Kinh tế

Rào cản khiến nông sản Đắk Nông khó vươn xa

Việt Hoàng 30/12/2024 06:43

Công nghệ sản xuất, bán hàng còn yếu khiến cho nhiều nông sản ở Đắk Nông thường gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, nhất là ở thị trường xuất khẩu.

Đắk Nông có nhiều tiềm năng để phát triển các loại cây trồng, sản phẩm nông nghiệp có giá trị, được thị trường ưa chuộng.

Nông sản tiêu biểu của Đắk Nông chủ yếu là cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, ca cao, khoai lang, bắp và cây ăn trái đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), người dân đầu tư chế biến sâu…

060039cf-godere.jpg
Cà phê là một trong những loại nông sản chủ lực ở Đắk Nông (Ảnh: Đức Hùng)

Tuy nhiên, lâu nay, sản xuất nông nghiệp ở Đắk Nông còn nặng về lấy sản lượng làm mục tiêu. Nông dân sản xuất cái mình có, chưa chú trọng đến thị trường, giá bán, lời lãi cho mỗi vụ, tối ưu hóa lợi nhuận.

Bà con nông dân sản xuất thiếu khoa học, thiếu liên kết. Sản phẩm làm ra có lúc dư thừa, lúc thiếu, dẫn đến tình trạng "được mùa mất giá" và ngược lại…

Theo một số nhà kinh doanh nông sản, nông nghiệp Đắk Nông còn nhiều điểm yếu, dẫn đến đầu ra bấp bênh, giá trị sản xuất chưa cao. Một trong những khâu yếu nhất là về công nghệ sản xuất, chế biến và bán hàng.

z4928708849482_d49f4026d7d7fcc94c0f14793c728ecd-d36ad3ed84668a7ac6001e786ec5f954.jpg
Sầu riêng Đắk Nông xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (Ảnh: Hồng Thoan)

Ông Nguyễn Thành Đạt, Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Liên Thành (Bình Dương) cho biết, Đắk Nông đã tiến hành ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông sản.

Tuy nhiên, tỉnh vẫn tồn tại nhiều khó khăn trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao như: thiếu vốn đầu tư, chất lượng lao động thấp, kết cấu hạ tầng vùng nông thôn còn nhiều bất cập...

Tỉnh mới chỉ có một số mô hình nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, thực chất Đắk Nông vẫn chưa có mô hình hoàn chỉnh về nông nghiệp 4.0.

a1-1-.jpg
Ông Nguyễn Thành Đạt (bên phải), Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Liên Thành cho rằng, nông nghiệp Đắk Nông còn yếu về công nghệ

Chưa có công nghệ cao cũng đồng nghĩa với việc tỉnh chưa có nhiều sản phẩm chất lượng cao. Đi kèm với đó là khâu tiêu thụ sẽ rất khó khăn. Bởi vì, người tiêu dùng hầu như không ai lựa chọn sản phẩm chất lượng kém, đặc biệt là ở các nước phát triển

Mặt khác, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Đắk Nông có sự tăng nhanh. Mặc dù vậy, vẫn còn có sự thiếu tin tưởng của
người tiêu dùng đối với nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Nguyên nhân là do người sản xuất có nhiều vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình canh tác, chế biến sản phẩm. Nhiều sản phẩm của tỉnh chưa đạt các tiêu chuẩn chất lượng trong nước và quốc tế.

Ngoài công nghệ sản xuất, Đắk Nông còn yếu về công nghệ bán hàng. Điều này là rất rõ ràng. Hầu hết nông dân, người sản xuất nông nghiệp ở Đắk Nông, kể cả các HTX vẫn còn yếu, thiếu hiểu biết về công nghệ thông tin. Họ chưa tiếp cận được với thương mại điện tử.

Do đó, khả năng quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại cho sản phẩm còn rất hạn chế. Hay nói cách khác, người sản xuất chỉ bán sản phẩm nông nghiệp cho đại lý, tư thương, cùng lắm là HTX, doanh nghiệp là chính. Họ chưa thể trực tiếp mang sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng quốc tế.

20210512_100315.heic-1-.jpg
Nhiều doanh nghiệp ở Đắk Nông đã đầu tư chế biến sâu các loại nông sản phục vụ xuất khẩu

Công nghệ chế biến, đóng gói, tạo mẫu mã cho sản phẩm ở Đắk Nông cũng chưa tốt. Vì thế, hầu hết sản phẩm ở Đắk Nông chưa tạo dựng được thương hiệu, chưa thể gây ấn tượng mạnh trên thị trường.

Cũng theo ông Đạt, Đắk Nông cần sớm có giải pháp công nghệ cho nông nghiệp. Trước hết, tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Trong đó, cần ưu tiên, đãi ngộ đặc biệt cho các dự án, doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh cần hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp tiếp cận về công nghệ thông tin, thương mại điện tử. Việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, hình ảnh, mẫu mã sản phẩm cũng cần hỗ trợ cho người dân, HTX...

Đắk Nông đã hỗ trợ lên sàn thương mại điện tử cho 1.161 sản phẩm; trong đó có 47 sản phẩm OCOP. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 hỗ trợ người sản xuất đưa lên sàn thương mại điện tử cho 2.000 sản phẩm, trong đó có 100% sản phẩm OCOP.

Việt Hoàng