Kinh tế

Những điểm nghẽn của nông sản Đắk Nông

Nhóm P.V 05/05/2024 20:06

Nhiều năm nay, Đắk Nông gặp khó khăn về đầu ra nông sản mà nguyên nhân chính là do những rào cản lớn chưa được tháo gỡ.

Sản xuất chưa bắt nhịp với thị trường

Tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ ở Đắk Nông vẫn còn nhiều. Với quy mô nhỏ lẻ, người dân hiện nay chỉ có thể sản xuất với số lượng ít, chất lượng thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của đơn vị nhập khẩu.

Khi cần nguồn hàng lớn, doanh nghiệp thường phải thu gom của nhiều hộ nông dân mới có thể giao đủ sản lượng. Tuy nhiên, cách làm này lại đang khiến cho chi phí hàng hóa, giá thành sản phẩm tăng lên, khó cạnh tranh với sản phẩm ở các nước.

o-ut-1-.jpg
Ông Nguyễn Bá Út, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Nông

Mặt khác, hiện nay, nông sản từ vườn tới chợ hoặc siêu thị lại đang phải qua nhiều kênh trung gian. Do đó, người dân bị ép giá ở mức thấp nhất, lợi ích thuộc về thương lái.

Trong khi đó, nhiều trang trại, HTX của địa phương có khả năng phát triển, cung ứng hàng hóa số lượng lớn, chất lượng cao lại chưa được hỗ trợ thông thoáng từ chính sách.

Việc chạy theo thị trường, chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm đã đầu tư sản xuất, thiếu sự liên kết thu mua ổn định khiến nhiều nông dân đang gặp trở ngại.

Quýt đường của HTX sản xuất nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú, huyện Krông Nô được sản xuất trên vùng đất phun trào của núi lửa Nâm Ka
Quýt đường của HTX sản xuất nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú, huyện Krông Nô được sản xuất trên vùng đất phun trào của núi lửa Nâm Ka

Hiện nay, đa số nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, tuân thủ quy trình, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, mà chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt. Điều này cũng đã làm cho đầu ra sản phẩm hàng hóa thiếu tính bền vững.

Một khó khăn lớn nữa hiện nay là sự liên kết trong sản xuất còn thiếu sự tham gia của các doanh nghiệp, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm.

Trên thực tế, sự liên kết chủ yếu giữa Nhà nước và nhà nông trong quá trình sản xuất, tiêu thụ. Còn doanh nghiệp tham gia rất hạn chế và nếu có cũng chỉ tham gia vào khâu cung ứng sản phẩm vật tư đầu vào để thu lợi nhuận.

Đến tháng 5/2024Đắk Nông đã có 96 sản phẩm OCOP của 78 chủ thể
Đến tháng 5/2024 Đắk Nông đã có 96 sản phẩm OCOP của 78 chủ thể

Khâu tiêu thụ sản phẩm cho nông dân vẫn chưa được doanh nghiệp quan tâm nhiều. Trong khi, việc tiêu thụ sản phẩm là yếu tố quan trọng trong quá trình liên kết và doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt. Hiện nay, các thị trường nhập khẩu đều đưa những tiêu chuẩn cao đối với sản phẩm nông sản.

Các doanh nghiệp Đắk Nông cần chủ động tìm hiểu, nắm vững nhu cầu, quy định, tiêu chuẩn của các thị trường, để xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Từ đó, xây dựng vùng sản xuất bền vững, tránh ồ ạt chuyển hướng khi thấy nhu cầu thị trường tăng cao vào một thời điểm nhất định.

Bị động trong sản xuất và tiêu thụ

Sản xuất nông nghiệp của Đắk Nông đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng nhiều đến đầu ra. Trước hết, đó là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, chưa hình thành được các vùng sản xuất tập trung. Điều này gây khó khăn cho công tác đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý chất lượng, tiêu thụ sản phẩm.

dsc_2740(1).jpg
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN – PTNT tỉnh Đắk Nông

Mặt khác, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi xảy ra nhiều, làm suy giảm chất lượng sản phẩm và gây khó khăn trong khâu tiêu thụ. Các hình thức tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa hiệu quả.

Nhiều loại cây trồng ở Đắk Nông chưa có vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu tập trung, nên khó khăn cho việc kêu gọi đầu tư chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Đắk Nông còn ít (Ảnh: Văn Tâm)
Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Đắk Nông còn ít

Đối với thị trường nội địa, các sản phẩm nông sản được người dân tiêu thụ chủ yếu theo 2 kênh chính: kênh thu mua của các đại lý do thương lái nhỏ lẻ tạo nên; kênh thu mua của các doanh nghiệp, HTX liên kết với người dân.

Tuy nhiên, các kênh tiêu thụ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như "bẻ kèo", "bẻ hợp đồng", "găm hàng". Nguy hiểm hơn là doanh nghiệp, đại lý phá sản, gây thiệt hại lớn cho người ký gửi sản phẩm.

Hạn chế lớn nhất về đầu ra nông sản của Đắk Nông là người sản xuất chưa tiếp cận được các mức giá và hoạt động giao dịch trên thị trường quốc tế.

Nhiều doanh nghiệp ở Đắk Nông đã đầu tư chế biến sâu các loại nông sản phục vụ xuất khẩu
Nhiều doanh nghiệp ở Đắk Nông đã đầu tư chế biến sâu các loại nông sản phục vụ xuất khẩu

Thay vào đó, các doanh nghiệp, đại lý giữ vai trò quyết định về giá và các hoạt động giao dịch thương mại. Thực trạng này làm hạn chế sức tiêu thụ sản phẩm rất lớn.

Đa phần sản phẩm nông nghiệp của địa phương chưa có thương hiệu, nên gặp khó khăn khi tham gia thị trường và đặc biệt là thị trường xuất khẩu.

Thực trạng người dân sản xuất theo phong trào còn nhiều, dẫn đến cung lớn hơn cầu, khó tiêu thụ. Chỉ cần khi thị trường nông sản trong và ngoài nước có biến động là ngay lập tức nông dân Đắk Nông phải hứng chịu nhiều thiệt hại.

Chưa có bộ tiêu chuẩn chất lượng nông sản

Khu vực Tây Nguyên nói chung, Đắk Nông nói riêng thuộc nhóm dẫn đầu về xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Trong đó, nổi bật là sản phẩm cà phê. Tuy nhiên, tên tuổi của nông sản Đắk Nông trên bản đồ thế giới hầu như chưa có.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này. Trong đó, mấu chốt nhất vẫn là phương thức canh tác lạc hậu, manh mún, không kiểm soát được chất lượng. Các địa phương, người sản xuất ở Đắk Nông chưa làm chủ được thị trường.

img_2083-1-(1).jpg
Anh Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông

Người tiêu dùng đang ngày càng ý thức hơn trong việc sử dụng sản phẩm sạch. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp quá vội vàng, nên đi chệch hướng các yêu cầu của thị trường, dẫn đến bế tắc trong tiêu thụ sản phẩm.

Việc định vị, xây dựng nguồn nguyên liệu là yếu tố quan trọng bậc nhất, nhưng lại đang bị nhiều doanh nghiệp kinh doanh nông sản ở Đắk Nông bỏ qua.

Làm sao để xây dựng được nguồn nguyên liệu tại chỗ, khép kín, bảo đảm nguồn nông sản chất lượng là điều doanh nghiệp cần hướng tới. Từ đó, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo đầu ra tốt hơn.

Nếu xây dựng được vùng nguyên liệu, doanh nghiệp dễ dàng thuyết phục nông dân canh tác theo hướng an toàn, đạt các tiêu chuẩn chất lượng.

t12.8.jpg
Gạo ST24, ST25 ở Buôn Chóah được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP

Doanh nghiệp cũng để phải truyền thông cho người tiêu dùng về sản phẩm sạch, chất lượng. Nông dân cũng thay đổi tư duy, hiểu rõ và thực hành về sản xuất theo tiêu chuẩn.

Trong sản xuất, giữa địa phương, doanh nghiệp, người dân hiện nay chưa có sự liên kết chuỗi giá trị, nhất là khâu bao tiêu sản phẩm. Đắk Nông hiện vẫn chưa có những tiêu chuẩn chất lượng cho từng ngành hàng nông sản.

tr12.9(1).jpg
Đắk Nông nổi tiếng với các loại bơ đặc sản như bơ sáp, booth, 034, pinkerton, hass, reed…

Tiêu chuẩn này cần từ chất lượng vật tư đầu vào, giống, thu hoạch, bảo quản, cách sơ chế, chế biến và cả tiêu thụ. Đây là hạn chế rất lớn, ảnh hưởng nhiều đến khâu tiêu thụ các loại nông sản.

Điều quan trọng cuối cùng là nông dân phải tuân thủ các quy trình canh tác, sản xuất theo xu hướng hữu cơ, tránh chạy theo lợi nhuận trước mắt. Các tiêu chí trong sản xuất như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… cần được nghiêm túc ứng dụng rộng rãi.

Hạn chế vùng nguyên liệu

Trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay, nếu sản xuất nhỏ lẻ thì hiệu quả kinh tế thấp và tiêu thụ khó khăn. Vì thế, tập hợp nhau lại để liên kết, thành lập HTX, mở rộng quy mô sản xuất là khâu tối quan trọng.

Một trong những khâu yếu nhất của nông dân đó là sản xuất nông sản vừa nhỏ lẻ, vừa chưa được chứng nhận các tiêu chuẩn. Do đó, nông sản của nông dân hoàn toàn lệ thuộc vào thương lái, thị trường, nên đầu ra không ổn định, bị ép giá và không thể xuất khẩu.

z5381350685280_6ddd35d3e2709efd91805e88bbd9596c(1).jpg
Ông Lê Văn Hoàn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hoàng Phương

Trong khi đó, Đắk Nông có nhiều loại cây trồng có diện tích lớn như cà phê, hồ tiêu, trái cây, rau, củ, quả…, nhưng lại thiếu nguyên liệu quy mô lớn. Đây là một nghịch lý mà ai cũng thấy.

Nhiều năm qua, Đắk Nông vẫn loay hoay xử lý tồn tại này, nhưng thực tế vẫn chưa đâu vào đâu. Phần lớn nông dân, doanh nghiệp vẫn "mạnh ai nấy làm". Sản phẩm làm ra nông dân tự mang đến đại lý, mang ra chợ tiêu thụ, chưa có sự liên kết, tập hợp.

Nhu cầu về lao dộng phổ thông tại các doanh nghiệp chế biếncủa Đắk Nông rất lớn
Các doanh nghiệp Đắk Nông đầu tư chế biến nông sản để tăng khá năng tiêu thụ

Mặt khác, dù đã có sự liên kết với nông dân, nhưng nhiều HTX, doanh nghiệp ở Đắk Nông vẫn thiếu sự hợp tác với nhau. Khi các đối tác muốn nhập nông sản số lượng lớn thì từng HTX vẫn không đáp ứng được. Các HTX, doanh nghiệp nếu hợp tác, liên kết được với nhau thì sẽ đáp ứng được các đơn hàng lớn.

Để nông sản có thể tham gia vào các thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường các nước phát triển, sản xuất nông nghiệp cần theo hướng xanh, sạch, sản phẩm hữu cơ và an toàn.

Đến năm 2025, Đắk Nông sẽ cần khoảng 60.000 lao động thường niên làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp
Đắk Nông có nhiều loại nông sản tiềm năng phục vụ thị trường xuất khẩu

Tuy nhiên, do nhiều vấn đề khác nhau như chi phí đầu tư sản xuất, năng lực của nông dân, nên sản xuất nông nghiệp ở Đắk Nông vẫn chưa thực sự tham gia các quy trình tiêu chuẩn hoặc có tham gia, nhưng với mức độ nhỏ lẻ.

Nhóm P.V