Người dân Đắk Nông xúc động, tự hào khi về với Điện Biên anh hùng
Đó là cảm nhận, suy nghĩ và tâm trạng chung của những người dân Đắk Nông khi đặt chân đến mảnh đất Điện Biên anh hùng - nơi diễn ra chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Thêm tự hào về truyền thống yêu nước của dân tộc
Những ngày cuối tháng 4, bà Nguyễn Thị Chín, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đắk Nông đã có chuyến công tác tại TP. Điện Biên Phủ (Điện Biên) để tham dự Lễ phát động Tháng Nhân đạo cấp quốc gia năm 2024 do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên tổ chức. Đây là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Lần đầu tiên được đặt chân lên mảnh đất Điện Biên anh hùng, đi đến đâu, bà Chín đều thấy rợp cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, xen lẫn là các băng rôn khẩu hiệu tuyên truyền về 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Dạo quanh mỗi khu phố, những bài hát ca ngợi về chiến thắng Điện Biên Phủ vang lên như gợi nhắc cho người dân Điện Biên nói riêng, du khách thập phương nói chung về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ. Từ đó, mỗi thành viên trong đoàn thêm tự hào về lịch sử, truyền thống đấu tranh kiên trung, anh dũng, gan dạ, quả cảm của lớp lớp cha anh.
Trong chuyến công tác 2 ngày, 2 đêm tại đây, bà Chín và các thành viên đã được đi tham quan các cứ điểm của trận địa Điện Biên Phủ cũng như được gặp nhiều nhân chứng lịch sử, nghe kể những câu chuyện đầy oai hùng trong trận chiến 56 ngày đêm quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của quân và dân ta.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đắk Nông chia sẻ, nhiều lần tìm hiểu về Chiến dịch Điện Biên Phủ qua sách báo, truyền hình, bà luôn ao ước một lần được về Điện Biên. Đến nay, ước mơ ấy đã thành sự thực. Vừa đi, vừa nghe hướng dẫn viên nói về mỗi cứ điểm, mỗi trận đánh, bà Chín mường tượng ra những gì đã diễn ra trong quá khứ. Từ đó, bà Chín hiểu hơn về sức mạnh to lớn của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp và thêm tự hào về mảnh đất Điện Biên.
Bà Chín cho biết: "Tham quan mỗi trận địa của Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi hình dung rõ hơn về cuộc chiến đấu kiên trung, anh dũng, quả cảm của cha ông ta trong kháng chiến chống Pháp. Từ đó, chúng tôi tự hứa với lòng mình sẽ nối tiếp tinh thần yêu nước, tinh thần Điện Biên bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Trước mắt, với vai trò là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đắk Nông, tôi sẽ phối hợp triển khai thực hiện thành công Tháng Nhân đạo năm 2024 xứng đáng là cầu nối nhân ái, gắn kết những tấm lòng thiện nguyện vì các đối tượng khó khăn”.
Điện Biên Phủ - một phần tuổi trẻ của bố
Cuối tháng 4/2024, chị Nguyễn Thị Thùy Dung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghĩa tình biên cương, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức có dịp tham quan trận địa Điện Biên Phủ. Nơi này cách đây 70 năm, bố của chị đã trực tiếp vào trận địa, góp sức đánh đuổi quân Pháp làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vang danh sử sách.
Chị Dung cho biết, bố và chú ruột của chị từng có thời gian tham gia kháng chiến chống Pháp và Chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ thuở nhỏ, chị đã nhiều lần được nghe kể về cuộc chiến, về sự gian khổ hy sinh và niềm vui khi chiến dịch thắng lợi. Hôm nay, sống trong không khí của 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và tham quan trận địa Điện Biên, chị Dung như nhìn thấy tuổi thanh xuân rất đỗi tự hào của bố mình.
“Khi tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhìn các hiện vật, các cứ điểm chiến dịch và những tấm ảnh đã nhuốm màu thời gian, lòng tôi dâng trào cảm xúc khó tả. Tôi hình dung ra hình ảnh bố và chú tôi ở đó, cùng đồng đội đang hành quân và chiến đấu. Điều này đã hun đúc trong tôi tình yêu quê hương đất nước mãnh liệt, tiếp thêm động lực trong hành trình lan tỏa những giá trị nhân ái của mình”, chị Dung bồi hồi nhớ lại.
Trở về sau chuyến đi, chị Dung ý thức được rằng, mình càng phải có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước và có thêm nhiều việc làm ý nghĩa đối với bà con Nhân dân xã biên giới Quảng Trực. “Trước sự hy sinh, đóng góp to lớn của thế hệ cha anh đi trước, tôi nhận thấy những việc làm của mình trong lao động sản xuất, nhân đạo từ thiện thời gian qua rất nhỏ nhoi. Từ đó, tôi hứa với lòng nỗ lực hơn, hăng hái hơn, nhất là trong công tác thiện nguyện để giúp đỡ thật nhiều hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Đó cũng chính là cách để tôi thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, để xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh”, chị Dung cho hay.
10 năm trước, nhân Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, bà Trần Thị Sơn, phường Nghĩa Phú, TP. Gia Nghĩa có dịp cùng bố là ông Trần Hữu Thái về thăm lại chiến trường xưa với bao xúc động, tự hào.
Từ Đồi A1, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, Hầm Đờ Cát, Đèo Pha Đin… mỗi địa điểm, bố bà đều dừng lại kể cho bà nghe về cuộc chiến đấu oanh liệt, những khó khăn, gian khổ, hy sinh của quân và dân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Đứng tại trận địa, nghe kể về mỗi trận đánh, bà Sơn càng tự hào về một đất nước Việt Nam anh hùng.
Bà Sơn chia sẻ: “Tôi rất tự hào khi bố mình đã trực tiếp tham gia và góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Được về Điện Biên cùng bố - người trực tiếp vào trận địa đánh giặc, tôi càng thêm trân trọng và biết ơn những hy sinh của cha ông vì nền độc lập của dân tộc. Bố tôi và những chiến sĩ Điện Biên năm xưa đã có một thời thanh xuân rực rỡ, huy hoàng”.
Bà Chín, bà Sơn và chị Dung chỉ là ba trong số rất nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đến Điện Biên, trực tiếp đến tham quan nơi diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ trong kháng chiến chống Pháp. Dù không sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Điện Biên, dù chưa một lần đến mảnh đất anh hùng này, nhưng Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông luôn tự hào về chiến thắng Điện Biên Phủ.
Những ngày này, khi Điện Biên đang nô nức tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, người dân Đắk Nông cũng như người dân cả nước luôn hướng về Điện Biên với tình cảm thân thương và niềm tự hào sâu sắc.
Mỗi người dân Đắk Nông nguyện viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc, của chiến thắng Điện Biên Phủ, luôn nêu cao tinh thần yêu nước, vững tin theo con đường Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn, nỗ lực, đoàn kết, khắc phục khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, nhân ái, nghĩa tình.