Chính trị

Sức mạnh dân tộc và khát vọng hùng cường

P.V 30/04/2024 05:50

Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi. Trang sử ấy đã và đang được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta biến thành khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.

Trang sử hào hùng

Sau năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Nhân dân ta vừa giành thắng lợi chưa được bao lâu, nhưng với âm mưu thôn tính miền Nam, chia cắt lâu dài đất nước ta, phá hoại nền độc lập của dân tộc ta, thế lực cầm quyền hiếu chiến Mỹ đã đưa quân xâm lược miền Nam. Chúng biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự, làm bàn đạp tấn công miền Bắc Việt Nam và các nước XHCN.

screenshot-2025-.png
Quân giải phóng trong chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh tư liệu

Thiết tha yêu hòa bình, nhưng kẻ thù lại buộc Nhân dân ta phải cầm súng bước vào cuộc kháng chiến cứu nước trường kỳ vô cùng gian khổ. Hàng triệu người Việt Nam yêu nước đã chung sức, đồng lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, lần lượt đánh bại các chiến lược của địch, từ chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", "Chiến tranh cục bộ" đến chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh".

Cùng "chia lửa" với đồng bào miền Nam, quân và dân miền Bắc đã kiên cường đánh bại nhiều trận phá hoại của Mỹ bằng không quân và hải quân, làm cho địch thất bại nặng nề trên cả hai miền Nam - Bắc, tạo bước phát triển mới cả về thế và lực trên khắp các chiến trường, là điều kiện để ta quyết định đánh đòn "điểm huyệt" Buôn Ma Thuột (ngày 10/3/1975), lần lượt giải phóng các tỉnh Tây Nguyên, ven biển miền Trung và hải đảo, miền Đông Nam Bộ.

screenshot-2026-.png
Quân giải phóng tiến vào đánh chiếm sân bay Hòa Bình ở thị xã Buôn Ma Thuột. Ảnh tư liệu

Đúng 17 giờ ngày 26/4/1975, chiến dịch mang tên Bác Hồ vĩ đại giải phóng Sài Gòn - Gia Định bắt đầu. Các quân đoàn chủ lực tinh nhuệ của ta cùng lúc tiến công với tinh thần "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng" đồng thời với sự nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng ở nội, ngoại thành Sài Gòn - Gia Định, quân và dân ta đã nhanh chóng khống chế toàn bộ lực lượng của địch từ Trung ương đến cơ sở. Ngày 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng, miền Nam và cả nước ngập tràn sắc đỏ cờ, hoa mừng ngày hội lớn - ngày hội đại thắng của toàn dân tộc Việt Nam.

Chiến thắng 30/4/1975 là trang sử hào hùng, một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta đã góp phần cổ vũ các dân tộc trên thế giới kiên cường giương cao ngọn cờ độc lập, dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội, tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp chống chủ nghĩa đế quốc, công cuộc giải phóng dân tộc, giải phóng con người.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 bắt đầu từ ngày 4/3/1975 bằng ba đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định kết thúc vào ngày 30/4/1975. Qua gần 2 tháng chiến đấu với sức mạnh áp đảo, quân và dân ta đã toàn thắng, thu non sông về một mối.

Thắng lợi của Nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm lịch sử của dân tộc. Thắng lợi đó cũng là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên, khích lệ các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc, mở đầu sự phá sản của chủ nghĩa thực dân mới trên toàn thế giới.

trang-2.png
Nguồn: Vietnamplus.vn

Phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc

Bước tiếp trên con đường chiến thắng 30/4, sau ngày miền Nam giải phóng và đất nước thống nhất, Nhân dân ta đã nhanh chóng bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh và tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đặt ra cho dân tộc ta những thách thức mới to lớn.

hcml-3.jpg
Tòa nhà Landmark 81 và khu vực Vinhomes Tân Cảng lung linh trong bình minh. Nơi đây được ví như “thành phố thu nhỏ” ven sông Sài Gòn. Tòa nhà 81 tầng, cao 461,3m được lấy cảm hứng từ hình ảnh bó tre truyền thống với hình dáng vươn lên mạnh mẽ. Ảnh nguồn TTXVN

Trong bối cảnh đó, lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng tiếp tục được thể hiện sinh động trên tất cả các lĩnh vực, như: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc và an ninh chính trị; lao động sản xuất, nghiên cứu, học tập, tận dụng những thành tựu khoa học, công nghệ; trợ giúp kịp thời người dân trong thiên tai, thảm họa; đoàn kết dân tộc, tương thân, tương ái; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…

Năm nay, chúng ta kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong bối cảnh quan trọng. Đây là năm thứ tư thực hiện kế hoạch 5 năm (2021 – 2025), đồng thời là thời điểm tập trung chỉ đạo công tác chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Nhìn lại quý I năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội nước ta có những điểm sáng, với thời cơ và vận hội để phát huy hiệu quả hơn các động lực hiện có và tạo dựng các động lực mới cho phát triển.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 539,5 ngàn tỷ đồng, bằng 31,7% dự toán năm và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Cả nước có 59,9 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, bình quân một tháng có gần 20 ngàn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước...

Đóng góp vào thành tựu chung trên, với sự chủ động, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh Đắk Nông, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong quý ổn định, duy trì đà tăng trưởng. Trong đó, tăng trưởng GRDP ước đạt 5,77%, đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 3.898 tỷ đồng, đạt 19,49% (tăng 3,23% so với cùng kỳ năm 2023).

Khát vọng hùng cường

Khát vọng hùng cường là cách nói vắn tắt và mang tính khái quát cao đã được thể hiện rõ trong văn kiện tại Đại hội XIII của Đảng. Lần đầu tiên, Đảng ta đặt ra vấn đề khơi gợi, thúc đẩy khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh với các cột mốc cụ thể, 100 năm thành lập Đảng (năm 2030), 100 thành lập nước (năm 2045).

hcml-2.jpg
Trụ sở UBND TP. HCM, số 86, Lê Thánh Tôn, quận 1. Đây là một trong những công trình kiến trúc cổ điển, mang tính biểu tượng và gắn liền với nhiều thế hệ công dân TP. HCM. Công trình được xây dựng từ năm 1898 - 1909 do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế. Ảnh nguồn TTXVN

Các chuyên gia nhận định, nêu vấn đề khát vọng hùng cường trong bối cảnh hiện nay là rất phù hợp. Bởi chỉ độ mươi năm trước, Việt Nam chúng ta còn là nước chậm phát triển, nói cách khác là “nước nghèo”, vị thế dù không ngừng được nâng cao nhưng với không ít bạn bè quốc tế, thậm chí là người Việt Nam ở nước ngoài, vẫn còn nhìn chúng ta khá dè dặt. Không ít bạn bè quốc tế vẫn nhớ đến Việt Nam như là một quốc gia giỏi chiến đấu, đã đánh thắng những đế quốc sừng sỏ, chứ chưa nhận ra sự vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam về kinh tế, về hội nhập quốc tế. Bản thân một số người Việt Nam ra nước ngoài vẫn còn tự ti với tấm hộ chiếu của mình…

Trong khoảng một thập niên gần đây, thế và lực của nước ta đã được nâng lên rõ rệt. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đó là kết quả của các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững, được quốc tế đánh giá cao; là không ngừng nâng cao chất lượng sống của người dân, đẩy mạnh chống tham nhũng, mở rộng các quyền tự do, dân chủ của Nhân dân; là phát huy vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và thế giới; là thái độ kiên quyết, kiên trì chống lại các âm mưu xâm phạm chủ quyền của đất nước bằng các biện pháp hòa bình…

Việt Nam hiện nay trong mắt bạn bè quốc tế là quốc gia có chỉ số tăng trưởng kinh tế nhanh hàng đầu thế giới, là nước có nhiều danh thắng có thể trở thành điểm đến của du khách, là quốc gia yên bình, thân thiện, hiếu khách, là nơi có thể đến đầu tư do có nhiều lợi thế…

hcml-8.jpg
TP. HCM ngày càng phát triển trở thành một đô thị hiện đại, văn minh

Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: "Không được ngủ quên trên chiến thắng". Nếu so với các quốc gia có những câu chuyện thần kỳ về sự phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…, Việt Nam vẫn còn những khoảng cách khá xa để theo kịp và hướng tới sự thịnh vượng ngang bằng với những quốc gia được cho là hình mẫu này. Và thể chế vẫn là một trong những nút thắt và lực cản đối với nền kinh tế nước ta, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII vẫn khẳng định "cải cách thể chế là một trong những đột phá quan trọng”… Đổi mới thể chế mà trước hết là đổi mới tư duy về thể chế để thể chế thực sự trở thành động lực quan trọng, có giá trị dẫn đường, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.

Để phát huy vai trò của Nhà nước đối với mục tiêu khát vọng hùng cường, theo các chuyên gia cần đẩy nhanh hoàn thiện, cải cách và nâng cao chất lượng thể chế cũng như thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Đổi mới thể chế, trong đó, đổi mới tư duy về thể chế, tư duy quản lý Nhà nước phải đi đầu… tức là phải đổi mới tư duy lãnh đạo và tầm nhìn của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Và mọi đổi mới, cải cách cũng phải được bắt đầu từ người lãnh đạo có khát vọng, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, quan trọng hơn là dám thay đổi và từ bỏ những thứ đã cũ và lạc hậu…

Cùng với đó, phải quyết liệt đổi mới mô hình giáo dục một cách hiệu quả hướng tới khoa học thực tiễn cho đời sống; thông qua giáo dục - đào tạo để tác động, thay đổi chất lượng nguồn nhân lực quốc gia, nâng cao năng suất lao động… Giáo dục là nền tảng quan trọng để vươn tới khát vọng hùng cường. Một dân tộc hiếu học thì không thể chấp nhận tụt hậu về khoa học và tri thức. Một dân tộc thông minh, cần cù thì không thể cam chịu yếu kém và nghèo nàn.

Bên cạnh giáo dục về tri thức, giáo dục để làm người thì cần phải giáo dục để hình thành, nuôi dưỡng khát vọng và trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với sự hùng cường của dân tộc. Lực lượng thanh niên chính là rường cột, là tương lai của nước nhà… Thanh niên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện cũng như hun đúc thêm niềm tin mãnh liệt vào tương lai của đất nước, kế thừa truyền thống cách mạng của các thế hệ đi trước; góp phần đưa đất nước Việt Nam đi lên giàu mạnh và phồn vinh, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong ước…

Với khát vọng Việt Nam hùng cường và các mục tiêu cụ thể được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII bằng các cột mốc cụ thể vào năm 2030, 2045, chúng ta đã có những tiền đề quan trọng để đi xa! Nhưng để đi đến đích, cần sự nỗ lực, chung sức của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong vai trò, vị trí cụ thể của mình.

Khát vọng hùng cường hoàn toàn trở thành hiện thực khi có sự đồng thuận, hưởng ứng của Nhân dân, khi mà “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, muôn dân đoàn kết một lòng cùng hướng về mục tiêu khát vọng hùng cường của dân tộc, sự thịnh vượng của Nhân dân. Khi đó mục tiêu hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường năm 2045 sẽ trở thành hiện thực.

P.V