Nhận diện và tháo gỡ điểm nghẽn cho nông sản Đắk Nông
Nhận diện, khắc phục những điểm nghẽn về đầu ra giúp nông nghiệp Đắk Nông phát huy được các tiềm năng, cơ hội để phát triển hiệu quả.
Điểm nghẽn tư duy
Lâu nay, sản xuất nông nghiệp Đắk Nông còn nặng về lấy sản lượng làm mục tiêu. Nông dân sản xuất cái mình có, chưa chú trọng đến thị trường, giá bán, lời lãi cho mỗi vụ, tối ưu hóa lợi nhuận.
Bà con sản xuất thiếu khoa học, thiếu liên kết. Sản phẩm làm ra có lúc dư thừa, lúc thiếu, dẫn đến tình trạng "được mùa mất giá" và ngược lại…
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, tư duy, đổi mới sản xuất theo hướng hàng hóa đang là một trong những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay ở Đắk Nông.
Ngành Nông nghiệp đang tập trung thay đổi tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp cho nông dân. Trong đó, sản xuất nông nghiệp phải lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu, chuyển từ tư duy tăng sản lượng sang tăng giá trị.
Nông dân cần làm ra sản phẩm mà thị trường cần, bao gồm giá trị, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm… Điều này đồng nghĩa với việc người sản xuất chú trọng giảm chi phí, tăng được lợi nhuận, tăng giá trị gia tăng.
Ngành Nông nghiệp sẽ chuyển đổi tích cực, bền vững, từ cạnh tranh bằng số lượng, khai thác tự nhiên sang cạnh tranh bằng chất lượng, tiêu chuẩn và những nội dung đi kèm như tiết kiệm, an toàn, bảo vệ môi trường…
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc NN- PTNT Đắk Nông cho biết, nhà nông đang bỏ dần kiểu tư duy, hành động “trồng - chặt”.
Chẳng hạn, những năm gần đây, dù có nhiều thời điểm giá hồ tiêu, cà phê, cao su xuống rất thấp nhưng diện tích các loại cây trồng chủ lực này của tỉnh vẫn giữ ổn định.
Để lan tỏa thay đổi tư duy sản xuất, ngành Nông nghiệp và địa phương tiếp tục vận động từng hộ gia đình vận hành canh tác phù hợp, hiệu quả theo hướng hàng hóa.
Ngành Nông nghiệp tập trung tích tụ ruộng đất để có vùng sản xuất đủ lớn, thuận lợi cho việc áp dụng đồng bộ cơ giới hóa. Ngành đầu tư nâng cao tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa các khâu làm đất, gieo trồng, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản, chế biến...
Thiếu liên kết
Phải thừa nhận rằng, đến nay, nông nghiệp Đắk Nông về cơ bản vẫn là nền nông nghiệp gia công, chế biến thô, với giá trị gia tăng rất thấp. Nông dân còn khó làm giàu bằng nông nghiệp, chưa biết nhiều về kinh tế nông nghiệp.
Trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu nông sản Đắk Nông đạt tương đối cao. Tuy nhiên, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu vẫn ở dạng thô (chiếm khoảng 80%).
Khoảng 70% sản phẩm nông nghiệp lệ thuộc vào những thị trường rủi ro. Đây là một trong những rào cản trong phát triển nông nghiệp của Đắk Nông.
Một điểm nghẽn khác được xác định là nông nghiệp Đắk Nông đang thiếu vai trò dẫn dắt, tạo liên kết của các doanh nghiệp, hợp tác xã lớn.
Hiện nay, liên kết sản xuất nông nghiệp ở Đắk Nông đang ở quy mô nhỏ, yếu, dễ đứt gãy. Đây là nút thắt trong tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Thiếu liên kết, nên dễ mất cân đối cung cầu. Sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, dễ bị lợi dụng, ép giá.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên cho rằng, doanh nghiệp được xác định là mắt xích quan trọng nhất trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu nông sản.
Tuy nhiên, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trong những năm qua ở Đắk Nông gặp không ít khó khăn.
Nguyên nhân là nông nghiệp đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tiềm ẩn nhiều rủi ro và những hạn chế trong tổ chức sản xuất, nên doanh nghiệp chưa mặn mà với lĩnh vực này.
Mặt khác, còn nhiều khó khăn, hạn chế khi doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp. Đó là khó tiếp cận đất đai, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, chính sách ưu đãi còn ít.
"Đây là một những điểm yếu mà tỉnh đang tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên cho biết.
Đắk Nông hiện có 65 liên kết thuộc 9 ngành hàng nông sản, với 9.660 hộ dân tham gia. Tỉnh có 72 doanh nghiệp và hàng trăm cơ sở, hộ gia đình sơ chế, chế biến nông sản quy mô nhỏ. Liên kết chỉ chiếm khoảng 10% giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp.
Yếu về logistics
Logistics là chuỗi hoạt động trong tiêu thụ sản phẩm như nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, thủ tục hải quan, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng…
Theo thống kê của Bộ NN - PTNT, chi phí logistics cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam nói chung chiếm khoảng 20 - 25%. Đây là mức chi phí khá cao so với các nước trong khu vực. Logistics đang là điểm nghẽn trong sản xuất và đưa nông sản ra thị trường.
Ông Lê Văn Hưng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ bơ M’nông, TP. Gia Nghĩa cho rằng, Đắk Nông vẫn thiếu những địa điểm, hạ tầng phục vụ việc lưu trữ, vận chuyển nông sản nói riêng, hàng hóa nói chung. Các hoạt động mềm khác về nhận hàng, vận chuyển, lưu kho… còn thiếu và yếu.
Chính vì thế, doanh nghiệp của ông mỗi lần cần vận chuyển bơ tươi đi xa đều gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất là tìm kiếm phương tiện vận chuyển. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm, chi phí đội lên và giảm lợi nhuận.
Do đó, theo ông Hưng phát triển sản phẩm hàng hóa nông sản cần đi đôi với việc phát triển các nhà máy chế biến, kho dự trữ, hệ thống giao thông vận chuyển. Nó đòi hỏi bảo đảm sự hoạt động nhịp nhàng, có hiệu quả của các tổ hợp sản xuất công - nông hoàn chỉnh.
"Phải như vậy mới nâng cao được chất lượng sản phẩm nông sản, giải quyết được đầu vào và đầu ra, giảm bớt những tổn thất không mong muốn", ông Hưng chia sẻ.
Ông Nguyễn Hàm Thái, Giám đốc Công ty TNHH Thái Thịnh cho biết, có những thời điểm công ty cần thu mua, chế biến nông sản với sản lượng lớn.
Thế nhưng, hệ thống kho lạnh của công ty không đáp ứng nhu cầu, nên buộc giảm lượng mua vào. Nếu Đắk Nông có thêm hệ thống kho lạnh quy mô lớn, công ty có thể thuê để sử dụng, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tăng doanh thu.
Ngành Nông nghiệp đánh giá, tại Đắk Nông, khâu logistics còn nhiều hạn chế. Điều này đòi hỏi sự tính toán, lồng ghép vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với đầu tư đồng bộ hạ tầng như về đất đai, kho bãi, giao thông, điện, nước… để phát triển logistics. Từ đó, tạo động lực để nông nghiệp Đắk Nông phát triển đồng bộ, hiệu quả, bền vững.