Kinh tế

Giảm bán thô, tăng chế biến để nông sản Đắk Nông vươn xa

Văn Tâm 03/05/2024 05:55

Đầu tư công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm là giải pháp mà các doanh nghiệp Đắk Nông đang triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Với điều kiện rất tự nhiên thuận lợi, Đắk Nông có nhiều tiềm năng để phát triển các loại cây trồng có giá trị, được thị trường ưa chuộng.

Nhiều loại nông sản tiêu biểu của Đắk Nông chủ yếu là cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, ca cao, khoai lang, bắp và cây ăn trái đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), người dân đầu tư chế biến sâu…

Nông sản tăng giá trị nhờ chế biến

Mặc dù điều kiện hạ tầng còn nhiều khó khăn, hệ thống kênh phân phối chưa phát triển, sức tiêu thụ còn thấp, nhưng các doanh nghiệp ở Đắk Nông đã nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm tăng cường chế biến để nâng cao giá trị cho nông sản địa phương.

thanh-thai(1).jpg
Dây chuyền chế biến cà phê tại HTX Nông nghiệp Công bằng Thanh Thái, huyện Krông Nô (Đắk Nông)

HTX Nông nghiệp Công bằng Thanh Thái, thôn Thanh Thái, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô đã liên kết với gần 250 thành viên trên địa bàn 3 xã Nâm Nung, Tân Thành và Đắk D’rô để xây dựng vùng nguyên liệu cà phê, với diện tích 500ha.

Trong đó, diện tích cà phê canh tác theo tiêu chuẩn 4C, RA gần 400ha, sản lượng gần 1.200 tấn/năm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ…

HTX cũng đạt chứng nhận vệ sinh an toàn cho cơ sở rang xay và chứng nhận OCOP 3 sao cho sản phẩm cà phê rang xay, cà phê phin giấy.

HTX đã chủ động liên kết với Công ty TNHH MTV Bazan Đắk Nông, Công ty Cổ phần Trà cà phê Việt Nam, Công ty Cổ phần Kai life… để tiêu thụ sản phẩm.

img_2965(1).jpg
Ông Lang Thế Thành (bên trái), Giám đốc HTX Nông nghiệp Công bằng Thanh Thái, huyện Krông Nô đã xây dựng vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao với diện tích gần 500ha

Ông Lang Thế Thành, Giám đốc HTX cho biết: “Để sản phẩm có vị thế, HTX không ngừng nghiên cứu nâng cao chất lượng, phát triển thị trường, tìm đầu ra ổn định.

Vì vậy, các công đoạn chế biến được thực hiện chặt chẽ và hiệu quả, thông qua quy trình kiểm tra từ nguyên liệu đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm”.

Còn Công ty TNHH Thương mại, xuất nhập khẩu Macca Sachi Thịnh Phát, TP. Gia Nghĩa là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực sản xuất và chế biến nông sản ở Đắk Nông.

Để phục vụ chế biến, công ty đã xây dựng vùng nguyên liệu mắc ca, mít, măng cụt, sầu riêng có quy mô lớn. Vùng nguyên liệu được áp dụng sản xuất theo các quy trình VietGAP, hữu cơ, đáp ứng các đòi hỏi về chất lượng đầu vào.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, Giám đốc Công ty cho biết, nguyên liệu tốt là yếu tố quyết định nâng cao chất lượng của sản phẩm sau chế biến.

Hiện tại, 4 sản phẩm của công ty gồm: mắc ca sấy, sầu riêng, măng cụt, mít sấy thăng hoa đều đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 4 sao. Các sản phẩm của công ty đã được người tiêu dùng đón nhận và có mặt tại các hệ thống bán lẻ uy tín trong cả nước.

ca-cao-dak-nong-2022-duong-phong-2(1).jpg
Ông Vũ Văn Nghĩa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Krông Nô xây dựng vùng nguyên liệu ca cao hơn 120ha và sản xuất được socola

Tương tự, năm 2022, sản phẩm bột ca cao và socola miếng Duy Nghĩa của HTX Nông nghiệp Krông Nô được công nhận sản phẩm Công nghiệp nông thôn cấp tỉnh.

Mỗi năm, HTX cung ứng ra thị trường gần 8 tấn sản phẩm socola các loại. Hiện tại, ngoài nguồn nguyên liệu thu mua từ các xã viên, HTX liên kết với các hộ dân lân cận để trồng và bao tiêu nguyên liệu.

Theo ông Vũ Văn Nghĩa, Giám đốc HTX, đơn vị đã chế biến thành công 3 sản phẩm từ ca cao bao gồm: socola nguyên chất 100%, socola 65% và socola sữa 40%. Hiện nay, mức giá ca cao thành phẩm được anh Nghĩa bán ra thị trường từ 180.000 - 300.000 đồng/kg tùy loại.

“Nhờ xây dựng được vùng nguyên liệu với diện tích trên 120ha, đồng thời quản lý được công nghệ, chất lượng đầu vào nên HTX đã chế biến được sản phẩm ca cao có chất lượng tốt. Năm 2021, sản phẩm bột ca cao và socola Duy Nghĩa của HTX được công nhận đạt OCOP hạng 3 sao", ông Nghĩa cho biết.

Thu hút và hỗ trợ đầu tư vào sản xuất, chế biến nông sản

Để phát triển sản phẩm công nghiệp khu vực nông thôn, Đắk Nông đang khuyến khích các nhà máy chế biến nông, lâm sản hiện có đổi mới trang thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại. Từ đó vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa tạo ra các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao.

Tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm công nghiệp mới; trong đó, tập trung vào các sản phẩm có lợi thế như: cà phê, tiêu, điều, cao su, cây ăn quả, gỗ, lâm sản ngoài gỗ và các sản phẩm từ chăn nuôi như thịt gia súc, gia cầm, mật ong, chế biến thức ăn gia súc...

img_5852(1).jpg
Ông Vũ Văn Nghĩa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Krông Nô với sản phẩm socola Duy Nghĩa

Lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Đắk Nông cho biết, ngành Công thương đang tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp phát triển, chế biến sâu các loại nông sản. Trong đó, nguồn lực khuyến công sẽ ưu tiên hỗ trợ chế biến các lĩnh vực có thế mạnh như cà phê, hồ tiêu, điều...

Những cơ sở hưởng lợi sẽ là những đơn vị có sản phẩm đạt các chứng nhận về chất lượng, có năng lực sản xuất tốt. Từ đó nhanh chóng mở rộng quy mô, thị trường, tăng tốc đưa sản phẩm của Đắk Nông vươn xa.

Ngành Công thương sẽ hỗ trợ tích cực các cơ sở tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến giao thương, kết nối cung - cầu để đưa các sản phẩm đến nhanh với thị trường.

Giai đoạn 2026-2030, Đắk Nông đặt chiến lược thu hút đầu tư các dự án chế biến cà phê, nâng công suất chế biến cà phê nhân lên 350.000 - 400.000 tấn/năm; cà phê bột từ 8.000 - 10.000 tấn/năm.

Sở Công thương tỉnh Đắk Nông

Ông Nguyễn Bá Út, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Nông cho biết, ngành Công thương ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn khuyến công cho phát triển sản xuất, chế biến nông sản, tạo ra các sản phẩm tiêu biểu trên thị trường, mở rộng đầu ra cho các loại sản phẩm.

ong-ut-mau.jpg
Đồ họa: Nguyễn Hiền

Mục tiêu của ngành Công thương là khuyến khích người dân, doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm nông, lâm nghiệp.

Đây là hướng đi giúp nông dân và doanh nghiệp thực hiện hiệu quả chuỗi liên kết nhằm nâng cao giá trị nông sản từ các sản phẩm chế biến sâu.

Văn Tâm