Cảnh giác trước tình trạng giả danh công an gọi điện thoại lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 17:23, 02/05/2024
Cụ thể, các đối tượng sử dụng các ứng dụng liên lạc trực tuyến như Facebook Messenger, Zalo, Viber…, hoặc sử dụng các số điện thoại ảo để liên lạc với người bị hại, giả danh cán bộ công an địa phương liên hệ hướng dẫn người dân xác nhận thông tin dữ liệu dân cư.
Đối tượng gửi đường link truy cập website với giao diện giả mạo Cổng Dịch vụ công quốc gia để người bị hại tải về, cài đặt ứng dụng di động “Dịch vụ công” với phần thông tin là “Cổng thông tin trực tuyến quốc gia”. Các đối tượng lập trình ứng dụng “Dịch vụ công” bao gồm 1 tập tin định dạng “*.apk” được dùng để cài đặt cho các thiết bị sử dụng hệ điều hành Android.
Theo đó, các đối tượng đã đính kèm trong mã nguồn của ứng dụng các bộ mã độc có chức năng theo dõi hoạt động của thiết bị, thu thập thông tin tài khoản ngân hàng, mật khẩu đăng nhập và cho phép đối tượng truy cập trái phép thiết bị từ xa để chiếm đoạt tài sản…
Để phòng tránh, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin ngân hàng, mã OTP cho người lạ, kể cả người tự xưng là cán bộ công an.
Các đường link chứa mã độc thường có tên miền nước ngoài, có độ tin cậy thấp, ít phổ biến như: *.info, *.asia, *.vip, *.tk, *.xyz, *.pw, *.co, *.cc,…
Đối với cơ quan Công an khi cần làm việc với công dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập hoặc liên hệ với Công an địa phương nơi công dân cư trú để mời lên trụ sở làm việc. Thông tin cơ quan Công an khóa tài khoản cá nhân của công dân là không chính xác. Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo giả mạo cán bộ Công an, đề nghị người dân liên hệ cơ quan Công an gần nhất tại nơi cư trú để được hỗ trợ.