Đắk Nông và mục tiêu phát triển hợp tác xã bền vững
Những năm qua, Trung ương và tỉnh Đắk Nông đã ban hành các nghị quyết, chương trình nhằm thúc đẩy hợp tác xã (HTX) phát triển bền vững.
Mục tiêu 20% dân số tham gia HTX
Đắk Nông hiện có 287 HTX. Các HTX đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho cộng đồng dân cư.
Các HTX tạo việc làm, giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. HTX cũng là nhân tố trụ cột trong xây dựng nông thôn mới. Doanh thu trung bình của HTX Đắk Nông ngày càng tăng lên, ước đạt khoảng 1,6 tỷ đồng/HTX.
Ông Nguyễn Khải, Chủ tịch Liên minh HTX Đắk Nông đánh giá: Các HTX tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp. Một số HTX đã và đang hình thành vùng nguyên liệu rộng lớn về phát triển cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái, rau, củ, quả, lúa gạo…
Bên cạnh đó, các HTX chú trọng hơn về chế biến, chế biến sâu nông sản. Hiện nay, hồ tiêu của HTX Nông nghiệp Hoàng Nguyên; cà phê của HTX Công bằng Thuận An; trái cây của HTX Tia Sáng; các sản phẩm từ gấc của HTX Nam Hà… đã xuất khẩu sang các nước.
Bên cạnh sự phát triển, HTX ở Đắk Nông vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém so với mức bình quân chung của HTX cả nước. Do đó, Đắk Nông đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20 của Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
UBND Đắk Nông ban hành Kế hoạch số 127 về thực hiện Chương trình hành động số 54 của Tỉnh ủy Đắk Nông về thực hiện Nghị quyết số 20.
Đắk Nông đặt mục tiêu đưa kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là HTX phát triển năng động, hiệu quả, bền vững. Tỉnh thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia vào HTX.
Thực hiện kế hoạch, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành đối với phát triển kinh tế tập thể, HTX.
Một trong những giải pháp đầu tiên là tỉnh phát triển số lượng, nâng cao chất lượng HTX. Đắk Nông phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 360 HTX, với 17.000 thành viên; 5 liên hiệp HTX, với 25-30 HTX thành viên.
Tỉnh bảo đảm trên 60% HTX đạt loại tốt, khá; 50% HTX trở lên tham gia chuỗi liên kết; 70 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Các HTX phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn liền với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.
Đến năm 2045, Đắk Nông thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể, HTX. Tỉnh bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể, HTX hoạt động có hiệu quả, trong đó ít nhất 75% tham gia chuỗi liên kết. Các HTX đều áp dụng công nghệ, ít nhất chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên cho biết, Đắk Nông có đất đai rộng lớn, phù hợp phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Trong tiến trình xây dựng tỉnh Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển, các HTX có vị trí rất quan trọng.
Vì vậy, Đắk Nông tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ HTX phát triển, phù hợp với tình hình, giai đoạn mới. Các huyện, thành phố phải xem các HTX là chủ thể để kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước và đầu tư, quản lý của tập thể người dân.
Tỉnh tiếp tục nghiên cứu chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực, ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu.
Tỉnh tập trung hỗ trợ các HTX về nguồn nhân lực, chính sách đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học, công nghệ, thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường, chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chuyển đổi số. Đắk Nông tiếp tục nâng cao quỹ hỗ trợ phát triển HTX với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và bảo lãnh tín dụng đầu tư.
Đắk Nông đang nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích tăng góp vốn và huy động từ thành viên để tăng nguồn vốn hoạt động, tăng vốn đầu tư phát triển, tăng tài sản không chia của HTX, thực hiện hoạt động tín dụng nội bộ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên cho biết, tỉnh khuyến khích liên kết kinh tế giữa các HTX. Tỉnh nghiên cứu xây dựng thí điểm một số liên hiệp HTX hoạt động chuyên môn hóa cao trong một số ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ngành nông nghiệp.
Đắk Nông nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của HTX để tăng tiềm lực tài chính, quy mô hoạt động và uy tín. Tỉnh đổi mới phương thức hoạt động của HTX theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực.
Việc liên kết giữa HTX với các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là liên kết với doanh nghiệp Nhà nước cũng được tăng cường. Doanh nghiệp Nhà nước ưu tiên hỗ trợ liên kết tiêu thụ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ, tạo điều kiện cho các HTX hoạt động hiệu quả, sớm khắc phục tình trạng thiếu liên kết giữa kinh tế Nhà nước với HTX.
Nâng cao hiệu quả quản lý
Hiện nay, Đắk Nông đang chú trọng củng cố và nâng cao vai trò, trách nhiệm đối với ban chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế tập thể, HTX ở các cấp. Từ đó, tỉnh tạo sự thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt, toàn diện trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, điều hành tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 20 và pháp luật về phát triển HTX.
Người đứng đầu cấp ủy đảng phải xác định rõ trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX, là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Tỉnh xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có chuyên môn nghiệp vụ, được đào tạo chuyên sâu về kinh tế tập thể, HTX.
Tỉnh tiếp tục kiện toàn, tăng cường hoạt động của Liên minh HTX tỉnh để khẳng định vai trò đại diện, chăm lo, hỗ trợ, khuyến khích và bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các HTX thành viên.
Liên minh HTX phát huy vai trò “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với HTX, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội và triển khai vận động và phối hợp với các cơ quan, ban, ngành thực hiện các chính sách liên quan về HTX.