Nông dân Đắk Nông tập trung chăm sóc cà phê sau hạn hán
Hạn hán khiến cho hàng ngàn ha cà phê ở Đắk Nông bị ảnh hưởng và nông dân đang tập trung các biện pháp khôi phục vườn cây, bảo đảm năng suất.
Trong những tháng qua, tình trạng hạn hán, nắng nóng kéo dài đã khiến cho lượng nước cạn kiệt, gây khó khăn cho việc tưới nước cho cây trồng, đặc biệt là cây cà phê. Đến nay, một số vùng trong tỉnh đã xuất hiện mưa cục bộ đã giúp người dân áp dụng các biện pháp “giải hạn”, phục hồi vườn cây.
Gia đình ông Nguyễn văn Kiên ở xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) có 2ha cà phê. Trong đợt nắng hạn vừa qua, mặc dù vườn cây của gia đình ông không thiếu nước tưới, nhưng do thời tiết nắng nóng gay gắt nên cà phê bị khô cành, sâu bệnh xuất hiện nhiều.
Theo ông Kiên, mật độ rệp sáp gây hại khá cao, tỷ lệ gây hại ước khoảng từ 15 – 20%. Do vậy, sau những cơn mưa đầu mùa, ông vẫn sử dụng thuốc đặc trị rệp sáp để phun trừ, bổ sung thêm phân bón, tăng sức đề kháng và nuôi trái của cây cà phê.
Còn tại vùng trọng điểm khô hạn xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, sau hơn 5 tháng nắng hạn khốc liệt, nhiều vườn cà phê bị héo khô, giảm năng suất. Do vậy, việc phục hồi vườn cây sau khô hạn đang được người dân quan tâm hàng đầu.
Gia đình ông Diệp Kỳ Khìn ở thôn Đắk Quang, xã Đắk Lao có hơn 1,5ha đất cà phê xen hồ tiêu. Trong những tháng khô hạn, ông tích cực chăm sóc, bổ sung các loại phân NPK, phân bón trung vi lượng cho vườn cây.
Ông Khìn cho hay: “Sau hạn hán, tôi tiếp tục tiến hành vệ sinh vườn cây, cắt tỉa những cành khô, cành bị sâu bệnh để giúp cho cây cà phê sinh trưởng nhanh”.
Việc chú trọng hơn trong khâu chăm bón, nhất là thời điểm cà phê đang trong giai đoạn tăng kích thước trái, yêu cầu dinh dưỡng rất lớn, nếu thiếu hụt hoặc mất cân đối trái non sẽ rụng nhiều và làm giảm năng suất.
Theo ông Phan Xuân Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Lao, toàn xã có hơn 9.000ha cà phê (gồm cả diện tích Công ty cà phê Đức Lập). Nếu thời tiết nắng nóng kéo dài trong giai đoạn giáp hạt sắp tới thì khả năng 80% diện tích cây cà phê trên địa bàn xã sẽ có nguy cơ mất mùa.
Để phục hồi vườn cà phê sau hạn hán, theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các nhà vườn cần áp dụng cho từng vườn cây cụ thể, căn cứ theo mức độ thiệt hại. Đối với diện tích cà phê bị khô chết toàn bộ cành cơ bản, giải pháp duy nhất là cưa đốn phục hồi.
Đối với diện tích cà phê chỉ bị rụng lá, khô, vàng trái non do thiếu nước, bà con cần tăng cường theo dõi, phòng trừ sâu bệnh như các loại rệp vẩy xanh, rệp sáp… Bà con có thể sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn.
Còn tại những vườn cà phê bị ảnh hưởng của hạn hán ở mức độ nhẹ và trung bình, năng suất giảm ở mức 30% thì tiến hành đốn tỉa và tạo tán, cắt bỏ cành khô, cành bị rụng lá càng sớm càng tốt. Qua đó, giúp cây cà phê tập trung dinh dưỡng nuôi các cành mang trái, hạn chế rụng trái những tháng tiếp theo.
Trường hợp cây bị khuyết tán, cần tạo hình bổ sung tán. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra vườn cây, phát hiện và phòng trừ kịp thời sâu bệnh hại.
Bên cạnh đó, bà con chỉ bón phân sau khi đã có một vài trận mưa lớn, đất đủ ẩm. Đối với phân lân nên bón một lần vào đầu mùa mưa với lượng từ 500 - 800kg/ha, bằng cách rải đều trên mặt đất. Riêng đối với phân đạm và kali, có thể trộn chung với nhau để bón.
Trong điều kiện địa hình ở Đắk Nông, do mưa lớn và tập trung trong một số tháng, để hạn chế sự rửa trôi, tiết kiệm công lao động, bà con tham khảo cơ quan chuyên môn trong sử dụng các loại phân bón, cách bón cho phù hợp theo từng thời điểm, thời vụ. Qua đó, giúp phát huy hiệu quả, tránh lãng phí phân bón.