viết đã trả lời được những thắc mắc xoay quanh vấn đề học Đại học có phải là con đường duy nhất để các bạn có thể đi đến thành công hay không. Hi vọng bạn cũng sớm tìm ra con đường đi nhanh nhất của mình để rút ngắn thời gian mài dùi kinh sử nhưng vẫn có sự ổn định trong tương lai.

Văn mẫu số 2: Vào đại học có phải là con đường lập nghiệp duy nhất của thanh niên

Vào đại học có phải là con đường lập nghiệp duy nhất của thanh niên? Đây là một vấn đề thời sự khá lí thú.

Sau 12 năm đèn sách, người học trò mong, bố mẹ mong, bạn bè mong, thầy cô giáo mong: mình sẽ thi đỗ vào một trong những trường cao đẳng, hoặc đại học. Thi đỗ là một vinh dự, là niềm hạnh phúc to lớn đối với người học sinh lớp 12 Trung học phổ thông.

Các nhà nho ngày xưa xem chuyện thi cử là "nạ cầm thư”, “hội gió mây". Nguyễn Công Trứ có bài thơ Đi thi tự vịnh đầy hăm hở, chí khí đua tài của kẻ sĩ:

Đi thi há lẽ trở về không,

Cúi nợ cầm thự phải trả xong.

Muốn thi đỗ thì phải “nấu sử sôi kinh”, phải “thức khuya dậy sớm” đèn sách, rèn luyện. Trái ngọt hạnh phúc phải đổ nhiều công sức mới hái được. Còn học hành chấm chớ, học ít chơi nhiều, học ngồi nhầm lớp sẽ thi hỏng, nhất định hỏng. Hỏng thi là nỗi nhục, nỗi buồn. Tú Xương từng trải qua “Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy” nên đã thở than: "Thi không ăn ớt thế mà cay!”.

Có bạn hỏng thi rồi nói: “Vào đại học đâu phải là con đường lập nghiệp duy nhất của thanh niên”. Tôi e rằng lời tuyên bố đó chỉ là một sự chữa thẹn, không thực lòng. Có điều hỏng thi nhưng không nên tuyệt vọng, nản chí. Bài học “thất bại là mẹ thành công” rất quý báu. “Thua keo này bày keo khác", ta ôn tập lại để thi tiếp năm sau. Hoặc không đỗ đại học, ta học cao đẳng: không đỗ cao đẳng ta học trung học chuyên nghiệp, học nghề. Ta phải biết tự học để vươn lên.

Chị gái tôi, năm đầu thi đại học bị hỏng. Chị khóc và bỏ cơm mấy ngày. Bố mẹ khuyên, chị cố gắng ôn tập. Năm sau chị thi đỗ vào trường Đại học Y khoa Hà Nội. Con chú tôi chỉ học cao đẳng mà nay đã đi làm, lương khá cao, vừa làm vừa học đại học tại chức.

Tóm lại, tôi cho rằng vào đại học không phải là con đường lập nghiệp duy nhất của thanh niên. Nhưng đi học, nếu có mục tiêu thi vào đại học, cao đẳng thì phải phấn đấu học tập để thi đỗ. Dù có học đại học hay không thì mỗi thanh niên đều phải phấn đấu lập thân, lập nghiệp để trở thành người có ích cho xã hội.

Văn mẫu số 3: Nghị luận Đại học không phải là con đường duy nhất

Hàng ngày có hàng tá người hỏi chúng ta, hỏi lẫn nhau rằng: “Đại học có phải là con đường tiến thân duy nhất”. Học sinh hoang mang tìm câu trả lời, trả lời để lấy điểm hay đối phó cho đề tài này, cũng có những học sinh hay những người không còn hoặc không có cơ hội là học sinh đặt câu hỏi này là câu hỏi cho chính cuộc đời họ, cho chặng đường phía trước mà có thể câu hỏi này lại chính là một gợi ý.

Vì sao chúng ta luôn chỉ nhìn vào một đề tài với một chiều là đồng tình hay phản đối? Sẽ thế nào nếu chúng ta nhìn câu hỏi với tất cả đáp án khả thi, tất cả mọi trường hợp để một người, như tôi đã nói đến, một người tìm kiếm tương lai từ gợi ý này có thể có một bước đi đúng hơn khi chỉ đọc qua đoạn văn này một lần, chỉ một lần, hay lần thứ hai khi người ấy đã tìm được lối đi đúng?

Bắt đầu sẽ là ý kiến phản đối. Bất kỳ một học sinh nào cũng có thể nêu ra ý kiến rằng: “Đại học KHÔNG phải là con đường duy nhất”. Đó là một phát biểu hoàn toàn không sai. Vì sao, đúng và sai không mang giá trị tuyệt đối, có thể dễ dàng kiếm hàng tá những dẫn chứng, những ví dụ, từ quá khứ đến hiện tại, từ thực tiễn đến lý thuyết, những dẫn chứng chúng ta có thể thấy hay chỉ là những câu chuyện để chứng minh cho ý kiến này. Có lẽ một học sinh sẽ giơ tay lên và nêu ra hàng loạt cái tên như: Edison, Einstein, Newton (những nhà bác học của thế kỷ trước, những người không đủ điều kiện hay thậm chí tiêu chuẩn để được đến trường), hay những cái tên quen thuộc hơn như Bill Gates, hay thần tượng và hiện tượng của giới trẻ, người sáng lập facebook Mark Zuckerberg cũng là một học sinh từng bỏ ngang đại học và trở thành những tỷ phú trẻ tuổi nhất thế giới. Nếu bạn có đủ khả năng để đi đến vinh quang hay thấp và nhỏ hơn xin được phép dùng cụm từ thành công bằng chính đôi tay của mình, có lẽ đề bài không cần bắt đầu bằng hai chữ Đại học, thậm chí bạn chẳng cần đến trường. Hàng tá nông dân tại Việt Nam nói riêng cũng đủ đã chứng minh điều đó khi họ có hàng loạt sáng chế rất hay mà bằng sáng chế không đủ để phát cho họ. Thử hỏi, họ có qua bất kỳ trường lớp nào không? Có, đó là câu trả lời của bản thân tôi, trường mà họ học chính là trường đời chứ không phải ba bậc tiểu, trung và đại học. Họ thành công vì sao? Vì họ có đủ ý chí và nghị lực để sống cuộc sống tuy có điều kiện nhưng luôn dư thừa cơ hội và lý do để họ cố gắng.

Ý kiến thứ hai sẽ hoàn toàn bác bỏ tất cả lập luận ở trên. Bạn sẽ mất bao nhiêu ngày để kể những cái tên thành công không bắt đầu từ trường lớp mà bạn biết? Giả sử bạn có thể ước lượng được thời gian để kể, tôi cho phép bạn sử dụng mạng và tất cả công cụ tìm kiếm, tiếp theo hãy tự hỏi bạn sẽ mất bao nhiêu lần khoảng thời gian đó để kể hết những cái tên thất bại khi từ bỏ trường lớp? Có lẽ không cần cho bạn công cụ tìm kiếm đâu, chỉ cần bước chân ra khỏi nhà, đi thêm nửa cây số trên đôi chân của bạn thì bạn sẽ thấy và kể thêm được vài cái tên như vậy, và khi bạn đi hết cuộc đời bạn sẽ vẫn không thể kể hết những cái tên như vậy. Thế giới ở thời điểm hiện tại (2018) có hơn 7 tỷ dân. Tất cả những cái tên mà học sinh có thể kể để minh chứng rằng Đại học KHÔNG phải là con đường duy nhất từ thế kỷ trước đến nay dừng lại ở con số mấy?

Ý kiến thứ ba sẽ không ủng hộ đề tài và cũng không phản đối đề tài. Điều cần phản đối ở đây có lẽ là hai chữ “Duy nhất” trong để tài “Đại học có phải là con đường Duy Nhất để đến với thành công?”. Điều trước tiên chúng ta phải xem xét thành công là gì và thành công là tập hợp của những gì? Thành công là sự hạnh phúc trong cuộc sống, sự suôn sẻ dễ dàng (ở một mức độ tương đối), là sự góp nhặt của những nỗ lực và mồ hôi xương máu, là một phần đóng góp của kinh nghiệm mà bạn cóp nhặt được, và là kiến thức mà bạn có. Vậy hãy xem lại trường lớp và đại học đóng góp thế nào trong tất cả những điều đó. Hoàn toàn không phải 100% nhưng có lẽ đó là một phần rất lớn. Bạn có được biết đến văn học nếu bạn không được đến trường, qua đó, khi phải có một bài phát biểu, liệu từng câu từng lời của bạn có đủ thuyết phục nhóm người mà bạn đang phải giao tiếp, nếu có thì bạn sẽ mất bao nhiêu thời gian để chuẩn bị cho bài phát biểu đó và bạn phải thất bại bao nhiêu bài phát biểu để đến được một bài hoàn hảo. Nếu bạn không được biết đến toán học (tôi hoàn toàn không nói đến những loại toán cao cấp mà một học sinh giỏi được học), thì bạn có thể có khả năng tính toán tương tối về những dự tính về tài chính với đối tác chứ? Đó là về mặt kiến thức. Xét đến mặt kinh nghiệm, kinh nghiệm tại trường lớp khó có thể so sánh với kinh nghiệm thực tế trong cuộc sống, tôi đồng ý với điều đó. Nhưng có một điều chắc chắn kinh nghiệm trong trường lớp là kinh nghiệm an toàn, bạn hoàn toàn không phải đánh đổi bằng một sự thất bại nào để thành công trong lớp, nếu bạn thất bại, bạn có thể thi lại, có thể học lại. Trong cuộc sống, đa phần kinh nghiệm khởi nguồn từ sự thất bại. Và những thất bại trong cuộc sống đều khiến bạn tổn thất về mặt thời gian và tài chính đó là chưa kể đến tổn thất về mặt tâm lý. Hãy quay lại với những ví dụ mà bạn đã dùng để chứng minh rằng đại học không phải con đường duy nhất đi. Những nhân tài đó họ không đủ điều kiện để học, họ chủ động bỏ học để cắt ngắn quy trình thành công vì họ tự tin vào khả năng và sự cố gắng, hay họ dùng câu hỏi trong đề tài này làm lý do để cắt bỏ quãng thời gian ngồi trong trường? Họ không tìm lý do để cắt bỏ quá trình học tập, họ tạo ra lý do để thành công ngay cả khi họ không muốn tốn thời gian cho việc học.

Có lẽ tất cả những dẫn chứng, những câu hỏi trên đã làm rõ nhận định của tôi rằng “Đại học là một con đường rộng nhất để đến với thành công” chứ không phải là “duy nhất”. Qua đó, bản thân các bạn, những người đang đặt câu hỏi này là câu hỏi của tương lai hay suy nghĩ thật kỹ và chọn cho mình một lối đi rộng nhất, sáng nhất. “Đoạn đường nào trải bước trên hoa hồng?”, vậy hãy trang bị cho mình một công cụ để những chông gai đó ít ảnh hưởng nhất đến bản thân nhất nhé!

Văn mẫu số 4: Nghị luận Đại học không phải là con đường duy nhất

Thanh xuân, tuổi trẻ mỗi người chỉ trải qua một lần duy nhất, đó là thời điểm con người ta hạnh phúc nhất, sung sướng nhất, tự do nhất, dũng cảm nhất, nhưng cũng là lúc con người ta phải đối diện với muôn vàn thử thách khó khăn, phải đắn đo suy nghĩ và lựa chọn cho mình một con đường, một ước mơ. Với nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh cuối cấp 3 đang sắp bước vào một kỳ thi cam go, hồi hộp, kỳ thi ấy sẽ dẫn các bạn vào cánh cổng đại học mở ra hay sẽ đưa các bạn rẽ sang một hướng khác, đó còn tùy thuộc vào sự nỗ lực của các bạn. Thế nhưng, có một vấn đề được đặt ra, tại sao mọi người đều ép bản thân mình chen chân vào cánh cổng đại học? Liệu đại học có phải là con đường tiến thân duy nhất của tuổi trẻ?

Không phủ nhận cánh cổng trường đại học là một lựa chọn rất tốt cho các bạn trẻ, là bệ đỡ giúp chúng ta tiến xa hơn trong tương lai bằng con đường học tập. Ở môi trường đại học, chúng ta dường như bước vào một xã hội thu nhỏ, ở đó các thầy cô truyền dạy cho chúng ta nhiều bài học, không chỉ là những kiến thức khô khan trong sách vở mà còn là những kinh nghiệm sống rất quý giá mà không nơi nào có thể dạy chúng ta tốt như thế. Ước mơ vào đại học là một ước mơ rất đẹp, thể hiện khát vọng của con người về việc vươn đến một chân trời mới mẻ, một môi trường tri thức rộng mở, cao cấp hơn hẳn so với môi trường ở bậc trung học. Đặc biệt, môi trường đại học là một môi trường giáo dục rất tự do, khuyến khích sinh viên có những ý tưởng, sáng tạo, được thỏa sức bày tỏ quan điểm, khẳng định bản thân bằng nhiều cách khác nhau. Những câu lạc bộ, đoàn đội, hội nhóm sẽ là nơi giúp các em rèn luyện kỹ năng mềm, khả năng giao tiếp, khả năng ứng phó linh hoạt với các tình huống thực tế có thể xảy ra trong tương lai. Ngoài ra khi bước vào đại học, môi trường sống của các bạn sinh viên đa số đều thay đổi, xa gia đình, xa vòng tay cha mẹ, đa số các bạn đều phải sống tự lập, đó chính là cách giúp các bạn trưởng thành nhanh nhất.

Đại học là bước đường các bạn học sinh dễ tiếp cận nhất và cũng là lựa chọn gần như tốt nhất. Bởi trong xã hội hiện đại, dân trí ngày một nâng cao, đất nước ngày một phát triển, để đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội, đòi hỏi nguồn nhân lực phải có trình độ ngày một cao hơn. Tri thức trở thành nền tảng cốt yếu để phát triển đất nước, chính vì thế, con người có những lựa chọn đúng đắn để trau dồi tri thức cho bản thân, liên tục nâng cao trình độ thì sẽ dễ dàng thành công hơn trong cuộc sống. Hơn thế nữa, ngày nay học vấn còn trở thành thước đo giá trị của một con người trong thời đại mới, nên đôi khi việc dừng lại ở bậc trung học phổ thông sẽ khó được xã hội công nhận năng lực và tham gia vào lao động sản xuất với một chế độ đãi ngộ tốt, nếu như bạn không thực sự cố gắng trong những lĩnh vực khác ngoài việc học lên đại học.

Tuy nói là vậy nhưng việc bước vào cánh cổng đại học cũng không phải là con đường tiến thân duy nhất dành cho giới trẻ, bởi ngoài nó, chúng ta vẫn còn những lựa chọn khác, tuy có nhiều khó khăn vất vả hơn hẳn, nhưng nó cũng là một lựa chọn không tồi. Bạn cố chen chân kiếm cho mình một cái vé vào đại học, trong khi năng lực không đủ, điều kiện gia đình không cho phép, đặc biệt bạn còn vì muốn vào đại học mà chọn bừa cho mình một ngành học, một trường học mà chưa tìm hiểu thật kỹ càng. Đến khi bước chân vào rồi bạn mới nhận ra mình đã sai lầm, từ bỏ thì nuối tiếc, mà không từ bỏ thì bạn cứ mãi lửng lơ vô định hướng với một thứ bạn không thích, không am hiểu. Tôi tự hỏi nếu rơi vào hoàn cảnh ấy, ai trong số các bạn còn cảm thấy rằng vào đại học là con đường tiến thân duy nhất? Và từ thực tế cho thấy, không phải sinh viên đại học nào ra trường cũng có công ăn việc làm ổn định, cũng có một mức thu nhập cao, một tương lai xán lạn. Chẳng phải vẫn có người học qua quýt trong đại học, rồi ra trường không tìm được việc làm, cuối cùng cũng phải đi làm những công việc lao động chân tay, làm trái ngành, trở nên chán nản và hối hận vì đã lãng phí 4 năm thanh xuân vì không chịu cố gắng, không định hướng bản thân thật tốt. Thế nên cánh cổng đại học là cánh cổng đẹp, nhưng đó không phải là cánh cổng màu hồng như chúng ta hằng tưởng tượng, bởi cái gì cũng cần sự cố gắng. Ví như chúng ta chẳng may không đỗ vào trường chúng ta mong muốn, không đủ điều kiện học tập trong môi trường đại học, thì tốt hơn hết chúng ta hãy nghĩ đến một con đường khác, nghĩ xem mình thích gì, chúng ta có thể tham gia các lớp đào tạo nghề, ai có khiếu kinh doanh thì có thể tập tành buôn bán,...

Bất kể làm việc gì, các bạn cũng phải nỗ lực hết sức mình thì mới thành công được, đừng nghe những lời gièm pha đàm tiếu của người ngoài rằng không học đại học là kém cỏi, là bất tài, bởi cuộc sống là của chúng ta chứ không phải của họ. Hãy nhìn xem Bill Gates đã dũng cảm thế nào khi từ bỏ Harvard ngôi trường trong mơ của bao lớp trẻ, để sáng lập ra Microsoft - Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, rồi Steve Jobs đồng sáng lập tập đoàn Apple, Michael Dell nhà sáng lập ra tập đoàn máy tính Dell Inc, Henry Ford người sáng lập ra hãng ô tô Ford, có ai có tấm bằng đại học nào trên tay đâu, thế nhưng họ vẫn rất thành công, thành công một cách vượt bậc và vô cùng đáng ngưỡng mộ. Họ sáng lập ra những tập đoàn lớn hàng đầu thế giới, rồi những con người có những tấm bằng đại học danh giá cũng phải chen lấn xô đẩy để có thể vào đó làm việc. Thế nên thành công hay không học vấn là một phần quan trọng, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự cố gắng không ngừng nghỉ của bản thân.

Đại học là con đường ngắn nhất dẫn bạn đến thành công, thế nhưng nó không phải là con đường duy nhất, chúng ta còn rất nhiều những lựa chọn khác nữa, mặc dù sẽ khiến chúng ta vất vả và phải đi một con đường xa hơn hẳn để bước tới thành công. Hãy nhớ cánh cổng đại học khép lại, thì chúng ta hãy tự mở cho mình một cánh cổng khác, tôi tin rằng các bạn sẽ thành công!

Văn mẫu số 5: Nghị luận vào đại học có phải con đường tiến thân duy nhất của tuổi trẻ ngày nay?

“Vào đại học có phải con đường tiến thân duy nhất của tuổi trẻ ngày nay?”. Có lẽ đây là câu hỏi luôn nhức nhối của mỗi bạn học sinh, đặc biệt là các bạn cuối cấp. Giữa hai con đường chọn lựa, nên tiếp tục con đường học vấn vào đại học, hay kết thúc việc học, học nghề và ra đời tự nuôi sống bản thân.

Như chúng ta biết rằng, việc học đối với mỗi người là vô cùng quan trọng. Mười hai năm học tập tại trường là cơ sở để các bạn có thể vững bước vào đời, hoặc tiếp tục học vấn. Mỗi người sẽ có những lựa chọn khác nhau, nhưng đâu mới là lựa chọn tốt nhất?

Vào đại học là lựa chọn tốt nhất? Ai ai cũng hiểu rằng, khi học vấn bản thân được nâng cao, cũng đồng nghĩa với việc cơ hội việc làm, cơ hội tiến thân sẽ nhanh chóng hơn rất nhiều. Vào đại học bạn sẽ được trang bị rất nhiều kiến thức, kĩ năng làm nền tảng để sau này sử dụng vào việc làm nghề. Bởi đại học không chỉ đơn thuần là lí thuyết, mà còn là thực tiễn, là những vấn đề đào tạo đến việc bạn ra trường sau này. Bởi vậy, học đại học sẽ cho bạn một hành trang vô cùng vững chắc để sau này tìm được một công việc phù hợp với năng lực bản thân, thích hợp với cá tính và mơ ước của chính mình. Trường đại học có lẽ là nơi rất tốt để ươm mầm tài năng, thúc đẩy tài năng của bạn.

Nhìn vào tình hình thực tế, chúng ta có thể thấy những người giỏi giang, tài ba, có nền kinh tế vững chắc hầu hết đều là những người có học vị, học hàm cao. Họ là người có kiến thức uyên thâm, là những học viên nổi tiếng của các trường Đại học. Nhà vật lí vĩ đại thế kỉ XX – Stephen Hawking, 17 tuổi vào đại học danh tiếng Oxford. Con đường học tập của ông không ngừng được nâng cao, với những nghiên cứu và phát hiện của mình, ông đã tạo ra bước ngoặt lớn cho vật lí hiện đại. Tổng thống da màu người Mĩ đầu tiên, Barack Obama là một trong những sinh viên xuất sắc nhất của khoa luật trường đại học Harvard. Nhắc đến Harvard là nhắc đến cái nôi đào tạo của những nhân tài nổi tiếng thế giới. Với sự uyên bác của mình, Obama đã giữ trọng trách tổng thống trong hai nhiệm kì, có những đóng góp quan trọng đối với cục diện thế giới.

Nhìn vào đây có thể thấy, học đại học quả là con đường lập thân và lập danh quan trọng thiết yếu đối với mỗi con người.

Không vào đại học vẫn có thể lập thân, lập danh? Quả thực đúng như vậy, không nhất thiết vào đại học mới có thể làm nên công việc, sự nghiệp cho bản thân. Hiện nay, ở Việt Nam hiện tượng thừa thầy, thiếu thợ ngày càng trở nên phổ biến. Thầy thì quá nhiều, mà chưa chắc đã giỏi, thợ ít ỏi lại non kém về tay nghề. Bởi ai cũng đua nhau đi học Đại học. Thực trạng này càng ngày càng trở nên báo động. Chỉ vì một chút danh được học đại học, mà rất nhiều người lao đầu vào những trường đại học kém về chất lượng. Và kết cục khi họ mang tấm bằng ra khỏi trường chỉ là một tờ giấy, không kinh nghiệm, không kĩ năng và sẽ bị xã hội đào thải. Vậy tại sao không trở thành một người thợ giỏi, đem sức mình để nuôi sống bản thân, thay vì bốn năm ăn bám gia đình, cuối cùng vẫn không thể tự lực tìm cho bản thân một việc làm.

Anna Wintour là một nhà báo nổi tiếng trong lĩnh vực thời trang. Sau khi tốt nghiệp trung học bà không vào đại học mà dấn thân vào con đường làm báo, và trở thành tổng biên tập của nhãn hàng thời trang hàng đầu Vogue. John D.Rockefeller một trong những người giàu có nhất nước Mĩ. Ông được mệnh danh là ông trùm dầu mỏ, tài sản của ông ước tính thời điểm hiện tại lên đến 340 tỷ USD. Ông bỏ học để kiếm việc làm, sau nhiều công việc, ông đã thành lập hãng lọc dầu Standard Oil và trở thành tỉ phú. Như vậy, học đại học cũng không phải con đường duy nhất để chúng ta lập thân, lập danh.

Mỗi chúng ta có một hoàn cảnh sống riêng, sở thích và năng lực riêng. Không chỉ có vào đại học mới thành công, nếu bản thân đam mê, nếu hoàn cảnh không cho phép bạn vẫn có thể tự tin vững bước học nghề, rồi bắt tay vào một công việc. Chẳng phải mục đích của chúng ta là sống an yên và hạnh phúc đó sao, thành công ấy là khi bạn làm ra những đồng tiền chính nghĩa bằng chính năng lực của mình.

Văn mẫu số 6: Có phải vào đại học mới là con đường duy nhất giúp chúng ta vươn đến thành công

Những ngày cuối tháng sáu đầu tháng bảy không khí ở khắp các tỉnh thành trên cả nước lại nóng bỏng hơn bao giờ hết. Hàng triệu thí sinh bước vào kì thi Trung học phổ thông Quốc gia đầy cam go, căng thẳng. Đã từ lâu, in hằn trong nếp nghĩ của mọi người về việc bằng mọi giá phải vào được đại học, bởi đó là con đường lập thân, lập nghiệp duy nhất. Liệu thực sự có phải vào đại học mới là con đường duy nhất giúp chúng ta vươn đến thành công.

Theo như định nghĩa, giáo dục đại học có nghĩa là “giáo dục thường được diễn ra ở các trường đại học, viện đại học, đại học, trường cao đẳng, học viện và viện công nghệ. Giáo dục đại học nói chung bao gồm các bậc sau trung học như cao đẳng, đại học và sau đại học và gồm cả một số cơ sở giáo dục bậc đại học hay cao đẳng như các trường huấn luyện nghề và trường kinh doanh có trao văn bằng, học thuật hay cấp chứng chỉ chuyên nghiệp.

Hiện nay nhiều người quan niệm rằng vào đại học là con đường tiến thân duy nhất của giới trẻ. Nhận định này chỉ đúng ở một phần nào đó, không đúng hoàn toàn.

Đại học là con đường, là mơ ước khát vọng đẹp đẽ mà bất cứ người trẻ nào cũng hướng đến. Đó là chân trời rộng mở, chân trời của tri thức, tự do và sự khám phá, trải nghiệm của bản thân. Vào đại học cũng là cách thức để chúng ta khẳng định bản thân và lập nghiệp. Chúng ta đang sống trong thời đại khoa học kĩ thuật, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ. Nền kinh tế tri thức làm chủ đạo, bởi vậy nếu con người không ngừng học tập sẽ trở nên thụt lùi, lạc hậu và không bắt kịp với xu thế chung của thời đại. Bên cạnh đó, nền kinh tế ngày càng có sự phân loại và chuyên môn hóa cao, nếu chúng ta chỉ có kiến thức của cấp bậc phổ thông không thôi sẽ là chưa đủ, mà cần phải có kiến thức chuyên sâu của bậc đại học để tham gia vào quá trình lao động sản xuất. Hơn nữa, tuổi trẻ là tuổi để dễ dàng tiếp thu các tri thức mới, tiến bộ của nhân loại, lại cộng thêm với sự truyền đạt của những người thầy hàng đầu sẽ giúp các bạn trẻ tiếp cận tri thức một cách dễ dàng hơn. Và cuối cùng, cuộc đời con người là cả một quá trình học hỏi không ngừng, đúng như Lênin đã từng nói: “Học, học nữa, học mãi”. Sau khi học phổ thông chúng ta tiếp tục học đại học sẽ tạo nên mạch liên tục cho việc tiếp thu tri thức.

Vào đại học cũng là con đường ngắn nhất để các bạn có nền tảng vững chắc, được theo đuổi một công việc mình mơ ước, đáp ứng nhu cầu sống của bản thân. Bởi vậy, mỗi chúng ta khi bước chân vào cánh cổng đại học cần phải chuyên cần, tập trung năng lực để tiếp thu tri thức. Không nên ham chơi, mải mê, lãng phí thời gian, tuổi trẻ.

Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng cần thấy rõ rằng: Đại học không phải là con đường tiến thân duy nhất đối với mỗi người. Tùy vào hoàn cảnh, năng lực của mỗi cá nhân mà chúng ta có những cách lập thân và lập nghiệp khác nhau. Nếu điều kiện gia đình bạn không cho phép học đại học, hãy trở thành một người thợ lành nghề, làm việc thật cần cù, chăm chỉ, khi ấy bạn sẽ trở thành người thành công. Trong cuộc sống của chúng ta có không ít người không vào đại học nhưng vẫn trở thành tấm gương thành công để mọi người noi gương học tập. Có thể kể đến như Michael Dell, nhà sáng lập của tập đoàn Dell. Ông bỏ học đại học năm 19 tuổi và với số vốn ít ỏi ông đã mở công ty, phát triển công ty nhỏ bé của mình thành một tập đoàn hùng mạnh như hiện nay. Hay Henry Ford, ông chưa tốt nghiệp trung học, nhưng ông đã sáng lập nên một trong những tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất thế giới Ford.

Quả thực vào đại học là con đường nhanh nhất, ngắn nhất để chúng ta đi đến cái đích của sự thành công. Nhưng chúng ta cũng cần hiểu rằng vào đại học không phải là con đường duy nhất. Chúng ta sẽ có rất nhiều con đường khác nhau, có thể xa hơn, vòng vèo, vất vả hơn nhưng nếu có ý chí và nghị lực, nhất định ai cũng sẽ vươn đến cái đích của sự thành công. Vào đại học chỉ là một bước đệm còn quan trọng nhất vẫn là ở bản thân, ở ý chí, nghị lực của mỗi con người.

Văn mẫu số 7: Vào đại học có phải con đường tiến thân duy nhất

Học đại học là con đường ngắn nhất để trở thành kỹ sư, bác sĩ hay cử nhân. Mới chỉ cần nghe danh đã thấy oai, rồi đó là chưa kể đến khi có tấm bằng đại học trong tay thì dù sớm hay muộn họ cũng sẽ kiếm được một công việc ổn định để tạo dựng cho mình cuộc sống ổn định. Thế nhưng con đường đó có trải đầy nhung lụa không thì chỉ những người đã và đang trải qua mới có thể hiểu được. Nhưng để trả lời câu hỏi "Đại học có phải là con đường duy nhất?” thì tôi xin trả lời rằng ”Đại học không phải là con đường duy nhất”, đó chỉ là một con đường có thể nói là đó là con đường khá đơn giản và tối ưu.

“Đại học không phải là con đường duy nhất”. Nhưng bước vào đại học sẽ cho ta một chân trời để học hỏi tri thức mới. Đại học sẽ mở ra cho chúng ta một chân trời bao la của sự học, học nữa, học mãi. Ở Đại học, nơi tập trung những giảng viên, giáo sư giỏi, những nhân tài gọi là “nguyên khí của quốc gia”. Những người thầy, những trí thức ưu việt đó sẽ là những người hướng đạo tốt nhất, có ý nghĩa như những chiếc chìa khóa thần diệu giúp tuổi trẻ mở thẳng vào cánh cửa lâu đài khoa học kĩ thuật và trí tuệ. Dân tộc ta là một dân tộc có truyền thống hiếu học, giàu khát vọng trí tuệ. Cần phải coi việc vào Đại học là một con đường tiến thân đẹp đẽ, sang trọng, xứng đáng là một giấc mơ tốt đẹp của biết bao học trò. Phải dồn mọi tâm huyết thời gian, sức lực để có thể đạt kết quả tốt trong kì thi đại học này

Thật ra, có rất nhiều người thành công không từ con đường đại học. Đại học, chỉ là một bước đệm cho ta đi lên trên nấc thang thành công trong cuộc sống. Nhưng vì lối quan niệm như thế, rất nhiều bạn trẻ đã làm đủ mọi cách, học đủ mọi nơi để tìm cách có chân trong giảng đường đại học. Dạo một vòng mạng xã hội trong những mùa ôn thi, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những câu than thở đầy tuyệt vọng: “Bài vở nhiều quá, phải cố lên, cố lên..” hay “Làm sao để vào được đại học..?”. Với những bạn có học lực khá giỏi, có lẽ việc đậu vào một trường đại học không có gì khó, nhưng đối với những học sinh trung bình, thì đó quả thật là một vấn đề nan giải. Tuy nhiên, dù biết rằng mình không hề có đủ khả năng để thi vào đại học, nhưng các bạn ấy vẫn cứ nhắm mắt đưa chân chọn con đường này. Bởi vì, những bạn ấy không đủ can đảm bước đi một con đường khác, đại học vốn dĩ là con đường hầu hết các bạn lựa chọn sau khi tốt nghiệp cấp 3.

Quả thật vậy, vì xã hội quan niệm “đại học là hàng đầu” nên rất nhiều bạn trẻ có cái nhìn khinh thường đối với những văn bằng thấp hơn đại học như trung cấp, cao đẳng, học nghề. Nhưng liệu các bạn có biết, cái giá trị của thành công là những gì ta đạt được, chứ không phải là từ những ta học được. Dù bạn học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hay thậm chí là chẳng học gì sau 12 năm phổ thông đi chăng nữa, thì chỉ cần bạn có tinh thần học hỏi, có ý chí cầu tiến và có quyết tâm làm đến cùng, thì bạn sẽ thành công.

Vào đại học hoàn toàn không phải là con đường duy nhất. Trên thế giới đã chứng kiến nhiều người thành công mà không sở hữu tấm bằng đại học nào cả. Các em vẫn hoàn toàn có thể thành công bằng việc đi theo những con đường khác nhau, miễn là các em có đam mê, có sự cố gắng và nỗ lực hết mình. Có rất nhiều người nổi tiếng trên thế giới không cần học đại học mà vẫn có được những thành công đáng ngưỡng mộ, tiêu biểu như Bill Gates. Hay những nhà bác học nhà phát minh như Edison, Einstein. Con đường vào đời, vào chân trời hạnh phúc ngày nay của tuổi trẻ cũng đã mở ra rất nhiều cánh cửa. Có thể cánh cửa đại học không mở rộng với bạn nhưng những cánh cửa khác không khép lại với bạn.

Qua mỗi mùa thi, có rất nhiều bạn thất vọng vì không thể bước vào đại học, thậm chí nhiều bạn có suy nghĩ tiêu cực dẫn đến những việc làm phá hỏng cả tương lai của mình. Bạn xem đại học là con đường lớn lao mà không bước vào nó thì sẽ cảm thấy xấu hổ và tồi tệ, cảm thấy thua kém bạn bè. Ngày nay, có một thực trạng là, có nhiều người học đại học xong nhưng tấm bằng thì cất vào tủ rồi đi làm công việc gì đó để kiếm sống. Nếu không có lựa chọn thông minh thì chính con đường đại học sẽ hủy hoại cả tương lai của bạn. Vì thế, việc vào đại học hay không cũng không còn quan trọng như trước nữa. Nhiều bạn học cấp ba xong lại lựa chọn đi học nghề, hay đi xuất khẩu lao động.

Nếu hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, trình độ học lực hiện tại còn có hạn thì hãy tạm gác giấc mơ xa vào Đại học, mà hãy thực hiện giấc mơ gần hơn, thực tế hơn. Hãy làm những công việc phù hợp với khả năng, có ích cho gia đình, xã hội. Hãy xem cuộc đời là một trường Đại học, cuộc sống chính là nhà trường mà ở đó mỗi người có thể học hỏi được rất nhiều điều mới lạ. Đại học không phải là con đường duy nhất. Nhưng có một điểm quan trọng là, dù có học đại học hay không thì con đường để thành công không thể nào không học tập.

Văn mẫu số 8: Học đại học có phải là con đường duy nhất để kiến tạo tương lai

Ngạn ngữ có câu: “Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc”. Quả thực, học tập luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi con người, là chìa khóa để đưa xã hội tiến tới văn minh và hạnh phúc. Học đại học chính là một trong những cách giúp con người đạt được ước mơ. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại thì học đại học liệu có phải con đường duy nhất để thành công?

Đại học là cấp học cao hơn sau khi tốt nghiệp bậc Trung học phổ thông. Đây không phải là cấp học bắt buộc nên mỗi cá nhân có quyền tự quyết định liệu mình có tham gia học đại học hay không. Có thể thấy, việc phát triển bậc học đại học cũng góp phần thể hiện trình độ văn minh của xã hội. Càng nhiều ngành học mới xuất hiện thì khả năng sáng tạo, tầm tri thức của con người ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, mỗi người cần phân tích rõ ràng các khía cạnh của việc học đại học để đưa ra quyết định đúng đắn.

Trước hết, học đại học mang lại nhiều cơ hội cho con người. Người Trung Hoa xưa từng nói: “Vạn ban giai hạ phẩm/ Duy hữu độc thư cao” có nghĩa là “Mọi việc đều thấp kém, chỉ có đọc sách thanh cao”. Theo thời gian, quan điểm này không còn vị trí độc tôn trong thời hiện đại nhưng nó cũng cho thấy tầm quan trọng của việc học tập kiến thức và thái độ kính trọng của người đời dành cho những bậc trí thức, đỗ đạt cao. Thời xưa, rất nhiều nam nhi chăm chỉ đèn sách để đợi đến ngày lên kinh ứng thí, hy vọng được làm quan. Chỉ cần một người đỗ đạt là cả họ được nhờ. Cánh cổng kinh đô là ước mơ của biết bao sĩ tử. Đến ngày nay, truyền thống học tập ấy vẫn được lưu truyền. Cơ hội học tập được mở rộng đến muôn người nên cánh cổng đại học lại càng được khao khát. Từ đó, có thể thấy việc học đại học cũng như niềm mong muốn học đại học xuất phát từ nhu cầu thực tế của lịch sử, có mục đích tốt đẹp. Thứ hai, học đại học thực sự giúp chúng ta có cơ hội theo đuổi đam mê có mức độ nâng cao, bài bản hơn. Những kiến thức học ở bậc phổ thông chỉ là những điều cơ bản. Nếu thực sự đam mê một chuyên ngành nào đó, việc học đại học chính là cơ hội tốt để ta phát triển tài năng. Đội ngũ giảng viên chất lượng, cơ sở vật chất tốt, cơ hội tiếp xúc với các chuyên gia,... sẽ là những yếu tố để ta học tập thật tốt. Bên cạnh đó, học đại học cũng có thể bồi đắp cho ta các kĩ năng mềm, rèn luyện cung cách ứng xử của ta. Môi trường đại học không phải là một môi trường “học vẹt” hay chỉ gói gọn trong một phạm vi nhỏ. Ở đó có rất nhiều hoạt động ngoại khóa và hội tụ nhiều con người tài năng từ mọi nơi trên thế giới. Được tiếp xúc với môi trường tốt cùng những người tài giỏi sẽ tiếp thêm động lực cho ta chinh phục tri thức. Ngoài ra, có những ngành nghề đặc thù luôn yêu cầu ứng viên phải đạt đến một trình độ nhất định ở những cơ sở đại học chính quy như bác sĩ, công an, giáo viên,... Nếu những người hành nghề đó không được đào tạo bài bản thì sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng tới xã hội.

Việc học đại học mang lại nhiều lợi ích như vậy nhưng không phải là con đường duy nhất để thành công. Có nhiều bạn trẻ vì tâm lí sợ thua kém bạn bè, không xác định được mục tiêu cụ thể hoặc muốn làm hài lòng cha mẹ mà chọn bừa một trường đại học nào đó để học. Sau bốn năm ngồi trên ghế nhà trường, tiêu tốn cả thời gian và tiền bạc thì những con người đó vẫn không tạo ra giá trị gì cho bản thân, gia đình và xã hội. Việc không hiểu rõ trường và ngành mình học, không cố gắng trong quá trình học dẫn đến sự chán nản, lười nhác. Đây là một thực trạng đáng buồn trong xã hội hiện nay. Không phải ngành nghề nào cũng đòi hỏi ứng viên phải có bằng đại học nên nếu bản thân thực sự đam mê một nghề nghiệp nào đó thì ta có thể lựa chọn đi học nghề. Nghề nghiệp chân chính nào trong xã hội cũng có vai trò nhất định và đáng được trân trọng. Không chỉ vậy, ngoài bằng cấp, con người vẫn cần trau dồi các yếu tố như kĩ năng, thái độ, sức khỏe và đặc biệt trình độ thực tế. Một người biết thực hành, có chuyên môn cao sẽ tạo ra những giá trị tốt đẹp hơn là người cầm tấm bằng suông. Xã hội ngày càng cởi mở, nhiều ngành nghề mới được tạo ra nên có rất nhiều cơ hội cho các bạn trẻ lựa chọn.

Câu chuyện về tỉ phú Bill Gates là một ví dụ điển hình cho câu chuyện này. Bill Gates đã bỏ học tại Đại học Harvard để theo đuổi công việc đam mê. Cả thế giới đã được chứng kiến sự thành công của ông. Thế nhưng, chính Bill Gates cũng phải thừa nhận rằng ông hối hận vì đã không học đến cùng và khuyên các bạn trẻ đừng nên bỏ học như ông. Bill Gates vẫn mong muốn tốt nghiệp tại ngôi trường mình đã theo học. Từ đó, ta có thể thấy giấc mơ “không học mà giàu” là một điều viển vông.

Như vậy, có thể chốt lại rằng học đại học chính là một trong những con đường để dẫn đến thành công chứ không phải con đường duy nhất. Không có con đường nào mà không phải trải qua khó khăn, không có ai thành công mà chưa từng nếm mùi thất bại nên dù lựa chọn của chúng ta là gì thì ta cũng cần cố gắng hết sức, quyết tâm cao độ, trau dồi thêm các kĩ năng khác,...

Thời gian và vũ trụ thì vô biên nhưng cuộc đời con người lại hữu hạn. Hy vọng rằng mỗi người sẽ đưa ra những quyết định sáng suốt cho bản thân để con đường học tập không trở thành gánh nặng và ước mơ của chúng ta đều thành hiện thực.

Kiên Trung