Thương mại - Dịch vụ

Nông sản Đắk Nông xuất khẩu đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ

P.V 03/05/2024 06:09

Hoạt động xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới của Đắk Nông có những bước phát triển lớn. Quy mô xuất khẩu đã được mở rộng đến 35 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nông sản đóng góp lớn

Theo Sở Công thương Đắk Nông, giai đoạn 2004-2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đắk Nông đạt 11.867 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 18,61%/năm. Trong đó, riêng năm 2023 đạt 1.271 triệu USD, tăng gần 25,6 lần so với năm 2004.

xuat-khau-dieu-le-dung(1).jpg
Hạt điều là một trong 4 sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu của tỉnh Đắk Nông

Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng. Đến nay, quan hệ thị trường của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, chiếm tỷ trọng cao và ổn định là Singapore, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Philippines, Nhật Bản... Ngoài việc duy trì các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đang chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường mới.

Đóng góp lớn vào thành tích xuất khẩu của Đắk Nông là các mặt hàng nông sản. Lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn nước đã giúp Đắk Nông đa dạng các sản phẩm nông nghiệp. Theo Sở Công thương Đắk Nông, sản phẩm nông nghiệp của Đắk Nông hiện rất đa dạng và đang được chia thành 3 nhóm chính, với 23 sản phẩm khác nhau, gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh; nhóm sản phẩm tiềm năng và nhóm sản phẩm chủ lực của các địa phương. Trong đó, nhóm chủ lực của tỉnh đang có 4 sản phẩm chính gồm: cà phê, hồ tiêu, cao su, điều. Hiện nay, thị trường tiêu thụ chủ yếu của nhóm là xuất khẩu và tương đối ổn định.

Để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nhiều nông dân Đắk Nông đã mạnh dạn liên kết, thay đổi phương pháp canh tác theo các tiêu chuẩn để tạo ra nông sản chất lượng cao, đưa hàng hóa xuất khẩu. Nhờ đổi mới tư duy, tổ chức liên kết sản xuất với doanh nghiệp, sản phẩm đạt chất lượng cao nên sản phẩm nông sản Đắk Nông rộng đường tiêu thụ.

ca-phe(1).jpg
Nông dân đã mạnh dạn liên kết, thay đổi phương pháp canh tác cà phê theo các tiêu chuẩn

Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, xác định đa dạng hoá sản phẩm là giải pháp quan trọng giúp chiếm lĩnh các thị trường và gia tăng kim ngạch xuất khẩu, thời gian qua, các doanh nghiệp đã tập trung mọi nguồn lực cho việc hoàn thiện quy trình chế biến các sản phẩm nông sản.

Đắk R’lấp là một trong những địa phương có các doanh nghiệp thuộc hàng “đầu tàu” về lĩnh vực xuất khẩu các mặt hàng chủ lực. Những cái tên quen thuộc phải kể đến DNTN Toàn Hằng; Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R’lấp)…

DNTN Toàn Hằng, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp hiện đang là đối tác tin cậy của hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây là một trong những đơn vị chủ lực đầu tư vào chế biến cà phê xuất khẩu của tỉnh. Bình quân mỗi năm, doanh nghiệp sản xuất cung ứng ra thị trường khoảng 30.000 tấn cà phê. Mặt hàng này đã hiện diện ở nhiều nước trên thế giới như: Hoa Kỳ, Đức, Tây Ban Nha và Philipines... Để có được sản phẩm tốt, doanh nghiệp hiện đang liên kết với gần 11.000 nông hộ quanh vùng để sản xuất 1.500 ha cà phê và xây dựng nhà máy theo các tiêu chuẩn quốc tế như: ISO 9001, ISO 22000, HACCP, 4C, UTZ-RA...

Còn Công ty TNHH Hồng Đức, huyện Đắk R’lấp hiện mỗi năm sản xuất và cung ứng cho thị trường gần 10.000 tấn điều các loại. Sản phẩm của doanh nghiêp hiện có tới 99% sản lượng phục vụ xuất khẩu. Trong đó, thị trường xuất khẩu mạnh nhất là Trung Quốc. Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Đức, để nâng tầm giá trị hạt điều Đắk Nông, doanh nghiệp luôn chú trọng tới tất cả các khâu sản xuất. Khâu nguyên liệu được chọn lọc kĩ lưỡng, đạt chuẩn, đến hệ thống kho bãi, nhà xưởng, máy móc thiết bị tiên tiến...

Cơ hội và thách thức

Hội nhập quốc tế mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực nhờ cắt giảm thuế quan. Nông sản có nhiều cơ hội lựa chọn thị trường, đối tác phù hợp. Cùng với đó, nhu cầu về lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng mạnh trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, sự mất ổn định và biến động về kinh tế, chính trị thế giới, mối lo ngại về an ninh lương thực mở ra nhiều cơ hội trong xuất khẩu nông sản.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội thì lĩnh vực xuất khẩu nông sản cũng gặp không ít thách thức. Việt Nam đã ký kết tham gia và đàm phán 17 FTA, từ đó sẽ thu hút nhiều vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp. Đây là thách thức lớn khi xu hướng đầu tư vào nông nghiệp của các nhà đầu tư nước ngoài với lợi thế cả về tài chính, công nghệ và thị trường. Với lợi ích thu được từ FTA, nhất là những ưu đãi về thuế quan, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ dịch chuyển nhà máy từ nhiều quốc gia khác sang Việt Nam, gây áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nông nghiệp trong nước. Khi đó, nông sản trong nước sẽ bị cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là cạnh tranh về giá cả và chất lượng sản phẩm.

tieu(1).jpg
Hội nhập quốc tế mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực của Đắk Nông

Nông sản cũng sẽ đối mặt với nhiều rào cản thương mại, chính sách nhập khẩu của các nước với những yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường và xã hội. Trong khi đó, chủ nghĩa bảo hộ thương mại xuất hiện trở lại. Các nước bảo hộ nền kinh tế trong nước bằng cách gia tăng các rào cản kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại tạo ra những thách thức đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Để nông sản Đắk Nông khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng vững chắc hơn, các chuyên gia cho rằng, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp để người dân nắm bắt kịp thời và áp dụng vào hoạt động sản xuất. Việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, phục vụ sản xuất và đời sống Nhân dân cần được quan tâm hơn.

Đắk Nông thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất, chế biến, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đến tiêu thụ; hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, đặc biệt là các liên minh, liên kết trong sản xuất. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, hỗ trợ cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất; thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân; xây dựng thương hiệu nông sản mới, quảng bá các thương hiệu hiện có ra thị trường nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.

Cùng với mở rộng liên kết, hợp tác quốc tế để thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn hỗ trợ phát triển chính thức vào lĩnh vực nông nghiệp, Đắk Nông cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư nhằm không ngừng tìm kiếm thị trường, mở rộng đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, Đắk Nông cần chú ý thông qua hoạt động xúc tiến, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước đủ năng lực tài chính và quản trị làm nòng cốt cho việc hình thành liên kết phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm, nhất là đối với các sản phẩm nông, lâm nghiệp...

Kim ngạch xuất khẩu của Đắk Nông quý I/2024 đạt 21,7% kế hoạch (kế hoạch 1.012 triệu USD). Trong đó, đóng góp nhiều vào kim ngạch xuất khẩu chủ yếu là các mặt hàng nông sản: cà phê ước đạt 71,5 triệu USD; tiêu đen ước đạt 14,9 triệu USD; điều nhân ước đạt 34,9 triệu USD…

P.V